Trám răng và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Bỗng một ngày bạn phát hiện răng sâu đau nhức. Bạn đến khám nha sĩ và được chỉ định điều trị phục hồi răng bằng cách trám răng. Nếu bạn đang ở trong trường hợp này thì đừng quá lo lắng vì đây hoàn toàn là một điều trị ít gây đau và nhạy cảm. Trước khi điều trị, có thể bạn sẽ phân vân và có nhiều thắc mắc cần được giải đáp về cách điều trị này. Tuy nhiên, nha sĩ sẽ dành thời gian cho bạn tìm hiểu kỹ trước khi quyết định điều trị. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần biết về trám răng.
1. Trám răng là gì?
Trám răng là điều trị nhằm phục hồi chức năng, giải phẫu cho răng bị mất cấu trúc do sâu răng, nứt vỡ do chấn thương hay mòn răng. Trám răng cũng được sử dụng để phục hồi sau các điều trị nha khoa khác như chữa tủy. Nha sĩ sẽ dùng các vật liệu khác nhau để bù đắp và tạo hình lại phần mất chất của răng. Việc phục hồi răng có thể thực hiện trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào vị trí và kích thước của sự mất chất.
Có nhiều loại vật liệu khác nhau dùng để phục hồi răng như: nhựa composite, amalgam, vàng, GIC… Việc lựa chọn vật liệu phụ thuộc vào đánh giá của nha sĩ trong từng trường hợp lâm sàng. Có nhiều yếu tố để đánh giá như: độ rộng xoang sâu, vị trí, chi phí…
2. Các bước chẩn đoán tình trạng cần điều trị trám răng
Các dấu hiệu rõ nhất của sâu răng là đau và nhạy cảm ở vùng bị ảnh hưởng hoặc thức ăn nhồi nhét giữa các răng. Ngay khi xuất hiện dấu hiệu trên, bạn nên đến khám nha sĩ ngay để tránh cảm giác khó chịu, châm chích kéo dài.
Hầu như khi bạn thấy đau thì sâu răng đã tiến triển rộng. Do đó, nếu bạn không nhanh chóng điều trị sẽ có nguy cơ nhiễm trùng đến tủy. Đừng thực hiện các cách giảm đau răng dân gian như dùng tinh dầu cho vào lỗ sâu. Các cách này chỉ có ý nghĩa giảm đau tạm thời. Cách điều trị đúng nhất là phải nhanh chóng loại bỏ mô răng bị sâu, nhiễm khuẩn.
Đến với nha sĩ, bạn sẽ được thăm khám và làm một số kiểm tra đơn giản để đánh giá tình trạng sâu răng.
Khám, quan sát
Nha sĩ sẽ nhìn và kiểm tra, đánh giá toàn bộ miệng, đặc biệt là vùng bạn thấy đau. Ở vùng này, nha sĩ sẽ tìm các dấu hiệu của sâu răng như: đường nứt, đổi màu, sang thương đốm trắng hoặc các vùng gồ ghề trên bề mặt răng.
Gõ và thăm dò sang thương
Sau khi quan sát, nha sĩ sẽ dùng dụng cụ (thường là cán gương hoặc cán các vật dụng) gõ nhẹ lên răng. Các kiểu sâu khác nhau cũng đem lại cảm giác răng khác nhau. Việc gõ này dùng để đánh giá mức độ trầm trọng của sâu răng.
Nha sĩ cũng sẽ dùng dụng cụ có đầu nhỏ (thám trâm nha khoa) để thăm dò các vị trí sâu. Việc thăm dò giúp xác định được đường vào lỗ sâu trên mặt nhai hoặc bề mặt láng. Rất khó để đưa dụng cụ thăm dò vào nếu lỗ sâu ở mặt bên tiếp giáp các răng khác.
Việc quan sát và thăm dò sẽ giúp nha sĩ phát hiện các vị trí răng khác có vấn đề. Ví dụ như vị trí đau ở vùng răng trên có thể bắt nguồn từ răng sâu hàm dưới. Đây được gọi là “đau chuyển vị”, gây khó khăn cho việc chẩn đoán chính xác.
Có nhiều vấn đề có thể gây ra đau ở trong hoặc xung quanh răng ngoài sâu răng. Đau răng chuyển vị có thể do các vấn đề ở tim, phổi, cảm lạnh hoặc thậm chí là đau thần kinh. Ví dụ: Chân răng cối hàm trên gần xoang hàm, khi viêm xoang cũng có thể gây đau răng này.
Chụp phim X quang
Sau khi thăm khám lâm sàng, nha sĩ có thể chụp một số phim nha khoa. Các phim này giúp quan sát được kỹ hơn cấu trúc cũng như vùng chóp răng nằm trong xương. Từ đó, nha sĩ có thể đánh giá được độ rộng của sang thương. Việc chụp phim cũng giúp nha sĩ đưa ra các quyết định điều trị trám răng hay là chữa tủy hoặc nhổ bỏ.
Chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị
Bạn sẽ được liệt kê các vấn đề và cách điều trị cũng như tiến trình điều trị. Thông thường, nếu sang thương sâu răng còn nhỏ, trên bề mặt men chưa vào ngà, nha sĩ có thể thực hiện tái khoáng hóa các vị trí sâu. Tuy nhiên, việc điều trị này chỉ thực hiện được nếu bệnh nhân tuân thủ vệ sinh răng miệng tốt và có chế độ ăn hợp lý. Trong trường hợp sâu răng quá lớn, vị trí khó kiểm soát vệ sinh và vệ sinh răng miệng kém, bạn cần phải được trám lại các lỗ sâu.
>> Thế nào là vệ sinh răng miệng tốt? Đọc ngay bài viết Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?
3. Các loại vật liệu thường dùng để trám răng
Ngày nay, có rất nhiều vật liệu nha khoa sẵn có được dùng để trám răng. Chúng bao gồm: vàng, sứ, amalgam, các vật liệu hiện đại giống màu răng như composite, nhựa, GIC…
Sau đây là một số thông tin về các loại vật liệu.
Miếng trám vàng
Ưu điểm
- Độ bền cao: có thể dùng đến 10 – 15 năm hoặc hơn, ít mòn.
- Chịu lực tốt: chịu được lực nhai ở các vùng răng cối.
- Thẩm mỹ: một số bệnh nhân thấy hài lòng với màu vàng hơn miếng trám bạc amalgam.
Nhược điểm
- Đắt tiền: chi phí điều trị trám răng bằng vàng có thể đắt hơn các vật liệu khác, gấp 10 lần chi phí trám răng bằng Amalgam.
- Thời gian hẹn nhiều hơn: bệnh nhân phải đến điều trị nhiều lần hơn, tối thiểu 2 lần.
- Hiện tượng dòng điện Galvanic: miếng trám bằng vàng được đặt cạnh miếng trám amalgam có thể gây ra cảm giác đau chói (dòng điện galvanic). Dòng điện này được tạo ra do tương tác giữa kim loại và nước bọt. Tuy nhiên, hiện tượng này ít xảy ra.
- Thẩm mỹ: một số bệnh nhân lại không thích màu sắc của kim loại. Họ thích miếng trám giống với màu sắc của mô răng còn lại.
Miếng trám bạc (Miếng trám Amalgam)
Ưu điểm
- Độ bền cao: có thể tồn tại tới 10 – 15 năm, bền hơn so với miếng trám composite.
- Độ chịu lực cao.
- Chi phí thấp: có thể thấp hơn so với composite.
Nhược điểm
- Kém thẩm mỹ: màu miếng trám không hợp với màu răng tự nhiên.
- Phá hủy nhiều cấu trúc răng: quá trình tạo xoang đủ lưu miếng trám amalgam làm mất nhiều mô răng hơn.
- Làm đổi màu niêm mạc xung quanh: miếng trám amalgam làm mô xung quanh răng có thể đổi màu xám.
- Vết nứt vi kẽ: amalgam so với các vật liệu khác có độ co giãn rộng và có khả năng cao gây nên nứt vỡ.
- Dị ứng: chiếm tỉ lệ thấp khoảng 1%. Bệnh nhân có thể dị ứng với thành phần thủy ngân trong miếng trám.
Hơi amalgam phóng thích tỉ lệ thấp từ miếng trám có thể được hấp thu bởi phổi. Nếu phóng thích tỉ lệ cao có thể gây các vấn đề ở tim, não. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa việc trám amalgam và các vấn đề sức khỏe. Do đó, ADA vẫn khuyến cáo nên sử dụng ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
Vật liệu giống màu răng composite
Ưu điểm
- Tính thẩm mỹ: màu sắc của composite có thể phù hợp với màu răng hiện có. Composite thường được sử dụng ở vùng răng thẩm mỹ như răng cửa.
- Liên kết vi cơ học với cấu trúc răng giúp nâng đỡ cấu trúc.
- Tính linh hoạt: được sử dụng để phục hồi xoang sâu, các răng bị mẻ, gãy vỡ, mòn.
- Việc chuẩn bị tiết kiệm mô răng hơn: tạo xoang trám composite ít lấy đi mô răng hơn so với trám amalgam.
Nhược điểm
- Thiếu độ bền: miếng trám composite dễ mòn hơn amalgam (tồn tại chỉ khoảng 5 năm so với amalgam là 10 – 15 năm). Ngoài ra, đối với xoang sâu lớn, miếng trám composite có thể không chịu lực được như amalgam.
- Thời gian thao tác tăng: quá trình thao tác có thể lâu hơn trám amalgam 20 phút.
- Tăng số buổi hẹn: nếu thực hiện inlay/onlay composite, bạn phải cần nhiều buổi hẹn hơn.
- Sứt mẻ: phụ thuộc vào vị trí, miếng trám có thể bị sút, sứt mẻ.
- Mắc tiền: chi phí trám composite gấp đôi amalgam.
Ngoài composite, còn có một số vật liệu trám giống màu răng như: sứ, GIC.
Các vật liệu trám khác
Sứ
Vật liệu có tính kháng mòn cao hơn composite, có thể bền đến 15 năm và giá thành cao như vật liệu vàng.
Glass ionomer
Vật liệu hỗn hợp của acrylic và thủy tinh. Vật liệu này được dùng phổ biến trong trám các vị trí dưới nướu hoặc cho trẻ em. GIC phóng thích fluor giúp bảo vệ răng khỏi sâu răng. Tuy nhiên, vật liệu này chịu lực yếu hơn composite và dễ bị mài mòn, dẫn đến nứt vỡ. GIC thường dùng được khoảng 5 năm và chi phí thấp hơn composite.
Phục hồi gián tiếp
Phục hồi gián tiếp tương tự như phục hồi bằng các vật liệu composite hay vật liệu giống màu răng khác. Nhưng phục hồi được thực hiện trong labo và nha sĩ sẽ hẹn bạn đến để đặt vào trong lần tiếp theo. Phục hồi gián tiếp được thực hiện khi mô răng không đủ nâng đỡ miếng trám nhưng sự hủy hoại không trầm trọng đến mức cần bọc mão.
Trong lần hẹn đầu, mô sâu hoặc miếng trám cũ sẽ được loại bỏ. Nha sĩ sẽ lấy dấu răng cần làm và các cấu trúc xung quanh. Dấu này sẽ được gửi đến labo để thực hiện miếng trám gián tiếp. Trong quá trình đợi phục hồi sau cùng, nha sĩ sẽ trám tạm cho bạn để bảo vệ răng. Lần hẹn 2, miếng trám tạm sẽ được loại bỏ, nha sĩ sẽ kiểm tra sự khít sát của phục hồi gián tiếp. Việc thực hiện gián tiếp giúp phục hồi chính xác hơn và được gắn chắc chắn bằng xi măng gắn.
Có 2 loại phục hồi gián tiếp: Inlays và Onlays.
- Inlays tương tự như miếng trám nhưng toàn bộ phục hồi nằm trên mặt nhai giữa các múi.
- Onlays mở rộng hơn inlays, bao phủ một hoặc nhiều múi. Onlays đôi khi được xem như mão từng phần.
Inlays và Onlays có độ bền lâu hơn các miếng trám thông thường, có thể lên đến 30 năm. Hai phục hồi này có thể làm bằng các vật liệu giống màu răng như nhựa resin, sứ hoặc vàng. Onlays có thể giúp bảo vệ một răng yếu nhờ che phủ mặt nhai và phân tác lực ra xung quanh tương tự như mão răng.
Một loại khác của Inlays và Onlays là Inlays, Onlays trực tiếp. Tiến trình thực hiện tương tự loại gián tiếp. Tuy nhiên, việc thực hiện phục hồi được làm trong miệng và hoàn thành trong một lần hẹn. Việc lựa chọn loại phục hồi tùy thuộc vào cấu trúc mô răng còn lại và yêu cầu thẩm mỹ của bệnh nhân.
Miếng trám tạm
Trám tạm được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Khi việc trám được thực hiện nhiều lần hẹn. Ví dụ: khi chời đợi labo thực hiện miếng trám vàng hay phục hồi gián tiếp.
- Giữa các lần hẹn điều trị tủy.
- Trong lúc đợi giảm đau khi tủy bị kích thích.
- Khi điều trị khẩn.
Miếng trám tạm thường không tồn tại được lâu. Nó dễ rơi, vỡ, mài mòn trong vài tháng. Trám tạm phải được thay thế bằng miếng trám cứng chắc sau cùng. Nếu không răng sẽ dễ bị nhiễm khuẩn và gặp các biến chứng khác.
4. Phân loại xoang trám
Trước đây, sử dụng phân loại xoang trám theo Greene Vardiman Black phụ thuộc vào vị trí:
- I: sâu ở hố rãnh, mặt nhai, mặt láng ngoài và trong của răng cối, mặt khẩu cái của răng trước trên.
- II: sâu ở mặt tiếp cận của răng cối.
- III: sâu ở mặt tiếp cận của các răng trước.
- IV: sâu liên quan với cạnh cắn răng trước.
- V: sâu ở 1/3 cổ mặt ngoài và trong các răng.
- VI: sâu ở đỉnh múi các răng cối.
Hiện nay phân chia xoang trám theo Graham J. Mount. Phân loại xoang của Mount dựa trên vị trí và kích thước, giúp dễ dàng xác định sang thương và mức độ mở rộng của nó.
Vị trí:
- Hố rãnh: 1.
- Mặt tiếp cận( mặt bên): 2.
- Vùng cổ: 3.
Kích thước:
- Nhỏ: 1.
- Vừa: 2.
- Giới hạn: 3.
- Mở rộng: 4.
5. Các bước thực hiện trám răng
Để thực hiện một cuộc điều trị trám răng, thường nha sĩ sẽ thực hiện theo các bước sau.
5.1. Gây tê
Thường nếu không đau không cần gây tê. Trong trường hợp bệnh nhân nhạy cảm hoặc cần đặt đê, nha sĩ sẽ gây tê tại chỗ cho bạn.
5.2. Loại bỏ mô sâu hoặc miếng trám cũ nếu có
Khi mô xung quanh răng hoàn toàn tê, nha sĩ sẽ dùng mũi khoan hoặc dụng cụ cầm tay (nạo ngà) để làm sạch mô sâu trong xoang. Giai đoạn này rất quan trọng vì mô sâu phải được làm sạch để ngăn ngừa tái nhiễm.
5.3. Đưa vật liệu vào xoang trám và tạo hình
Vật liệu trám sẽ được đặt vào xoang và tạo hình theo múi, góc, cạnh giống với hình dạng cũ của răng theo giải phẫu.
Khi tạo xoang, không cần loại bỏ quá nhiều mô ngoài mô sâu. Nhưng đối với trám amalgam, việc tạo xoang phải đạt hình thể lưu giữ có thể làm mất nhiều mô hơn.
Khi phục hồi bằng miếng trám vàng hay inlays/onlays, bạn cần thêm buổi hẹn để đợi đúc phục hồi từ labo. Nếu xoang trám nằm ở mặt bên giữa hai răng, nha sĩ sẽ đặt một khuôn nhỏ bao quanh răng. Điều này giúp việc tạo điểm tiếp xúc giữa hai răng tốt hơn. Hai răng không bị dính lại, vệ sinh bằng chỉ dễ dàng. Sau khi kiểm tra miếng trám hoàn thiện, khuôn trám sẽ được gỡ ra.
Nếu bạn được trám bằng composite, giai đoạn trám gồm 3 bước:
- Xoi mòn.
- Bôi keo dán – Chiếu đèn.
- Đặt composite – Chiếu đèn.
Quá trình trám cần phải cô lập với dịch và nước bọt vì nếu xoang trám ướt, vật liệu sẽ không dính được với bề mặt răng.
5.4. Đánh bóng và kiểm tra khớp cắn
Sau khi đưa vật liệu trám lấp đầy xoang, nha sĩ sẽ làm mịn và tạo dạng hoàn thiện cho miếng trám. Cuối cùng, nha sĩ sẽ thực hiện kiểm tra khớp cắn bằng các giấy ghi có màu. Việc này giúp ngăn miếng trám bị cộm. Nếu cộm khớp, bạn nên đến gặp nha sĩ sớm để điều chỉnh lại, tránh các vấn đề phát sinh.
6. Tuổi thọ của miếng trám
Mỗi loại vật liệu có khả năng chịu bền khác nhau nên tuổi thọ của từng loại miếng trám cũng khác.
- Amalgam: trung bình 10 năm, có thể lên đến 15 – 30 năm.
- Composite: thường từ 3 đến 10 năm, có trường hợp đến 20 năm nhưng rất hiếm.
- Sứ: 10 – 15 năm.
- Onlays/Inlays vàng: thời gian lâu nhất, đến 40 – 60 năm.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của miếng trám như:
Việc chăm sóc răng miệng
Việc vệ sinh miếng trám cũng tương tự như răng bình thường. Bạn phải thường xuyên chải răng và làm sạch vùng kẽ, tránh sâu tái phát xung quanh miếng trám.
Chú ý vấn đề nghiến răng
Nếu bạn có thói quen nghiến răng, đặc biệt vào ban đêm thì có thể làm vỡ hoặc mòn miếng trám. Nếu bạn nhận thấy mình có những triệu chứng giống mô tả về thói quen nghiến răng, cần báo cho nha sĩ ngay.
Nên nhớ miếng trám không phải là mô răng thật
Miếng trám sử dụng được bao lâu là câu hỏi rất khó để trả lời. Vì nó không phải răng thật nên không thể tồn tại mãi mãi. Nó cũng không thể tốt bằng mô răng thật. Khi trám răng, mô răng và miếng trám sẽ có sự khác biệt về các tính chất vật lý và hóa học. Do đó, các vấn đề như vi kẽ, vết nứt, gãy vỡ… có thể phát sinh. Bạn nên thường xuyên khám nha sĩ để kiểm tra các miếng trám cũ. Điều này giúp bạn biết được khi nào thì cần thay thế.
7. Các vấn đề có thể xảy ra khi trám răng
Đau và nhạy cảm
Nhạy cảm răng sau trám là vấn đề thường gặp. Răng có thể nhạy cảm với áp lực, khí, nhiệt độ hoặc đồ ngọt. Thông thường, nhạy cảm sẽ hết trong vài tuần. Trong thời gian này, hãy tránh các tác nhân gây nhạy cảm răng. Thường bạn không cần phải uống thuốc giảm đau. Nếu sự nhạy cảm không giảm trong 2 – 4 tuần hoặc tăng đau, bạn nên liên lạc với nha sĩ. Nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn sử dụng một số sản phẩm ngăn ngừa nhạy cảm. Đồng thời, nha sĩ sẽ đánh giá có nên thực hiện điều trị tiếp theo chữa tủy không.
Đau cũng có thể xuất hiện ở vùng xung quanh miếng trám. Nếu bạn thấy đau khi nhai, có thể miếng trám bị cộm. Bạn cần đến nha sĩ để điều chỉnh lại. Nếu đau xuất hiện khi hai răng chạm nhau có thể do tương tác dòng điện giữa các miếng trám. Cơn đau này sẽ giảm trong một thời gian ngắn.
Trường hợp xoang sâu gần tủy, cơn đau của bạn cũng có thể là do kích thích tủy. Trong trường hợp này, nha sĩ buộc phải chữa tủy.
Đôi khi, răng đau không phải là răng được trám. Điều này không có nghĩa là miếng trám có vấn đề. Đó chỉ đơn giản là răng trám truyền tín hiệu đau đến các răng khác. Đau thường giảm trong 1 – 2 tuần.
Dị ứng vật liệu trám
Phản ứng dị ứng với miếng trám amalgam hiếm khi xảy ra. Hiện có khoảng 100 ca được báo cáo theo ghi nhận của ADA. Trong trường hợp này, có thể bệnh nhân dị ứng với thủy ngân hoặc thành phần kim loại trong miếng trám. Các triệu chứng tương tự như dị ứng ở da: phát ban và nổi mẩn. Bệnh nhân dị ứng với amalgam thường có tiền sử bản thân hoặc gia đình dị ứng với kim loại. Khi xảy ra dị ứng cần loại bỏ miếng trám và thay thế bằng vật liệu khác.
Miếng trám hư hỏng
Các lực nhai nghiến thông thường có thể làm miếng trám bị mòn, gãy vỡ. Tuy nhiên, bạn không thể tự phát hiện được. Nha sĩ sẽ thông báo cho bạn khi khám răng định kỳ.
Khi miếng trám và lớp men không kết dính được sẽ tạo nên khoảng hở cho thức ăn và vi khuẩn xâm nhập. Điều này có thể gây sâu tái phát xung quanh miếng trám, nguy cơ dẫn đến nhiễm khuẩn tủy và vùng chóp. Bạn cần phải thay thế bằng miếng trám khác.
Trường hợp miếng trám quá lớn, mô răng còn lại không đủ lưu giữ, nha sĩ sẽ đề nghị thay thế bằng mão răng. Miếng trám cũng có thể rơi ra nếu việc chuẩn bị xoang không tốt, nhiễm bẩn hoặc do chấn thương.
Trám răng là một điều trị đơn giản, giúp phục hồi được cấu trúc mô răng đã mất. Việc lựa chọn vật liệu và cách trám phụ thuộc vào vị trí, kích thước, chi phí và khả năng thực hiện của nha sĩ. Bệnh nhân cần có ý thức chăm sóc tốt để miếng trám có thể tồn tại được lâu. Trường hợp xuất hiện những vấn đề với miếng trám, bạn cần liên hệ với nha sĩ ngay để được điều trị phù hợp nhất.
Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1/ Michael Friedman, “Dental Health and Tooth Fillings”, đăng nhập ngày 10-10-2019 trên website http://www.webmd.com
2/ Mark Buhenne, “When You Need a Dental Filling + What to Expect”, đăng nhập ngày 26-02-2020 trên website http://www.askthedentist.com