YouMed

Trẻ chảy nước mũi có máu: Cha mẹ không nên chủ quan

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện nên dễ mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe. Trong đó, trẻ chảy nước mũi có máu thường khiến nhiều cha mẹ hoang mang, lo lắng. Hãy cùng bác sĩ Lê Dương Linh tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.

Tại sao trẻ chảy nước mũi có máu?

Dị vật

Nguyên nhân của hơn 90% các trường hợp trẻ chảy nước mũi có máu là màng mạch ở vách ngăn mũi chịu tổn thương. Trên thực tế, lý do thường gặp nhất dẫn tới việc màng mạch bị tổn thương là do bản tính tò mò của các bé khi chơi những món đồ chơi nhỏ. Trẻ vô ý cho vào mũi rồi quên bẵng đi. Một số trẻ cố ý giấu diếm vì sợ bị la rầy. Hậu quả là trẻ bị chảy máu mũi do những dị vật này.

Xem thêm: Dị vật đường thở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí

Dị vật ở đường thở là một trong những nguyên nhân thường gặp gây chảy nước mũi có máu ở trẻ
Dị vật ở đường thở là một trong những nguyên nhân thường gặp gây chảy nước mũi có máu ở trẻ

Khối u

Các khối u mũi lành tính và ác tính có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu mũi. Những khối u này hầu hết là lành tính. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác cần phải có sự kiểm tra kỹ lưỡng. Những triệu chứng khác khi có khối u mũi bao gồm: đau quanh vùng mắt, nghẹt mũi dần tiến triển nặng hơn, giảm khướu giác.

Thời tiết khô, lạnh

Trẻ thường chảy máu mũi nhiều hơn vào những tháng mùa đông. Không khí lạnh và khô làm giảm độ ẩm trong mũi, làm màng nhầy của vách ngăn mũi mất tính đàn hồi và khả năng co giãn. Khi đó, trẻ chỉ cần chà xát mũi hay hắt hơi thì cũng đủ để trẻ chảy nước mũi có máu.

Khô mũi còn có thể gây ra sự chậm trễ trong việc chữa lành các mạch máu bị vỡ và dẫn đến nhiễm trùng ở cơ quan này. Từ đó, hiện tượng chảy máu khi xì mũi xảy ra thường xuyên hơn.

Thói quen ngoáy mũi

Ngoài ra, một số trẻ có thói quen xấu như ngoáy mũi. Điều này có thể dẫn tới vô ý làm vỡ mạch máu. Mạch máu vỡ ra khiến nước mũi trẻ có máu.

Viêm mũi mãn tính

Bệnh viêm mũi mãn tính làm giãn nở động mạch và tĩnh mạch tạo nên sự bất thường của hệ thống mạch máu trong khoang mũi. Đây cũng là một lý do khiến trẻ chảy máu mũi.

Nghẹt mũi hoặc nhiễm trùng hô hấp

Trẻ có thể chảy máu mũi khi bị nghẹt mũi hoặc nhiễm trùng hô hấp. Hỉ mũi thường xuyên khi nghẹt mũi làm tổn thương các mạch máu trong mũi. Tương tự, khi trẻ bị nhiễm trùng hô hấp, việc ho, hắt hơi thường xuyên cũng làm tổn hại đến mạch máu mũi. Điều này khiến trẻ chảy máu mũi.

Xem thêm: Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ, các mẹ chớ chủ quan

Chấn thương

Chấn thương hay can thiệp phẫu thuật vùng mũi hoặc mặt có thể khiến trẻ chảy nước mũi có máu.

Bất thường giải phẫu

Sự bất thường trong cấu trúc giải phẫu của mũi có thể dẫn đến chảy máu mũi. Những bất thường đó có thể là vẹo vách ngăn mũi, thủng vách ngăn mũi, gai xương hoặc gãy xương mũi. Mũi của trẻ có thể không đủ độ ẩm nếu trẻ mắc một trong những tình trạng trên. Hậu quả là trẻ chảy nước mũi có máu khi xì mũi.

Các bất thường trong cấu trúc mũi có thể gây ra khô mũi và dẫn đến chảy nước mũi có máu
Các bất thường trong cấu trúc mũi có thể gây ra khô mũi và dẫn đến chảy nước mũi có máu

Thuốc

Một số thuốc cũng là nguyên nhân khiến nước mũi trẻ có máu. Những thuốc giảm khả năng đông máu như thuốc aspirin, warfarin… có thể khiến trẻ bị chảy máu mũi.

Nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác liên quan đến tình trạng trẻ chảy nước mũi có máu bao gồm: thiếu lượng vitamin C cần thiết, các bệnh lý di truyền liên quan đến cấu trúc của thành mạch máu, viêm mạch máu… Cơ chế là do những bất thường này làm gia tăng tính thấm thành mạch dẫn đến chảy máu mũi.1 2

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Thông thường, phụ huynh có thể tự giải quyết tình trạng chảy máu mũi của trẻ. Tuy nhiên, có những dấu hiệu báo động tình trạng chảy máu mũi nghiêm trọng, trẻ cần phải đến bệnh viện để cầm máu và điều trị nguyên nhân thật sự. Những dấu hiệu đó bao gồm:

  • Trẻ chảy nước mũi có máu kéo dài lâu hơn 15-20 phút một lần.
  • Máu vẫn tiếp tục chảy sau khi làm các bước điều trị tại nhà.
  • Chảy nước mũi có máu nhiều lần trong thời gian ngắn.
  • Trẻ bị hoa mắt, chóng mặt.
  • Trẻ cảm thấy khó thở, nhịp tim nhanh.
  • Trẻ ói ra máu.
  • Trẻ phát ban hoặc sốt cao liên tục từ 2-3 ngày.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị chảy nước mũi có máu

Chẩn đoán xác định trẻ chảy máu mũi

Thăm khám bằng mắt hoặc qua nội soi mũi thấy máu tươi chảy ra mũi trước hoặc chảy xuống thành sau họng.3

Nội soi giúp chẩn đoán nguyên nhân trẻ bị chảy nước mũi có máu
Nội soi giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân trẻ bị chảy nước mũi có máu

Điều trị chảy nước mũi có máu

Điều trị tại nhà

  • Lau sạch 2 bên mũi trước để xác định bên mũi nào đang chảy máu.
  • Đặt trẻ ngồi xuống ghế và giữ trẻ ở tư thế cúi đầu ra trước.
  • Dùng ngón tay trỏ đè cánh mũi vào vách ngăn mũi trong khoảng 10 phút. Trong lúc bóp mũi, hãy dặn trẻ thở bằng miệng và bên mũi không chảy máu.
  • Dặn trẻ không được nuốt máu vào bụng.
  • Nếu máu chảy xuống họng, phụ huynh cho trẻ nằm nghiêng và dặn trẻ dùng lưỡi đẩy máu ra ngoài để theo dõi lượng máu mất.1 4

Xem thêm: Chảy máu cam ở trẻ: Phương pháp xử trí tại chỗ hiệu quả!

Điều trị tại bệnh viện

Các nhân viên y tế sẽ cầm máu và điều trị nguyên nhân làm trẻ chảy nước mũi có máu:

  • Nguyên nhân do chấn thương xoang: phẫu thuật sắp xương và cầm máu.
  • Nguyên nhân do khối u: phẫu thuật loại bỏ khối u.
  • Nguyên nhân do dị vật: tiến hành lấy dị vật ra ngoài.
  • Nguyên nhân do do nhiễm trùng: sử dụng thuốc kháng sinh.3

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ chảy nước mũi có máu. Thông thường cha mẹ có thể tự cầm máu cho bé tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp cần đến sự can thiệp của nhân viên y tế. Vì vậy, phụ huynh nên lưu ý các dấu hiệu khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Chảy máu cam ở trẻ em: xử trí và phòng ngừahttps://suckhoedoisong.vn/chay-mau-cam-o-tre-em-xu-tri-va-phong-ngua- 16987020.htm

    Ngày tham khảo: 05/01/2022

  2. Why Do I See Blood When I Blow My Nose?https://www.healthline.com/health/blood-when-blowing-nose#causes

    Ngày tham khảo: 05/01/2022

  3. Phác đồ Bệnh viện Nhi đồng 1- Chảy máu mũihttp://bvtb.org.vn/PhacDo/Ph%C3%A1c%20%C4%91%E1%BB%93%20%C4%91i%E1%BB%81u%20tr%E1%BB%8B/Tai%20m%C5%A9i%20h%E1%BB%8Dng/chay%20mau%20mui.pdf

    Ngày tham khảo: 05/01/2022

  4. Nên và không nên làm gì khi trẻ chảy máu cam?https://suckhoedoisong.vn/nen-va-khong-nen-lam-gi-khi-tre-chay-mau-cam-169108852.htm

    Ngày tham khảo: 05/01/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người