Các loại thuốc bôi thủy đậu thường dùng hiện nay
Nội dung bài viết
Thủy đậu là bệnh lý rất dễ lây cho những người chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng nhiễm vi rút varicella-zoster. Đặc trưng của bệnh là các vết phát ban. Do đó, nhiều người thường thắc mắc nên sử dụng thuốc bôi thủy đậu nào để các vết ban thủy đậu nhanh đóng vảy và mau khỏi bệnh. Hãy cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu về một số loại thuốc bôi thủy đậu được sử dụng hiện nay nhé!
Các thuốc bôi thủy đậu thường được dùng
1. Thuốc trị thủy đậu với hoạt chất acyclovir
Với thành phần chính là hoạt chất acyclovir, các thuốc bôi này sẽ có công dụng:1
- Giảm đau và tăng tốc độ chữa lành vết loét hoặc vết phồng rộp ở những người bị thủy đậu, herpes zoster, mụn rộp sinh dục.
- Ngăn ngừa bùng phát mụn rộp sinh dục ở những người bị nhiễm virus. Acyclovir sẽ không chữa khỏi mụn rộp sinh dục và có thể không ngăn được sự lây lan của mụn rộp sinh dục sang người khác.
Acyclorvir có thể gây ra các tác dụng phụ như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi,… Cẩn thận khi dùng thuốc với đối tượng bị bệnh thận, phụ nữ mang thai,…1
Trên thị trường, acyclovir được điều chế thành nhiều dạng, dạng bôi và dạng uống. Có thể kể tên một số thuốc như:
- Thuốc bôi: Mibeviru Cream, Acyclovir Stada,
- Thuốc uống: Medskin,…
Về liều dùng, tùy vào từng thuốc khác nhau và tình trạng bệnh mà bạn nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ.
2. Thuốc xanh methylen
Một trong những thuốc bôi thủy đậu được nhiều người quan tâm là xanh methylen. Xanh methylen là thuốc dùng tại chỗ để điều trị nhiễm virus ngoài da như herpes simplex, điều trị chốc lở,… Với bệnh thủy đậu, xanh methylen được dùng thoa lên nốt thủy đậu để sát trùng, giúp vết thủy đậu mau khô và mau kết vảy hơn.
Sau khi vệ sinh sạch và lau khô vùng da bị thủy đậu, người dùng có thể dùng thuốc để bôi vào vùng da đó. Có thể sử dụng 2 lần/ngày. Bạn đọc cần lưu ý khi sử dụng:2
- Đây chỉ là thuốc dùng ngoài, không được uống, không bôi gần mắt, mũi, niêm mạc, âm đạo, không dùng thuốc trên các vùng da hở, vết thương hở.
- Do xanh methylen có tính oxy hóa mạnh nên không nên sử dụng đồng thời với các dung dịch có chứa các chất này với các dung dịch sát trùng iod (povidon idod, cồn iod,.).
- Thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên không được bôi lên vùng ngực trong thời gian cho con bú.
3. Thuốc bôi thủy đậu Castellani
Castellani được sử dụng trên da để giúp bảo vệ da khỏi bị nhiễm khuẩn ở các vết bỏng, vết trầy xước, mụn mủ.3 Với thủy đậu, thuốc cũng giúp sát trùng và giúp các nốt thủy đậu mau khô. Tương tự như dùng xanh methylen, bạn chỉ cần chấm dung dịch thuốc Castellani lên nốt thủy đậu.
Thuốc bôi thủy đậu Castellani có thể gây ra khó thở, sốt, đau đầu, buồn nôn, phát ban, có thể làm trầm trọng thêm cơn đau, đỏ, sưng hoặc kích ứng,…4 Ngoài ra, người dùng còn cần lưu ý:
- Chỉ được sử dụng trên da, không được uống, tránh xa miệng, mũi và mắt.
- Rửa tay trước và sau khi sử dụng, trừ trường hợp vị trí bôi thuốc là bàn tay.
- Mặc quần áo rộng rãi, tránh chà sát có thể làm mất lượng thuốc.
4. Dung dịch Aluminum acetate bôi thủy đậu5
Aluminum acetate còn được gọi là nhôm acetat. Thuốc được sử dụng để làm giảm tạm thời các kích ứng da do thủy đậu, giảm ngứa, làm mát và làm khô. Bên cạnh đó, aluminum acetate còn được sử dụng tại chỗ để giảm sưng liên quan đến các vết bầm tím nhỏ,…
Người bệnh có thể thoa dung dịch nhôm axetat tại chỗ lên vùng da bị ảnh hưởng dưới dạng băng ướt hoặc nén hoặc ngâm. Sau đó đắp miếng vải tẩm dung dịch lên vùng da bị thủy đậu trong vài phút, gỡ miếng vải ra rồi để da khô tự nhiên, không cần rửa lại.
Lưu ý khi sử dụng:
- Tránh xa tầm tay trẻ em, thận trọng cho phụ nữ cho con bú.
- Cần được pha loãng với một tỷ lệ thích hợp. Các dung dịch pha loãng chứa 0,13 – 0,5% nhôm axetat thường được sử dụng.
- Vứt bỏ dung dịch pha thừa sau mỗi lần sử dụng.
5. Thuốc tím bôi thủy đậu
Với thành phần là Kali Pemanganat, thuốc tím thường được bệnh nhân thủy đậu dùng để tắm sát trùng, nhằm giúp các nốt thủy đậu mau khô và kết vảy. Tuy nhiên, do màu tím đặc trưng của thuốc sẽ bám vào da, gây khó khăn trong việc theo dõi sang thương thủy đậu nên thuốc ít được sử dụng.
Một số loại thuốc hỗ trợ điều trị khác
Ngoài các thuốc bôi để giúp vết thủy đậu mau lành, một số loại thuốc cũng được sử dụng để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khác.
1. Thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt được dùng để làm giảm cơn sốt nhẹ ở người bệnh thủy đậu. Paracetamol là loại thuốc thường được sử dụng với mục đích trên. Một số lưu ý khi sử dụng Paracetamol:6
- Thuốc có thể gây ra các phản ứng ở da như ngứa, nổi mày đay, phù phế quản, phù mạch,…
- Thận trọng sử dụng Paracetamol ở người bị phenylceton niệu.
- Có thể xảy ra một số phản ứng phụ nghiêm trọng trên da mặc dù tỷ lệ mắc phải là không cao. Bao gồm: hội chứng Steven — Johnson, hội chứng hoại tử da nhiễm độc: toxic epidermal necrolysis (TEN), hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính: acute generalized exanthematous pustulosis (AGEP).
- Liều tối đa của paracetamol là 4 g/ngày. Không nên sử dụng quá liều do có thể gây suy gan, đe dọa đến tính mạng.
Đặc biệt lưu ý, bạn đọc và gia đình không nên sử dụng Aspirin để hạ sốt, giảm đau khi bị thủy đậu. Aspirin có thể dẫn đến hội chứng Reye ở người bệnh thủy đậu, nhất là ở trẻ em.7
2. Thuốc kháng sinh
Trong trường hợp thủy đậu dẫn đến biến chứng (nhiễm trùng da, viêm phổi,…), bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh cho người bệnh.8
Một số thuốc thường được sử dụng có thể kể đến như: oxacillin hoặc vancomycin. Nếu có biến chứng ở viêm phổi có thể điều trị bằng kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 (ceftazidim) hoặc nhóm quinolon (levofloxacin). Tuy nhiên, không nên sử dụng kháng sinh nhóm quinolon cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi.
Oxacillin
Oxacillin thuộc nhóm kháng sinh Penicillin, được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn do Staphylococcus aureus và S.epidermidis sinh penicillinase đã kháng lại hầu hết các loại Penicillin hiện có.
Thuốc có thể gây ngứa, nổi mề đay, co thắt phế quản, phù mạch, buồn nôn, nôn,…
Vancomycin10
Thuốc có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm do vi khuẩn gây ra.
Một số lưu ý khi sử dụng vancomycin:
- Vancomycin chỉ được sử dụng dưới dạng tiêm tĩnh mạch. Người dùng chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, nhân viên y tế
- Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, như: ban đỏ dữ dội, hạ huyết áp, đau và co thất cơ, phát ban, mề đay, giảm khả năng nghe hoặc điếc,…
Ceftazidim11
Thuốc này được dùng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, trong đó, có trường hợp viêm phổi do biến chứng của thủy đậu.
- Phát ban, nổi mày đay, ngứa.
- Có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như giảm khả năng nghe, thậm chí là điếc, đau đầu, chóng mặt, sốt, phù Quincke, buồn nôn, đau bụng,…
- Không pha ceftazidim với các dung dịch có tính kiềm, độ pH > 7,5, không pha thuốc vào dung dịch NaHCO3 – natri bicarbonat.
- Không pha lẫn ceftazidim với các aminoglycosid (gentamicin, streptomycin) hoặc metronidazol. Phải tráng rửa cẩn thận các ống thông và bơm tiêm bằng nước muối (natri clorid 0,9%) giữa các lần dùng hai loại thuốc này, để tránh gây kết tủa.
3. Thuốc giảm ngứa
Các nốt thủy đậu cũng có thể gây ngứa cho người bệnh. Và một số thuốc giảm ngứa được dùng hỗ trợ triệu chứng này. Có thể kể đến như: amitripylin 25mg, clopheniramin 4mg,…
Trên đây là thông tin về một số loại thuốc bôi thủy đậu, cũng như những loại thuốc hỗ trợ làm giảm triệu chứng khác của thủy đậu. Bạn đọc và gia đình hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc. Điều này là để đảm bảo an toàn và hiệu quả của quá trình dùng thuốc và điều trị bệnh mau khỏi.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acyclovirhttps://medlineplus.gov/druginfo/meds/a681045.html
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Xanh methylen 1%https://drugbank.vn/thuoc/Xanh-methylen-1%25&VD-32023-19
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Castellani Painthttps://www.drugs.com/mtm/castellani-paint.html
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Castellani Paint Side Effectshttps://www.drugs.com/sfx/castellani-paint-side-effects.html
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Aluminum Acetate (Monograph)https://www.drugs.com/monograph/aluminum-acetate.html
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Paracetamol 500 mghttps://drugbank.vn/thuoc/Paracetamol-500-mg&VD-24086-16
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Varicella Zoster (Chickenpox)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448191/
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Chickenpoxhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/diagnosis-treatment/drc-20351287
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Oxacillin 1ghttps://drugbank.vn/thuoc/Oxacillin-1g&VD-30654-18
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Vancomycin 0.5Ghttps://drugbank.vn/thuoc/Vancomycin-0-5G&VD-18365-13
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Ceftazidim 1ghttps://drugbank.vn/thuoc/Ceftazidim-1g&VD-18402-13
Ngày tham khảo: 19/04/2023