Thuốc Postinor (levonorgestrel): Giải đáp những thắc mắc thường gặp khi sử dụng thuốc
Nội dung bài viết
Thuốc ngừa thai khẩn cấp Postinor (levonorgestrel) được sử dụng như thế nào? Những điều quan trọng gì cần lưu ý khi sử dụng thuốc?
Tên thành phần hoạt chất: Levonorgestrel.
Tên chứa thành phần tương tự: Levonia alpha, Mirena, ECee2, Lovynor…
Postinor (levonorgestrel) hoạt động như thế nào?
Postinor là một thuốc ngừa thai khẩn cấp có tác dụng trong 72 giờ (3 ngày), được sử dụng ở phụ nữ sau khi quan hệ mà không có biện pháp bảo vệ.
Thuốc có thành phần là hooc-môn giới tính giúp điều hòa hệ sinh dục, từ đó giúp ngừa thai khẩn cấp. Postinor (levonorgestrel) hoạt động bằng cách:
- Ngăn sự rụng trứng.
- Ngăn không cho tinh trùng thụ tinh với bất kỳ trứng nào có thể đã được phóng thích.
Thuốc không có tác dụng khi quá trình mang thai đã xảy ra. Vì vậy, cần uống càng sớm càng tốt.
Dùng thuốc tránh thai hằng ngày có gây hại cho sức khỏe hay không? Tìm hiểu trong bài viết: Cách sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày.
Chống chỉ định
Chống chỉ định trong trường hợp quá mẫn với levonorgestrel hoặc bất cứ thành phần nào trong thuốc. Người mắc bệnh gan nặng cũng không nên dùng.
Khi nào nên dùng và cách dùng thuốc Postinor?
- Postinor có khả năng ngừa thai với tỉ lệ > 80% sau khi quan hệ không biện pháp bảo vệ và dùng thuốc trong vòng 3 ngày.
- Uống càng sớm, thuốc càng mang lại hiệu quả cao. Nên uống trong vòng 12 giờ sau khi quan hệ không an toàn hơn là kéo dài, trì hoãn đến ngày thứ 3 mới uống (48 – 72 giờ sau đó).
- Lưu ý: không nhai thuốc, uống nguyên viên.
Tôi có thể uống Postinor thường xuyên không?
Không nên dùng Postinor như một biện pháp tránh thai thường xuyên, chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp. Nếu uống thuốc Postinor nhiều hơn 1 lần trong cùng một chu kỳ kinh, kinh nguyệt của bạn có nhiều khả năng sẽ bị rối loạn.
Nếu cần tránh thai thường xuyên, phụ nữ nên sử dụng các thuốc tránh thai hằng ngày như Marvelon, Mercilon, Regulon, Estraceptin… hoặc các biện pháp tránh thai lâu dài khác.
Tôi có thể sử dụng thuốc trong thời gian cho con bú?
Có một lượng rất nhỏ thuốc có thể đi vào sữa mẹ. Tuy nhiên, điều này không được cho là có hại đối với em bé. Nhưng nếu bạn không yên tâm, có thể uống thuốc ngay sau khi cho bé bú, không cho bé bú sau khi uống thuốc ít nhất 8 giờ. Như vậy thì khoảng thời gian từ lúc bạn uống thuốc đến khi cho bé bú sẽ đủ xa để làm giảm lượng thuốc trong sữa mà bé uống phải.
Tác động phụ xảy ra khi dùng thuốc
Các triệu chứng rất phổ biến sau khi dùng:
- Buồn nôn.
- Đau bụng dưới.
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Xuất hiện sự chảy máu âm đạo bất thường.
Ngoài ra, một số tác động phụ phổ biến khác như:
- Nôn.
- Tiêu chảy.
- Chóng mặt.
- Chu kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi bất thường (đến sớm hoặc muộn hơn so với bình thường 5 ngày. Trường hợp này phải đến khám bác sĩ để xử trí).
Các tương tác thuốc có thể xảy ra
Có một số thuốc có thể làm giảm tác dụng của Postinor:
- Nhóm barbiturate hoặc nhóm thuốc khác điều trị động kinh (primidone, phenytoin và carbamazepine).
- Thuốc điều trị lao: rifampicin, rifabuptin.
- Nhóm thuốc điều trị HIV: ritonavir, efavirenz.
- Thuốc điều trị bệnh nhiễm do nấm: griseofulvin.
- Thảo dược St John’ wort.
Cần lưu ý cho bác sĩ/dược sĩ nếu bạn đang sử dụng những thuốc này vì chúng có thể khiến hiệu quả tránh thai của Postinor bị giảm sút.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc
Đối với phụ nữ có thai
Không dùng thuốc này khi đã có thai. Thuốc không gây sảy thai cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy Postinor gây hại đến thai nhi. Tuy nhiên, bác sĩ cần phải chẩn đoán tình trạng thai ngoài tử cung (nghĩa là thai nhi phát triển ở nơi khác, không phải trong tử cung như bình thường). Bạn cần gặp bác sĩ nếu:
- Cảm thấy đau nặng bụng sau khi dùng Postinor.
- Đã từng mang thai ngoài tử cung, từng phẫu thuật ống dẫn trứng hoặc viêm khung chậu.
Với đối tượng là trẻ em hoặc thiếu niên
Trong trường hợp đối tượng trên 16 tuổi, việc nên làm trước khi sử dụng thuốc là gọi ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn về cách dùng thuốc tránh thai khẩn cấp này.
Trước khi sử dụng Postinor, cần nói với bác sĩ về các vấn đề sau:
Đang có thai hoặc nghi ngờ có thai vì Postinor không có tác dụng trên phụ nữ có thai.
Dấu hiệu cho thấy có thể đã mang thai:
- Trễ kinh 5 ngày đồng thời xuất hiện tình trạng chảy máu bất thường.
- Tiếp tục quan hệ không biện pháp bảo vệ sau khi đã dùng Postinor.
Nếu nhạy cảm với thuốc hoặc bất kỳ loại thức ăn nào.
Không nên sử dụng Postinor trong trường hợp nào?
- Có bệnh lý ở ruột non (bệnh Crohn – bệnh viêm ruột với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, xuất hiện máu trong phân và có thể gây sụt cân…), vì mắc bệnh lý này sẽ gây cản trở trong việc hấp thu Postinor.
- Mắc bệnh gan nghiêm trọng.
- Lần mang thai trước đó là thai ngoài tử cung.
- Viêm ống dẫn trứng.
Lưu ý: Nếu một phụ nữ đã từng có thai ngoài tử cung và mắc thêm bệnh viêm ống dẫn trứng thì sẽ tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung trong lần mang thai kế tiếp.
Rối loạn tâm thần
- Một số trường hợp sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố bao gồm Levonorgestrel đã xuất hiện tình trạng trầm cảm hoặc gây ra tâm trạng chán nản.
- Bệnh trầm cảm đôi khi có thể dẫn đến những suy nghĩ cực đoan gây hại cho người bệnh (tự tử).
- Nếu có dấu hiệu về sự thay đổi trong tâm trạng và xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, liên hệ ngay với bác sĩ để được đưa ra những biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt.
Uống quá nhiều thuốc Postinor thì phải làm sao?
- Vẫn chưa có báo cáo về tác động có hại nghiêm trọng khi dùng nhiều thuốc hơn liều nên dùng.
- Tuy nhiên, triệu chứng có thể gặp phải thường là: cảm thấy mệt, nôn, chảy máu âm đạo bất thường… Trong tình huống này, nên gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ.
Cách bảo quản thuốc Postinor
- Bảo quản thuốc ở nơi tránh ánh sáng và giữ xa tầm tay của trẻ em.
- Không dùng khi thuốc đã quá hạn (thông tin hạn dùng được ghi trên bao bì sản phẩm).
Postinor là một thuốc biệt dược có chứa hoạt chất levonorgestrel, được sử dụng một lần để ngừa thai khẩn cấp. Trong quá trình sử dụng, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn hoặc nếu chưa rõ thì nên gọi cho bác sĩ/dược sĩ để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, trong quá trình dùng thuốc nếu có xuất hiện các triệu chứng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày hoặc trực tiếp tác động đến sức khỏe, hãy tới gặp bác sĩ chuyên khoa sản để được đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
Biên tập bởi: Dược sĩ Lương Triệu Vĩ