YouMed

Thuốc Bisacodyl: Thuốc nhuận tràng sạch ruột, điều trị táo bón

Dược sĩ TRẦN VÂN THY
Tác giả: Dược sĩ Trần Vân Thy
Chuyên khoa: Dược

Thuốc Bisacodyl là thuốc điều trị táo bón, giúp thải sạch ruột cho phẫu thuật hay chuẩn bị X-quang đại tràng. Vậy thuốc Bisacodyl được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc thông qua bài viết sau của YouMed.

Thuốc có thành phần tương tự:

  • Viên nén bao tan trong ruột 5 mg: Bilaxatif, Bisacodyl 5mg, Bisacodyl DHG, Bisalaxyl, Danalax, Dulcolax, Ovalax.
  • Viên đạn đặt trực tràng 10 mg: Bieber, Bisarolax.

Bisacodyl là thuốc gì?

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén (bao tan trong ruột): 5 mg.
  • Viên đạn đặt trực tràng: 5 mg, 10 mg.
  • Hỗn dịch dùng cho trẻ em: 5 mg.
  • Hỗn dịch để thụt: 10 mg/30 ml.
Thông tin về thuốc bisacodyl
Thông tin về thuốc Bisacodyl

Dược lý và cơ chế tác dụng

Bisacodyl có tác dụng nhuận tràng kích thích, dùng điều trị ngắn ngày táo bón hoặc làm sạch đại tràng, với cơ chế:

Tác dụng trực tiếp lên cơ trơn ruột, làm tăng nhu động đại tràng.

Làm tăng chất điện giải và dịch thể trong đại tràng, gây nhuận tràng.

Acid tanic có trong phức hợp bisacodyl tannex:

  • Làm giảm bài tiết chất nhày ở đại tràng, làm tăng sạch đại tràng.
  • Có thể giúp các chất cản quang dễ bám vào niêm mạc đại tràng.
  • Tuy nhiên, acid tanic cũng có thể gây táo bón do tính chất làm săn.

Ngay cả với liều điều trị, thuốc Bisacodyl dùng đường uống có thể gây buồn nôn, đau quặn bụng nhẹ. Viên đạn hay hỗn dịch dùng qua đường trực tràng có thể gây kích ứng, cảm giác nóng rát ở niêm mạc đại tràng và gây viêm nhẹ trực tràng.

Thuốc Bisacodyl DHG giá bao nhiêu?

Thông tin thuốc Bisacodyl 5 mg:

  • Quy cách đóng gói: Hộp 4 vỉ x 25 viên.
  • Thương hiệu: Dược Hậu Giang.
  • Giá thuốc Bisacodyl DHG: 45.000 VNĐ.

Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp. Theo đó, bạn nên tìm đến những địa chỉ uy tín để mua đúng sản phẩm chất lượng và được bác sĩ/dược sĩ tư vấn cụ thể nhất.

Thuốc Bisacodyl có tác dụng gì?

Thuốc Bisacodyl được chỉ định trong:

  • Điều trị táo bón (vô căn, hoặc do dùng thuốc gây táo bón, hoặc do hội chứng đại tràng kích thích).
  • Thải sạch ruột trước và sau phẫu thuật.
  • Chuẩn bị X-quang đại tràng.
Thuốc Bisacodyl dùng trong trường hợp người bị táo bón
Thuốc Bisacodyl dùng trong trường hợp người bị táo bón

Liều dùng và cách dùng thuốc

Liều dùng thuốc

Liều sau là liều tham khảo cho người lớn và trẻ em trên 10 tuổi:

  • Điều trị táo bón:

Uống 1 liều duy nhất 5 – 10 mg (có thể tăng tới 15 mg) vào buổi tối.

Hoặc đặt 1 viên đạn trực tràng 10 mg vào buổi sáng, nếu muốn tác dụng ngay.

  • Chuẩn bị chụp X- quang đại tràng hoặc phẫu thuật:

Uống 10 – 20 mg vào buổi tối trước ngày làm thủ thuật, sau đó 1 viên đạn trực tràng 10 mg vào buổi sáng hôm sau, trước khi chụp chiếu hoặc phẫu thuật.

Cách dùng

Thuốc Bisacodyl dùng đường uống hoặc đường trực tràng dưới dạng viên đạn hay thụt rửa. Uống dạng viên bao Bisacodyl tan trong ruột giúp giảm kích ứng ở dạ dày và buồn nôn. Không được nhai thuốc trước khi uống; các thuốc kháng acid và sữa cũng phải uống cách xa 1 giờ.

Chống chỉ định của thuốc Bisacodyl

Không dùng thuốc Bisacodyl đối với:

  • Các bệnh cấp ngoại khoa ổ bụng, viêm ruột thừa, tắc ruột, chảy máu trực tràng, bệnh viêm ruột cấp (viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn), mất nước nặng.
  • Trẻ em dưới 10 tuổi, vì chưa có nghiên cứu đầy đủ sự hấp thu acid tanic ở lứa tuổi này (acid tanic có thể gây độc với gan).
Chống chỉ định dùng thuốc với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi
Chống chỉ định dùng thuốc với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi

Thận trọng khi sử dụng thuốc Bisacodyl

Viên bao Bisacodyl được sản xuất để chỉ phân rã ở ruột, do đó:

  • Không được nhai thuốc trước khi uống.
  • Các thuốc kháng acid và sữa phải uống cách xa 1 giờ.

Dùng thuốc Bisacodyl dài ngày có thể dẫn đến lệ thuộc thuốc, đại tràng mất trương lực, không hoạt động và rối loạn chất điện giải. Vì vậy, cần tránh dùng thuốc nhuận tràng kéo dài quá 1 tuần, trừ khi có hướng dẫn của bác sĩ.

Thông thường, nên tránh dùng các thuốc nhuận tràng kích thích ở trẻ em dưới 6 – 10 tuổi.

Tác dụng không mong muốn

Thuốc Bisacodyl thường gây các tác dụng phụ trên tiêu hóa như đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy. Ngoài ra, có thể có mất cân bằng dịch và điện giải.

Tác dụng phụ ít gặp hơn như kích ứng trực tràng, viêm trực tràng (khi dùng dạng viên đạn đặt trực tràng). Dùng dài ngày có thể làm mất trương lực đại tràng, giảm kali huyết, giảm calci huyết.

Xử trí:

  • Nếu dùng ngắn ngày, các tác dụng phụ thường nhẹ và tự hết.
  • Tránh dùng thuốc đạn hoặc hỗn dịch để thụt cho người hay bị đau quặn ruột, nứt hậu môn hoặc trĩ bị loét.
  • Viên bao phải nuốt. Nếu tiêu chảy, cần giảm liều.
Những tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc bisacodyl
Những tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc Bisacodyl

Tương tác thuốc Bisacodyl

Tránh phối hợp với các thuốc:

  • Amiodaron, astemisol, bepridil, bretylium, disopyramid, erythromycin tiêm tĩnh mạch, halofantrin, pentamidin, quinidin, sparfloxacin, sotalol, sultoprid, terfenadin, vincamin: làm tăng nguy cơ gây rối loạn nhịp thất, đặc biệt xoắn đỉnh, do giảm kali huyết.

Thận trọng khi phối hợp:

  • Digital: Giảm kali huyết dễ làm tăng tác dụng độc của digital. Phải theo dõi kali huyết, và nếu cần, làm điện tâm đồ.
  • Các thuốc làm giảm kali huyết khác (như thuốc lợi tiểu giảm kali huyết, amphotericin tiêm tĩnh mạch, corticoid toàn thân, tetracosactid): Tác dụng cộng hiệp làm tăng nguy cơ giảm kali huyết.
  • Các thuốc kháng acid, các thuốc đối kháng thụ thể H2 như cimetidin, famotidin, nizatidin, và ranitidin, hoặc sữa: phối hợp với Bisacodyl trong vòng 1 giờ sẽ làm kích ứng dạ dày và tá tràng do thuốc bị tan quá nhanh.

Liệt kê với bác sĩ những thuốc, thực phẩm mà bạn đang sử dụng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay lại cho dược sĩ, bác sĩ.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng quá liều

  • Đau bụng, có thể kèm với dấu hiệu mất nước, đặc biệt ở người cao tuổi và trẻ em.
  • Yếu cơ.
  • Nhiễm toan chuyển hóa, giảm kali huyết.

Cách xử trí

Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí quá liều. Bạn có thể được rửa dạ dày. Duy trì bù nước và theo dõi kali huyết. Thuốc chống co thắt có thể có giá trị. Đặc biệt chú ý cân bằng điện giải thể dịch ở người cao tuổi và trẻ em. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho thuốc Bisacodyl.

Khi dùng thuốc quá liều làm thế nào xử trí đúng cách?
Khi dùng thuốc quá liều làm thế nào xử trí đúng cách?

Phụ nữ có thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai

Trong lâm sàng, hiện chưa có đủ dữ liệu về sự an toàn của bisacodyl trên thai nhi khi dùng cho người mang thai. Do đó, không nên dùng thuốc Bisacodyl cho phụ nữ đang mang thai. Nếu dùng, phải theo dõi cẩn thận.

Thời kỳ cho con bú

Thuốc Bisacodyl qua sữa mẹ với một lượng rất nhỏ. Rất thận trọng dùng thuốc cho người mẹ đang cho con bú.

Cách bảo quản thuốc Bisacodyl

  • Đựng thuốc trong bao bì kín, tránh nóng, ánh sáng và ẩm.
  • Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 °C.
  • Tránh xa tầm tay của trẻ em.
  • Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.
  • Không dùng thuốc có dấu hiệu ẩm mốc, thay đổi màu sắc.

Thuốc Bisacodyl là thuốc điều trị táo bón, giúp thải sạch ruột cho phẫu thuật hay chuẩn bị X-quang đại tràng. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về thuốc Bisacodyl. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam (2018), “BISACODYL”, trang 262-263.

  2. Bisacodyl Suppositorieshttps://www.drugs.com/cdi/bisacodyl-suppositories.html

    Ngày tham khảo: 30/05/2020

  3. Bisacodyl Tabletshttps://www.drugs.com/cdi/bisacodyl-tablets.html

    Ngày tham khảo: 30/05/2020

  4. Bisacodyl Enemahttps://www.drugs.com/cdi/bisacodyl-enema.html

    Ngày tham khảo: 30/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người