YouMed

Trẻ béo phì: tình trạng đáng báo động

thạc sĩ bác sĩ lê chí hiếu
Tác giả: ThS.BS Lê Chí Hiếu
Chuyên khoa: Nhi khoa

Béo phì hiện là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì đang tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, đặc biệt là ở trẻ em. Đây là tình trạng nguy hiểm do béo phì là mối nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu tìm hiểu về vấn đề trẻ béo phì qua bài viết dưới đây nhé.

Khi nào trẻ được chẩn đoán béo phì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là khi cơ thể tích tụ lượng mỡ thừa vượt quá mức cho phép. Thông thường, để xác định chính xác tình trạng cân nặng, người ta thường dùng chỉ số BMI. Nếu BMI từ 25 trở lên, bạn sẽ được chẩn đoán béo phì.

Tuy nhiên, thang đo này có thể không chính xác ở các bé. Trẻ béo phì thường có những dấu hiệu sau đây:

  • Có lớp mỡ quanh đùi, cánh tay, trên vú và ở cằm.
  • Tăng cân nhanh chóng.
  • Thường đổ nhiều mồ hôi khi chạy nhảy.
Khi có cân nặng vượt mức bình thường 30%, trẻ có thể bị béo phì
Khi có cân nặng vượt mức bình thường 30%, trẻ có thể bị béo phì

Khi có các biểu hiện trên, ba mẹ nên kiểm tra cân nặng của con. Nếu chiều cao của bé đạt chuẩn nhưng cân nặng vượt mức bình thường 25%, trẻ đang thuộc nhóm thừa cân. Với trường hợp cân nặng của bé cao hơn bình thường 30% dù chiều cao đạt chuẩn, bé có thể đã bị béo phì.

Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em

Theo các bác sĩ, 60 đến 80% trường hợp trẻ béo phì là do chế độ dinh dưỡng. Nhiều phụ huynh luôn mang tâm lý phải cho con ăn thật nhiều để có sức khỏe tốt. Song do khẩu phần ăn lớn hơn nhu cầu cần thiết của bé, năng lượng dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ và tích tụ trong cơ thể.

Đây là một trong những nguyên nhân gây béo phì phổ biến ở trẻ. Những món ăn yêu thích của trẻ em như đồ chiên rán hoặc bánh, kẹo cũng góp phần làm tăng cân nặng của bé.

Ăn nhiều đồ chiên rán có nguy cơ bị thừa cân rất cao
Trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh có nguy cơ bị béo phì rất cao

Ngoài ra, một số nguyên nhân sau cũng dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ em.

  • Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có nhiều người béo phì, khả năng bé bị béo phì là rất cao.
  • Thiếu vận động: Hiện nay, hầu hết trẻ em dành thời gian để xem ti vi hoặc chơi điện tử thay vì tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất. Đây là lý do làm năng lượng khó tiêu hao và dẫn đến béo phì.
  • Yếu tố tâm lý: Khi cảm thấy buồn chán, căng thẳng, con thường ăn nhiều hơn bình thường.
  • Mắc các bệnh lý khác như suy giáp, cường giáp, bệnh tuyến yên hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Béo phì ở trẻ gây ra vấn đề gì?

Trẻ béo phì là nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh bởi những hậu quả mà bệnh để lại. Những tác hại của béo phì về sức khỏe mà con có thể gặp phải bao gồm:

Đái tháo đường

Trẻ em béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn người bình thường. Ở vài trường hợp, tiểu đường còn gây ra các biến chứng trên mắt, hệ thần kinh hoặc chức năng thận. Tuy nhiên, bé có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện.

Các bệnh tim mạch

Trẻ béo phì thường có hàm lượng cholesterol trong máu cao. Rối loạn mỡ máu là nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh lý trên tim mạch như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Hen suyễn

Khi đường hô hấp của phổi bị viêm mãn tính, bạn sẽ được chẩn đoán hen suyễn. Theo nhiều báo cáo, hen suyễn là bệnh lý thường gặp nhất ở người mắc bệnh béo phì.

Các bệnh lý xương khớp

Lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể thường tạo ra áp lực lớn cho các khớp. Do đó, trẻ béo phì sẽ khó cử động và di chuyển chậm. Một số trẻ còn có dấu hiệu đau nhức xương hoặc loãng xương khá sớm.

Rối loạn giấc ngủ

Khi cân nặng tăng cao, bé thường ngáy nhiều và có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do lượng mỡ thừa có thể cản trở đường hô hấp và gây khó thở.

Ảnh hưởng đến tâm lý

Khi có cân nặng bất thường, bé thường mang tâm lý tự ti, mặc cảm về ngoại hình. Lâu dần sẽ hình thành các rối loạn tâm lý như trầm cảm và tránh xa mọi người.

Trẻ béo phò thường tự ti, khó hòa nhập với các bạn đồng trang lứa
Trẻ béo phò thường tự ti, khó hòa nhập với các bạn đồng trang lứa

Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, 75% trẻ béo phì sẽ có nguy cơ tiếp tục bị béo phì khi đã trưởng thành trong lai.

Cách điều trị béo phì hiệu quả

Để điều trị béo phì ở trẻ em, các bác sĩ khuyến khích nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học và tăng cường vận động.

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Cân nặng của bé được quyết định chủ yếu bởi thực đơn ăn uống hằng ngày. Do đó, ba mẹ nên nằm lòng những nguyên tắc sau để xây dựng thực đơn cho người béo phì.

  • Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây, đa dạng các loại thịt và thực phẩm ít chất béo.
  • Có thể thay tinh bột bình thường thành tinh bột nguyên cám như gạo nâu, bánh mì nguyên cám.
  • Cho trẻ ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn và tránh để trẻ ăn quá no. Phụ huynh nên hạn chế cho con ăn sau 8 giờ tối.
  • Rèn thói quen ăn chậm, nhai kỹ cho bé. Các bác sĩ khuyên mỗi bữa ăn nên kéo dài ít nhất 20 phút.
  • Hạn chế các loại thức ăn, đồ uống có nhiều chất béo và đường hóa học. Thay vì chiên, xào hoặc rán thức ăn, ba mẹ nên thay bằng cách luộc hoặc hấp.
Ba mẹ nên động viên trẻ thừa cân ăn nhiều rau xanh và trái cây
Ba mẹ nên động viên trẻ thừa cân ăn nhiều rau xanh và trái cây

Tăng cường vận động

Hoạt động thể chất đã được chứng minh có lợi cho cả quá trình giảm cân và sự phát triển của bé. Do đó, ba mẹ hãy động viên con dành ra 30 phút trong 5 ngày/tuần để tập thể dục. Bạn có thể tạo hứng thú cho bé bằng cách cho bé tham gia các hoạt động thể thao yêu thích cùng với bạn bè. Đây là một trong những cách giảm cân cho trẻ béo phì hiệu quả.

Ngoài ra, ba mẹ nên tạo thói quen vận động đều đặn cho bé. Thay vì cho con ngồi xem tivi, ba mẹ nên tập cho bé làm việc nhà như tưới cây, quét nhà, lau nhà,…

Trẻ béo phì là tình trạng đáng báo động ở rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Béo phì không chỉ gây bất lợi về ngoại hình, đây còn là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, ngay từ khi còn bé, ba mẹ nên giúp bé kiểm soát cân nặng. Để quá trình giảm cân được hiệu quả, gia đình nên cùng con tham gia vào các hoạt động thể chất cũng như ăn uống lành mạnh. Song nếu gặp phải khó khăn, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Childhood Obesityhttps://www.healthline.com/health/weight-loss/weight-problems-in-children

    Ngày tham khảo: 18/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người