Tỏi Lý Sơn – Đặc sản vùng đất Quảng
Nội dung bài viết
Quảng Ngãi là một vùng đất nhỏ ven biển miền Trung, nổi tiếng với mía đường, đường phổi, mạch nha,… Và có một loại tỏi, khi nhắc đến ắt hẳn bạn sẽ biết. Đó là Tỏi Lý Sơn. Tỏi Lý Sơn có công dụng cụ thể như thế nào? Các bạn hãy cùng YouMed tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Tỏi Lý Sơn – Đặc sản của một hòn đảo
Tỏi lý sơn là một thương hiệu nổi tiếng mà chúng ta đều được biết đến. Nó không chỉ là gia vị trong các món ăn hàng ngày mà là một vị thuốc mang sức khỏe cho mọi nhà.
Tép tỏi Lý Sơn nhỏ hơn các loại tỏi khác, có màu trắng và ăn có vị cay nồng nhẹ. Ăn xong không để lại mùi hôi khó chịu như những loại tỏi trồng ở nơi khác. Tỏi lý sơn có 2 loại là tỏi cô đơn (1 tép) và tỏi có nhiều tép.
Tỏi Lý Sơn nhỏ hơn các loại khác và có màu trắng chứ không có xen màu tím. Loại nhiều tép chỉ to ngang ngón chân cái. Rễ củ tỏi rất nhiều và dài, ăn vào vị ngọt nhẹ, cay nhưng không có vị nồng khó chịu.
Mô tả thực vật
Tỏi là cây thân thảo sống nhiều năm. Thân thực hình trụ, phía trên mang nhiều lá, phía dưới mang nhiều rễ phụ. Lá hình dải, thẳng dài 15-50 cm, rộng 1-2,5 cm có rãnh khía, mép lá hơi ráp, cứng. Ở mỗi nách lá, phía gốc có một chồi nhỏ sau này phát triển thành một tép Tỏi. Lá bẹ trước tạo thành cái bao, bao hết các tép lại, tạo thành củ tỏi. Hoa xếp thành tán ở ngọn thân trên một cán hoa dài 55 cm hay hơn.
Phân bố tỏi Lý Sơn
Tỏi Lý Sơn được trồng giữa biển trời bao la trên một hòn đảo nhỏ, được gọi là đảo Lý Sơn. Vì được trồng trên cát, nên tỏi mang một hương vị đậm đà và khác lạ hơn so với những loại tỏi thông thường.
Thành phần hóa học
Tỏi Lý Sơn có rất nhiều tác dụng, bởi các thành phần dinh dưỡng cao và giàu vitamin như B6 và C. Trong 30gr tỏi ước tính có : 15% Vitamin C, 17% Vitamin B6, 23% Mangan và 1 gram chất xơ
Ngoài ra còn có sắt, canxi và vitamin B1.
Ngoài ra, tỏi này còn chứa chất kháng khuẩn, trong đó có allycin, allycetoin I và II, men allynin và acid nicotinic.
Công dụng tỏi Lý Sơn
Kháng khuẩn
Tinh dầu tỏi, hay dịch ngâm tỏi đều có tác dụng kháng khuẩn và ức chế khuẩn. Tỏi chế làm thuốc đều có tác dụng đối với các loại khuẩn kháng với các thuốc kháng sinh như chloromycetin, aureomycin streptomycin, penicillin. Tỏi cũng có tác dụng ức chế nấm trên cơ thể, nồng độ của dầu tỏi có tác dụng đối với nấm là 1mcg/1ml.
Phòng ngừa cảm cúm
Tỏi Lý Sơn chứa các thành phần có khả năng tăng cường hệ miễn dịch.
Một nghiên cứu lớn kéo dài 12 tuần cho thấy rằng việc bổ sung tỏi hàng ngày làm giảm số lần cảm lạnh đến 63% so với giả dược. Đồng thời, thời gian kéo dài của các triệu chứng cũng giảm 70%, từ 5 ngày (nhóm chứng) còn 1,5 ngày ở nhóm dùng tỏi.
Một nghiên cứu khác, dùng liều cao chiết xuất tỏi già (2,56 gam mỗi ngày) làm giảm 61% số ngày bị cảm cúm. Các nghiên cứu trên chỉ được thực hiện trên mẫu nhỏ, nên mức độ chứng cứ không cao.
Mặc dù thiếu bằng chứng tin cậy, nhưng bạn có thể bổ sung tỏi vào chế độ ăn uống nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh
Giảm mỡ trong máu
Tỏi có thể làm giảm cholesterol toàn phần và LDL.
Đối với những người có cholesterol cao, bổ sung tỏi dường như làm giảm 15% Cholesterol toàn phần hoặc LDL.
Xem xét cụ thể LDL (cholesterol “xấu”) và HDL (cholesterol “tốt”), tỏi dường như làm giảm LDL nhưng không có tác dụng làm tăng HDL.
Tỏi Lý Sơn giúp hạ huyết áp
Các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ là những kẻ giết người hàng đầu trên thế giới. Tăng huyết áp, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra các bệnh này.
Các nghiên cứu trên người đã phát hiện rằng, trong tỏi Lý Sơn có các thành phầm giúp giảm huyết áp đáng kể ở người bị cao huyết áp.
Trong một nghiên cứu, 600 – 1.500 mg chiết xuất tỏi già có hiệu quả tương đương thuốc Atenolol trong việc giảm huyết áp khi dùng trong 24 tuần.
Cần dùng liều khá cao nếu muốn đạt tác dụng mong muốn, tương đương khoảng bốn tép tỏi mỗi ngày.
Chống oxy hóa, ngăn chặn bệnh Alzheimer
Quá trình oxy hóa phóng thích các gốc tự do góp phần vào quá trình lão hóa. Tỏi có chứa chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của quá trình oxy hóa. Dùng liều cao tỏi ở người làm tăng nồng độ enzym chống oxy hóa.
Kết hợp những tác động trong việc giảm cholesterol và huyết áp, cũng như các đặc tính chống oxy hóa, tỏi này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh não phổ biến như bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ.
Loại trừ độc tố kim loại nặng
Ở liều lượng cao, các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi có khả năng bảo vệ chống lại các tổn thương cơ quan do nhiễm độc kim loại nặng.
Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần tại một nhà máy sản xuất pin ô tô, nhân viên ở đây tiếp xúc với nhiều chì. Kết quả cho thấy tỏi làm giảm lượng chì trong máu tới 19%. Nó cũng làm giảm nhiều dấu hiệu lâm sàng của nhiễm độc, bao gồm đau đầu và huyết áp.
Ba liều tỏi mỗi ngày thậm chí giảm các triệu chứng tốt hơn cả thuốc D-penicillamine.
Những lưu ý khi sử dụng tỏi Lý Sơn
- Khi đói bụng, ăn tỏi mà không ăn kèm các loại thực phẩm khác thì rất dễ dẫn đến loét dạ dày. Bởi chất allicin (một thành phần của tỏi) dễ khiến cho tính kháng sinh trong tỏi phát tác, gây rát dạ dày
- Do tỏi có vị cay, tính nóng, người mắc các bệnh về gan khi ăn tỏi sẽ gây kích thích mạnh, tình trạng nóng gan sẽ nặng hơn, lâu dài dẫn đến tổn thương gan
- Không ăn tỏi nếu bị huyết áp thấp, vì có nguy cơ làm hạ huyết áp
- Khi bị tiêu chảy, không nên ăn tỏi vì allicin trong tỏi làm tăng sự kích thích thành ruột. Ngoài ra, nó còn dẫn tới tình trạng nghẽn mạch máu, phù nề.
Tóm lại, tỏi có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe của con người. Và kể cả tỏi Lý Sơn cũng vậy. Việc sử dụng tỏi tuy tốt song bạn vẫn nên lưu ý và tham khảo ý kiến bác sĩ. Hy vọng bạn đọc đã có cho mình những thông tin hữu ích về tỏi Lý Sơn qua bài viết này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.