Bác sĩ khuyến cáo 5 loại thực phẩm điều hòa kinh nguyệt
Nội dung bài viết
Chu kì kinh nguyệt là một yếu tố phản ánh sức khỏe của một người phụ nữ. Ngoài kiến thức chăm sóc cơ thể ngày “đèn đỏ”, phụ nữ cũng cần biết chu kì kinh nguyệt bình thường là như thế nào. Xã hội ngày càng hiện đại, quỹ thời gian để phụ nữ chăm sóc bản thân và cân bằng nhịp sống ngày càng eo hẹp. Điều đó có thể dẫn đến những rối loạn về kinh nguyệt. Bài viết này sẽ giới thiệu những phương pháp và các loại thực phẩm điều hòa kinh nguyệt mà bạn cần biết.
Nguyên nhân dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều?
Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:1
Mang thai hoặc cho con bú
Chậm kinh có thể là một dấu hiệu sớm của việc mang thai. Cho con bú thường làm chậm kinh nguyệt trở lại sau khi mang thai.
Rối loạn ăn uống, giảm cân quá mức hoặc tập thể dục quá mức
Rối loạn ăn uống – chẳng hạn như chán ăn tâm thần – giảm cân quá mức và tăng cường hoạt động thể chất có thể làm gián đoạn kinh nguyệt.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang là chứng rối loạn hệ thống nội tiết phổ biến, phụ nữ có thể có kinh nguyệt không đều cũng như buồng trứng to ra có chứa các tập hợp nhỏ chất lỏng – được gọi là nang – nằm trong mỗi buồng trứng khi khám siêu âm.
Suy buồng trứng sớm
Suy buồng trứng sớm là tình trạng mất chức năng buồng trứng bình thường trước tuổi 40. Những phụ nữ bị suy buồng trứng sớm – còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát – có thể có kinh nguyệt không đều hoặc không thường xuyên trong nhiều năm.
Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Nhiễm trùng cơ quan sinh sản này có thể gây chảy máu kinh nguyệt không đều.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là sự phát triển không phải ung thư của tử cung. Chúng có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài.
Chế độ dinh dưỡng giúp điều hòa kinh nguyệt
Bên cạnh việc đi khám và điều trị bằng thuốc, các chị em cũng nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của mình. Vào những ngày “đèn đỏ” phụ nữ thường nhạy cảm, mệt mỏi, khó chịu, chế độ ăn hợp lí đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, tinh thần thoải mái hơn và bù lại được lượng máu đã mất.
- Chọn lựa phương pháp chế biến thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ví dụ, bạn nên hấp luộc rau củ quả thay vì chiên xào.
- Cân đối bữa ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng với tỉ trọng hài hòa giữa các nhóm. Tăng cường ăn rau xanh và các loại hạt để cung cấp năng lượng, các vitamin thiết yếu và chất xơ.
- Ăn cá từ 2 – 3 lần mỗi tuần.
- Uống nước lọc thay cho nước ngọt, nước trái cây đóng hộp, thức uống có cồn.
- Sử dụng dầu thực vật để nấu nướng, ví dụ: dầu ô liu, dầu hướng dương.
Các nhà khoa học khuyến cáo rằng các loại thực phẩm giàu omega-3 (như cá, hạt chia), giàu canxi (các loại đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo) và vitamin D là các loại thực phẩm điều hòa kinh nguyệt. Các loại thịt nạc từ gà, cá, bò giúp bổ sung chất sắt và chất đạm, rất quan trọng cho phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Những loại thực phẩm điều hòa kinh nguyệt
Gừng – Thực phẩm điều hòa kinh nguyệt2 3
Gừng là thực phẩm có vị cay, tính ấm với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Ngoài chữa cảm lạnh, gừng còn là thực phẩm điều hòa kinh nguyệt. Triệu chứng đau bụng kinh sẽ được giải tỏa hiệu quả với một tách trà gừng nóng. Không nên dùng gừng chung với thuốc aspirin hoặc coumaric vì có thể đem lại các tác dụng phụ.
- Gừng có tính ấm giúp giảm đau bụng kinh
Đu đủ4
Đu đủ là một loại trái cây có tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Bên cạnh đó, đu đủ còn là thực phẩm điều hòa kinh nguyệt. Quả đu đủ chín chứa nhiều caroten và đu đủ xanh có chất nhựa trắng chứa papain. Caroten kích thích tiết estrogen – một hormone điều hòa kinh nguyệt. Còn papain tác dụng trên việc co bóp cơ tử cung, giúp tống xuất kinh nguyệt được thuận lợi. Tuy nhiên, cần hạn chế sử dụng đu đủ xanh trong những ngày hành kinh để tránh co bóp tử cung quá mức.
Dứa5
Dứa là một loại quả nhiều vitamin và khoáng chất giúp điều hòa kinh nguyệt. Dứa chứa enzym bromelain, một enzym phân hủy protein. Thế nên, dứa được kho chung với thịt giúp thịt mềm ngọt hơn. Với công dụng đó, dứa giúp bong tróc lớp niêm mạc của tử cung, tạo thành kinh nguyệt. Ngoài ra, dứa còn giúp tái tạo các tế bào máu nên sẽ cải thiện tình trạng mất máu sau mỗi chu kì kinh. Lưu ý, nếu ăn quá nhiều dứa có thể gây rát lưỡi hoặc ăn dứa lúc đói sẽ gây cồn cào bụng.
Nghệ5
Nghệ là một gia vị thường dùng khi chế biến món ăn ở Việt Nam. Nghệ có chứa chất curcumin, có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn. Trong chu kì kinh, nghệ làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng, bồn chồn, mệt mỏi. Nguyên nhân vì nghệ giúp điều hòa các hormone sinh sản. Nghệ không chỉ là một vị thuốc giúp chữa các bệnh về dạ dày mà còn là thực phẩm điều hòa kinh nguyệt.
Bổ sung vitamin D
Vitamin D hỗ trợ hấp thu calci giúp xương chắc khỏe. Vitamin D còn là thực phẩm điều hòa kinh nguyệt thông qua việc điều hòa quá trình rụng trứng. Một nghiên cứu năm 2015 đã tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ vitamin D máu thấp và tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Để cung cấp vitamin D cho cơ thể, có thể tham gia các hoạt động ngoài trời. Khi đó, ánh nắng tiếp xúc với da giúp sản sinh ra vitamin D. Nếu lo ngại nguy cơ ung thư da khi phơi nắng, bạn có thể bổ sung vitamin D từ cá béo, sữa… Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D cũng được khuyến cáo sử dụng.
Các phương pháp khác giúp bạn điều hòa kinh nguyệt tốt hơn
Ngoài chế độ dinh dưỡng, những phương pháp thay đổi lối sống sau đây cũng giúp bạn điều hòa kinh nguyệt:5
Giải tỏa căng thẳng
Căng thẳng được nghiên cứu có mối liên quan đến rối loạn kinh nguyệt. Áp dụng các phương pháp giảm stress cũng giúp điều hòa kinh nguyệt. Bạn cần tránh những tình huống gây căng thẳng cho bản thân, cân bằng các mối quan hệ trong cuộc sống. Nếu không thể tránh khỏi stress, bạn nên giảm nhẹ tác động của stress lên cơ thể
Thiền
Thiền là một phương pháp đơn giản giúp giảm stress tại nhà hoặc nơi làm việc. Để chuẩn bị thiền, bạn cần tìm một nơi yên tĩnh, thả lỏng cơ thể và tập trung vào hơi thở. Tập yoga là một dạng thiền kết hợp tập luyện mà phụ nữ có thể thử tại nhà. Yoga Nidra6 – yoga cho giấc ngủ được dùng để đưa tâm trí bạn vào trạng thái thư giãn sâu nhất trong khi vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Tập Yoga Nidra là một phương pháp hiệu quả để điều hòa kinh nguyệt. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy Yoga Nidra giúp cân bằng nồng độ hormone và điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ rong kinh, cường kinh.
Vận động
Vận động là yếu tố thiết yếu để điều hòa kinh nguyệt. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ tập luyện thể thao thường xuyên sẽ giảm các triệu chứng hành kinh. Khi tập luyện thường xuyên, cơ thể sẽ tiết ra các hormone hạnh phúc là endorphin và serotonin. Hai hormone này giúp cho cơ thể cảm thấy vui vẻ, ngủ ngon và kinh nguyệt đều đặn hơn. Tuy nhiên, cân bằng giữa thời gian, mức độ tập luyện với sức khỏe là rất quan trọng. Nếu tập luyện quá sức, chu kì kinh nguyệt có thể bị gián đoạn hoặc ngưng.
Duy trì cân nặng lý tưởng
Sự thay đổi cân nặng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh. Nếu cân nặng quá thấp, chu kỳ kinh có thể kéo dài thậm chí ngừng lại. Nguyên nhân là vì cơ thể cần chất béo để tạo ra các hormone sinh dục. Tương tự, nếu béo phì hoặc dư cân cũng khiến cho kinh nguyệt rối loạn. Chính vì thế, phụ nữ cần duy trì cân nặng lí tưởng phù hợp để hệ sinh sản khỏe mạnh.
Khi phát hiện kinh nguyệt của mình bất thường, đầu tiên hãy tìm gặp bác sĩ để được tư vấn. Nếu sức khỏe bình thường, hãy tham khảo các phương pháp và thực phẩm điều hòa kinh nguyệt nêu trên để giúp kinh nguyệt đều hơn. Một chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh, kèm thái độ sống tích cực là chìa khóa giúp điều hòa kinh nguyệt
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Menstrual cycle: What's normal, what's nothttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/womens-health/in-depth/menstrual-cycle/art-20047186
Ngày tham khảo: 28/09/2022
-
Effect of Zingiber officinale R. rhizomes (ginger) on pain relief in primary dysmenorrhea: a placebo randomized trialhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3518208/
Ngày tham khảo: 28/09/2022
-
Những công dụng đặc biệt của củ gừnghttps://suckhoedoisong.vn/nhung-cong-dung-dac-biet-cua-cu-gung-n86526.html
Ngày tham khảo: 28/09/2022
-
Benefits of Fermented Papaya in Human Healthhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8870802/
Ngày tham khảo: 28/09/2022
-
6 biện pháp tại nhà giúp điều hòa kinh nguyệthttps://suckhoedoisong.vn/6-bien-phap-tai-nha-co-the-giup-dieu-hoa-kinh-nguyet-169220619120538411.htm
Ngày tham khảo: 28/09/2022
-
Impact of Yoga Nidra on menstrual abnormalities in females of reproductive agehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23647406/
Ngày tham khảo: 28/09/2022
-
Can home remedies help regulate your period?https://www.medicalnewstoday.com/articles/324781
Ngày tham khảo: 28/09/2022
-
Lower plasma 25-hydroxyvitamin D is associated with irregular menstrual cycles in a cross-sectional studyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4359493/
Ngày tham khảo: 28/09/2022