Trầm cảm ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị
Nội dung bài viết
Trầm cảm ở trẻ em không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, các triệu chứng của căn bệnh này ở trẻ em có thể sẽ khác với người lớn. Chính vì thế, việc phát hiện ra một đứa trẻ bị trầm cảm cũng có thể sẽ khó khăn hơn. Khi đó, việc biết được nguyên nhân cũng như dấu hiệu của căn bệnh này ở trẻ sẽ giúp bạn dễ ứng phó khi cần thiết. Bài viết sau của Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương sẽ chia sẻ những thông tin về chứng trầm cảm ở trẻ em. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng gây buồn, thấp thỏm và tuyệt vọng thời gian dài. Nó ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành vi hằng ngày của người bệnh như ngủ, ăn uống, học tập, làm việc,… Bất kỳ ai cũng có thể bị trầm cảm, bất kể tuổi tác, thu nhập, văn hóa,…1 Và trẻ em cũng là đối tượng có thể mắc trầm cảm.
Nếu không điều trị kịp thời, chứng trầm cảm có thể trở nên tồi tệ. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, có hành vi làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử.2
Nguyên nhân của trầm cảm ở trẻ em
Cho đến nay vẫn chưa có một nguyên nhân cụ thể gây ra trầm cảm ở trẻ em. Các nhà khoa học chỉ có thể chắc chắn rằng có nhiều yếu tố tác động đến việc khởi phát căn bệnh này.
Sự hoạt động bất thường của các hóa chất trong não3
Các chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, dopamin,… chịu trách nhiệm trong việc tạo ra các cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực ở mỗi người. Do vậy, sự mất cân bằng các loại chất này có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.
Môi trường sống hỗn loạn cũng gây ra trầm cảm ở trẻ em3
Cuộc sống gia đình không ổn định hoặc trẻ thường bị bắt nạt ở trường học cũng có ảnh hưởng đến việc trẻ bị trầm cảm. Việc chuyển trường, chuyển nhà, cha mẹ ly hôn cũng tác động tiêu cực đến tâm trạng. Chúng có thể gây nên những cơn căng thẳng, u uất kéo dài và dần dần khiến trẻ bị trầm cảm. Áp lực về học tập cũng có thể là một phần gây ra căn bệnh này.
Lịch sử gia đình có người bị trầm cảm3
Một nghiên cứu cho thấy, những người có người thân ở hai thế hệ trước bị trầm cảm thì có nguy cơ bị trầm cảm cao.4Từ đó suy ra, một đứa trẻ lớn lên trong gia đình có người bị trầm cảm cũng sẽ có nguy cơ bị mắc căn bệnh này. Trẻ càng nhỏ tuổi nguy cơ càng cao.
Sức khỏe thể chất kém3 5 6
Trẻ em có sức khỏe kém hoặc mắc các bệnh mãn tính cũng có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Đặc biệt là các loại bệnh như tiểu đường, béo phì,…
Triệu chứng của bệnh trầm cảm ở trẻ em
Buồn bã, ủ rũ3 5
Trẻ em có thể buồn bã vì nhiều nguyên nhân như bạn bè, điểm số, trường học,… Điều này có thể cải thiện hoặc biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu hiện tượng trẻ buồn bã hoặc ủ rũ kéo dài, chúng chắc chắn đáng lưu tâm. Lúc này, cha mẹ hoặc những người thân khác cần nói chuyện với trẻ.
Hãy tìm hiểu xem trẻ buồn vì điều gì và hỗ trợ. Nếu trẻ cảm thấy buồn bã chung chung về cuộc sống, tương lai hoặc không rõ buồn vì điều gì và kéo dài trên hai tuần, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Trẻ thu mình, xa lánh gia đình và bạn bè3
Nếu một đứa trẻ tự nhiên thu mình và xa lánh gia đình, bạn bè, đó có thể là dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em. Lúc này, trẻ có thể tránh hoàn toàn khỏi những tương tác tập thể và giữ mọi điều cho riêng mình. Ngay cả những hoạt động ngoại khóa, hoạt động tại trường trẻ cũng không tham gia.
Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích và thiếu năng lượng3 5
Trẻ bị trầm cảm thường có dấu hiệu mất hứng thú với các hoạt động mà trước đây trẻ yêu thích. Chúng trở nên thờ ơ với mọi thứ. Những việc trẻ làm dường như chỉ là sự chuyển động thông thường chứ không có bất kỳ niềm vui hay sự hào hứng nào.
Ngoài ra, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi được nghỉ ngơi đầy đủ. Chúng dường như thiếu sức khỏe cũng như động lực để hoàn thành tất cả mọi việc.
Trẻ cảm thấy bị hiểu lầm3
Trẻ em bị trầm cảm có thể thấy rằng không có bất kỳ ai có thể hiểu được cảm xúc của mình. Và việc chúng có nói về điều đó hay không cũng vô nghĩa. Từ đó, trẻ sẽ sợ thử những điều mới, sợ bị hiểu sai, từ chối hoặc chế giễu.
Kết quả học tập sa sút3 6
Trầm cảm ở trẻ em còn biểu hiện ở việc kết quả học tập sa sút mà không rõ lý do. Nguyên nhân của điều này là do trẻ khó tập trung và không làm được bài tập. Nếu một đứa trẻ có kết quả học tập cao trong quá khứ rồi đột nhiên bị sa sút, bạn có thể nghĩ đến trầm cảm.
Trẻ có cảm giác tội lỗi và thấy mình vô giá trị3 7
Một đứa trẻ bị trầm cảm có thể thường xuyên cảm thấy có lỗi vì chính căn bệnh của mình. Chúng sẽ tự trách mình vì bất cứ điều gì, ngay cả khi điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát.
Thêm vào đó, trẻ cũng có cảm giác bản thân mình vô dụng, vô giá trị. Chúng luôn cho rằng bản thân thiếu sót, yếu kém và mọi việc chúng làm đều sai. Vì điều này, trẻ sẽ không nỗ lực để hoàn thành bài vở hoặc kết nối với người khác. Chúng tin rằng mình sẽ thất bại hoặc làm mọi chuyện rối tung lên nếu hành động.
Bốc đồng và hung hăng3
Sự tức giận, cáu kỉnh, hung hăng đôi khi cũng là biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em. Trẻ có thể phản ứng một cách giận dữ với những gì đã xảy ra mà không quan tâm đến hậu quả. Trong một số trường hợp, sự bốc đồng có thể khiến trẻ làm ra hành vi tự hại bản thân hoặc người khác.
Hướng điều trị bệnh trầm cảm ở trẻ em
Nếu các triệu chứng trên đây của trẻ kéo dài trên hai tuần, người lớn cần đưa trẻ em đến gặp bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Điều này cũng sẽ giúp trẻ loại trừ được khả năng trẻ mắc các bệnh lý tiềm ẩn.
Việc trị bệnh trầm cảm ở trẻ em cũng tương tự như với người lớn. Đó có thể bao gồm việc dùng thuốc, dùng liệu pháp tâm lý (VD: liệu pháp nhận thức hành vi,…) hoặc kết hợp cả hai.5 7
Song song với đó, người thân cũng sẽ ở bên cạnh chăm sóc, lắng nghe và giúp đỡ trẻ. Tất cả những điều này sẽ giúp trẻ có thêm động lực để vượt qua căn bệnh.3
Bệnh trầm cảm ở trẻ em có thể khó phát hiện. Nhất là khi các bậc cha mẹ đôi cũng thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp cũng như thấu hiểu con cái. Nhưng hãy nhớ là tất cả chúng ta đều không đơn độc, dù là trẻ em hay cha mẹ. Có nhiều cách để chúng ta được thấu hiểu và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết. Và bệnh trầm cảm có thể điều trị được dù bệnh nhân ở độ tuổi nào. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin cần thiết cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Depressionhttps://www.nimh.nih.gov/health/publications/depression#pub7
Ngày tham khảo: 17/12/2022
-
Depressionhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9290-depression
Ngày tham khảo: 17/12/2022
-
How to Tell If Your Child Shows Symptoms of Depressionhttps://www.verywellmind.com/how-depression-symptoms-may-appear-in-your-child-1066788
Ngày tham khảo: 17/12/2022
-
A 30-Year Study of 3 Generations at High Risk and Low Risk for Depressionhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27532344/
Ngày tham khảo: 17/12/2022
-
Depression in Childrenhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14938-depression-in-children
Ngày tham khảo: 17/12/2022
-
Childhood Depression: How to Help Your Childhttps://www.healthline.com/health/mental-health/childhood-depression#warning-signs
Ngày tham khảo: 17/12/2022
-
Depression in Childrenhttps://www.webmd.com/depression/guide/depression-children
Ngày tham khảo: 17/12/2022