YouMed

Rong kinh sau sinh: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phạm Duy Hùng
Tác giả: ThS.BS Phạm Duy Hùng
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Rong kinh sau sinh là tình trạng thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ. Điều này khiến nhiều người lo lắng, không biết liệu đây là triệu chứng bình thường hay dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm. Hãy cùng Bác sĩ Phạm Duy Hùng tìm hiểu về rong kinh sau sinh qua bài viết sau.

Hiện tượng rong kinh là gì?

Theo hiệp hội sản phụ khoa thế giới (FIGO), ra kinh kéo dài hay còn gọi là rong kinh được định nghĩa là số ngày có kinh kéo dài hơn 8 ngày. Định nghĩa này cũng được áp dụng đối với các phụ nữ có kinh trở lại sau sinh.1

Thời gian có kinh trở lại sau khi sinh

Chúng ta đừng nhầm lẫn kỳ kinh nguyệt với máu và dịch tiết từ lòng tử cung trong vài ngày đến vài tuần đầu ngay sau khi sinh.

Máu và dịch tiết này còn được gọi là sản dịch, đây không phải là kỳ kinh nguyệt mà chỉ là sự tống xuất các sản phẩm còn lại của thai kỳ còn sót trong lòng tử cung ra bên ngoài. Sản dịch ngày đầu sau khi sinh có màu đỏ sẫm, lượng nhiều. Sau đó màu sắc của sản dịch sẽ trở nên trong và số lượng sẽ giảm dần đến hết.2

Thời gian có kinh trở lại sau sinh tùy thuộc vào việc người phụ nữ có cho con bú mẹ hay không, mà không liên quan gì đến việc sinh thường hay sinh mổ. Với các phụ nữ không cho con bú sữa mẹ, kỳ kinh nguyệt thường trở lại sau khoảng 6 đến 8 tuần sau khi sinh. Còn đối với các phụ nữ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thì kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại chậm hơn, người phụ nữ có thể không có kinh nguyệt xuyên suốt thời gian cho con bú mẹ.2

Thời gian có kinh trở lại của phụ nữ sau sinh phụ thuộc vào việc cho con bú
Thời gian có kinh trở lại của phụ nữ sau sinh phụ thuộc vào việc cho con bú

Nguyên nhân và triệu chứng rong kinh sau sinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh sau sinh:

Do rối loạn rụng trứng3

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây rong kinh sau sinh. Buồng trứng sau thời gian dài ngưng hoạt động, cùng với những thay đổi nội tiết tố trong suốt thai kỳ là nguyên nhân gây ra rối loạn rụng trứng sau sinh và không có liên quan đến việc phụ nữ sinh thường hay sinh mổ.

Rối loạn rụng trứng thường gây rong kinh kèm với kinh nguyệt không đều. Đây là một rối loạn về chức năng của buồng trứng, không phải là một bệnh lý. Nồng độ các nội tiết tố trong cơ thể sẽ tự điều chỉnh lại bình thường trong vài chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau sinh. Quá trình rụng trứng sẽ diễn ra bình thường ở các kỳ kinh nguyệt sau đó.

Các bệnh lý lành tính của tử cung1

Các bệnh lý từ tử cung như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung, polyp tử cung là các nguyên nhân có thể gây ra rong kinh cho phụ nữ sau khi sinh. Các bệnh lý này có thể đã có trước khi mang thai, do đó tình trạng rong kinh đã xuất hiện trước khi có thai và kéo dài đến sau khi sinh.

Các triệu chứng đi kèm với rong kinh sau sinh có thể gợi ý đến nguyên nhân gây nên tình trạng này, chẳng hạn như:

  • Rong kinh kèm theo đau bụng kinh và ra kinh nhiều: lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung.
  • Rong kinh kèm với ra kinh nhiều nhưng không đau bụng: bệnh lý u xơ tử cung.
  • Rong kinh kèm với ra huyết giữa các kỳ kinh nguyệt: polyp tử cung.

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác được các bệnh lý này cần có siêu âm phụ khoa ngã âm đạo hay ngã bụng, một số trường hợp khó khảo sát trên siêu âm thường thì cần được chỉ định siêu âm bơm nước vào buồng tử cung để chẩn đoán các bệnh lý như polyp tử cung hay u xơ tử cung dưới niêm mạc.

Hình ảnh siêu âm bơm nước vào buồng tử cung của đa polyp nội mạc tử cung
Hình ảnh siêu âm bơm nước vào buồng tử cung của đa polyp nội mạc tử cung
Cavity: khoang nội mạc tử cung
Catheter tip: ống bơm bước được đưa vào lòng tử cung

Các bệnh lý ác tính của tử cung4

Tăng sinh nội mạc tử cung và ung thư nội mạc tử cung là các bệnh lý tiền ung thư và ung thư hiếm gặp ở tử cung gây rong kinh ở phụ nữ sau sinh. Những yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý này:

Để chẩn đoán các bệnh lý tăng sinh nội mạc tử cung hay ung thư nội mạc tử cung cần thực hiện siêu âm ngã âm đạo để đánh giá nội mạc của tử cung. Nếu nghi ngờ các bệnh lý này sau khi thực hiện siêu âm, bác sĩ sẽ chỉ định thêm sinh thiết lòng tử cung để chẩn đoán chính xác hơn.

Buồng trứng đa nang5

Đây là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ trẻ gây rong kinh và kinh nguyệt không đều. Các phụ nữ mắc bệnh lý buồng trứng đa nang thường đã có rối loạn kinh nguyệt từ trước khi mang thai.

Ngoài triệu chứng rong kinh, kinh không đều, những phụ nữ có bệnh lý buồng trứng đa nang còn có các triệu chứng đi kèm khác như tăng cân, thừa cân, béo phì, rậm lông, hói đầu kiểu nam giới, mụn trứng cá hay hiếm muộn.

Các phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tăng huyết áp, tăng mỡ máu, các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường type 2, chứng ngưng thở khi ngủ, trầm cảm, tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung,…

Đến nay, nguyên nhân gây bệnh lý buồng trứng đa nang vẫn chưa rõ. Hình ảnh được thấy trên siêu âm với buồng trứng có rất nhiều nang nhỏ có kích thước từ 2 – 9 mm, có thể ở một hay cả hai buồng trứng là cơ sở để chẩn đoán bệnh lý buồng trứng đa nang.6

Hình ảnh buồng trứng đa nang với nhiều nang nhỏ trên siêu âm
Hình ảnh buồng trứng đa nang với nhiều nang nhỏ trên siêu âm

Rối loạn chứng năng tuyến giáp7

Đây là một trong các bệnh lý rối loạn về nội tiết gây rong kinh. Phụ nữ mắc rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp phải tình trạng rong kinh đi kèm các triệu chứng như hồi hộp, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, tăng cân,… Để chẩn đoán rối loạn chức năng tuyến giáp cần xét nghiệm máu để đo lường nồng độ của các hormon tuyến giáp như hormon TSH.

Sử dụng thuốc ngừa thai7

Phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai chứa nội tiết tố sau sinh cũng là một nguyên nhân gây rong kinh. Phần lớn các loại thuốc ngừa thai chứa nội tiết tố chỉ gây rong kinh trong vài tháng đầu sau khi bắt đầu sử dụng. Sau đó phụ nữ sẽ có kì kinh nguyệt bình thường hay không có kinh nguyệt tùy thuộc vào loại thuốc dùng để ngừa thai.

Khi nào người bị rong kinh sau sinh cần đến gặp bác sĩ?

Người phụ nữ sau sinh có rong kinh kèm với một trong các triệu chứng sau đây cần đến gặp bác sĩ:

Rong kinh với số lượng nhiều

Nếu rong kinh kèm với ra kinh số lượng nhiều: ra kinh thấm ướt hơn một miếng băng vệ sinh lớn loại dùng vào ban đêm và kéo dài hơn hai giờ. Trường hợp này cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để tránh biến chứng nguy hiểm..3

Rong kinh với cục máu có kích thước lớn

Ra kinh với máu cục có kích thước lớn hơn quả bóng golf. Với kích thước máu cục trong kỳ kinh nguyệt như vậy có thể là dấu hiệu cảnh báo về số lượng ra máu trong kỳ kinh nguyệt ra là nhiều.3

Rong kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Những tác động mà rong kinh gây ra cho chị em phụ nữ như: làm giảm khả năng hoàn thành công việc, gây mất ngủ, mệt mỏi, giảm sút sự tập trung, giảm các vận động hay cản trở việc  tập thể dục hàng ngày,…1

Người phụ nữ sau khi sinh vốn sức khỏe đã chưa hồi phục về lại bình thường như trước lúc sanh, nay lại thêm triệu chứng rong kinh dai dẳng kéo dài có thể gây thiếu máu nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi người phụ nữ bị rong kinh sau sinh kèm các triệu chứng trên thì cần đến gặp bác sĩ để khám và kiểm tra bạn có bị thiếu máu hay không.1

Rong kinh kèm với đau bụng kinh nhiều

Đau bụng kinh có thể xuất hiện vài ngày trước khi có kinh, kéo dài trong suốt kỳ kinh nguyệt và có thể còn đau vài ngày sau khi hết kinh. Tuy nhiên, đau bụng kinh với mức độ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, giấc ngủ và người phụ nữ phải dùng đến thuốc giảm đau.

Khi đó, tình trạng này có thể là dấu hiệu của bệnh lý lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung. Người phụ nữ sau sinh nếu có rong kinh đi kèm với triệu chứng đau bụng kinh nhiều cần đến gặp bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và tìm kiếm nguyên nhân.3

Rong kinh kèm với sốt

Sốt là một trong các dấu hiệu cảnh báo của nhiễm trùng. Khi người phụ nữ bị rong kinh đi kèm với triệu chứng sốt cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và phát hiện các bệnh lý nhiễm trùng phụ khoa đi kèm, đặc biệt là các nhiễm trùng sau sinh.3

Có tiền sử rong kinh trước khi mang thai

Người phụ nữ đã có rong kinh trước khi mang thai: nếu người phụ nữ đã bị rong kinh trước khi mang thai và sau khi sinh vẫn tiếp tục bị rong kinh thì cần đến gặp bác sĩ. Vì có thể bạn đang mắc một trong các bệnh lý phụ khoa có thể gây rong kinh như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung, polyp tử cung, rối loạn chức năng tuyến giáp,….1

Để phát hiện được các bệnh lý này bạn cần đến gặp bác sĩ phụ khoa để được thăm khám, chỉ định các xét nghiệm cũng như siêu âm phụ khoa.1

Các phương pháp điều trị rong kinh sau sinh

Có rất nhiều phương pháp điều trị rong kinh sau sinh tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra rong kinh như:

Điều trị rong kinh do rối loạn rụng trứng

Do rối loạn rụng trứng là một nguyên nhân phổ biến nhất gây rong kinh cho các phụ nữ sau sinh, rối loạn rụng trứng này là quá trình diễn biến bình thường trong thời gian đầu sau khi sinh do sự thay đổi nội tiết trong thời kỳ mang thai.

Trong đa số các trường hợp, chức năng của buồng trứng sẽ tự hoàn thiện và kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ sẽ quay trở lại bình thường mà không cần đến một phương pháp điều trị nào cả.3

Tuy nhiên, người phụ nữ cần theo dõi các dấu hiệu đi kèm với triệu chứng rong kinh như ra kinh nhiều, máu cục có kích thước lớn hơn quả bóng golf, ra kinh kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, rong kinh kèm sốt hay đau bụng nhiều.

Khi có các triệu chứng đi kèm trên thì người phụ nữ cần đến gặp bác sĩ để được hỏi bệnh và thăm khám tốt hơn, để có thể phát hiện và điều trị kịp thời các nguyên nhân khác có thể gây ra rong kinh sau sinh đi kèm.

Điều trị u xơ tử cung

Tùy thuộc vào loại u xơ tử cung, các triệu chứng đi kèm, còn có mong muốn sinh con hay không của người phụ nữ mà có thể có các phương pháp điều trị khác nhau như:1

  • Điều trị nội khoa bằng thuốc nội tiết.
  • Điều trị phẫu thuật bóc u xơ tử cung.
  • Cắt tử cung.

Những phương pháp điều trị này sẽ được bác sĩ chỉ định sau khi bệnh nhân được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Điều trị lạc nội mạc tử cung1

Đa số các trường hợp có bệnh lý lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung gây rong kinh, sẽ được điều trị nội khoa bằng thuốc nội tiết để điều hòa kinh nguyệt của người phụ nữ. Có rất nhiều loại thuốc nội tiết được dùng để điều trị, thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định dựa vào triệu chứng rong kinh có kèm đau bụng kinh, hiếm muộn hay không, có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch,… hay không. Mỗi loại thuốc sẽ có một số tác dụng phụ khác như đau đầu, buồn nôn, căng tức tuyến vú, huyết khối ở mạch máu,…

Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc các chị em phụ nữ cần tuân thủ đúng liều lượng thuốc mà bác sĩ đã chỉ định, theo dõi các triệu chứng cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc để kịp thời thông báo cho bác sĩ. Việc điều trị phẫu thuật chỉ được chỉ định khi điều trị bằng nội khoa không hiệu quả.

Polyp tử cung: đây là bệnh lý được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi buồng tử cung để loại bỏ polyp.

Điều trị các bệnh lý ác tính của tử cung1

Tăng sinh nội mạc tử cung và ung thư nội mạc tử cung là các bệnh lý tiền ung thư và ung thư của tử cung, các bệnh lý này thường sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung và nội mạc tử cung.

Điều trị buồng trứng đa nang

Đây là bệnh lý gây rối loạn rụng trứng và rong kinh, kinh nguyệt không đều. Trong đa số các trường hợp, điều trị bằng phương pháp nội khoa với các thuốc nội tiết giúp điều hòa kinh nguyệt.

Những người thừa cân hay béo phì cần tăng cường chế độ tập luyện thể dục và chế độ ăn uống tiết chế thích hợp để giảm cân. Việc kiểm soát được cân nặng rất quan trọng đối với các phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang, góp phần điều hòa kinh nguyệt, duy trì huyết áp bình thường, giảm mỡ máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, ung thư nội mạc tử cung.8

Điều trị rối loạn chứng năng tuyến giáp

Đối với các rối loạn về chức năng tuyến giáp, người bệnh cần được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa về nội tiết để được thăm khám và đánh giá tốt hơn về các nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng tuyến giáp. Từ đó sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp với từng nguyên nhân.

Rong kinh sau sinh những điều phụ nữ cần nhớ

Nhận biết tình trạng của bản thân

Người phụ nữ sau sinh cần phân biệt các dịch tiết từ lòng tử cung trong những ngày đầu sau sinh với một kỳ kinh nguyệt. Các dịch tiết từ lòng tử cung trong những ngày đầu sau sinh chỉ là sự tống xuất các sản phẩm còn sót lại trong lòng tử cung của thai kỳ, đây không phải là một kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ thường có lại kinh nguyệt trở lại sau 6-8 tuần sau sinh, với các phụ nữ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thì có thể vô kinh trong suốt thời gian cho con bú mẹ.

Giữ tâm trạng ổn định

Rong kinh sau sinh là một vấn đề thường gặp ở các phụ nữ trong những kỳ kinh nguyệt đầu tiên khi có kinh trở lại sau khi sinh. Buồng trứng sau thời gian dài ngưng hoạt động trong thai kỳ, sự thay đổi nồng độ các nội tiết tố trong thời gian đầu sau khi sinh là các yếu tố gây rối loạn chức năng rụng trứng của buồng trứng. Đây là một nguyên nhân rối loạn về chức năng thường gặp nhất gây rong kinh sau sinh và thường sẽ tự điều chỉnh kỳ kinh nguyệt trở về bình thường, không cần một phương pháp điều trị nào.

Phụ nữ sau sinh cần giữ tinh thần thoải mái và chú ý những bất thường của bản thân
Phụ nữ sau sinh cần giữ tinh thần thoải mái và chú ý những bất thường của bản thân

Chính vì vậy, chị em phụ nữ sau sinh cần giữ tâm trạng ổn định, theo dõi những thay đổi của cơ thể để có hướng xử lý kịp thời

Theo dõi những bất thường (nếu có)

Tuy nhiên, rong kinh sau sinh có thể do các bệnh lý lành tính từ tử cung như ư xơ tử cung, polyp, lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung, hay các bệnh lý ác tính tử cung như tăng sinh nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung, các rối loạn chức năng tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang, sử dụng các thuốc ngừa thai chứa nội tiết tố.

Khi người phụ nữ có rong kinh sau sinh kèm một trong các triệu chứng sau đây cần đến gặp bác sĩ: ra kinh thấm ướt hơn một miếng băng vệ sinh lớn loại dùng vào ban đêm và kéo dài hơn hai giờ, ra kinh với máu cục có kích thước lớn hơn quả bóng golf, rong kinh ảnh hướng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ, rong kinh kèm với đau bụng kinh nhiều, sốt hay đã có rong kinh trước khi mang thai.

Trên đây là những thông tin về triệu chứng rong kinh sau sinh. Đây là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể sau sinh. Song đó cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, phụ nữ sau sinh nếu có triệu chứng rong kinh kèm các dấu hiệu bất thường cần đến bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. The two FIGO systems for normal and abnormal uterine bleeding symptoms and classification of causes of abnormal uterine bleeding in the reproductive years: 2018 revisionshttps://www.researchgate.net/publication/327564793_The_two_FIGO_systems_for_normal_and_abnormal_uterine_bleeding_symptoms_and_classification_of_causes_of_abnormal_uterine_bleeding_in_the_reproductive_years_2018_revisions

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

  2. What to Expect from Your First Period After Pregnancyhttps://www.healthline.com/health/pregnancy/first-period-postpartum#1

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

  3. First period after having a baby: What to expecthttps://www.medicalnewstoday.com/articles/323293#what-to-expect

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

  4. Endometrial Hyperplasiahttps://www.acog.org/womens-health/faqs/endometrial-hyperplasia

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

  5. Polycystic ovary syndrome (PCOS)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/symptoms-causes/syc-20353439

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

  6. Polycystic ovarian syndromehttps://radiopaedia.org/articles/polycystic-ovarian-syndrome-1

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

  7. Anovulatory Bleedinghttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK549773/

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

  8. Polycystic ovary syndrome (PCOS)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/diagnosis-treatment/drc-20353443

    Ngày tham khảo: 01/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người