YouMed

Thuốc Transamin (acid tranexamic): Thuốc cầm máu bạn cần biết

Dược sĩ TRẦN VÂN THY
Tác giả: Dược sĩ Trần Vân Thy
Chuyên khoa: Dược

Thuốc Transamin là một thuốc cầm máu thường dùng trong các trường hợp như rong kinh, chảy máu cam. Vậy ngoài những trường hợp trên thì thuốc còn được dùng để điều trị bệnh gì và cách dùng như thế nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Transamin thông qua bài viết sau!

Thành phần hoạt chất: acid tranexamic.

Thuốc chứa thành phần tương tự:

  • Viên nang cứng 250mg: Medisamin 250, Tovamic 250, Tranexamic acid 250mg, Tranecid 250.
  • Viên nén 500mg: Flamaz, Meyeramic 500, Tovamic 500, Tranecid 500.
  • Dung dịch tiêm 250mg/5ml: Cammic, Medsamic 250mg/5ml, Zentonamic, Hanexic…

Transamin (acid tranexamic) là thuốc gì?

Thuốc Transamin có các dạng bào chế bao gồm: viên nang cứng chứa 250mg acid tranexamic, viên nén chứa 500mg acid tranexamic và dung dịch tiêm chứa acid tranexamic 250mg/5ml.

Hoạt chất acid tranexamic thuộc nhóm cầm máu, ức chế tiêu sợi huyết. Do đó, acid tranexamic có tác dụng chống chảy máu, chống dị ứng và chống viêm.

Thuốc Transamin
Thuốc Transamin

Chỉ định thuốc Transamin (acid tranexamic)

Thuốc Transamin (acid tranexamic) được dùng trong các trường hợp:

1. Xuất huyết bất thường liên quan tới tăng tiêu sợi huyết tại chỗ như:

  • Chảy máu ở phổi, mũi, bộ phận sinh dục, thận.
  • Chảy máu bất thường trong hoặc sau khi phẫu thuật tuyến tiền liệt.

2. Có nguy cơ xuất huyết liên quan tới tăng tiêu sợi huyết như:

  • Bệnh bạch huyết, thiếu máu không tái tạo, ban xuất huyết…
  • Chảy máu bất thường trong và sau khi phẫu thuật.

3. Rong kinh.

Liều và cách dùng thuốc

Bài viết xin đề cập tới liều của thuốc Transamin (acid tranexamic) đường uống như sau:

1. Người lớn

Đối với người lớn, liều dùng thông thường cho đường uống là 750 – 2.000mg acid tranexamic/ngày, chia làm 3 – 4 lần, tương đương 2 – 4 viên nén Transamin 500mg/ngày. Liều có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào tuổi và triệu chứng.

Liều uống tham khảo theo Dược điển Việt Nam như sau:

  • Điều trị ngắn ngày chảy máu do tiêu fibrin quá mức: Mỗi lần uống 1 –1,5 g (hoặc 15 – 25 mg/kg), ngày 2 – 4 lần.
  • Phẫu thuật răng cho người bị bệnh hay chảy máu: Uống mỗi lần 25 mg/kg, ngày 3 – 4 lần, bắt đầu 1 ngày trước khi phẫu thuật.
  • Rong kinh (khởi đầu khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt): Uống mỗi lần 1g, ngày 3 lần, tới 4 ngày. Liều tối đa mỗi ngày 4g.
  • Phù mạch di truyền: Uống mỗi lần 1 – 1,5 g, ngày 2 – 3 lần.
  • Chảy máu mũi: Uống mỗi lần 1 g, ngày 3 lần trong 7 ngày.
Thuốc được dùng trong trường hợp chảy máu mũi
Thuốc được dùng trong trường hợp chảy máu mũi

2. Trẻ em

Thông thường mỗi lần uống 25mg/kg tùy theo chỉ định. Tuy nhiên, nên hạn chế dùng do chưa có dữ liệu về sự an toàn của thuốc cho trẻ em.

3. Người lớn tuổi và suy thận

Vì người cao tuổi có chức năng sinh lý giảm, nên có những biện pháp giảm liều có giám sát thận trọng.

Riêng đối với người bị suy thận, điều chỉnh liều theo nồng độ creatinin huyết thanh như sau:

  • 120 – 250 micromol/lít: mỗi lần 15 mg/kg, ngày 2 lần.
  • 250 – 500 micromol/lít: mỗi ngày 1 lần 15 mg/kg.
  • > 500 micromol/lít: mỗi ngày 7,5 mg/kg hoặc 15 mg/kg cách mỗi 48 giờ.

Chống chỉ định thuốc Transamin (acid tranexamic)

Không dùng thuốc Transamin (acid tranexamic) trong những trường hợp sau:

  • Tiền sử mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Đã hoặc đang có huyết khối.
  • Tình trạng tiêu sợi tuyết do bệnh lý đông máu tiêu hủy.
  • Suy thận nặng.
  • Tiền sử bệnh động kinh.
  • Đang sử dụng thuốc Thrombin.
Người đã hoặc đang có huyết khối không được dùng thuốc Transamin (acid tranexamic)
Người đã hoặc đang có huyết khối không được dùng thuốc Transamin (acid tranexamic)

Thận trọng khi sử dụng

Phải thận trọng khi dùng thuốc Transamin (acid tranexamic) cho những trường hợp:

  • Đang có huyết khối (huyết khối não, nhồi máu cơ tim, viêm tĩnh mạch huyết khối…) hoặc có nguy cơ bị huyết khối.
  • Có bệnh đông máu do dùng thuốc (sử dụng đồng thời với heparin).
  • Hậu phẫu, nằm bất động và đang được băng bó cầm máu (có thể xảy ra huyết khối tĩnh mạch).
  • Bị bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh mạch máu não hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo.
  • Tiền sử quá mẫn với thuốc.
  • Tiểu ra máu có liên quan đến thận (tránh dùng nếu có nguy cơ tắc nghẽn niệu quản).
  • Chảy máu do đông máu rải rác nội mạch, trừ khi bệnh do rối loạn cơ chế tiêu fibrin.
  • Phụ nữ kinh nguyệt không đều, phụ nữ mang thai.

Không dùng thuốc kèm với estrogen, phức hợp yếu tố IX hoặc chất gây đông máu vì tăng nguy cơ huyết khối.

Kiểm tra chức năng gan và thị giác thường xuyên khi điều trị dài ngày.

Tuy rất hiếm xảy ra buồn ngủ nhưng bạn vẫn nên cẩn trọng khi lái xe và vận hành máy móc nếu đang dùng thuốc. Cùng theo dõi đoạn clip sau nhé:

Tác dụng không mong muốn của thuốc

Các phản ứng có hại thường được báo cáo là chán ăn, buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy, ngứa và phát ban, buồn ngủ.

Phản ứng có hại có ý nghĩa lâm sàng là co giật (đã được ghi nhận ở người bệnh thẩm tách máu).

Khi thấy bất cứ tác dụng không mong muốn nào của thuốc Transamin (acid tranexamic) thì cần báo ngay cho bác sĩ biết để được điều trị kịp thời.

Tương tác với thuốc Transamin (acid tranexamic)

Chống chỉ định phối hợp thuốc Transamin với: thuốc Thrombin.

Thận trọng khi dùng phối hợp thuốc Transamin với:

  • Thuốc gây đông máu (hemocoagulase).
  • Batroxobin.
  • Các yếu tố gây đông (ví dụ eptacog-alfa).

Phụ nữ có thai và cho con bú

Chưa có dữ liệu về an toàn của thuốc Transamin (acid tranexamic) trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Thuốc có qua được sữa mẹ. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào trong giai đoạn này.

Quá liều thuốc Transamin (acid tranexamic)

Hiện chưa có báo cáo về sử dụng quá liều thuốc Transamin (acid tranexamic). Các triệu chứng quá liều có thể gặp phải như buồn nôn, nôn, hạ huyết áp thế đứng, chóng mặt, đau đầu, co giật.

Bạn có thể tham khảo thêm: Nguyên nhân và cách chữa trị chảy máu cam ở trẻ em hiệu quả.

Xử trí: bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời nếu xảy ra các triệu chứng do dùng thuốc quá liều. Bước đầu xử trí nên cho gây nôn, rửa dạ dày và dùng than hoạt. Nên duy trì bổ sung dịch để thuốc nhanh đào thải và dùng các biện pháp điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Cách bảo quản thuốc Transamin (acid tranexamic)

Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ không quá 30°C. Để thuốc xa tầm tay trẻ em.

Thuốc Transamin (acid tranexamic) là thuốc cầm máu, chống xuất huyết. Bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về thuốc Transamin. Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị hợp lý và không được tự ý dùng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Transamin Tabletshttps://drugbank.vn/thuoc/Transamin-Tablets&VN-17416-13

    Ngày tham khảo: 23/06/2020

  2. Transamin Capsules 250mghttps://drugbank.vn/thuoc/Transamin-Capsules-250mg&VN-17933-14

    Ngày tham khảo: 23/06/2020

  3. Transamin Injectionhttps://drugbank.vn/thuoc/Transamin-Injection&VN-21605-18

    Ngày tham khảo: 23/06/2020

  4. Tranexamic acid tablet emchttps://www.medicines.org.uk/emc/medicine/32824

    Ngày tham khảo: 23/06/2020

  5. Dược thư Quốc gia Việt Nam (2018). ACID TRANEXAMIC, trang 139 - 140.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=139

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người