Tinh dầu gừng có những lợi ích tuyệt vời gì?
Nội dung bài viết
Gừng (Zingiber officinale) thuộc họ Zingiberaceae, là một trong những gia vị được tiêu thụ phổ biến thế giới. Không chỉ thế, thực vật này đã được sử dụng trong hàng ngàn năm để điều trị nhiều bệnh. Những sản phẩm từ chúng ngày càng được ưa chuộng, trong đó có tinh dầu gừng, với hương thơm đặc trưng và lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Dưới đây là những thông tin bổ ích về tinh dầu gừng mà Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai mang đến cho bạn đọc.
Đôi nét về gừng
Gừng là thực vật quen thuộc, có thể dễ dàng bắt gặp trong vườn nhà. Đây là gia vị cổ điển, phổ biến vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Đông Nam Á, Nam Á, Đông Á…1
Quần thể gừng đa dạng về giống loài, do đó đặc điểm sinh thái riêng sẽ tùy thuộc vào từng giống, điều kiện vùng trồng… Bộ phận thường dùng trong ẩm thực hay dược liệu là thân rễ.1
Thành phần của gừng thường gồm:1
- Tinh dầu gừng.
- Nhóm chất tạo vị cay nồng như shogaol, zingerol, zingeron,…
- Lượng nhỏ chất xơ, protein, carb…
Đôi nét về tinh dầu gừng
Thông tin chung
Tinh dầu gừng (Ginger essential oil) là chiết xuất thu được từ thân rễ loài Zingiber officinale thông qua phương pháp chưng cất hơi nước hoặc chiết xuất dung môi. Theo đó, tinh dầu có đặc tính cơ bản như:2
- Màu vàng nhạt, trong suốt.
- Mùi hương gừng có thơm ấm, cay nồng đặc trưng, xen lẫn chút mùi gỗ trầm ấm.
- Độ lan tỏa hương thơm trung bình – mạnh.
Sản lượng và thành phần hóa học của tinh dầu Ginger bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như:2
- Nguồn nguyên liệu (thân rễ), điều kiện và khí hậu sinh sống.
- Độ khô, tươi của thực vật.
- Phương pháp chiết xuất.
Thành phần của tinh dầu gừng
Hoạt chất có trong tinh dầu:1
- Hợp chất sesquiterpenes: β-zingiberen, curcumene, β-farnesen…
- Hợp chất monoterpenes: geraniol, linalool, borneol,…
- α-camphene, β- phellandrene, eucalyptol, gingerol…
Lợi ích của tinh dầu gừng phụ thuốc phần lớn và các hoạt chất mà chúng cung cấp.1
Tinh dầu gừng có tác dụng gì?
Kháng khuẩn và kháng nấm
Kết quả đánh giá khả năng chống vi khuẩn của tinh dầu từ gừng cho thấy sự khả quan. Theo đó, chúng được xem là chất chống vi khuẩn phổ rộng trong ngành dược phẩm và chất bảo quản tự nhiên trong ngành thực phẩm hoặc mỹ phẩm.2
Tinh dầu gừng với citral, zingiberene, β-bisabolene, geranyl acetate, β-sesquiphellandrene, geraniol… có khả năng chống vi sinh vật chống lại:2
- S. aureus.
- Streptococcus pyogenes.
- B. subtilis.
- Salmonella typhi.
- E. coli.
- P. aeruginosa.
Ngoài ra, tinh dầu gừng còn tác động đến sự phát triển của flavus và sản xuất aflatoxin B1 và B2.2
Hơn nữa, tinh dầu được phát hiện có khả năng chống nấm, đối với Fusarium oxysporum.3
Chống oxy hóa2 4
Hoạt tính chống oxy hóa của tinh dầu gừng được đánh giá tích cực. Từ đó nó có khả năng ức chế sự sản sinh ra gốc tự do gây hại và hạn chế sự hình thành bệnh lý khác nhau của con người.
Thậm chí, chúng được phát hiện là chất chống oxy hóa tốt hơn so với butylated hydroxyanisole (BHA). Tinh dầu thực vật này được chứng minh làm tăng mức độ của superoxide dismutase, glutathioneperoxidase và glutathione-s-transferase trong gan.
Chống viêm
Đã có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy rằng tinh dầu từ thân rễ gừng có tác dụng hỗ trợ giảm dấu hiệu viêm. Chẳng hạn như:5
- Nghiên cứu trên chuột cho thấy loại tinh dầu này có tiềm năng bảo vệ thận và ngăn chặn sự thay đổi của chức năng thận. Thông qua việc ức chế hoạt động của ADA và điều chỉnh các cytokine gây viêm (IL-6, IL-10 và TNF-Alpha).6
- Một số nghiên cứu khác còn tiết lộ rằng, tinh dầu từ thân rễ gừng còn có đặc tính chống viêm trong nhiễm độc thần kinh do Cadmium (Cd). Đây là một chất nổi tiếng với khả năng gây độc thần kinh và tạo thành một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe môi trường toàn cầu.7
- Trên mô hình chuột bị viêm khớp dạng thấp, việc tiêm tinh dầu chiết xuất từ gừng không làm giảm sưng khớp cấp tính nhưng lại ức chế đáng kể tình trạng sưng khớp mãn tính.8
- Một cách khác để phát huy công dụng này thoa hỗn hợp tinh dầu lên da hàng ngày, trong đó có chiết xuất gừng.9
Giảm buồn nôn
Việc sử dụng tinh dầu gừng trong việc giảm nguy cơ cao bị buồn nôn và nôn sau phẫu thuật là chủ đề của nhiều nghiên cứu lâm sàng. Bước đầu, hiệu quả của phương pháp này được nhận xét tích cực với nhiều đối tượng khác nhau.2
Lợi hô hấp
Những tác động của tinh dầu từ gừng đối với hệ thống hô hấp như:2
- Tinh dầu gừng có khả năng làm giãn phế quản, nhờ hoạt chất như citral, eucalyptoi, camphor… giúp thư giãn đường thở của chuột. Đây là cơ sở quan trọng để ứng dụng tinh chất này trong điều trị bệnh lý hen suyễn ở người.10
- Ngoài ra, tinh dầu còn còn có khả năng hỗ trợ sát khuẩn đường hô hấp, loãng đờm, hạn chế cơn ho.
- Cùng với việc sử dụng chúng trong liệu pháp hương thơm, tinh dầu từ gừng còn giúp thanh lọc không khí và loại bỏ mùi khó chịu.
Liệu pháp hương thơm
Tương tự như hầu hết tinh dầu thiên nhiên khác, tinh dầu gừng là sự lựa chọn phù hợp nếu bạn muốn thư giãn, loại bỏ căng thẳng, cân bằng tâm trạng… Thông qua phương pháp đơn giản như khuếch tán, xông hơi tinh dầu, bạn hoàn toàn có được sự trải nghiệm tuyệt vời nhờ hương thơm nồng ấm dễ chịu của chúng.11
Một số cách sử dụng tinh dầu gừng đơn giản
Liệu pháp hương thơm thông qua đường hô hấp:
- Sử dụng máy khuếch tán, máy xông tinh dầu… là cách tuyệt vời để lan tỏa mùi hương dễ chịu vào phòng. Luôn đảm bảo thực hiện các hướng dẫn đi kèm với máy khuếch tán của bạn một cách cẩn thận.
- Xông hơi: thêm vài giọt tinh dầu gừng vào vật dụng xông hơi truyền thống hay hiện đại.
- Pha loãng tinh dầu gừng với nước (10 đến 15 giọt mỗi 30 ml nước) rồi cho vào bình xịt. Sau đó lắc bình kỹ và xịt vào những vị trí ưa thích.
Dùng ngoài da:
- Nhỏ 1-2 giọt tinh dầu vào kem dưỡng ưa thích rồi thoa lên những vùng da thô ráp để dưỡng ẩm, mềm da.
- Tinh dầu gừng pha loãng với dầu nền như dầu dừa, dầu bơ, dầu jojoba, dầu hạnh nhân… sau đó có thể dùng như hỗn hợp dầu massage lên cơ thể nhằm giảm đau, lưu thông tuần hoàn…
Khuyến cáo rằng dung dịch tinh dầu gừng không được vượt quá 3 đến 5 phần trăm trong sản phẩm hỗn hợp. Ví dụ, để tạo dung dịch 3%, NAHA khuyến nghị thêm 20 giọt tinh dầu vào mỗi 30 ml dầu nền.11
Tinh dầu gừng cần lưu ý gì khi sử dụng?
Mặc dù tinh dầu từ gừng được coi là an toàn, nhưng vẫn cần thận trọng trong việc sử dụng chúng. Đặc biệt là với đối tượng từng có tiền sự dị ứng với các sản phẩm từ gừng.
Điều quan trọng cần nhớ là không bao giờ được uống trực tiếp các loại tinh dầu vào cơ thể.
Khi thoa tinh dầu gừng lên da, hãy nhớ pha loãng dầu gừng trước với nước hoặc dầu nền. Khuyến khích kiểm tra thử lượng nhỏ tinh dầu tại vùng da trước để theo dõi dấu hiệu kích ứng.
Tránh để tinh dầu gừng tiếp xúc trực tiếp với mắt, niêm mạc,… vì có thể gây bỏng giác mạc và tổn thương mắt.
Lạm dụng tinh dầu là điều cần hạn chế, bởi lượng quá nhiều có thể gây nên rủi ro sức khỏe.
Cách làm tinh dầu gừng
Nếu muốn điều chế tinh dầu chiết xuất từ gừng, có thể tham khảo gợi ý sau:
Thành phần chuẩn bị:
- 1 chén gừng tươi băm nhỏ.
- 2 chén dầu nền như ô liu, hạnh nhân, dầu dừa…
Thực hiện:
- Đem gừng đã băm rửa sạch và băm nhỏ, để khô ráo trong 1-2 tiếng.
- Cho gừng đã chuẩn bị vào chén rồi thêm dầu nền vào, nghiền gừng khô vào dầu.
- Khuấy đều hỗn hợp, rồi đặt chén vào lò nướng trong 2 tiếng, ở nhiệt độ khoảng 170°F (~77°C). Hoặc cho hỗn hợp dầu nền và gừng vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi sôi (khoảng 40 phút).
- Dùng vải thưa để lọc dầu và tạp chất riêng biệt nhau, dầu thu được chứa trong lọ thủy tinh.
- Bóp chặt phần gừng còn lại vào vải thưa để lấy tối đa dầu gừng.
- Bảo quản tinh dầu gừng trong lọ hoặc hộp kín, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Quả thực, tinh dầu gừng là một trong những sự lựa chọn ưa thích của người tiêu dùng. Bởi không chỉ mang đến hương thơm ấn tượng mà chiết xuất từ gừng còn góp phần tích cực cho sức khỏe chúng ta.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006). Phần 1, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt nam tập 1. NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Trang 876.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=876
-
Zingiber officinale Rosc. essential oil, a review on its composition and bioactivityhttps://www.researchgate.net/publication/330399061_Zingiber_officinale_Rosc_essential_oil_a_review_on_its_composition_and_bioactivity
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
Studies on essential oils, Part 42: chemical, antifungal, antioxidant and sprout suppressant studies on ginger essential oil and its oleoresinhttps://doi.org/10.1002/ffj.1373
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
Chemistry, antioxidant and antimicrobial investigations on essential oil and oleoresins of Zingiber officinalehttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0278691508004110
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
Ginger (Zingiber officinale Rosc.) Ameliorated Metabolic and Inflammatory Dysfunction Induced by High-Refined Carbohydrate-Containing Diet in Micehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30362875/
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
Nephroprotective Effect of Essential Oils from Ginger (Zingiber officinale) and Turmeric (Curcuma longa) Rhizomes against Cadmium-induced Nephrotoxicity in Ratshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30305562/
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
Effect of Essential Oils from Ginger (Zingiber officinale) and Turmeric (Curcuma longa) Rhizomes on Some Inflammatory Biomarkers in Cadmium Induced Neurotoxicity in Ratshttps://www.hindawi.com/journals/jt/2018/4109491/
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
Anti-Inflammatory Effects of the Essential Oils of Ginger (Zingiber officinale Roscoe) in Experimental Rheumatoid Arthritishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5115784/
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
Topical dermal application of essential oils attenuates the severity of adjuvant arthritis in Lewis ratshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3168704/
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
Effects of Ginger and Its Constituents on Airway Smooth Muscle Relaxation and Calcium Regulationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3604064/
Ngày tham khảo: 24/07/2022
-
About Ginger Oilhttps://www.healthline.com/health/ginger-oil#side-effects
Ngày tham khảo: 24/07/2022