Những điều cần biết về thuốc làm loãng dịch đờm Mucosolvan (ambroxol)
Nội dung bài viết
Thuốc Mucosolvan (ambroxol) là chất tăng tiết dịch giúp làm loãng dịch đờm giúp bệnh nhân dễ khạc đờm hơn. Mucosolvan tác dụng như thế nào? Đối tượng nào có thể sử dụng thuốc? Cách dùng ra sao? Hãy cùng dược sĩ Bùi Kim Hoàng tìm hiểu về Mucosolvan nhé.
Thành phần hoạt chất: ambroxol.
Thuốc chứa thành phần tương tự: Ambroxol.
Mucosolvan (ambroxol) là thuốc gì?
Thuốc Mucosolvan có hoạt chất là ambroxol, giúp làm đờm thoát ra ngoài dễ dàng hơn bằng cách làm cho nó mỏng ra. Chính vì vậy, Mucosolvan được sử dụng để điều trị tình trạng hô hấp liên quan đến việc sản xuất quá nhiều chất nhầy.
Công dụng của thuốc Mucosolvan (ambroxol) là gì?
Hoạt chất Ambroxol có tác dụng:
Làm tăng bài tiết đường hô hấp: bằng cách tăng sản xuất chất có hoạt tính bề mặt ở phổi (surfactant) và kích thích hoạt động nhung mao. Nên làm lỏng các dịch tiết ra từ niêm mạc khí quản – phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, dẫn đến giảm độ nhớt, độ quánh đặc của đàm nhầy trong phế quản.
Vì vậy, các chất nhầy đàm có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống long chuyển hoặc bằng sự khạc cho long đờm làm cho người bệnh dễ thở.
- Tác dụng gây tê tại chỗ: nhờ tác dụng chẹn kênh natri, giảm đau và đỏ họng ở bệnh nhân đau họng.
- Kết hợp với kháng sinh: như amoxicilin, cefuroxim, erythromycin, doxycyclin… sẽ làm tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi, giúp điều trị bệnh có hiệu quả hơn.
Chống chỉ định
- Không dùng thuốc cho bệnh nhân quá mẫn với Ambroxol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Người loét dạ dày – tá tràng tiến triển không dùng thuốc.
- Bệnh nhân có bệnh di truyền hiếm gặp như không có khả năng dung nạp lactose hoặc không hấp thụ glucose – galactose không nên dùng.
Giá thuốc Mucosolvan (ambroxol) bao nhiêu tiền?
Thuốc Mucosolvan 30 mg có giá:
- 2.600 vnđ/ viên.
- 51.000 vnđ/ hộp 2 vỉ x 10 viên.
Thuốc Mucosolvan dạng siro có giá dao động 170.000 vnđ đến 200.000 vnđ/ Chai
Giá thuốc có thể thay đổi tùy vào nhà thuốc và thời điểm.
Liều dùng thuốc Mucosolvan (ambroxol)
Ambroxol là một chất long đàm. Thuốc giúp làm loãng đờm trong các bệnh phế quản phổi cấp và mạn tính liên quan đến sự tiết chất nhầy bất thường và sự vận chuyển chất nhầy bị suy giảm.
Liều khuyến cáo của Mucosolvan (ambroxol):
- Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 1 viên x 3 lần mỗi ngày. Hiệu lực có thể tăng lên bằng cách dùng 2 viên, 2 lần mỗi ngày.
- Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: nên dùng nửa viên, 2 – 3 lần mỗi ngày.
Cách dùng thuốc Mucosolvan (ambroxol)
- Dùng thuốc theo đường uống.
- Thuốc có thể dùng cùng hoặc không cùng với thức ăn.
- Bạn nên lưu ý uống nhiều nước khi dùng thuốc này.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Mucosolvan (ambroxol)
- Mucosolvan (ambroxol) không nên dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
- Trong chỉ định bệnh lý hô hấp cấp, nên đi khám nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc xấu đi khi đã dùng thuốc điều trị.
- Bệnh nhân có bệnh rối loạn chuyển hóa không nên tự ý sử dụng mà không có sự tư vấn của bác sĩ.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tác dụng phụ của thuốc Mucosolvan (ambroxol)
- Hệ miễn dịch: các phản ứng phản vệ kể cả sốc phản vệ, phù mạch, phát ban, mày đay, ngứa và các phản ứng quá mẫn khác.
- Hệ tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó tiêu và đau bụng.
Trong quá trình sử dụng thuốc nếu có bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào xảy ra, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện chưa thấy báo cáo tương tác không thuận lợi của Mucosolvan với các thuốc khác trên lâm sàng.
Tương tác thuốc
Trong quá trình sử dụng có thể xảy ra tương tác hoặc phản ứng với các loại thuốc, thực phẩm khác:
- Cần kê khai cho bác sĩ các loại thuốc hoặc thực phẩm bạn đang dùng
- Không phối hợp với thuốc khô đờm atropin hoặc thuốc ho codein.
- Một số tương tác bất lợi (với kháng sinh Amoxicillin, Erythromycin, Cefuroxim…) có thể gây ra tác động xấu và nguy hiểm đến tính mạng cho người sử dụng
- Trong quá trình sử dụng thuốc bệnh nhân nên hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê cùng những đồ uống có cồn hoặc chất kích thích khác.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai: Ambroxol qua được hàng rào nhau thai, tuy chưa có báo cáo cho thấy ảnh hưởng đối với phụ nữ có thai. Nhưng nên thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai. Đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ, khuyến cáo không sử dụng Mucosolvan.
Phụ nữ cho con bú: Không khuyến cáo sử dụng Mucosolvan cho phụ nữ đang cho con bú mặc dù không xảy ra những tác dụng bất lợi ở trẻ đang bú mẹ.
Nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Các triệu chứng quá liều được báo cáo tương tự tác dụng không mong muốn của thuốc tại liều khuyến cáo và có thể cần điều trị triệu chứng. Ngoài các biện pháp dùng thuốc, có thể kết hợp sử dụng một số biện pháp không dùng thuốc như xông hơi (xông cũng giúp phá vỡ đờm và giúp bạn ho để khạc đờm, cần cẩn thận để tránh bị bỏng).
Bạn có thể sử dụng một bình xông hơi trong phòng hoặc dùng một bát nước sôi thêm vào đó vài giọt menthol, camphor hoặc tinh dầu bạch đàn, hít hơi nước bốc lên), uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng đờm và dễ ho để khạc ra ngoài hơn.
Việc tắm nước ấm, xông hơi để giúp phá vỡ đờm giúp dễ khạc đờm, tích cực nghỉ ngơi. Nếu bạn hút thuốc nên ngừng hút thuốc.
Cách bảo quản thuốc Mucosolvan (ambroxol)
Bảo quản thuốc nơi khô ráo thoáng mát, dưới 30°C, tránh ánh sáng trực tiếp.
Trên đây là những thông tin thuốc Mucosolvan về cách dùng, đối tượng dùng. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu của ho có đờm. Bạn cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa Hô hấp để được thăm khám và có chỉ định phù hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mucosolvan (Ambroxol): Uses, Side Effects, Dosage & FAQs
https://www.drugsbanks.com/ambroxol-mucosolvan/
Ngày tham khảo: 07/04/2020
-
Ambroxol Hydrochloridehttps://www.drugs.com/ambroxol.html
Ngày tham khảo: 07/04/2020
-
Mucosolvanhttps://dav.gov.vn/file/2013/1394/img897.pdf
Ngày tham khảo: 07/04/2020