Tiểu đêm nhiều lần là bệnh gì? Câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Tiểu đêm khiến bạn lo lắng, sợ uống nước và thậm chí có thể gặp phải tai nạn như té ngã. Và hơn nữa, tình trạng này ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Vậy tiểu đêm nhiều lần là bệnh gì và có nguy hiểm không, cách chữa trị ra sao? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Phong tìm hiểu trong bài viết sau.
Tiểu đêm là gì?
Tiểu đêm được định nghĩa là bạn thức dậy để tiểu nhiều hơn 2 lần mỗi đêm. Tình trạng này phổ biến ở người lớn tuổi, nhất là người trên 60 tuổi. Cần hiểu rõ, tiểu đêm không giống đái dầm. Đái dầm là tình trạng bạn không thể kiểm soát được nhu cầu đi tiểu của mình vào ban đêm. Tiểu đêm nhiều lần thường là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ. Nhưng nó cũng có thể là một triệu chứng của một bệnh lý có từ trước.1
Nguyên nhân tiểu đêm
Nguyên nhân trực tiếp của chứng tiểu đêm có thể từ lối sống hoặc tình trạng bệnh lý. Một số nguyên chính dẫn đến tiểu đêm nhiều lần là:
- Nhiễm trùng đường niệu (UTI). Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng tiểu đêm là UTI. Bệnh nhân UTI thường cảm thấy nóng rát thường xuyên và đi tiểu gấp cả ngày lẫn đêm. Điều trị UTI thường phải dùng kháng sinh.
- Rượu và caffein trước khi ngủ. Uống rượu quá mức là một nguyên nhân phổ biến khác của chứng tiểu đêm.2
- Bệnh lý như: sa bàng quang, ung thư bàng quang, ung thư tiền liệt tuyến ảnh hưởng đến sự kiểm soát của cơ vòng bàng quang. Do đó, người bệnh có thể đi tiểu đêm nhiều lần. Ngoài ra, người bị tiểu đường hoặc suy các cơ quan, tim hoặc gan cũng dễ bị tiểu đêm.
- Phụ nữ mang thai. Một số bà bầu gặp phải tình trạng tiểu đêm nhiều lần.2
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tiểu đêm có thể là một triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Hiện tượng có thể xảy ra dù bàng quang đầy hay không. Kiểm soát được chứng ngưng thở khi ngủ hầu hết triệu chứng tiểu đêm sẽ biến mất.
- Thuốc. Một số loại thuốc có triệu chứng tiểu đêm là một tác dụng phụ. Trong số này có thuốc lợi tiểu thường được kê cho người tăng huyết áp.
- Tuổi tác. Càng lớn tuổi, cơ thể càng sản sinh ra ít hormone lợi tiểu hơn. Điều này dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều lần nhất là vào ban đêm.
Tiểu đêm nhiều lần là bệnh gì?
Tiểu đêm nhiều lần do mất cân bằng dịch
Tình trạng tiểu đêm được xác định khi thể tích nước tiểu về đêm > 35% tổng số lượng nước tiểu 24 giờ. Các nguyên nhân có thể bao gồm:
- Uống nhiều nước hoặc rượu bia vào buổi tối trước khi ngủ.
- Dùng thuốc lợi tiểu gần giờ đi ngủ.
- Thay đổi hormone chống lợi niệu do tuổi tác.
- Bệnh nhân bị suy tim sung huyết gây tái phân bố dịch về đêm.
- Ứ máu tĩnh mạch gây tình trạng phù.
Người bệnh nên giảm bổ sung lượng chất lỏng vào thời điểm trước khi ngủ để tránh tình trạng tiểu đêm. Nếu tần suất vẫn không giảm, bạn nên cân nhắc đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
Tiểu đêm do mắc các bệnh lý thần kinh
Ở người bình thường, bàng quang có thể chứa được từ 300 – 400 ml chất lỏng. Khi nước tiểu bài tiết từ thận xuống đến khi đầy bàng quang, cơ thể sẽ có phản xạ muốn đi tiểu. Bàng quang cũng được được não, tủy sống, thần kinh đoạn S1, S2 và hệ thần kinh ngoại biên kiểm soát. Do đó, các bệnh lý về thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang, gây ra tình trạng tiểu đêm.
Các bệnh lý thần kinh có thể gặp trong nhóm này là:
- Bệnh xơ cứng thần kinh rải rác từng đám.
- Hội chứng chèn ép tủy sống.
- Bệnh tiểu đường.
- Bệnh Parkinson.
Tăng sản tuyến tiền liệt ở nam
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH) là bệnh lý phổ biến ở nam giới trên 50 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều lần hàng đầu ở nam giới. Tuyến tiền liệt phì đại gây tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu. Đồng thời thành bàng quang cũng dày lên và gặp khó khăn khi làm trống.
Cách chẩn đoán chứng tiểu đêm
Bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng đi tiểu đêm bằng cách đánh giá các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ có thể hỏi một số câu hỏi nhất định để xác định nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng này.1
Các câu hỏi có thể bao gồm:
- Bạn thức dậy để đi tiểu vào ban đêm bao nhiêu lần?
- Bạn có triệu chứng tiểu đêm này bao lâu rồi?
- Trước khi đi ngủ, bạn thường hoạt động gì?
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm để xác định nguyên nhân, chẳng hạn như tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu, siêu âm vùng chậu…. Ngoài ra một số xét nghiệm thường quy cần thực hiện đó là: xét nghiệm máu, đo nồng độ thẩm thấu máu, độ thanh thải creatinine trong huyết thanh.1
Những cách tránh tiểu đêm
Một trong những phương pháp điều trị đầu tay cho chứng tiểu đêm là thay đổi lối sống. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên hạn chế uống nước trước khi đi ngủ. Tránh uống đồ uống vài giờ trước khi đi ngủ, nhưng cần đảm bảo là bạn đã nạp đủ lượng nước cần thiết trong ngày.
Những thay đổi lối sống khác có thể giúp giảm và ngăn ngừa chứng tiểu đêm như:
- Tránh uống đồ uống chứa caffeine và rượu trước khi đi ngủ.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Trọng lượng dư thừa có thể gây áp lực lên bàng quang.2
- Không dùng thuốc lợi tiểu gần giờ ngủ để chúng không ảnh hưởng đến việc sản xuất nước tiểu vào ban đêm.
- Không nên ngủ trưa quá nhiều.
- Nếu phù là nguyên nhân khiến bạn đi tiểu đêm nhiều lần, bạn có thể thử kê cao chân suốt cả ngày để giảm phù. Vớ nén cũng có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất lỏng.2
Bài viết trên đây đã đề cập đến chủ đề tiểu đêm nhiều lần là bệnh gì. Mong rằng qua bài viết này bạn đã hiểu thêm về triệu chứng này cũng như một số nguyên nhân và cách phòng tránh. Nếu tình trạng này kéo dài không giảm, bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị sớm.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Everything You Need to Know About Nighttime Urinationhttps://www.healthline.com/health/sleep/excessive-urination-at-night
Ngày tham khảo: 15/11/2021
-
Effective Ways to Stop Frequent Urination at Nighthttps://www.doctorshealthpress.com/general-health-articles/how-to-stop-going-in-the-middle-of-the-night/
Ngày tham khảo: 15/11/2021