Trẻ đổ mồ hôi đầu khi ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục
Nội dung bài viết
Trẻ đổ mồ hôi đầu khi ngủ là hiện tượng khá phổ biến. Tình trạng này xảy ra có thể do chức năng sinh lý của trẻ vẫn chưa ổn định. Hoặc có thể do một bệnh lý nào khác. Vậy những nguyên nhân khác gây đổ mồ hôi đầu ở trẻ lúc ngủ là gì? Cách khắc phục tình trạng này ra sao? Mời bạn cùng Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé.
Khái quát về tình trạng trẻ đổ mồ hôi đầu khi ngủ
Đổ mồ hôi đầu khi ngủ có thể chỉ là một hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Nhưng cũng có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Trẻ em dễ bị đổ mồ hôi đầu nhiều do mức năng lượng tỏa ra của các bé cao. Thực tế là các bé hoạt động thể chất trong hầu hết thời gian. Mặc dù điều này có thể không đúng với một số trẻ có lối sống ít vận động. Nhưng có trẻ vẫn luôn hoạt động và đổ mồ hôi rất nhiều. Tuy nhiên, đôi khi trẻ cũng đổ mồ hôi nhiều ở các vùng như da đầu và cổ ngay cả khi không hoạt động. Điều này có thể là do một tình trạng gọi là hyperhidrosis – tăng tiết mồ hôi.
Khi còn ở trong bào thai, tuyến mồ hôi của trẻ không hoạt động. Do vậy lúc này trẻ không cần khả năng bài tiết mồ hôi. Khi sinh ra các tuyến mồ hôi bắt đầu hoạt động nhiều. Nhưng do hệ thần kinh chưa hoàn thiện nên hoạt động bài tiết mồ hôi chưa được ổn định. Vì vậy trẻ có thể bị đổ mồ hôi nhiều. Đặc biệt là trong lúc ngủ.
Trẻ đổ mồ hôi đầu khi ngủ là do đâu?
Trẻ em cũng có thể bị đổ mồ hôi khi ngủ. Nguyên nhân thường gặp là do trẻ mặc quá nhiều quần áo. Nhưng nó cũng có thể là do một số điều kiện khác. Ví dụ như:
- Trẻ gặp ác mộng hoặc đang đắm chìm vào trạng thái giống như mơ. Đây có thể là viễn cảnh đáng sợ đối với trẻ khiến chúng bị căng thẳng, sợ hãi và vã mồ hôi.
- Đổ mồ hôi quá nhiều có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút.
- Một số loại thuốc cũng có thể gây đổ mồ hôi.
- Một số bệnh lý như cường giáp, tiểu đường, hen suyễn ở trẻ em cũng có thể khiến trẻ đổ mồ hôi đầu khi ngủ.
Một số nguyên nhân khác như:
- Hệ thần kinh của trẻ vẫn chưa hoàn thiện.
- Hiện tượng tăng cường hoạt động bất thường của tuyến mồ hôi ở đầu.
- Nhiệt độ trong phòng cao.
- Trẻ quấy khóc nhiều trước khi ngủ.
- Thay đổi nội tiết tố trong tuổi dậy thì.
Các phương pháp giảm đổ mồ hôi đầu cho trẻ khi ngủ
Đối với tình trạng trẻ đổ mồ hôi đầu khi ngủ, cha mẹ có thể giảm đổ mồ hôi bằng cách:
Tăng cường bổ sung vitamin D
Vitamin D là chất thiết yếu trong quá trình phát triển “bộ xương vững chắc” của trẻ. Chúng còn giúp trẻ tránh bị bệnh còi xương. Nguồn vitamin D rẻ tiền mà hiệu quả đó là ánh nắng mặt trời. Phụ huynh nên cho trẻ tắm nắng để bổ sung vitamin D vào buổi sáng.
Thời gian tắm nắng là trước 10 giờ sáng và trong khoảng thời gian từ 10 – 30 phút mỗi ngày. Trong những ngày đầu, phụ huynh có thể cho bé tắm nắng trong khoảng 10 phút, và tăng dần thời gian khoảng 20 đến 30 phút cho những ngày tiếp theo. Cha mẹ chú ý không cho mắt con tiếp xúc thẳng với ánh nắng mặt trời khi tắm nắng.
Để cơ thể trẻ mát mẻ khi ngủ
Phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ một cách thoải mái lúc ngủ. Không nên mặc quá nhiều quần áo cho bé. Bởi điều này sẽ khiến bé đổ mồ hôi lúc ngủ vì da không “thở” được.
Khi thời tiết ấm áp, mẹ hãy mặc cho con đồ ngủ hoặc áo lót nhẹ thoải mái. Ngược lại với thời tiết lạnh, sử dụng chăn để giữ ấm cho trẻ. Nhưng nên hạn chế sử dụng các loại chăn dày hoặc chăn bông vì có thể làm trẻ bị bí dễ đổ mồ hôi hơn.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ để giúp tăng cường sức đề kháng.
Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi thì có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Bổ sung thêm trong khẩu phần ăn của trẻ nhiều loại rau củ quả có tính mát như: bí đao, cải ngọt, cam, quýt, rau má,… để giảm đổ mồ hôi.
Sử dụng khăn mềm thấm mồ hôi
Nếu trẻ đổ mồ hôi đầu thì cha mẹ sử dụng khăn mềm khô để lau vùng có mồ hôi. Điều này không những ngăn mồ hôi thấm ngược vào cơ thể mà còn phòng ngừa trẻ sốt và cảm lạnh.
Một số mẹo cha mẹ nên biết để giảm mồ hôi cho trẻ
- Cần tránh các loại thực phẩm gây tăng tiết/kích thích tiết mồ hôi. Loại bỏ khả năng này bằng cách theo dõi thật kỹ những gì trẻ ăn. Sau khi xác định nguyên nhân có thể, hãy tránh các thức ăn gây đổ mồ hôi đó.
- Giảm nguy cơ thay đổi nhiệt độ đột ngột bằng cách cho trẻ mặc các loại vải mỏng nhẹ và để tóc ngắn.
- Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân đúng cách.
- Nếu cân nặng quá mức là nguyên nhân khiến trẻ dễ đổ mồ hôi. Cha mẹ nên quản lý cân nặng của trẻ. Có thể cho con giảm cân nhưng phải đảm bảo duy trì chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Nếu trẻ đổ mồ hôi đầu nhiều cách thường xuyên, hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để chữa trị kịp thời.
Các dấu hiệu bất thường khác như là:
- Trẻ vừa đổ mồ hôi, vừa mệt mỏi.
- Tóc bé bị thưa, rụng, chậm mọc răng.
- Thóp đầu của trẻ chậm liền.
- Trẻ chậm phát triển các khả năng hoạt động như: chậm biết bò, chậm biết đi…
- Bé nhẹ cân, biếng ăn…
Qua bài viết trên, hy vọng cha mẹ đã hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ đổ mồ hôi đầu khi ngủ. Hầu hết đây là các trường hợp bình thường. Nhưng nếu bé ra mồ hôi kèm các dấu hiệu bất thường khác, cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chữa trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Excessive Head Sweating In Children While Sleeping: Causes, Remedies
https://www.tandurust.com/childrenshealth/head-sweating-children-causes.html
Ngày tham khảo: 25/06/2021