Nam giới biết gì về tăng sản lành tính tuyến tiền liệt?
Nội dung bài viết
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (TTL) rất phổ biến ở người lớn tuổi. Nhưng bệnh chỉ gây ra triệu chứng ở một số trường hợp. Những trường hợp còn lại thường không có triệu chứng và được phát hiện khi thăm khám lâm sàng. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây của YouMed sẽ có lời giải đáp cho bạn.
Tổng quan về tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Khái quát về tuyến tiền liệt ở nam giới
TTL là một tuyến có hình nón ngược, nằm sau phúc mạc. Tiền liệt tuyến bao quanh cổ bàng quang và niệu đạo. Ở người trưởng thành, TTL có trọng lượng khoảng 20g.
Về mặt giải phẫu học, tiền liệt tuyến nằm ngay trước trực tràng. Niệu đạo chạy qua trung tâm của tiền liệt tuyến từ bàng quang đến dương vật. Do đó nó cũng là đường dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể.
Tiền liệt tuyến có vai trò tiết chất dinh dưỡng và bảo vệ tinh trùng. Khi xuất tinh, tuyến tiền liệt sẽ đưa các chất dinh dưỡng này vào niệu đạo và cùng với tinh trùng được phóng ra ngoài dưới dạng tinh dịch.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là gì?
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có tên tiếng anh là Benign Prostatic Hyperplasia (BPH). Đây là tình trạng TTL phát triển quá mức nhưng không mang đặc điểm ác tính.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có trên 50% nam giới từ 60 – 70 tuổi mắc bệnh này. Tỷ lệ này là khoảng 88% ở những người trên 80 tuổi.
BPH có thể gây ra các triệu chứng tiết niệu khó chịu, chẳng hạn như bí tiểu. Và cũng có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến bàng quang, đường tiết niệu hoặc thận.
BPH có thể phát triển từ từ trong một thời gian dài mà không gây triệu chứng. Tuy nhiên, các triệu chứng nếu xuất hiện thì rất khó chịu và gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh.
Những đối tượng dễ mắc bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Những đối tượng dễ mắc bệnh BPH bao gồm:
1. Người lớn tuổi
BPH hiếm khi gây ra các dấu hiệu và triệu chứng ở nam giới dưới 40 tuổi. Khoảng 1/3 người bệnh có các triệu chứng từ trung bình đến nặng ở độ tuổi 60. Và khoảng 1/2 có triệu chứng tương tự ở độ tuổi 80.
2. Tiền sử gia đình có người mắc BPH
Gia đình có người bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt thì khả năng bạn mắc căn bệnh này là cao hơn so với người bình thường.
3. Nam giới mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim
Nghiên cứu cho thấy bệnh tiểu đường, cũng như bệnh tim và việc sử dụng thuốc chẹn beta làm tăng nguy cơ mắc BPH.
4. Người béo phì
Nghiên cứu cho rằng, béo phì làm tăng nguy cơ mắc BPH. Thường xuyên tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Hiện tại vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể của bệnh. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu cho thấy những thay đổi trong sự cân bằng hormone khi nam giới trưởng thành và sự tăng trưởng của tế bào có thể là yếu tố gây bệnh.
Ngoài ra yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh được đề cập đến. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt nên tiến hành điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng xấu do bệnh gây nên.
Triệu chứng
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở những người bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là khác nhau. Các triệu chứng có xu hướng nặng dần theo thời gian. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của BPH bao gồm:
Triệu chứng đường tiểu dưới (LUTS)
- Tiểu nhiều lần.
- Tiểu gấp.
- Tiểu đêm.
- Tiểu ngập ngừng.
- Tiểu ngắt quãng.
Tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp là do sự rỗng không hoàn toàn và nhanh chóng đầy trở lại của bàng quang. Giảm độ lớn và áp lực của dòng nước tiểu gây triệu chứng tiểu ngập ngừng và tiểu ngắt quãng.
Tiểu đau và tiểu buốt thường hiếm xảy ra.
Cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang nên có thể xảy ra:
- Tiểu nhỏ giọt.
- Tiểu không tự chủ.
- Bí tiểu hoàn toàn.
Triệu chứng bí tiểu
Một số bệnh nhân có tình trạng bí tiểu hoàn toàn, đột ngột. Dấu hiệu là khó chịu vùng hạ vị và bàng quang căng to. Bí tiểu có thể là kết quả của:
- Nhịn tiểu thường xuyên, kéo dài.
- Không vận động/ bất động khi chấn thương.
- Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
- Sử dụng thuốc kháng cholinergic, thuốc ức chế giao cảm, thuốc gây mê, opioid, rượu.
Việc cố đi tiểu khi bị bí tiểu có thể gây sung huyết tĩnh mạch của niệu đạo TTL và vùng tam giác cổ bàng quang. Từ đó chúng có thể bị vỡ ra và gây ra tiểu máu. Về lâu dài còn có thể gây ra ngất phế vị (do phản xạ thần kinh) làm giãn búi mạch máu gây trĩ hoặc thoát vị bẹn.
Thang điểm các triệu chứng
Các triệu chứng bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có thể được lượng giá bằng điểm số. Chẳng hạn như 7 câu hỏi trong thang điểm triệu chứng của Hiệp hội tiết niệu Hoa kỳ.
- Mức độ nhẹ: Tổng điểm từ 1 – 7.
- Mức độ vừa: Tổng điểm từ 8 – 19.
- Mức độ nặng: Tổng điểm từ 20 – 35.
Điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Nguyên tắc điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Có rất nhiều phương pháp điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt như: dùng thuốc, liệu pháp xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật. Việc lựa chọn điều trị nào tốt nhất cho người bệnh phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:
- Kích thước TTL.
- Tuổi bệnh nhân.
- Sức khỏe tổng thể của người bệnh.
- Mức độ khó chịu bệnh nhân có.
Nếu các triệu chứng có thể chấp nhận được, người bệnh có thể quyết định hoãn điều trị và chỉ cần theo dõi các triệu chứng của mình. Ở một số trường hợp, các triệu chứng có thể thuyên giảm mà không cần điều trị.
Nhìn chung nếu lựa chọn điều trị thì các bác sĩ sẽ có nguyên tắc chung như:
- Tránh sử dụng thuốc tác dụng trên hệ giao cảm, thuốc kháng cholinergic, và opioids.
- Dùng thuốc chẹn alpha-adrenergic hoặc thuốc ức chế phosphodiesterase type 5 nếu có rối loạn cương dương.
- Cắt TTL qua niệu đạo hoặc thủ thuật ít xâm lấn hơn.
Điều trị triệu chứng bí tiểu
Bí tiểu cần được điều trị ngay lập tức. Đặt ống thông tiểu là biện pháp đầu tiên được chỉ định để điều trị bí tiểu.
Nếu không thể đặt ống thông tiểu qua được, có thể sử dụng một ống thông có đầu coudé (có đoạn đầu sonde cong nhẹ). Nếu ống thông này vẫn không thể qua được, phải nội soi bàng quang bằng ống mềm hoặc dùng dụng cụ nong dẫn nước tiểu.
Dẫn lưu nước tiểu trên xương mu có thể được chỉ định nếu cách tiếp cận từ niệu đạo không thành công.
Điều trị bằng thuốc
Đối với trường hợp tắc nghẽn một phần và các triệu chứng khó chịu thì cần ngưng tất cả các thuốc kháng cholinergic, thuốc kích thích giao cảm, opioids.
Đối với bệnh nhân có triệu chứng tắc nghẽn nhẹ đến trung bình, thuốc chẹn alpha-adrenergic có thể làm giảm các vấn đề rối loạn đi tiểu.
Thuốc ức chế 5 alpha-reductase có thể làm giảm kích thước của TTL, giảm các vấn đề về đi tiểu qua nhiều tháng. Đặc biệt ở những bệnh nhân có TTL lớn hơn > 30 mL.
Sự kết hợp của cả hai loại thuốc trên là tốt hơn so với thuốc đơn trị.
Có nhiều loại thuốc không cần kê đơn nhằm điều trị hỗ trợ và thay thế được đề xuất để điều trị BPH. Nhưng đa số các loại này cần kiêng trì sử dụng thời gian dài và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Hoặc khi bệnh nhân có tiến triển các biến chứng như:
- Nhiễm trùng đường niệu tái phát.
- Sỏi tiết niệu.
- Rối loạn chức năng bàng quang trầm trọng.
- Giãn đường tiết niệu cao.
Phẫu thuật cắt TTL qua đường niệu đạo (TURP) là cơ bản nhất. Chức năng cương dương và kiểm soát tiểu tiện thường được bảo tồn. Chỉ khoảng 5 – 10% bệnh nhân gặp phải vấn đề trên sau phẫu thuật. Đa số là xuất tinh ngược dòng.
Các phương pháp điều trị khác
Các phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn bao gồm:
- Điều trị bằng vi sóng nhiệt trị liệu.
- Bốc hơi TTL bằng điện cao tần.
- Siêu âm hội tụ cường độ cao.
- Dùng kim cắt qua niệu đạo,
- Bốc hơi TTL bằng sóng vô tuyến.
- Liệu pháp phun nước nóng áp lực.
- Đặt stent trong niệu đạo.
Các trường hợp nào cần sử dụng các phương pháp này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hiện nay các thủ thuật này được thực hiện ở các phòng mạch ngày càng nhiều hơn. Vì chúng không đòi hỏi gây mê toàn thân hoặc gây tê vùng.
Kết quả về lâu về dài của các phương pháp kể trên đối với sự thay đổi tự nhiên của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt vẫn đang được nghiên cứu.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã hiểu về bệnh lý tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Bệnh có nguy cơ gia tăng theo độ tuổi và thường không có triệu chứng. Do đó bạn cần tránh một số yếu tố nguy cơ và đi khám ngay nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường ở đường tiết niệu sinh dục.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Benign prostatic hyperplasia (BPH)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/benign-prostatic-hyperplasia/symptoms-causes/syc-20370087
Ngày tham khảo: 29/06/2021
-
Benign Prostatic Hyperplasia (BPH)https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/b/benign-prostatic-hyperplasia-(bph)
Ngày tham khảo: 29/06/2021