Tiểu đường thai kỳ sau khi sinh liệu có tự hết?
Nội dung bài viết
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ ngày càng gia tăng. Vì bệnh tiểu đường thai kỳ có liên quan đến các kết quả bất lợi thai nhi và có ảnh hưởng lâu dài đến cả mẹ và con, nên điều quan trọng là bệnh phải được nhận biết và quản lý thích hợp. Nếu đường huyết ổn định, tiểu đường thai kỳ sau khi sinh có thể tự hết. Và giảm nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường về sau.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Dấu hiệu nhận biết
Bạn có thể không bao giờ xuất hiện dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Đó là lý do tại sao bác sĩ phải tầm soát bệnh này cho tất cả các trường hợp khám thai. Thời điểm thường là giữa 24 đến 28 tuần của thai kỳ. Chỉ với những xét nghiệm đơn giản có thể chẩn đoán được bệnh.
Lượng đường trong máu của bạn được xem là tăng cao khi giá trị lớn hơn 130 mg/dL. Đường huyết cao có thể gây ra các triệu chứng:
- Cảm thấy khát: Bạn có thể muốn uống nhiều nước hơn bình thường. Bạn sẽ cảm thấy khát ngay cả khi không ăn mặn, chạy bộ vào một ngày nắng nóng hoặc làm việc gì khác khiến bạn muốn uống thêm một cốc nước.
- Mệt mỏi: Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc khó tập trung, thậm chí khi chỉ mới bắt đầu vào sáng sớm.
- Khô miệng: Một triệu chứng thường đi kèm với cảm giác khát. Bạn có thể muốn uống nhiều nước hơn để thoát khỏi cảm giác khô rát. Cả hai đều có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Nhức đầu hay buồn nôn, có thể kèm theo nôn.
- Khả năng nhìn mọi vật xung quanh có thể giảm.
- Nhiễm trùng đường tiểu nhiều lần do tăng nguy cơ nhiễm nấm.
Đối tượng dễ mắc
Khi bị tiểu đường thai kỳ, cơ thể không thể sử dụng đường và tinh bột (carbohydrate) một cách hiệu quả. Kết quả là, thay vì đường được lưu trữ trong các tế bào, chúng lại tập trung chủ yếu trong máu của bạn. Vậy nên, lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Đó là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.
Đây là một rối loạn chuyển hóa thường gặp ở phụ nữ mang thai. Bất kỳ phụ nữ nào khi mang thai đều có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, rủi ro cao hơn nếu bạn là một trong những đối tượng sau:
- Thừa cân hoặc béo phì. Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 là một điều đáng lo ngại.
- Tiền căn sinh em bé có cân nặng lúc sinh từ 4500g trở lên.
- Một trong những thành viên của gia đinh bạn mắc bệnh tiểu đường.
- Trong những lần mang thai trước, bạn đã được chẩn đoán bị tiểu đường thai kỳ.
- Bạn có những vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu hay bệnh tim mạch, hội chứng buồng trứng đa nang.
- Bạn là người gốc Nam Á, da đen, Châu Phi hoặc Trung Đông.
Nếu có bất kỳ điều nào trong số nguy cơ trên, bạn nên báo với bác sĩ ngay từ những lần khám thai đầu tiên để được kiểm tra tiểu đường thai kỳ càng sớm càng tốt.
Tiểu đường thai kỳ có tự hết sau khi sinh con?
Diễn tiến bệnh tiểu đường thai kỳ sau khi sinh
Bệnh tiểu đường thai kỳ sau khi sinh thường sẽ tự khỏi. Sau khi bạn sinh con, cơ thể bạn sẽ có thể sử dụng nhiều insulin hơn một cách hiệu quả. Nhưng đôi khi, một số trường hợp bệnh vẫn còn tiếp tục. Điều quan trọng là bạn phải được kiểm tra đường huyết sau khi em bé được sinh ra.
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ có thể sẽ đề nghị kiểm tra về đường huyết trong 6 tuần sau sinh. Bởi vì, nếu lượng đường trong máu của bạn cao, bạn có thể bị tiến triển bệnh tiểu đường loại 2 mà không hề hay biết.
Khi bạn bị tiểu đường thai kỳ, bạn có nguy cơ cao hơn so với phụ nữ khỏe mạnh về khả năng tiến triển bệnh tiểu đường loại 2 sau này. Khoảng một nửa trong tổng số phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có thể mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở tương lai.
Bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh để giữ cân nặng của bạn trong phạm vi bình thường và duy trì các hoạt động thể chất đều đặn sau khi sinh con có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Nguy cơ đối với thai kỳ sắp tới
Nếu bạn mong muốn có thai trong tương lai, hãy kiểm tra lượng đường trong máu trong vòng ba tháng trước khi quyết định có em bé. Mục đích nhằm đảm bảo bạn có mức đường huyết bình thường.
Nguyên nhân là vì lượng đường trong máu cao vào thời kỳ đầu của thai kỳ (trong vòng 8 tuần đầu tiên) có thể tác động đến cơ thể đang phát triển của thai nhi. Nếu bạn đã từng bị bệnh tiểu đường khi mang thai một lần, nguy cơ mắc bệnh lần nữa khi mang thai ở những lần sau là khoảng 36 phần trăm.
Kiểm tra tiểu đường thai kỳ sau khi sinh
Thời điểm kiểm tra
Sáu tuần sau khi sinh con, bạn nên xét nghiệm máu để biết liệu lượng đường trong máu của bạn có trở lại bình thường hay không. Xét nghiệm này tương tự như xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Dựa trên trên kết quả của bài kiểm tra, bạn sẽ thuộc một trong ba nhóm sau:
Nhóm | Lời khuyên |
Bình thường | Tái khám kiểm tra tiểu đường mỗi 3 năm. |
Rối loạn dung nạp glucose | Tái khám kiểm tra tiểu đường mỗi năm. Tư vấn với bác sĩ về những phương pháp giảm nguy cơ tiến triển thành tiểu đường (tập thể dục, thay đổi chế độ ăn, …) |
Tiểu đường | Tư vấn với bác sĩ về những phương pháp điều trị (thuốc uống hoặc thuốc chích) |
Nguy cơ tiểu đường loại 2
Rối loạn dung nạp glucose có thể là tình trạng tạm thời. Bạn có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi lối sống. Và xét nghiệm theo dõi sau sinh sẽ rất quan trọng. Bởi vì bệnh tiểu đường loại 2 có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Cách duy nhất để biết chắc chắn rằng bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2 là xét nghiệm máu cho thấy lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Bạn nên đến bệnh viện nếu bạn nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây:
- Rất khát nước.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Cảm thấy quá mệt mỏi liên tục.
- Ăn nhiều hơn bình thường.
- Giảm cân nhanh chóng hoặc không rõ lý do.
Những lưu ý về bệnh tiểu đường thai kỳ sau sinh
Có một hoặc nhiều triệu chứng này không nhất thiết có nghĩa là bạn bị bệnh tiểu đường. Nhưng bác sĩ của bạn có thể muốn kiểm tra để chắc chắn. Phát hiện sớm bệnh tiểu đường loại 2 có thể giúp bạn tránh được các vấn đề nghiêm trọng do bệnh gây ra. Đó là liên quan đến biến chứng của bệnh tiểu đường như bệnh tim mạch, tổn thương mắt, thận hoặc thần kinh của bạn.
Việc kiểm soát tiểu đường thai kỳ sau sinh cần được quan tâm và theo dõi sát sao. Không chỉ vì sức khỏe của mẹ mà còn của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, duy trì dinh dưỡng lành mạnh, hoạt động thể chất có kế hoạch, giảm cân khi cần thiết. Bên cạnh đó, tiếp tục cho con bú và lựa chọn các biện pháp tránh thai thích hợp sẽ giúp phụ nữ giảm rủi ro mắc bệnh tiểu đường sau này.
Như vậy, mọi người có thể mắc bệnh tiểu đường ở mọi lứa tuổi. Nếu không được điều trị, mức đường huyết quá cao trong máu có thể dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan như mắt, thận và tim cũng như bàn chân của bạn. Trong đó, Tiểu đường thai kỳ sau khi sinh có thể tự hết nhưng vẫn có khả năng tiến triển tiểu đường sau này. Nếu bạn có nguy cơ, hãy xét nghiệm định kỳ kiểm tra bệnh tiểu đường thường xuyên nhất có thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Diabetes and Pregnancy, Gestational Diabeteshttps://www.cdc.gov/pregnancy/documents/Diabetes_and_Pregnancy508.pdf
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Managing Gestational Diabeteshttps://www.nichd.nih.gov/sites/default/files/publications/pubs/Documents/managing_gestational_diabetes.pdf
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
What Are the Symptoms of Gestational Diabetes?https://www.webmd.com/baby/symptoms-of-gestational-diabetes#:~:text=Signs%20of%20gestational%20diabetes%20include,an%20extra%20glass%20of%20water.
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Gestational diabeteshttps://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/#:~:text=Any%20woman%20can%20develop%20gestational,diabetes%20in%20a%20previous%20pregnancy
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Am I at risk for gestational diabetes?https://www.nichd.nih.gov/sites/default/files/publications/pubs/Documents/gestational_diabetes_2012.pdf
Ngày tham khảo: 24/05/2021