Toàn phúc hoa: Loài hoa có công dụng trị ho
Nội dung bài viết
Toàn phúc hoa còn được gọi là Kim phí hoa, Kim phí thảo, Tuyền phúc hoa. Cây có tên khoa học là Flos Inulae, thuộc họ Cúc (Compositae). Theo Đông y, vị thuốc này có vị mặn, tính ôn, quy vào 2 kinh phế và đại trường. Toàn phúc hoa có tác dụng điều trị các chứng ngực đầy tức, ho nhiều đờm, bụng đầy trướng… Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vị thuốc này qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về Toàn phúc hoa
1.1. Nhận biết dược liệu
Toàn phúc hoa là cây sống nhiều năm, cao 30 – 80cm. Thân màu lục hoặc màu tía. Lá ở bộ phận giữa thân cây, hình thuôn hoặc hình tròn dài, đầu mũi mác. Lá hầu như không có cuống, phiến lá nguyên hoặc khía răng cưa. Mặt trên ít lông hoặc không có lông, mặt dưới có lông nhỏ như bông.
Cụm hoa hình đầu, bao chúng hình bán cầu, hoa có cánh hình màu vàng. Quả nang hình trụ tròn.
Mùa hoa: tháng 6 – 10; mùa quả: 9 – 11.
1.2. Phân bố, thu hái
Loài cây này chưa thấy trồng và khai thác ở Việt Nam, thường được nhập từ Trung Quốc.
Hoa được thu hái vào mùa hè và thu khi hoa đã nở.
1.3. Bộ phận dùng
Dùng hoa hoặc toàn cây, loại bỏ tạp chất, sàng bỏ sạch là dùng được.
Chú ý: Khi sắc vị thuốc này cần gói vào trong vải.
1.4. Thành phần hóa học
Chủ yếu có chứa quercetin, isoquercetin, acid caffeic, chlorogenic acid, taraxasterol, britannin, inulicin…
2. Công dụng theo y học cổ truyền
Toàn phúc hoa có vị đắng, cay, mặn, hơi có độc. Quy vào 3 kinh Phế, Tỳ và Đại tràng.
Tác dụng trừ đờm, chống nôn, trị ho, hen, nôn ọe, ngực đầy tức, đau hông, trị phù.
3. Công dụng theo y học hiện đại
3.1. Kháng viêm
Viêm là tình trạng phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân có hại, giúp bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm kéo dài, nặng lên hay thường xuyên xảy ra cũng ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong cơ thể.
Nghiên cứu phát hiện ra hoạt chất chiết từ hoa có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế biểu hiện NO, iNOS và cytokine. Điều chỉnh giảm hoạt hóa NF-κB thông qua việc ức chế phosphoryl hóa IκBα và kinase MAP chứa trong đại thực bào.
3.2. Chống dị ứng
Nghiên cứu trên chuột in vitro và in vivo cho thấy, chiết xuất Toàn phúc hoa điều chỉnh việc tạo và thoái hóa eicosanoids thông qua việc ngăn chặn các con đường truyền tín hiệu qua trung gian SCF. Qua đó, nó giúp ngăn ngừa các bệnh viêm dị ứng.
3.3. Giảm béo phì
Trong một nghiên cứu điều trị với chiết xuất từ Toàn phúc hoa, kết quả cho thấy hoạt chất có khả năng cải thiện béo phì. Nó giúp ngăn ngừa sự tích lũy lipid bất thường bằng cách điều chỉnh biểu hiện gen liên quan đến adipogenesis và lipogenesis.
3.4. Hạ đường huyết
Polysacarit chiết xuất từ Toàn phúc hoa có khả năng cải thiện tình trạng tăng đường huyết ở chuột bị gây tiểu đường bằng alloxan hoặc streptozocin.
4. Bài thuốc chứa Toàn phúc hoa
4.1. Chữa ho hen có nhiều đờm
Toàn phúc hoa 12g, Bán hạ 10g, Tế tân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
>> Còn vị thuốc nào khác có công dụng chữa ho? Đọc thêm trong bài viết: Bạch giới tử: Thảo dược quý vị cay chữa ho.
4.2. Chữa vị khí hư nhược, đờm trọc trở ngăn, ngực đầy tức
Toàn phúc hoa 12g. Nhân sâm, Sinh khương mỗi vị 20g. Đại giả thạch 40g, Cam thảo, Bán hạ mỗi vị 10g. Đại táo 10 quả. Sắc uống.
4.3. Chữa đờm ngăn trở gây khí nghịch ói đàm, bụng đầy trướng
Toàn phúc hoa, Trần bì, Sa sâm, Phục linh, Sinh khương mỗi vị 12g. Bán hạ 8g, Cam thảo 4g, Đại táo 3 quả. Sắc uống.
4.4. Chữa tim tức đầy, ợ ngược nôn nấc
Bán hạ 8g, Chích thảo 6g, Đại giả thạch 12g, Đại táo 3 quả, Nhân sâm 12g, Sinh khương 12g, Phục linh 14g, Tuyền phú hoa 12g. Sắc uống.
Toàn phúc hoa có nhiều công dụng: giúp trị hen suyễn, đầy tức ngực… Bạn đọc cần lưu ý gói vào vải trước khi sắc. Đồng thời, bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên môn về liều lượng và cách dùng để đạt hiệu quả tốt nhất.