Tràn dịch màng phổi: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Nội dung bài viết
Tràn dịch màng phổi là bệnh lí có thể do nguyên nhân ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Trong đó, suy tim là tình trạng phổ biến nhất. Ngoài ra, tràn dịch màng phổi cũng có thể liên quan đến nhiễm trùng hay bệnh lí ác tính.
Tràn dịch màng phổi là gì?
Khoang màng phổi là khoảng không gian giữa phổi và thành ngực. Khoang này được tạo bởi hai lớp màng mỏng gọi là màng phổi. Bình thường, quá trình hít thở sẽ làm phổi di động và mở rộng đến sát thành ngực. Khoang màng phổi chỉ chứa một lượng nhỏ rất ít chất lỏng (khoảng 1 muỗng cà phê). Lượng chất lỏng này sẽ giúp quá trình hô hấp diễn ra dễ dàng.
Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ bất thường của chất lỏng hơn mức sinh lý trong khoang màng phổi.
Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân chủ yếu do suy tim, lao màng phổi. Ngoài ra, có thể do các bệnh lý ác tính, viêm phổi hoặc tắc nghẽn mạch máu ở phổi.
Tràn dịch màng phổi có nguyên nhân chiếm tới hơn 90% các trường hợp. Trong khi đó, 10 – 20% trường hợp không rõ nguyên nhân của tràn dịch màng phổi.
Nói chung, chất lỏng tích tụ nhiều trong khoang màng phổi nếu có sự sản xuất quá mức của chất lỏng, giảm hấp thụ chất lỏng, hoặc cả hai. Trường hợp xét nghiệm phát hiện tế bào ung thư trong chất lỏng, đây gọi là tràn dịch màng phổi ác tính.
Các triệu chứng tràn dịch màng phổi
Các triệu chứng của tràn dịch màng phổi có thể rất khác nhau. Một số hoàn toàn không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát. Ngược lại, nhiều người lại xuất hiện những triệu chứng có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là các triệu chứng phổ biến:
- Khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động. Bạn có thể thấy thở nhanh hơn bình thường.
- Đau ngực. Cơn đau có thể tồi tệ và kéo dài hơn khi bạn ho hay hít thở sâu. Đôi khi bạn lại đau âm ỉ liên tục.
- Ho có đàm.
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao.
- Mệt mỏi, chán ăn hay sụt cân là triệu chứng có thể liên quan đến lao phổi.
Tràn dịch màng phổi được chẩn đoán như thế nào?
Sau khi hỏi những thông tin về diễn tiến bệnh, Bác sĩ sẽ khám phổi của bạn. Nếu nghi ngờ tràn dịch màng phổi, bạn có thể cần phải làm thêm một số xét nghiệm sau:
- X-quang ngực: chụp phim X-quang cho thấy hình ảnh bất thường của ngực, bao gồm cả tim và phổi. Có thể thấy được mức độ tràn dịch màng phổi nhiều hay ít. Hơn nữa, đôi khi xác định được nguyên nhân tràn dịch màng phổi.
- CT Scan ngực: cung cấp nhiều thông tin và chi tiết hơn chụp X-quang ngực. Rất có ích để phát hiện di căn hoặc hình ảnh nghi ngờ ác tính ở phổi.
- Siêu âm ngực: Một trong những phương pháp tốt nhất để đánh giá khoang màng phổi. Siêu âm còn giúp hướng dẫn vị trí lấy mẫu hoặc dẫn lưu dịch trong khoang màng phổi. Chất lỏng sau khi lấy sẽ được xét nghiệm để định hướng nguyên nhân tràn dịch màng phổi.
Cách điều trị tràn dịch màng phổi
Việc điều trị phụ thuộc vào triệu chứng của bạn và nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi. Nếu bạn khó thở, bác sĩ sẽ lấy bớt chất lỏng trong khoang màng phổi bằng kim hoặc ống nhựa.
Trường hợp nguyên nhân do suy tim, bác sĩ sẽ kê toa thuốc gọi là “thuốc lợi tiểu”. Thuốc giúp lấy bớt chất lỏng ra khỏi khoang màng phổi.
Nếu do nhiễm trùng, cần điều trị kháng sinh thích hợp.
Trong trường hợp do bệnh lí ác tính, bác sĩ ung bướu có thể cần lên kế hoạch điều trị với những liệu pháp như hóa trị, có thể kết hợp xạ trị để ngăn chặn chất lỏng tích tụ trong khoang màng phổi. Đôi khi, một số trường hợp cần phải có sự can thiệp của bác sĩ phẫu thuật. Người bệnh sẽ được phẫu thuật để lấy một mẫu mô nhỏ ra khỏi phổi, còn được gọi là “sinh thiết”. Các xét nghiệm trên mô này có thể giúp giải thích lý do tại sao bạn bị tràn dịch màng phổi. Ngoài ra, có thể xác định mức độ lành tính hay ác tính của bệnh.
Tràn dịch màng phổi là một biến chứng thường gặp ở nhiều bệnh lí nội khoa, đôi khi hoàn toàn không có bất kì triệu chứng nào. Với tràn dịch màng phổi mức độ nặng, người bệnh có thể bị khó thở và cảm giác đau tức ngực, đôi khi kèm theo ho hay sốt, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn.
Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào được mô tả như trên, hãy đến khám bác sĩ để được điều trị thích hợp. Nếu nghi ngờ bệnh lí ác tính, bạn có thể được tư vấn và giới thiệu đến chuyên gia để giúp bạn kiểm soát các triệu chứng. Khi đó, một số liệu pháp an toàn, ít xâm lấn và hiệu quả sẽ giảm nguy cơ tái phát bệnh sau này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Malignant Pleural Effusionshttps://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/malignant-pleural-effusions.pdf
Ngày tham khảo: 13/09/2019