YouMed

Những loại thuốc Đông y trị mụn trứng cá hiệu quả

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở tuổi thiếu niên và tồn tại cho đến khoảng 30 tuổi. Khoảng 20% người bệnh tiến triển mụn trứng cá nặng và dẫn đến sẹo. Những vết sẹo sau mụn hầu như không thể sửa được. Vì vậy, tìm hiểu và điều trị mụn đúng cách thật sự cần thiết. Trong Đông y có một số vị thuốc có thể giúp điều trị mụn trứng cá an toàn và hiệu quả. Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Thạc sĩ – Bác sĩ Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh về những loại thuốc Đông y trị mụn trứng cá này nhé.

Mụn trứng cá theo quan điểm Y học cổ truyền

Mụn trứng cá theo Y học cổ truyền gọi là Phấn thích. Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, đặc biệt trong tuổi dậy thì. Bệnh dù ở bên ngoài da nhưng có liên quan mật thiết tới bên trong các cơ quan tạng phủ.1

Tình trạng mụn trứng cá thường xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì
Tình trạng mụn trứng cá thường xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì

Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân gây mụn trứng cá chủ yếu là:

  • Do phong nhiệt nung nấu, tụ kết lại ở Phế kinh, phát ra ở mặt mũi.
  • Hoặc do ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, dầu mỡ sinh ra thấp nhiệt, trường vị không giáng xuống được mà lại đi ngược lên.
  • Hoặc do Tỳ chuyển hóa kém làm cho thấp tà ngưng kết lâu ngày hóa đàm hóa nhiệt ngưng trệ ở bì phu.
  • Đặc biệt, ở tuổi dậy thường nhiệt thịnh, hợp với đàm, nhiệt độc uất kết ở bì phu gây nên bệnh.1

Xem thêm: Tổng hợp các cách trị mụn trứng cá phổ biến nhất

Các thể bệnh của mụn trứng cá

Bên cạnh đó, Y học cổ truyền chia mụn trứng cá theo các thể bệnh như sau:

  • Thể phế kinh phong nhiệt: Mụn trứng cá nóng, đỏ, hoặc sưng đau, có mụn mủ, hơi ngứa. Chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch tế sác hoặc phù sác.
  • Thể trường vị thấp nhiệt: Da trơn nhầy, nổi sẩn có mụn mủ kèm táo bón, tiểu vàng đậm, chán ăn, bụng đầy. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.
  • Thể tỳ hư không kiện vận: Mụn kéo dài, sắc da xám, kém tươi nhuận, tái phát nhiều lần, có cục hoặc bọc mủ, mệt mỏi, chán ăn, đại tiện lỏng. Chất lưỡi bệu, rêu trắng, mạch nhu hoạt.
  • Thể can uất huyết ứ: Người hay bực tức dễ nổi nóng, có nhiều loại mụn kết lại thành đám, có những vết sẹo hay vết thâm sau khi hết mụn. Chất lưỡi thâm, rêu mỏng, mạch hoạt sác hoặc huyền sác.1

Thuốc Đông y trị mụn trứng cá

Các bài thuốc Đông y được sử dụng

Theo Y học cổ truyền, tùy theo từng thể bệnh được chẩn đoán mà có những bài thuốc thang tương ứng trị mụn trứng cá. Các bài thuốc này được bác sĩ kê đơn, sắc uống trong ngày. Liều lượng các loại thuốc dựa theo hướng dẫn liều an toàn, mức độ nặng của mụn trứng cá, lứa tuổi, cân nặng.

Ngoài thuốc sắc uống, có thể kết hợp phương pháp dùng ngoài da rửa mặt đơn giản như:

  • Kim ngân hoa, Liên kiều, Bồ công anh; mỗi vị 30g sắc lấy nước dùng xoa rửa tại chỗ. Ngày có thể rửa từ 3 – 4 lần.
  • Hoặc có thể rửa mặt hàng ngày bằng nước chè xanh.1
Kim ngân hoa là vị thuốc thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá
Kim ngân hoa là vị thuốc thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá

Những bằng chứng về hiệu quả của thuốc Đông y trị mụn trứng cá

Ngày nay, đã phát hiện có nhiều cây thuốc có hoạt tính chống viêm và kháng khuẩn đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá và các bệnh nhiễm trùng da khác. Trong đó:

  • Tanin và flavonoid trong chè xanh có tác dụng trị mụn trứng cá, sát trùng. Đồng thời tanin giúp chống viêm, se bề mặt da, nhanh lành vết thương do mụn.
  • Về hoạt tính kháng sinh chống vi khuẩn gây mụn, kháng viêm giảm sưng do mụn có rất nhiều dược liệu khác nhau. Có thể kể đến như: Tỳ bà diệp, Liên kiều, Kim ngân hoa, Chi tử, Bồ công anh, Ý dĩ nhân, Hoàng cầm, Đại hoàng, Bạch chỉ, Tang bạch bì, Cam thảo, Hạ khô thảo, Khương hoàng – Nghệ vàng.
  • Có một số trường hợp mụn trứng cá do nội tiết. Vì vậy, sử dụng các vị thuốc có tác dụng điều hòa hormone như: Ý dĩ nhân (hạt bo bo), Hoàng cầm, Cam thảo.
  • Ngoài ra, một số dược liệu có khả năng làm trắng sáng làn da, mờ thâm sau mụn trứng cá như Bạch chỉ, Tang bạch bì, Mẫu đơn bì.2 3

Các hoạt tính trong các vị thuốc kể trên được sử dụng theo nhiều cách khác nhau; như dạng sắc thuốc uống theo kê đơn, dạng nước rửa mặt,…

Ngày nay, các nhà khoa học còn thêm chiết xuất các loại dược liệu này vào trong mỹ phẩm. Bên cạnh những hoạt chất trị mụn trong Y học hiện đại; thì còn có gel bôi trị mụn, nước dưỡng da, kem dưỡng,… từ thiên nhiên. Đây là sự kết hợp giúp tăng hiệu quả trị mụn và giảm tình trạng thâm sẹo sau mụn.2 3

Các sản phẩm trị mụn từ dược liệu tự nhiên đã được các nhà khoa học chứng minh hiệu quả
Các sản phẩm trị mụn từ dược liệu tự nhiên đã được các nhà khoa học chứng minh hiệu quả

Lưu ý, kiêng kỵ khi sử dụng thuốc Đông y trị mụn trứng cá

Bên cạnh dùng thuốc thì việc giữ vệ sinh làn da sạch sẽ, thông thoáng là điều tiên quyết trong điều trị mụn trứng cá. Người bệnh nên sử dụng sữa rửa mặt có độ pH phù hợp với làn da.4

Người bệnh cần hạn chế ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, các thực phẩm nhiều đường như đồ ăn vặt, nước ngọt. Tăng cường đa dạng các loại rau xanh và sữa chua (probiotics). Ăn uống cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng.4 5

Xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và luyện tập phù hợp. Kiểm soát căng thẳng. Phát hiện sớm và điều trị các nguyên nhân cơ bản kể trên. Điều này giúp kiểm soát mụn trứng cá và ngăn ngừa biến chứng về lâu dài.4

Xem thêm: Nặn mụn trứng cá: sai một ly, đi luôn làn da!

Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã biết thêm một số thuốc Đông y trị mụn trứng cá, và có thể áp dụng những vị thuốc này vào việc điều trị. Mụn trứng cá tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng tâm lý xã hội của người bệnh. Những người bị mụn trứng cá và sẹo sau mụn trứng cá thường dễ rơi vào lo lắng, trầm cảm. Cần quan tâm đúng mức và tuân thủ điều trị để đem lại hiệu quả tốt nhất. Nếu bạn có mong muốn chữa trị mụn bằng Đông y, hãy đến các cơ sở uy tín để được điều trị đúng cách.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Trần Văn Kỳ (2002). Trứng cá. Ngoại khoa Đông y. Nhà xuất bản Đà Nẵng.

  2. Identifying Chinese herbal medicine network for treating acne: Implications from a nationwide database. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26721214/

    Ngày tham khảo: 22/11/2021

  3. Medicinal Plants for the Treatment of Acne Vulgaris: A Review of Recent Evidences. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4740760/

    Ngày tham khảo: 22/11/2021

  4. Acne Vulgarishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459173/

    Ngày tham khảo: 22/11/2021

  5. Dairy Intake and Acne Vulgaris: A Systematic Review and Meta-Analysis of 78,529 Children, Adolescents, and Young Adultshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6115795/

    Ngày tham khảo: 22/11/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người