Thuốc ngủ: Hiệu quả và tác hại
Nội dung bài viết
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Bởi nó giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Giấc ngủ được xem là chất lượng khi đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau: đủ giờ, đủ sâu, cảm thấy khoẻ khoắn khi thức dậy. Khi bị mất ngủ, rất nhiều người sử dụng thuốc ngủ vô tội vạ; không hiểu hết các tác dụng phụ của thuốc. Từ đó dẫn đến tình trạng lệ thuộc thậm chí là nghiện thuốc. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về thuốc ngủ cũng như những công dụng và lưu ý khi sử dụng loại thuốc này.
Tổng quan về giấc ngủ
Mất ngủ được định nghĩa là khó khăn vào giấc ngủ, ngủ chập chờn hoặc thức dậy quá sớm mà không thể quay trở lại giấc ngủ. Nói chung, giấc ngủ của họ kém chất lượng. Giấc ngủ kém gây khó khăn cho hoạt động vào ban ngày. Mất ngủ không được xác định bởi số giờ ngủ vì số giờ ngủ thay đổi từ người này sang người khác.
Trong nhiều trường hợp, mất ngủ xảy ra do một vấn đề khác. Chẳng hạn như stress, lo âu, trầm cảm, cơn đau hoặc một tình trạng y khoa. Trong những trường hợp này, điều trị vấn đề tiềm ẩn có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Trong nhiều trường hợp khác, nguyên nhân gây mất ngủ không rõ ràng. Thậm chí chứng mất ngủ không trở nên tốt hơn khi vấn đề cùng tồn tại được điều trị. Do đó, mất ngủ cần phải được giải quyết cụ thể.
Hầu hết các bác sĩ lâm sàng chọn loại thuốc nào sẽ dựa trên loại mất ngủ của bạn (nghĩa là khó vào giấc ngủ hoặc vẫn vào được giấc ngủ nhưng chập chờn không sâu giấc). Hãy cùng tìm hiểu các nhóm thuốc hỗ trợ giấc ngủ sau đây.
Nhóm thuốc an thần – gây ngủ
Thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể được khuyến nghị nếu liệu pháp hành vi không giúp ích. Và chứng mất ngủ cản trở khả năng hoạt động vào ban ngày. Người dùng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ về thuốc ngủ. Đồng thời, bạn cũng cần cân nhắc các lợi ích (ví dụ, các triệu chứng và chức năng ban ngày được cải thiện) so với các rủi ro (ví dụ: tác dụng phụ và nghiện) và gánh nặng (ví dụ: chi phí và nỗ lực).
Thuốc an thần – gây ngủ hoạt động trên não khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Sự khác biệt chính giữa các loại thuốc trong nhóm này chính là thời gian bắt đầu tác dụng và tác dụng kéo dài bao lâu.
Sau đây là những nhóm thuốc an thần hỗ trợ giấc ngủ thường được các bác sĩ chỉ định.
Nhóm Benzodiazepin (BZD)
Đây là một loại thuốc lâu đời giúp an thần, giãn cơ và có thể làm giảm mức độ lo lắng. Các thuốc điều trị mất ngủ trong nhóm này thường được sử dụng bao gồm quazepam, triazolam, estazolam, temazepam, flurazepam và lorazepam.
Những người sử dụng nhóm này nên thận trọng vì nó có thể buồn ngủ vào buổi sáng. Điều này có thể ảnh hưởng đến an toàn khi lái xe, hiệu suất công việc và khả năng đưa ra quyết định.
Ngoài ra, không dùng thuốc benzodiazepin với rượu hoặc thuốc an thần khác. Đặc biệt không dùng nhiều hơn khuyến cáo của bác sĩ vì có khả năng gây nghiện. Các thuốc benzodiazepin thường chỉ được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn.
Nhóm Non – benzodiazepin (non – BZD)
Đây cũng là một nhóm có phần giống với các loại thuốc benzodiazepin. Những loại thuốc này có thể có ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc benzodiazepin. Bởi vì chúng tác động nhiều hơn ở trung tâm ngủ của não và ít tác dụng hơn trên các khu vực khác của não.
Thời gian tác động có nó ngắn hơn BZD. Vì vậy ít gây buồn ngủ hay ngầy ngật vào buổi sáng. Non – benzodiazepines được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ bao gồm zaleplon, eszopiclone, zolpidem và zolpidem phóng thích kéo dài.
Lưu ý: người dùng không dùng chung các loại thuốc này với rượu hoặc thuốc an thần khác. Và không dùng nhiều hơn liều thuốc mà bác sĩ khuyến cáo.
Thận trọng khi sử dụng
Nhóm Thuốc an thần – gây ngủ nên được sử dụng cẩn thận và một số trường hợp nhất định không nên sử dụng chúng:
- Phụ nữ có thai, do tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh
- Người nghiện rượu
- Những người có vấn đề về thận, gan hoặc phổi
- Những người bị ngưng thở khi ngủ
Tác dụng phụ
Một số hành vi bất thường như ăn uống, lái xe hoặc quan hệ tình dục sau khi đi ngủ (mộng du) đã được báo cáo sau khi dùng nhóm thuốc này. Đặc biệt là nhóm Non BZD. Bạn có thể không nhớ về hành vi này. Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng dẫn đến tác hại. Nhưng đôi khi nó có thể gây thương tích cho bạn hoặc người khác nếu bạn làm điều gì đó không an toàn trong giấc ngủ.
Người dùng còn có nguy cơ gia tăng những hành vi bất thường này nếu uống thuốc ngủ sau khi uống rượu hoặc dùng chung với thuốc giảm đau gây nghiện. Nếu có loại tác dụng phụ này, hãy ngừng dùng thuốc ngay lập tức và báo cho bác sĩ.
Đôi khi, người dùng còn cảm thấy ngầy ngật buồn ngủ làm giảm khả năng làm việc hoặc lái xe vào buổi sáng. Hoặc tệ hơn là các phản ứng dị ứng nghiêm trọng (như sốc phản vệ và phù mạch) hiếm khi được báo cáo, đôi khi sau liều đầu tiên.
Cuối cùng, người dùng hoàn toàn có nguy cơ nghiện thuốc ngủ, uống quá liều và dẫn đến nguy hiểm.
Các nhóm thuốc điều trị mất ngủ khác
Ramelteon
Đây là một loại thuốc được phê duyệt điều trị mất ngủ. Nó hoạt động theo cơ chế khác với nhóm BZD. Đó là hệ thống melatonin (ở BZD là hệ thống GABA) . Lợi ích của nó hơn so với những nhóm khác là nó không có khả năng gây buồn ngủ buổi sáng.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của ramelteon là đau đầu, buồn ngủ và đau họng, mặc dù những vấn đề này xảy ra ở ít hơn 1 phần trăm bệnh nhân. Bạn không nên dùng ramelteon nếu bạn bị bệnh gan hoặc dùng fluvoxamine (Luvox). Ramelteon có sẵn ở Hoa Kỳ, nhưng không phải ở Châu Âu.
Suvorexant
Đây là một loại thuốc theo toa đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 2014 cho chứng mất ngủ. Nó hoạt động bằng cách ngăn chặn một hóa chất não gọi là orexin. Bình thường, orexin giúp bạn tỉnh táo.
Tác dụng phụ phổ biến nhất của là buồn ngủ vào ngày hôm sau. Người dùng nên thận trọng vì buồn ngủ vào buổi sáng có thể ảnh hưởng đến an toàn lái xe, hiệu suất công việc và ra quyết định. Nó cũng nên được sử dụng thận trọng ở những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, vì nó có thể gây ra vấn đề về hô hấp trong khi ngủ.
Thuốc chống trầm cảm
Liều rất thấp doxepin, một loại thuốc chống trầm cảm, có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị chứng mất ngủ. Công thức của doxepin cho chứng mất ngủ được gọi là Silenor. Thuốc này có thể hữu ích nhất cho bệnh nhân khó ngủ. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của nó là buồn ngủ vào ngày hôm sau, khô miệng và khô mắt.
Các thuốc chống trầm cảm khác không được chấp thuận để điều trị chứng mất ngủ. Mặc dù đôi khi chúng được sử dụng vì tạo ra cảm giác êm dịu, an thần. Tuy nhiên, nếu mất ngủ của bạn là do nguyên nhân trầm cảm. Thì bạn phải điều trị trầm cảm từ đó giấc ngủ mới được cải thiện.
Thuốc kháng histamine
Các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn có chứa chất kháng histamine. Ví dụ như thuốc chống dị ứng. Thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ vào ban ngày và các tác dụng phụ khác, chẳng hạn như khô miệng, mờ mắt và khó làm trống bàng quang.
Melatonin
Đây là một loại hormone thường được sản xuất bởi tuyến tùng trong não. Melatonin dường như không hữu ích ở hầu hết những người bị mất ngủ, ngoại trừ ở những người mắc hội chứng giai đoạn ngủ muộn. Melatonin dường như an toàn khi được sử dụng dưới ba tháng. Tuy nhiên, melatonin được bán trên thị trường như một chất bổ sung chế độ ăn uống. Các thành phần, liều lượng và độ tinh khiết của các chất bổ sung chế độ ăn uống không được quy định.
Hiện nay tại Việt Nam, các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ được bán tràn lan. Người dùng hầu hết tự điều trị mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này có thể làm tình trạng của bạn càng mãn tính hơn và thậm chí gây nghiện thuốc. Khó khăn hơn cho điều trị sau này. Do đó, nếu cần điều trị chứng mất ngủ, bạn nên tham khảo đi khám để được các bác sĩ tư vấn và chỉnh định thuốc hợp lý.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Patient education: Insomnia treatments (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/insomnia-treatments-beyond-the-basics?search=sleep%20medications&topicRef=97867&source=see_link
Ngày tham khảo: 19/01/2020