YouMed

Tràn khí màng phổi là gì? Có nguy hiểm đến tính mạng không?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Tràn khí màng phổi (TKMP) là tình trạng có sự hiện diện khí trong khoang màng phổi. Hậu quả dẫn đến xẹp phổi. Tùy vào mức độ tràn khí màng phổi, lá phổi có thể bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn.

1. Có bao nhiêu loại tràn khí màng phổi

Thông thường tràn khí màng phổi thường chia làm 2 loại chính:

Tràn khí màng phổi tự phát:

  • Tràn khí màng phổi tự phát – nguyên phát: ở người không có bệnh phổi trước đó.
  • Tràn khí màng phổi tự phát – thứ phát: ở người có bệnh lý phổi trước đó.

Tràn khí màng phổi thứ phát:

  • Do chấn thương: chấn thương kín như do tại nạn dập vỡ ngực hay chấn thương xuyên thấu ngực.
  • Do điều trị: xảy ra khi làm các thủ thuật y tế trong quá trình điều trị.

    Tràn khí màng phổi
    Tràn khí màng phổi

2. Các biểu hiện của tràn khí màng phổi (TKMP) là gì?

Hầu hết các đợt tràn khí màng phổi tự phát xảy ra khi nghỉ ngơi, không liên quan đến chấn thương hoặc stress. Hai triệu chứng chính của TKMP là đau ngực và khó thở. Trong một số trường hợp, phổi xẹp hoàn toàn có thể đe dọa tính mạng.

  • Đau ngực thường xuất hiện đột ngột, đau dữ dội hoặc đau nhói. Cơn đau có thể lan lên vai cùng bên và tăng lên khi hít vào.
  • Khó thở thường đột ngột, khó thở thường nặng nề hơn khi có người bệnh có bệnh lý phổi trước đó đã giảm chức năng của phổi.

    Hai triệu chứng chính là đau ngực và khó thở
    Hai triệu chứng chính là đau ngực và khó thở

Ngoài ra còn có thể có các dấu hiệu sau:

  • Vã mồ hôi.
  • Da tím tái.
  • Thở nhanh, không dám thở sâu vì sợ đau.
  • Đôi khi có thể vật vã, kích thích hoặc lú lẫn, hôn mê.

Khi có những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được đến cơ sở y tế ngay lập tức để kịp thời điều trị.

3. Tràn khí màng phổi có thể do nguyên nhân nào gây ra?

Nguyên nhân của có thể do vết thương xuyên thấu ngực, do thủ thuật y tế hoặc tổn thương do bệnh phổi hiện có. Tràn khí màng phổi có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng như trường hợp TKMP tự phát – nguyên phát.

3.1. TKMP tự phát – nguyên phát

Đây là TKMP không có nguyên nhân cụ thể và không có bệnh lý phổi trước đó. Tình trạng này thường xảy ra ở người trẻ, tầm vóc gầy. Đây là hậu quả do bể các bóng khí nhỏ nằm dưới màng phổi.

Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đặc biệt quan trọng gây TKMP  tự phát. Theo thống kê, trong số những người bị TKMP tự phát – nguyên phát, có đến 91%  có hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc. Thời gian hút thuốc càng dài và số lượng điếu thuốc càng nhiều thì nguy cơ TKMP càng cao.

3.2. TKMP tự phát – thứ phát

Tình trạng này thường xảy ra ở những người đã có bệnh phổi từ trước như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), lao phổi hoặc hen phế quản.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể gây TKMP tự phát – thứ phát bao gồm:

  • Bệnh phổi mô kẽ
  • Bệnh lý ác tính
  • Viêm phổi
  • Nhồi máu ở phổi
  • Lạc nội mạc tử cung tại lồng ngực có thể gây TKMP: chủ yếu ở phụ nữ 30-40 tuổi và có liên quan đến rối loạn kinh nguyệt
Tràn khí màng phổi có hai nguyên nhân nguyên phát và thứ phát
Tràn khí màng phổi có hai nguyên nhân nguyên phát và thứ phát

3.3. TKMP do chấn thương

Những chấn thương kín hoặc vết thương thấu ngực như dao đâm, đạn bắn,… cũng có thể là nguyên nhân gây tràn khí màng phổi.

3.4. TKMP do điều trị

Đây là một biến chứng xảy ra do các thủ thuật y tế khi đang điều trị. Các thủ thuật thường gây TKMP có thể là:

  • Chọc dò màng phổi
  • Sinh thiết màng phổi, sinh thiết xuyên phế quản
  • Thông khí nhân tạo
  • Đặt nội khí quản

4. Các yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Theo thống kê nam giới có nhiều khả năng bị TKMP hơn phụ nữ. Loại TKMP do bể bóng khí nhỏ rất dễ xảy ra ở những người từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt hay gặp ở cơ địa cao và gầy. Các yếu tố nguy cơ của tràn khí màng phổi bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Nguy cơ TKMP tăng gấp 100 lần đối với người hút thuốc lá 1 gói/ ngày và với 20 lần khi hút nửa gói/ ngày.
  • Di truyền: Một số loại TKMP có yếu tố trong gia đình.
  • Có bệnh phổi trước đây như COPD, hen, các bệnh phổi mạn tính.
  • Thông khí nhân tạo: Những người cần thở máy trợ thở có nguy cơ bị TKMP cao hơn.
  • Có tiền sử bệnh trước đây: Bất kỳ ai từng bị TKMP đều có nguy cơ bị TKMP tái phát.

5. Tràn khí màng phổi được chẩn đoán như thế nào?

Ngoài việc hỏi các triệu chứng điển hình như đau ngực đột ngột đặc biệt đau tăng khi hít vào hoặc đau ngực sau chấn thương, kèm theo việc thăm khám. Chụp X-Quang phổi được xem như là phương tiện nhanh chóng và chẩn đoán chính xác cho hầu hết các trường hợp TKMP.

Hình ảnh tràn khí màng phổi bên phải trên X-Quang
Hình ảnh tràn khí màng phổi bên phải trên X-Quang

Trong một số trường hợp, có thể cần chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) để cung cấp hình ảnh chi tiết hơn. Siêu âm ngực cũng có thể được sử dụng để xác định TKMP.

6. Phương pháp điều trị tràn khí màn phổi

Điều trị TKMP thường cần dẫn lưu màng phổi với cây kim chọc vào giữa vị trí các xương sườn để dẫn khí ra ngoài. Với trường hợp TKMP lượng ít có thể tự lành.

Phương pháp điều trị TKMP như thế nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Tình trạng của bệnh nhân
  • Nguyên nhân gây ra TKMP
  • Bệnh lý phổi sẵn có
  • Tiền căn có TKMP
  • Nguy cơ tái phát TKMP
  • Phương tiện có sẵn trong cơ sở y tế

Mục tiêu khi điều trị là giảm áp lực lên phổi, giúp phổi có thể nở trở lại.

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ thở oxy. Sau đó hầu hết các bệnh nhân đều phải được nhập viện để theo dõi và chọc hút khí ra ngoài. Chọc hút khí là sử dụng một cây kim đâm vào giữa các xương sườn và đi vào khoang ngực chứa đầy khí. Sau đó, kim được hút ra và một ống thông được đặt vào để bác sỹ hút khí ra ngoài. Có thể để ống thông tiếp tục trong vài giờ để đảm bảo phổi được nở tốt trở lại và ngăn ngừa TKMP tái phát.

Trường hợp là TKMP tự phát – nguyên phát, việc điều trị có thể chỉ theo dõi hoặc sẽ cần chọc hút hoặc đặt dẫn lưu màng phổi.

Trường hợp TKMP tái phát sẽ cần có những biện pháp điều trị mạnh hơn để phòng ngừa.

Một số phương pháp khác là:

  • Làm dính màng phổi
  • Phẫu thuật lồng ngực: Bác sỹ sẽ chỉ định khi khí trong khoang ngực tiếp tục dò ra hơn 7 ngày, TKMP tái phát cùng bên, TKMP bên còn lại, TKMP hai bên hoặc TKMP lần đầu ở bệnh nhân có nghề nghiệp nguy cơ cao như thợ lặn hoặc phi công.

7. Tràn khí màng phổi có tiên lượng lâu dài như thế nào?

TKMP thường tái phát trong vòng 6 tháng đến 3 năm. Với TKMP tự phát – nguyên phát, tỉ lệ tái phát là 30%. Với TKMP tự phát – thứ phát, tỉ lệ tái phát là trong vòng 5 năm.

Tình trạng tái phát thường xảy ra ở những đối tượng hút thuốc, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc ở những bệnh nhân HIV/AIDS.

Các yếu tố nghi sẽ tái phát bao gồm có xơ hóa phổi, tuổi trẻ, thể trạng gầy và cao.

TKMP tự phát – nguyên phát thường lành tính và hồi phục tốt. Trong khi đó, TKMP tự phát – thứ phát có tí lệ tử vong cao. Đặc biệt là ở những đối tượng mắc COPD có nguy cơ cao nhất với tỉ lệ tử vong tăng 3,5 lần.

>> Có thể bạn muốn tham khảo thêm: Xẹp phổi: Kẻ thù thầm lặng

Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của tràn khí màng phổi là hút thuốc lá. Nếu bạn đã từng bị TKMP, việc hạn chế hút thuốc hoặc ngừng hút thuốc là cần thiết để hạn chế tái phát. Nếu do TKMP là bệnh lý phổi trước đó, nên cần được thăm khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra chức năng phổi.

Hoàng Yến

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Mayo Clinic (2019), “Pneumothorax”, đăng nhập 21/10/2020 tại website https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pneumothorax/symptoms-causes/syc-20350367
  • Catherine L. McKnight; Bracken Burns. (2020), NCBI, “Pneumothorax”, đăng nhập 21/10/2020 tại website https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441885/
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người