Thuốc trị bướu cổ tuyến giáp và những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Hiện nay, bướu cổ tuyến giáp là căn bệnh phổ biến trong cộng đồng. Có nhiều phương pháp điều trị bướu cổ tuyến giáp, một trong số đó là sử dụng thuốc. Bài viết Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ cung cấp thông tin về thuốc trị bướu cổ tuyến giáp.
Bướu cổ tuyến giáp là gì?
Bướu cổ tuyến giáp là sự lớn lên bất thường về kích thước và có thể kèm theo sự rối loạn chức năng tuyến. Bướu có thể do tuyến giáp lớn đơn thuần hay có nhân trong mô tuyến – gọi là nhân giáp.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bướu cổ tuyến giáp. Trong số đó, nguyên nhân thường gặp nhất là thiếu iod, bệnh giáp Graves và Hashimoto.
Người mắc bướu cổ có thể có các triệu chứng cường giáp hay suy giáp. Cường giáp do tuyến giáp hoạt động quá mức gây nên run tay chân, yếu cơ, hồi hộp, tiêu chảy,…
Ngược lại, suy giáp do tuyến giáp kém hoạt động gây ra khô da, trầm cảm, táo bón,… Nếu tuyến giáp to sẽ chèn ép vào khí quản gây khó thở và thực quản gây khó nuốt. Tuyến giáp to cũng làm biến dạng cổ gây mất thẩm mỹ.
Chẩn đoán bướu tuyến giáp
Trước khi bác sĩ chỉ định người bệnh dùng thuốc trị bướu cổ tuyến giáp gì, họ cần thực hiện các xét nghiệm. Có rất nhiều cách để biết được mình có mắc bướu cổ hay không. Đơn giản nhất là nếu bác sĩ sờ hay nhìn thấy tuyến giáp của bạn to thì đã có thể nghi ngờ bệnh bướu cổ. Một số chỉ định được thực hiện để đánh giá chuyên sâu hơn như:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu nhằm kiểm tra độ hoạt động tuyến giáp. Qua đó, nhận biết được người bệnh đang mắc cường giáp hay suy giáp. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp xác định loại bệnh lý tuyến giáp và độ nặng của bệnh.
Hình ảnh học tuyến giáp
Siêu âm tuyến giáp giúp nhìn thấy kích thước, nhân giáp và mật độ tuyến. Do đó đây là phương tiện đầu tay để chẩn đoán có hay không có bướu giáp.
CT hay MRI là những chỉ định nâng cao nếu siêu âm không đủ để đánh giá tuyến giáp. Hình ảnh do CT hay MRI cho thấy được toàn bộ giới hạn tuyến giáp và các nhân bên trong tuyến. Tuy nhiên, đây là những kỹ thuật xâm lấn và đắt tiền nên cần cân nhắc khi thực hiện.
Sinh thiết
Sinh thiết tuyến giáp cho hình ảnh chân thật nhất về tình trạng bướu giáp. Sinh thiết chủ yếu dùng phân biệt bướu lành hay ác tính và được chỉ định cuối cùng.
Bướu cổ tuyến giáp có những loại nào?
Có nhiều phân loại bướu cổ tuyến giáp hiện nay, nhưng nhìn chung bướu được chia làm hai loại chính:
- Bướu giáp lành tính: viêm giáp, nang giáp, bệnh giáp Graves.
- Bướu giáp ác tính bao gồm các loại ung thư tuyến giáp.
Đa số bướu tuyến giáp là lành tính, chỉ 5% là bướu ác tính. Hầu hết các bướu ác tính đều phải điều trị phẫu thuật và xạ trị. Các bướu lành tính có nhiều cách điều trị hơn, mà phần lớn là sử dụng thuốc. Vậy thuốc trị bướu cổ tuyến giáp có những loại nào?
Thuốc điều trị bướu cổ tuyến giáp
1. Khi nào phải uống thuốc điều trị?
Không phải ai mắc bệnh cũng phải uống thuốc trị bướu cổ tuyến giáp. Nếu bướu nhỏ và không gây triệu chứng, có thể theo dõi định kỳ mà không cần điều trị gì. Điều trị thuốc còn phải phụ thuộc vào kích thước, nhóm triệu chứng và nguyên nhân của bệnh.
2. Các thuốc trị bướu cổ tuyến giáp hiện nay
Đối với người bị cường giáp
Thuốc điều trị bướu cổ tuyến giáp chủ yếu là thuốc kháng giáp. Thuốc kháng giáp hiện nay có hai chế phẩm là methimazole và propylthiouracil. Mục tiêu là giúp giảm lượng hormone trong máu để đạt trạng thái bình thường trong vòng 3-8 tuần. Ngoài ra, thuốc này còn giúp bình ổn hormone trước khi phẫu thuật hay xạ trị tuyến giáp.
Đối với người bị suy giáp
Chủ yếu điều trị bằng hormone giáp ngoại sinh. Có hai loại là liothyronine và levothyroxine. Thuốc giúp bổ sung cho lượng hormone bị thiếu hụt do tuyến giáp không thể sản xuất đủ. Mục tiêu điều trị từ 4-6 tuần, sau đó có thể thay đổi liều dần cho tới khi đạt lượng hormone cân bằng.
Đối với người viêm giáp
Thuốc điều trị viêm giáp là kết hợp các thuốc kháng viêm và điều trị triệu chứng suy giáp hay cường giáp. Một số thuốc loại này có thể dùng là acid acetylsalicylic hay NSAIDs.
Khi uống thuốc trị bướu cổ tuyến giáp, cần lưu ý uống đủ và đúng liều của bác sĩ. Bên cạnh đó cần tái khám định kỳ và theo dõi các tác dụng phụ của thuốc nếu có.
3. Tác dụng phụ có thể có khi uống thuốc
Dị ứng là tác dụng phụ thường gặp nhất. Giảm bạch cầu hạt và viêm gan cũng có thể gặp khi uống thuốc kháng giáp. Những tác dụng này có thể xuất hiện ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng gì. Do đó người bệnh cần tái khám đúng hẹn bác sĩ và tự theo dõi tại nhà liên tục để sớm phát hiện.
4. Khi nào ngưng uống thuốc?
Sau một thời gian uống thuốc trị bướu cổ tuyến giáp theo liệu trình của bác sĩ, bệnh nhân cần kiểm tra lại các thăm khám như ban đầu.
Nếu bệnh không tiến triển thêm, không xuất hiện triệu chứng, chức năng tuyến giáp bình ổn thì có thể xem xét ngưng thuốc cho người bệnh. Do đó, người bệnh không nên tự ý ngưng thuốc nếu chưa tham vấn ý kiến bác sĩ.
5. Biến cố có thể xảy ra nếu tự ý ngưng thuốc
Ngưng uống thuốc trị bướu cổ tuyến giáp là nguy cơ khiến bệnh nặng hơn. Điều trị không đủ liều, không đủ thời gian có thể làm cho triệu chứng không thể kiểm soát.
Chất lượng cuộc sống người bệnh giảm sút vì triệu chứng làm cản trở công việc và sinh hoạt. Hơn nữa, bệnh lý để lâu không điều trị dứt điểm cũng là thời cơ để các bệnh lành tính chuyển thành ác tính.
Nặng hơn, bệnh lý gây ra sự rối loạn nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn đến những bệnh cảnh khác như suy tim, suy gan, suy giảm thần kinh,… Đối với người không đáp ứng với thuốc thì một số phương pháp khác cần được cân nhắc.
Những phương pháp khác điều trị bướu tuyến giáp
Thuốc trị bướu cổ tuyến giáp là cách đơn giản mà mọi người có thể áp dụng được. Ngoài ra, xạ trị và phẫu thuật là các cách điều trị xâm lấn và có thể gây đau. Vì vậy, các phương pháp này cần sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Trên đây là một số loại thuốc trị bướu cổ tuyến giáp hiện nay. Hy vọng Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Xem thêm: Bướu giáp nhân có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What to know about common thyroid disordershttps://www.medicalnewstoday.com/articles/323196#hypothyroidism
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Graves' hyperthyroidism in nonpregnant adults: Overview of treatmenthttps://www.uptodate.com/contents/graves-hyperthyroidism-in-nonpregnant-adults-overview-of-treatment?search=hyperthyroidism%20treatment§ionRank=1&usage_type=default&anchor=H1095594915&source=machineLearning&selectedTitle=1~150&display_rank=1#H4
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Treatment of primary hypothyroidism in adultshttps://www.uptodate.com/contents/treatment-of-primary-hypothyroidism-in-adults?search=hypothyroidism%20treatment&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1#H5
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Goiterhttps://www.amboss.com/us/knowledge/Goiter
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Overview of the clinical utility of ultrasonography in thyroid diseasehttps://www.uptodate.com/contents/overview-of-the-clinical-utility-of-ultrasonography-in-thyroid-disease?search=thyroiditis%20treatment&topicRef=7832&source=related_link
Ngày tham khảo: 24/05/2021