YouMed

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ không chỉ đơn thuần dựa trên triệu chứng mà còn phải thực hiện một số xét nghiệm. Nếu bị đái tháo đường thai kỳ, bạn sẽ cần điều trị càng sớm càng tốt để giữ cho bản thân và thai nhi khỏe mạnh trong suốt quá trình mang thai.

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đây là một trong những nhóm bệnh đái tháo đường phát triển trong thời gian mang thai. Và thường biến mất sau khi sinh. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ dựa vào lượng đường trong máu của bạn tăng cao. Quá nhiều đường trong máu sẽ không tốt cho cơ thể của bạn và thai nhi.

Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nhưng tần suất phổ biến hơn vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân bởi vì cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin – một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu – để đáp ứng nhu cầu bổ sung chất dinh dưỡng trong thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý cần được chẩn đoán sớm
Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý cần được chẩn đoán sớm

Đối tượng có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ

Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể mắc phải bệnh đái tháo đường trong khi mang thai. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu:

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn lớn hơn 30 (hay béo phì). Tăng cân quá nhiều khi mang thai cũng có thể là một yếu tố.
  • Trước đây bạn đã sinh một hay nhiều em bé nặng hơn 4,5kg.
  • Bạn đã bị đái tháo đường thai kỳ trong những lần mang thai trước.
  • Gia đình của bạn (bố mẹ hoặc anh chị em) có người mắc bệnh đái tháo đường.

Nếu bạn nhận thấy có bất kỳ nguy cơ nào ở trên, việc khám sàng lọc bệnh đái tháo đường trong thai kỳ của bạn là rất quan trọng.

Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Thời điểm lý tưởng để xét nghiệm

Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường được chẩn đoán ở tuần thứ 24 đến 28 của thai nhi. Kiểm soát mức đường huyết có thể giúp bạn và em bé khỏe mạnh. Nếu bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ có thể kiểm tra đường huyết trong lần khám thai đầu tiên của bạn. Nếu kết quả sàng lọc ban đầu âm tính, bạn sẽ được làm lại xét nghiệm khi thai kỳ được 24 đến 28 tuần.

Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ gồm những gì?

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ dựa trên kết quả của nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống.

Nghiệm pháp uống nước đường trong chẩn đoán tiểu đường thai kỳ
Nghiệm pháp uống nước đường trong chẩn đoán tiểu đường thai kỳ

Nghiệm pháp 2 bước

  • Bước 1: Uống dung dịch chứa 50g đường.

Trước khi thực hiện, bạn không cần phải nhịn ăn, chỉ cần ăn uống như chế độ hằng ngày. Bạn sẽ được lấy máu để đo lượng đường trong tĩnh mạch 1 giờ sau khi uống 50g dung dịch đường. Nếu kết quả cho thấy lượng đường trong máu của bạn cao hơn một trị số nhất định, bạn sẽ cần được thực hiện thêm bước 2.

  • Bước 2: Uống dung dịch chứa 100g đường.

Bạn sẽ được hướng dẫn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước lọc) trong 8 đến 14 giờ trước khi làm xét nghiệm này. Và trong quá trình kiểm tra. Bạn sẽ được lấy máu ở thời điểm nhịn đói và thêm 3 lần nữa cách nhau mỗi 60 phút sau khi uống nước có 100 gram glucose. Sẽ mất ít nhất khoảng 3 giờ cho bước kiểm tra này.

Nếu bạn có nguy cơ cao nhưng kết quả xét nghiệm của bạn bình thường, bác sĩ có thể kiểm tra lại ở lần khám thai tiếp theo để đảm bảo rằng bạn vẫn không mắc bệnh này.

Nghiệm pháp 1 bước

Còn một nghiệm pháp đơn giản hơn chỉ với 1 bước là uống 75g đường glucose. Đối với bài kiểm tra này, bạn cũng không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước lọc) trong 8 đến 14 giờ trước khi làm xét nghiệm và trong quá trình kiểm tra. Bạn sẽ được lấy máu ở thời điểm nhịn đói và thêm 2 lần nữa cách nhau mỗi 60 phút sau khi uống.

Xét nghiệm máu kiểm tra đường huyết ở thai phụ
Xét nghiệm máu kiểm tra đường huyết ở thai phụ

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Mức đường huyết của bạn sẽ tăng lên sau khi uống nước đường. Nhưng khi hormone insulin hoạt động, lượng đường trong máu sau đó của bạn sẽ giảm. Bạn có thể thấy phiếu kết quả xét nghiệm có chữ số kèm theo đơn vị đo được viết dưới dạng “mg/dL”. Đó là viết tắt của miligam trên decilit. Dưới đây là những thông tin giải thích về chỉ số xét nghiệm.

Nghiệm pháp 2 bước

Sau 1 giờ uống nước đường, kết quả sau đây sẽ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn:

  • Dưới 140 mg/dL: bình thường.
  • Trên 140 mg/dL: rối loạn dung nạp glucose. Hoặc tiền đái tháo đường.

Nếu có rối loạn dung nạp glucose, bạn sẽ được đánh giá thêm kết quả với nghiệm pháp uống 100g glucose. Sau 3 giờ, đường huyết của bạn bình thường khi thỏa tất cả điều kiện:

  • Lúc đói: thấp hơn 95 mg/dL.
  • Sau 1 giờ: thấp hơn 180 mg/dL.
  • Sau 2 giờ: thấp hơn 155 mg/dL.
  • Sau 3 giờ: thấp hơn 140 mg/dL.

Nếu một trong các kết quả cao hơn bình thường, bạn có thể cần phải kiểm tra lại sau bốn tuần. Nếu có ít nhất hai kết quả bất thường, đây là tiêu chuẩn chẩn đoán đái đường thai kỳ.

Nghiệm pháp 1 bước

Các giá trị bất thường đối với nghiệm pháp dung nạp đường uống 75g trong 2 giờ là:

  • Lúc đói: lớn hơn 92 mg/dL.
  • Sau 1 giờ: lớn hơn 180 mg/dL.
  • Sau 2 giờ: lớn hơn 153 mg/dL.

Nếu chỉ có một trong số những kết quả đường huyết của bạn bất thường, bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi chế độ ăn phù hợp hơn. Sau đó, việc kiểm tra lại để đánh giá đáp ứng sau khi bạn đã thay đổi chế độ ăn uống của mình. Nếu có ít nhất hai kết quả cao hơn bình thường, bạn sẽ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

Cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ

Nếu bạn đang nghĩ đến việc mang thai và thừa cân, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ bằng cách giảm cân. Và tăng cường hoạt động thể chất trước khi mang thai.

Nhưng khi bạn đã mang thai, đừng cố gắng giảm cân. Việc tăng cân một chút là cần thiết để thai nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, tăng cân quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Bạn nên tìm bác sĩ để được tư vấn về mức độ tăng cân và hoạt động thể chất trong lúc mang thai phù hợp với bạn.

Nếu bạn đã bị bệnh đái tháo đường, bạn nên khám kiểm tra trước khi quyết định có thai. Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể. Điều này sẽ giúp bạn được hỗ trợ tốt nhất. Nhờ đó nhằm đảm bảo tình trạng đường huyết được kiểm soát tốt trước khi mang thai.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ như thế nào. Như vậy, đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra các vấn đề cho bạn và em bé của bạn trong khi mang thai và sau khi sinh. Nhưng rủi ro có thể được giảm bớt nếu tình trạng bệnh được phát hiện sớm và kiểm soát tốt.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Glucose screening tests during pregnancyhttps://medlineplus.gov/ency/article/007562.htm#:~:text=Abnormal%20blood%20values%20for%20a,dL%20(8.6%20mmol%2FL)

    Ngày tham khảo: 21/05/2021

  2. Gestational diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/gestational-diabetes#1-1

    Ngày tham khảo: 21/05/2021

  3. Preventing Gestational Diabeteshttps://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/what-is-diabetes/gestational/prevention

    Ngày tham khảo: 21/05/2021

  4. Gestational diabeteshttps://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/

    Ngày tham khảo: 21/05/2021

  5. Do I Need an Oral Glucose Tolerance Test?https://www.webmd.com/diabetes/guide/oral-glucose-tolerance-test#2-6

    Ngày tham khảo: 21/05/2021

  6. ACOG Releases Guideline on Gestational Diabeteshttps://www.aafp.org/afp/2014/0915/p416.html#:~:text=glucose%20screening%20tests.-,Screening%20for%20gestational%20diabetes%20usually%20occurs%20at%2024%20to%2028,of%2030%20or%20more%5D)

    Ngày tham khảo: 21/05/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người