Tiền mãn kinh có thai không? Có cần sử dụng biện pháp tránh thai?
Nội dung bài viết
Phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh bắt đầu có sự suy giảm chức năng của buồng trứng đồng thời cũng giảm các điều kiện thuận lợi cho quá trình mang thai. Vậy liệu tiền mãn kinh có thai không? Và có cần tiếp tục sử dụng các biện pháp tránh thai không?
Sự thay đổi của cơ thể ở tuổi tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh được định nghĩa rất đa dạng, nhưng các bác sĩ thường đồng ý rằng nó bắt đầu với chu kỳ kinh nguyệt không đều do chức năng buồng trứng suy giảm và kết thúc một năm sau kỳ kinh cuối cùng. Nói cách khác nó là bậc thềm để bạn bước vào thời kỳ mãn kinh.Tùy theo mỗi người mà thời điểm xảy ra tiền mãn kinh sẽ khác nhau. Đối với hầu hết phụ nữ, tiền mãn kinh xảy ra từ khoảng giữa đến cuối tuổi 40.
Tiền mãn kinh kéo dài cho đến khi mãn kinh, lúc buồng trứng ngừng rụng trứng. Trong 1 đến 2 năm cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, sự sụt giảm estrogen này sẽ tăng nhanh. Ở giai đoạn này nhiều phụ nữ bắt đầu có các triệu chứng mãn kinh. Một số triệu chứng có thể gặp như:
- Rối loạn kinh nguyệt
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi ban đêm
- Đau lưng dưới
- Da khô, nhăn hơn
- Khô âm đạo
- Thay đổi tâm trạng
- Rối loạn giấc ngủ
- Giảm chức năng sinh sản
Các điều kiện bắt buộc để có thể có thai
Để biết được tiền mãn kinh có thai không, ta cần biết các điều kiện để thụ thai thành công. Điều kiện bắt buộc phải có là phải có sự thụ tinh xảy ra. Nghĩa là trứng và tinh trùng phải kết hợp để tạo thành hợp tử.
Trong chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày, sự rụng trứng thường xảy ra vào ngày thứ 14. Sau khi trứng được giải phóng, nó sẽ di chuyển vào ống dẫn trứng. Trứng sẽ ở đó trong khoảng 24 giờ, chờ đợi một tinh trùng để thụ tinh. Tất cả những điều này xảy ra trung bình khoảng 2 tuần trước kỳ kinh tiếp theo của bạn.
Nếu không được thụ tinh trứng sẽ được đẩy ra ngoài theo máu, tế bào niêm mạc tử cung và các chất khác. Ngược lại, nếu được thụ tinh trứng sẽ tạo thành hợp tử, tiếp tục phân chia và làm tổ trong tử cung để tạo thành phôi thai.
Liệu tuổi tiền mãn kinh có thể có thai không?
Khả năng sinh sản tự nhiên giảm theo tuổi tác. Ở tuổi tiền mãn kinh, hoạt động của buồng trứng bắt đầu suy giảm, chu kỳ kinh nguyệt cũng gặp các rối loạn.
Bạn bắt đầu dậy thì với 300000 đến 500000 trứng. Con số này giảm xuống khoảng 25.000 ở tuổi 37 và tiếp tục giảm xuống 1.000 hoặc ít hơn vào năm 51 tuổi. Do đó khả năng có thai có thai sau 1 năm ở phụ nữ 40 tuổi chỉ còn 44% so với 85% ở phụ nữ thấp hơn 30 tuổi. Tuy nhiên, xác suất ít nhưng vẫn có khả năng xảy ra đặc biệt là khi bạn vẫn đang có kinh và hoạt động tình dục. Do đó tiền mãn kinh có thai không? Đáp án là vẫn có thể.
Có cần dùng biện pháp tránh thai ở tuổi tiền mãn kinh?
Do bạn vẫn có khả năng mang thai ở tuổi tiền mãn kinh nên việc sử dụng các biện pháp tránh thai là cần thiết. Cho đến khi bạn chắc chắn rằng mình đã mãn kinh ( Không có kinh trong vòng 12 tháng kể từ lần hành kinh cuối cùng) vì một khi bạn đã mãn kinh bạn sẽ không thể có thai.
Nếu bạn đang sử dụng các biện pháp tránh thai như uống thuốc tránh thai hàng ngày, tiêm thuốc tránh thai, que cấy tránh thai, đặt vòng âm đạo,… Bạn có thể nhờ đến tư vấn của bác sĩ để quyết định khi nào có thể ngừng các biện pháp trên.
Nếu bạn muốn ngừng sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh, bạn có thể chuyển sang phương pháp không dùng thuốc (chẳng hạn như bao cao su hoặc chất diệt tinh trùng) sớm hơn.
Xem thêm: Các loại thuốc có ích cho tuổi tiền mãn kinh
Điều gì xảy ra nếu bạn mang thai ở tuổi tiền mãn kinh?
Sảy thai
Với việc giảm chất lượng trứng, nguy cơ sẩy thai cao hơn . Sẩy thai cũng có thể xảy ra nhiều hơn do các tình trạng bệnh lý mà bạn mắc phải, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc tiểu đường. Ngoài ra thai chết lưu cũng có thể xảy ra, vì vậy điều quan trọng là bạn phải khám thai thường xuyên để nắm bắt được các dấu hiệu sớm nhất.
Các vấn đề về nhiễm sắc thể
Phụ nữ lớn tuổi cũng có thể gặp nhiều vấn đề về nhiễm sắc thể hơn. Ví dụ, nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down là khoảng 1/4840 đối với phụ nữ ở tuổi 20. Ở tuổi 40, nguy cơ này tăng lên khoảng 1/85.
Sinh đôi, sinh ba
Mang nhiều hơn 1 thai đem đến nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Lý do sinh đôi hoặc sinh ba cao hơn trên 35 tuổi có nhiều khả năng liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố (bạn có thể phóng thích nhiều hơn một trứng mỗi chu kỳ).
Tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ có thể làm cho em bé phát triển lớn khi còn trong bụng mẹ. Khi một em bé quá lớn, có khả năng bị thương khi sinh. Không chỉ vậy, tiểu đường thai kỳ có thể góp phần làm tăng huyết áp (đối với mẹ) và sinh non hoặc các biến chứng khác (đối với em bé).
Huyết áp cao
Tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật trong thai kỳ cũng có nhiều khả năng hơn ở tuổi 40 .
Cân nặng khi sinh thấp
Nguy cơ sinh non và nhẹ cân tăng lên ở những phụ nữ mang thai trên 40 tuổi. Đây có thể là do tác động của các yếu tố khác đi kèm.
Sinh mổ
Với các biến chứng khi mang thai, nguy cơ sinh mổ so với sinh thường sẽ tăng lên. Trong thực tế, tỷ lệ sinh mổ cao khi tuổi càng cao: từ 26 phần trăm ở tuổi 20, lên 40 phần trăm ở tuổi 35, lên 48 phần trăm ở tuổi 40.
Tuổi tiền mãn kinh vẫn có thể có thai do vẫn còn rụng trứng. Nếu bạn chưa muốn có thai hãy tiếp tục sử dụng các biện pháp tránh thai ngược lại nếu bạn muốn mang thai thì nên dùng các biện pháp gia tăng cơ hội có thai, tiến hành khám thai thường xuyên cũng như chuẩn bị tốt sức khỏe cho mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Understanding conceptionhttps://www.webmd.com/baby/understanding-conception
- Menopause beyond the basicshttps://www.uptodate.com/contents/menopause-beyond-the-basics?search=perimenopause&topicRef=15488&source=see_link
- How is too old to have a babyhttps://www.healthline.com/health/pregnancy/how-old-is-too-old-to-have-a-baby#ask-your-doctor