YouMed

Thời gian ủ bệnh thủy đậu là bao lâu?

BS Tô Hồng Phương Thanh
Tác giả: Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Thủy đậu là căn bệnh lành tính. Song bệnh có nhiều giai đoạn và dễ để lại sẹo, gây biến chứng nguy hiểm. Trong đó, thời gian ủ bệnh thủy đậu cũng thường được nhiều người quan tâm. Liệu không biết trong thời điểm này bệnh có lây không? Cách phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu về thời gian ủ bệnh thủy đậu là bao lâu qua bài viết bên dưới. 

Định nghĩa và nguyên nhân gây bệnh thủy đậu

Varicella – zoster virus (viết tắt VZV) là thành viên của họ Herpesviridae và chính là nguyên nhân gây nên hai bệnh cảnh: Bệnh thủy đậuBệnh Zona. Trong đó, bệnh thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng rất hay lây và có thể gây thành đại dịch. Biểu hiện lâm sàng chính là phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc. Đa số trường hợp bệnh diễn tiến lành tính mặc dù vậy trong một vài trường hợp bệnh vẫn có thể gây tử vong nhất là trên những đối tượng đặt biệt như suy giảm miễn dịch do các biến chứng trầm trọng như viêm phổi, viêm não do thủy đậu.

Trong giai đoạn đầu của bệnh VZV sẽ xâm nhập vào các mô lympho ở vùng mũi họng thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh, sau đó virus sinh sản và phát triển lan rộng từ tế bào này sang tế bào khác, cuối cùng vào máu đi khắp cơ thể.1

Thời gian ủ bệnh thủy đậu là bao lâu?

Thời kỳ ủ bệnh được định nghĩa là từ khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh đến khi xuất hiện triệu chứng, dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Trong bệnh thủy đậu, thời kỳ ủ bệnh được xác định từ lúc tiếp xúc với Varicella – zoster virus đến lúc có triệu chứng đầu tiên, thay đổi từ 10 – 20 ngày, trung bình 14 – 15 ngày, thời kỳ ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sức đề kháng của bệnh nhân, can thiệp điều trị khi vừa tiếp xúc với nguồn bệnh.2

Dấu hiệu nhận biết giai đoạn ủ bệnh thủy đậu?

Như đã đề cập ở trên, thời kỳ ủ bệnh được tính từ lúc tiếp xúc với tác nhân gây bệnh đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh, nên gần như trong suốt thời kỳ này người bệnh không có bất kỳ dấu hiệu nào nhận biết bệnh. Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt, ăn uống bình thường và ghi nhận là có tiền sử tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu.

Các giai đoạn khác của bệnh thủy đậu?

Sau giai đoạn ủ bệnh kéo dài trung bình 14 – 15 ngày, người bệnh sẽ vào giai đoạn khác của bệnh, bao gồm: giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát, giai đoạn hồi phục:2

1. Giai đoạn khởi phát

Khi bước vào thời kỳ khởi phát, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng đầu tiên như sốt nhẹ, có thể kèm ớn lạnh, đôi khi sốt cao. Sốt cao thường gặp ở những người già, người suy giảm miễn dịch. Đi kèm với sốt là biểu hiện mệt mỏi, cảm giác khó chịu, đau họng, ăn uống kém, đau nhức người,…

Một số bệnh nhân có thể xuất hiện hồng ban, kích thước vài mm, nổi trên nền da bình thường, có thể ngứa hoặc không – đây chính là tiền thân của những bóng nước, thường xuất hiện 24 giờ trước khi trở thành bóng nước.

Thời kỳ này kéo dài khoảng 24 – 48 giờ trước khi bước vào giai đoạn toàn phát.

2. Giai đoạn toàn phát

Thời kỳ toàn phát hay còn gọi là thời kỳ đậu mọc, bắt đầu xuất hiện rầm rộ những triệu chứng của bệnh, đặc trưng bởi phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc. Lúc này bệnh nhân có thể giảm sốt hoặc hết sốt, tuy nhiên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch vẫn có thể sốt cao do tình trạng nhiễm độc nặng.

giai đoạn toàn phát thuỷ đậu
Giai đoạn toàn phát thuỷ đậu là giai đoạn xuất hiện các triệu chứng rõ nét

Đặc điểm của bóng nước

Hình dạng: Hình tròn hoặc hình giọt nước trên viền da màu hồng.

Kích thước: có đường kính thay đổi 3 – 13 mm, đa số số có kích thước < 5 mm.

Đặc điểm: bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, sau khoảng 24 giờ thì hóa đục, đóng mày. Bóng nước mọc nhiều đợt trên cùng một diện tích da vì vậy người bệnh có thể quan sát thấy bóng nước với nhiều mức độ khác nhau: dạng phát ban, dạng bóng nước trong, dạng bóng nước đục, bóng nước đã đóng mày.

Triệu chứng kèm theo: ngứa, nếu như bóng nước vỡ ra sẽ có nguy cơ nhiễm trùng.

Vị trí

Xuất hiện đầu tiên ở thân mình, sau đó lan ra mặt và tứ chi, bóng nước có thể ở da hoặc niêm mạc như niêm mạc miệng, niêm mạc đường tiêu hóa khiến cho bệnh nhân nuốt đau, nôn ói, đau bụng.

Hình ảnh bóng nước qua các giai đoạn
Hình ảnh bóng nước qua các giai đoạn

Trong giai đoạn toàn phát ngoài sự xuất hiện rầm rộ của bóng nước, trên những cơ địa đặc biệt: suy giảm miễn dịch, ung thư máu, bệnh nhân HIV/AIDS,.. có thể sẽ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não – màng não,.. thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Người bệnh có thể tìm hiểu kĩ hơn về biến chứng của bệnh trong bài “Biến chứng thủy đậu có nguy hiểm không?”

3. Giai đoạn hồi phục

Sau khoảng 1 tuần thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục. Bóng nước sẽ khô dần, đóng vảy, vùng da nổi bóng nước sẽ giảm sắc tố da (trắng hơn so với nền da bình thường) kéo dài nhiều ngày đến nhiều tuần nhưng không để lại sẹo. Bóng nước chỉ để lại sẹo nếu có biến chứng nhiễm trùng, sẹo có nền hơi lõm có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài hoặc thành sẹo vĩnh viễn, vì vậy việc giữ cho các bóng nước không vỡ tránh nguy cơ bội nhiễm là một việc hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, những người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh da sẵn như chàm, sạm da do nắng thì các tổn thương da sẽ hồi phục chậm hơn.

Bệnh thủy đậu lây lan vào giai đoạn nào?

Theo những hiểu biết hiện tại về bệnh thủy đậu, bệnh có thể lây trước giai đoạn phát ban 48 giờ vả kéo dài cho đến khi mụn nước đóng mài.3 Thời gian này có thể kéo dài khoảng 7 ngày, tuy nhiên có thể lâu hơn, tùy vào số lượng, thời gian đóng mài của tất cả các bóng nước. Điều này có nghĩa là sẽ có một giai đoạn người bệnh phát tán mầm bệnh mà khi không có bất kỳ triệu chứng nào. Chính việc này đã gây khó khăn rất nhiều cho quá trình phòng ngừa bệnh bằng phương pháp cách ly.

Vì vậy hiện nay cách phòng tránh lây lan hiệu quả nhất chính là tiêm vaccine. Vaccine thủy đậu được các nhà khoa học Nhật Bản tìm ra từ năm 1970, từ đó đến nay bệnh thủy đậu đã được đẩy lùi đáng kể. Vắc xin có vai trò ngăn ngừa 80% bệnh thủy đậu ở mọi mức độ, 95 – 98% trong việc ngăn ngừa bệnh trung bình – nặng, các biến chứng cần sự chăm sóc y tế hoặc tử vong, > 99% trong việc ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng.4 5

Làm gì khi phát hiện bệnh thủy đậu?

Hiện nay, theo phân loại của WHO, thủy đậu được xếp nhóm bệnh nhẹ, vẫn là một bệnh lành tính và có thể tự giới hạn trên một cơ thể có miễn dịch đầy đủ.6 Tuy nhiên, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng với sự xuất hiện của những biến chứng nguy hiểm nếu bệnh nhân suy giảm miễn dịch, không được chăm sóc y tế hoặc không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Vì vậy, khi người bệnh nghi ngờ mắc bệnh thủy đậu cần bình tĩnh đến cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm để được chẩn đoán rõ ràng và được tư vấn chăm sóc y tế khi cần thiết. Trường hợp người bệnh được điều trị ngoại trú thì cần tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ điều trị trong việc theo dõi dấu hiệu nặng, biểu hiện của biến chứng, cũng như lịch trình tái khám.

Việc phòng tránh lây lan cho những người xung quanh cũng là một việc quan trọng khi người bệnh phát hiện mình mắc bệnh thủy đậu. Vì bệnh lây qua đường hô hấp và trực tiếp với dịch của bóng nước nên người bệnh thủy đậu nên được cách ly cho đến khi tất cả các bóng nước khô và đóng mài.

Đối với người bệnh thủy đậu7

  • Nằm trong phòng riêng, thoáng khí
  • Sử dụng riêng các vật dụng sinh hoạt hằng ngày: khăn mặt, chén, cốc,…
  • Vệ sinh mũi họng hằng ngày với dung dịch nước muối sinh lý 0.9%.
  • Mặc quần áo rộng, thoải mái, chăn gối mềm mỏng để tránh cọ xát làm vỡ bóng nước.
  • Đối với những bóng nước trên da đã vỡ, có thể dùng dung dịch xanh Methylene để chấm, lưu ý chỉ chấm lên các bóng nước đã vỡ, không chấm lên toàn vùng da xung quanh hoặc các mụn nước chưa vỡ.
  • Đối với những bóng nước niêm mạc đặc biệt trong niêm mạc miệng làm cho người bệnh đau nhiều và khó khăn trong quá trình ăn uống, vì vậy người bệnh chỉ nên ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống thật nhiều nước, tránh những thức ăn, thức uống có chứa axit hoặc nồng độ muối cao.
  • Tránh làm vỡ các bóng nước vì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng da, điều này có thể để lại sẹo xấu trên da. Nền cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay sạch hoặc đeo bao tay để tránh trẻ gãi gây trầy xước bóng nước tạo cơ hội cho vi khuẩn bội nhiễm.
Thoa Methylene đúng cách, chỉ chấm lên các bóng nước đã vỡ
Thoa Methylene đúng cách, chỉ chấm lên các bóng nước đã vỡ

Người tiếp xúc với người bệnh thủy đậu

  • Vì bệnh lây truyền qua đường hô hấp thì người tiếp xúc cần đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
  • Sau tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.

Lưu ý những trường hợp xuất hiện những triệu chứng nặng theo lời dặn của bác sĩ như sốt cao khó hạ, khó thở, co giật,… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị.

Bài viết đã giải đáp câu hỏi thời gian ủ bệnh thủy đậu trong bao lâu. Bên cạnh việc nhận biết các giai đoạn bệnh, người bệnh cần chú ý chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, có biện pháp phòng người hiệu quả.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Varicella-Zoster virus pathogenesis and immunobiology: new concepts emerging from investigations with the SCIDhu mouse modelhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15708984/

    Ngày tham khảo: 19/09/2022

  2. Đại học Y Dược TP. HCM (2020). Bệnh truyền nhiễm. Nhà xuất bản Y học. TP. Hồ Chí Minh. Trang 277 – 288.

  3. Chickenpoxhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/symptoms-causes/syc-20351282

    Ngày tham khảo: 19/09/2022

  4. Global Varicella Vaccine Effectiveness: A Meta-analysishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26908671/

    Ngày tham khảo: 19/09/2022

  5. Varicella Vaccine Effectiveness and Duration of Protectionhttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd-vac/varicella/hcp-effective-duration.htm

    Ngày tham khảo: 19/09/2022

  6. Varicellahttps://www.who.int/teams/health-product-and-policy-standards/standards-and-specifications/vaccine-standardization/varicella

    Ngày tham khảo: 19/09/2022

  7. Chickenpox and shingles infectionhttps://pharmaceutical-journal.com/article/ld/chickenpox-and-shingles-infection

    Ngày tham khảo: 19/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người