Toàn yết: vị thuốc từ bọ cạp
Nội dung bài viết
Toàn yết là cách gọi bọ cạp trong y học cổ truyền. Từ xa xưa, toàn yết đã được sử dụng trong điều trị chứng kinh phong ở trẻ em. Ngày nay, khoa học hiện đại đã chứng minh hiệu quả của toàn yết. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin đến bạn đọc.
Mô tả dược liệu
Tên gọi khoa học
Toàn yết là tên dược liệu từ con bọ cạp. Còn có tên khác là toàn trùng, yết tử, yết vĩ. Nếu dùng cả con bọ cạp thì gọi là toàn yết. Nếu chỉ dùng đuôi bọ cạp thì gọi là yết vĩ.
Toàn yết có tên khoa học là Buthus martensii thuộc họ Bọ cạp Buthidae.1
Đặc điểm tự nhiên
Toàn yết là bọ cạp có đốt, thường sống ở dưới hòn đá hay khe vách núi. Đầu và ngực ngắn, bụng dài hơn, phía dưới bụng thót lại và dài. Đuôi có ngòi mang nọc độc.1
Phân bố, chế biến
Thường bắt bọ cạp vào mùa xuân – hè. Khi bắt được phải cho ngay vào chậu, nồi nước, pha thêm muối ăn (khoảng 300 – 500 gam muối cho một kilogam bọ cạp. đậy vung lại đun từ 3 – 4 giờ đồng hồ, cho đến khi cạn nước. Sau đó, lấy bọ cạp ra phơi trong mát cho đến khi khô. Không được phơi nắng vì nắng làm kết tinh muối. Khi sử dụng, phải ngâm rửa nước sạch hết muối đi.
Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta đã nuôi bọ cạp trong nông trại. Nhằm mục đích cung cấp nọc cho cơ sở y tế trong nước và xuất khẩu.1
Bộ phận sử dụng
Có thể dùng toàn thân (toàn yết) hoặc dùng chỉ phần đuôi.1
Thành phần hóa học
Trong toàn yết có chất độc gọi là Katsutoxin. Đây là một chất protein có chứa gốc sunfua. Độc tính của nó đối với hệ thần kinh gần giống với nọc rắn, nọc một số con vật khác.
Nếu pha loãng có tác dụng kích thích tim ếch và mèo. Nhưng nếu nồng độ cao hơn thì lúc đầu có tác dụng kích thích nhưng về sau sẽ tê liệt.
Ngoài katsutoxin, trong bọ cạp còn có trimethylamin, betain, taurin, axit panmitic, axit stearic, cholesterol, lecithin và các peptide, muối khác.1
Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền
Toàn yết là vị thuốc không thể thiếu trong y học cổ truyền. Vị thuốc được dùng để trị trấn kinh, chữa trẻ em bị kinh phong, uốn ván, kích thích thần kinh, bán thân bất toại, bị cảm mồm miệng méo.
Theo y văn cổ, toàn yết vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc. Quy vào kinh can. Có tác dụng khu phong, trấn kinh. Dùng chữa kinh giản, phá thương phong, cảm mồm méo mắt xệch, bán thân bất toại.1
Theo dược lý hiện đại
Chứa loại Peptitde giảm đau – chống khối u
Một số peptide độc đặc biệt chiết xuất từ nọc bọ cạp có các chức năng đa dạng. Peptide giảm đau – kháng u (Analgesic – antitumor peptide AGAP) được chiết xuất từ nọc độc của bọ cạp BmK khoảng 20 năm trước. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng AGAP có khả năng giảm đau và chống khối u.
Cụ thể, AGAP có tác dụng giảm đau mạnh mẽ đối với đau nội tạng, đau soma, đau do thần kinh, cũng như đau do viêm.
Trong các bệnh ung thư như ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư hạch và u thần kinh đệm, rAGAP có khả năng ngăn chặn sự tăng sinh của tế bào. Người ta quan sát thấy AGAP có ái lực hơn với các tế bào khối u và ít gây hại hơn cho các tế bào khỏe mạnh.
Vì vậy, AGAP trong toàn yết là một liệu pháp đầy hứa hẹn cho điều trị đau và tế bào u – ung thư. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để củng cố tác dụng này của toàn yết.3
Chống động kinh
ANEP, peptide có trong toàn yết có hoạt tính giảm đau được đề cập trước đây. Peptide này cũng đã cho thấy hoạt động chống động kinh ở các mô hình động vật khác nhau.4
Kháng khuẩn
Toàn yết được chứng minh khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ, cả gram âm lẫn gram dương. Thậm chí còn có thể chống lại Tụ cầu khuẩn kháng methicillin (bao gồm methicillin – resistant Staphylococcus aureus – MRSA và các tụ cầu không có enzyme coagulase – methicillin – resistant coagulase negative staphylococci – MRCNS), Neisseria gonorrhoeae kháng đa thuốc, và một số vi khuẩn trong nhiễm trùng bệnh viện khác.4
Các bệnh mạch máu
Tăng sản xuất oxit nitric có liên quan đến rối loạn mạch máu, tim mạch, suy tim, hoặc thiếu máu cục bộ não, gây hại cho cơ thể. Martentoxin có thể được sử dụng để ức chế sản xuất oxit nitric.
Ngoài ra, toàn yết có tiềm năng lâm sàng để điều trị chứng tăng cholesterol máu và kiểm soát huyết áp.4
Liều dùng, cách dùng, kiêng kị
- Ngày dùng từ 3 – 5 gam nếu dạng thuốc sắc hoặc 2 – 3 gam nếu dạng thuốc bột hoặc thuốc viên. Chia 2 – 3 lần uống.
- Người bệnh có huyết hư sinh phong không dùng toàn yết.1
Một số bài thuốc dùng toàn yết
Tiêm chính tán
(Dương thị gia tàng phương)
Thành phần
Bạch phụ tử, Bạch cương tàm, Toàn yết (khối lượng bằng nhau).
Cách dùng
Toàn yết chế biến trừ độc. Tán mịn tất cả thành bột. Mỗi lần uống 4 gam với rượu nóng, hoặc sắc thuốc thang, gia giảm cho phù hợp.
Ứng dụng lâm sàng
Bài thuốc này được dùng để trị chứng liệt thần kinh mặt (dây thần kinh VII). Gia thêm vị Ngô công giúp tăng tác dụng càng tốt.
Tuy nhiên, bài thuốc tính dược cay táo dùng trong trường hợp phong đàm thiên về hàn thấp. Nếu người bệnh khí hư huyết ứ, Can phong nội động, gây liệt dây thần kinh mặt VII (liệt mặt kiểu trung ương) thì không nên dùng.
Cần chú ý liều lượng. Không nên dùng quá nhiều vì các vị thuốc đều có độc.2
Chỉ kinh tán
Thành phần
Ngô công, Toàn yết (khối lượng bằng nhau). Tán tất cả thành bột mịn, mỗi lần uống 1 – 4gam.
Chủ trị
Chân tay bị co giật, lưng đòn gánh bệnh uốn ván, bệnh viêm não. Có thể dùng kết hợp với các vị thuốc thanh nhiệt giải độc. Đối với những trường hợp đau đầu mãn tính, đau nhức khớp xương mạn tính thì có tác dụng giảm đau.2
Chữa kinh phong
Thuốc chữa trẻ em kinh phong, người lớn sau khi ngất bị bán thân bất toại, đau đầu: toàn yết (bỏ đầu, chân) 3 gam, địa long (rửa sạch, sao vàng) 3 gam, cam thảo 2 gam. Tán mịn thành bột. Chia làm 5 – 6 lần uống trong ngày. Dùng nước nóng để pha bột.1
Toàn yết, bọ cạp là vị thuốc sử dụng trong cả Tây – Đông y. Do độc tính từ nọc đuôi nên toàn yết có cách chế biến và sử dụng riêng biệt. Bạn đọc không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản y học. Trang 964 – 965.
- Trần Văn Kỳ (2016). 250 Bài thuốc đông y cổ truyền chọn lọc. Nhà xuất bản Đà Nẵng. Trang 438 – 442
-
The Pivotal Potentials of Scorpion Buthus Martensii Karsch-Analgesic-Antitumor Peptide in Pain Management and Cancerhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7647755/
Ngày tham khảo: 16/03/2022
-
Peptides with therapeutic potential in the venom of the scorpion Buthus martensii Karschhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30858089/
Ngày tham khảo: 16/03/2022