Top 10 câu hỏi thường gặp nhất về Hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome)
Nội dung bài viết
Hội chứng chân không yên là gì? Những câu hỏi thường gặp nhất về hội chứng này? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
Những ai có khả năng mắc hội chứng chân không yên?
Có khoảng 10% dân số bị mắc hội chứng này. Trong số đó, thì chỉ khoảng 2 – 3% có triệu chứng ở mức độ trung bình đến nặng, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Một số đặc điểm về hội chứng này là:
- Tỷ lệ nữ giới mắc hội chứng này cao hơn một chút so với nam giới.
- Hầu hết những người mắc hội chứng chân không yên mức độ nặng thuộc nhóm tuổi trung niên trở lên.
- Chỉ khoảng 2% trẻ em mắc hội chứng này.
- Những người có người thân trong gia đình mắc phải, thường sẽ mắc hội chứng này ở lứa tuổi trẻ hơn.
Nguyên nhân của hội chứng chân không yên là gì?
Hiện nay chưa tìm được nguyên nhân. Các chuyên gia nghĩ rằng, có thể hội chứng này liên quan đến việc cách não sử dụng dopamine (một hormon trong não bộ) và chất sắt.
Yếu tố di truyền cũng có thể có liên quan. Có khoảng một nửa số người mắc bệnh này có người thân trong gia đình mắc bệnh.
Có nhiều tình trạng bệnh lý có liên quan với Hội chứng chân không yên, bao gồm: thiếu chất sắt, đái tháo đường, bệnh thận mạn giai đoạn cuối, bệnh Parkinson và cả thai kỳ. Tuy nhiên đa số người mắc hội chứng chân không yên không có các tình trạng bệnh lý trên. Nếu bạn có mắc một trong các bệnh lý kể trên, việc điều trị bệnh có khả năng cải thiện các triệu chứng của hội chứng chân không yên.
Hội chứng chân không yên có thể tự khỏi được không?
Có một số trường hợp ghi nhận được hội chứng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên các trường hợp này là khá hiếm. Thông thường thì hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nặng dần lên theo thời gian.
Đối với các bệnh nhân mắc phải hội chứng do một bệnh lý khác, việc điều trị bệnh lý nền giúp cải thiện các triệu chứng trên.
Hội chứng này có thể tiến triển thành một bệnh lý nặng nề nào khác không?
Hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng là thể “vô căn”, tức là không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh. Đối với các bệnh nhân này thì không hề có nguy cơ tiến triển thành bệnh khác nặng nề hơn như bệnh Parkinson.
Ngoài ra, với những người có hội chứng do các bệnh lý nền, việc không điều trị các bệnh lý nền có thể làm nặng hơn các triệu chứng của hội chứng này.
Làm sao để có một giấc ngủ ngon với hội chứng này?
Các chuyên gia khuyên rằng việc thay đổi các thói quen, hành vi có thể giúp cải thiện được giấc ngủ của bạn. Đối với bệnh nhân có mức độ nhẹ đến trung bình, các bước sau đây có thể giúp bạn hạn chế hay ngăn ngừa việc xuất hiện các triệu chứng:
- Giảm sử dụng caffeine.
- Giảm uống rượu, đồ uống có cồn.
- Ngưng hút thuốc lá, hay ít nhất là giảm hút dần dần.
- Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm nhất định, đều đặn trong tuần, kể các các ngày cuối tuần hay ngày nghỉ.
- Tập thể dục thường xuyên, với cường độ vừa phải (tập với cường độ nặng có thể làm nặng hơn các triệu chứng của bạn).
- Hãy thử chườm ấm hoặc chườm mát với nước đá, hoặc thử tắm nước ấm.
Khi nào thì tôi nên đi khám bác sĩ vì tình trạng của hội chứng?
Bạn nên đi khám bác sĩ để xác định lại chẩn đoán vấn đề của mình và loại trừ các bệnh lý khác tương tự. Bác sĩ có thể điều trị các tình trạng bệnh lý có liên quan như thiếu sắt.
Nếu bạn có hội chứng chân không yên, bạn nên đi khám bác sĩ khi:
- Mất ngủ thường xuyên.
- Có triệu chứng trầm cảm hay lo âu.
- Có vấn đề với việc tập trung.
Bạn không cần phải đợi mình có những tình trạng này mới được đi khám, nếu muốn khỏe hơn hay cần sự trợ giúp, hay đi khám để nhận được sự hỗ trợ y tế cần thiết.
Có những phương pháp điều trị nào cho hội chứng chân không yên?
Có 4 loại thuốc được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) cho phép sử dụng để điều trị hội chứng: Horizant, Mirapex, Neupro và Requip.
Các bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc khác không đặc trị cho hội chứng này, chúng có thể là:
- Các thuốc chống co giật, ví dụ như gabapentin.
- Các thuốc giảm đau opiate, ví dụ như hydrocodone, propoxyphene, và tramadol.
- Các thuốc an thần-thuốc ngủ, ví dụ như clonazepam và zolpidem.
Tôi cần phải làm những gì để đối phó với hội chứng này?
Trầm cảm và rối loạn lo âu là những tình trạng thường gặp do hội chứng chân không yên. Nếu bạn mắc hội chứng chân không yên mức độ từ trung bình đến nặng, bạn cần phải sẵn sàng đối phó với tình trạng căng thẳng, hay các “stress”, mà nó mang lại. Dưới đây là một số cách giúp bạn kiểm soát căng thẳng:
- Hỏi bác sĩ xem bạn có thể sử dụng loại thuốc khác, hay một sự kết hợp thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng.
- Tìm kiếm và tham gia vào một hội nhóm, hay cộng đồng hỗ trợ những người mắc hội chứng chân không yên.
- Nếu bạn cảm thấy quá tải bởi hội chứng này, hãy đi khám và trò chuyện với các chuyên gia về tâm lý, tâm thần.
Mối liên quan giữa chất sắt và hội chứng là gì?
Việc thiếu hụt chất sắt trong khẩu phần ăn có thể là một nguyên nhân gây ra hội chứng. Với các bệnh nhân có tình trạng này, việc bổ sung sắt có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh.
Ngay cả đối với những bệnh nhân không thiếu máu và có hàm lượng sắt bình thường, chất sắt có thể vẫn có mối liên quan với hội chứng.
Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy tình trạng “giảm chất sắt trong não” ở nhiều bệnh nhân mắc hội chứng này. Bác sĩ có thể kê toa viên uống bổ sung sắt mặc dù hàm lượng sắt cơ thể vẫn trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quá nhiều sắt có thể làm tổn thương gan, và gây ra các vấn đề sức khỏe khác.
Mối liên quan giữa Hội chứng chân không yên và Rối loạn tay chân quờ quạng định kỳ là gì?
Hơn 80% bệnh nhân mắc hội chứng trên có mắc rối loạn tay chân quờ quạng định kỳ đi kèm. Trong rối loạn tay chân quờ quạng định kỳ, tay hay chân của bạn có thể co rút hay giật giữa đêm lúc bạn đang ngủ. Các cử động này làm gián đoạn giấc ngủ của bạn và có thể làm suy giảm chất lượng giấc ngủ của bạn.
Nhiều người chỉ mắc rối loạn tay chân quờ quạng định kỳ đơn thuần, và không bao giờ chuyển thành hội chứng chân không yên. Nếu bạn nghĩ mình có rối loạn này, hãy đi khám bác sĩ nhé.
Trên đây là những câu hỏi thường gặp nhất về Hội chứng chân không yên. Hy vọng Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn đã cung cấp cho bạn thật nhiều câu trả lời thiết thực và thông tin bổ ích. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!
Nguồn: Mayoclinic.org
Mời bạn xem thêm:
Bệnh nhân khám Chân không yên cần chuẩn bị những gì khi đến gặp bác sĩ?
Hội chứng chân không yên: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
10 Questions About Restless Legs Syndromehttps://www.webmd.com/brain/restless-legs-syndrome/restless-legs-syndrome-10-questions
Ngày tham khảo: 17/04/2020