YouMed

Trẻ khóc dạ đề và những thông tin liên quan mà bố mẹ nên biết

bác sĩ nguyễn ngọc mai
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai
Chuyên khoa: Nhi

Trẻ khóc dạ đề là một trong những hiện tượng khá phổ biến. Với những phụ huynh chưa biết rõ về hiện tượng này thì họ rất lo lắng. Có không ít các trường hợp bố mẹ chưa biết rõ bản chất cũng như nguyên nhân của tình trạng khóc dạ đề. Vậy khóc dạ đề ở trẻ có nguyên nhân do đâu? Làm sao để hạn chế tình trạng này ở trẻ? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

Trẻ khóc dạ đề là hiện tượng như thế nào?

Trẻ khóc dạ đề là hiện tượng thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bé sẽ khóc liên tục nhiều giờ liền. Thời điểm khóc là vào lúc chiều tối hoặc vào ban đêm khi trẻ đang ngủ. Cơn khóc rất dữ dội, bé thường khóc thét, khóc lớn tiếng mà không thể dỗ dành.

Trẻ nhỏ rất dễ khóc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là trẻ bị đói, tã bị hăm ướt. Hoặc trẻ muốn được vỗ về hay là đang cảm thấy khó chịu do một nguyên nhân nào đó. Trẻ nhỏ không thể tự nói thành lời nên chỉ biểu hiện thô sơ bằng tiếng khóc.

Tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy được nguyên nhân nào cụ thể của khóc dạ đề. Cơn khóc kéo dài, bé tía mặt, khóc thét. Đồng thời, bé không giảm khóc khi vỗ về hoặc được cho bú. Khi ấy, dân gian gọi hiện tượng khóc thét đó là khóc dạ đề.

Trẻ khóc dạ đề là một hiện tượng rất thường gặp
Trẻ khóc dạ đề là một hiện tượng rất thường gặp

Đặc điểm cần lưu ý của hiện tượng khóc dạ đề

Khóc dạ đề ở trẻ em theo thuật ngữ phương Tây gọi là hội chứng Colic hay quấy khóc. Đó chính là tình trạng trẻ quấy khóc dữ dội trong nhiều giờ liền. Hiện tượng khóc dạ đề xuất hiện khoảng 20% ở những trẻ nhỏ, dưới 6 tháng tuổi.

Những điểm đặc trưng của hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ bao gồm:

  • Trẻ khóc thét dữ dội, mặt và toàn thân ửng đỏ. Bé thường quấy khóc vào thời điểm tương tự trong ngày, thường là vào lúc chiều tối.
  • Trong lúc khóc, trẻ nắm chặt hai tay. Đồng thời, bụng trẻ căng cứng. Đầu gối của bé co lên.
  • Bé thường cong lưng, cong người trông khá nghiêm trọng và khiến bố mẹ sợ hãi.
  • Ngủ với những giấc không đủ sâu. Trẻ thường khóc thét lên trong khi đang ngủ.
  • Bé có thể bú kém hoặc bỏ bú khi đang quấy khóc dữ dội.
  • Cơn khóc kéo dài, dai dẳng và không thể dỗ trẻ nín khóc được.
  • Thông thường, khóc dạ đề sẽ kéo dài hơn 3 giờ mỗi ngày. Nhiều bé có thể khóc 3 ngày hoặc nhiều hơn trong vòng 1 tuần, với tần suất khóc hơn 3 tuần trong 1 tháng.
  • Tần suất các cơn khóc dạ đề sẽ thường giảm dần sau khi bé được 4 đến 6 tháng tuổi.

Nguyên nhân của hiện tượng trẻ khóc dạ đề

Theo nhiều nghiên cứu thuộc chuyên khoa Nhi, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của khóc dạ đề. Vì vậy, họ cũng chưa tìm được cách điều trị hiệu quả nhất.

Giả thuyết được nhiều nhà nghiên cứu tán thành nhất là do tâm trạng lo lắng, căng thẳng của người mẹ. Hoặc stress tâm lý của mẹ đã ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của trẻ.

Stress khi mang thai làm tăng nguy cơ trẻ khóc dạ đề
Stress khi mang thai làm tăng nguy cơ trẻ khóc dạ đề

Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, chưa thể thích nghi với chế độ dinh dưỡng nhiều protein của sữa bình. Hoặc những thành phần trong sữa công thức làm cho bé bị dị ứng, đầy bụng… Tất cả những yếu tố trên có tác động cộng gộp. Chúng sẽ làm cho bé khó chịu và xảy ra hiện tượng trẻ khóc dạ đề.

Làm sao để phân biệt khóc dạ đề và khóc bệnh lý?

Bên cạnh việc hiểu biết về trẻ khóc dạ đề thì bố mẹ cũng nên biết cách phân biệt với những cơn khóc bệnh lý. Khóc dạ đề thường xảy ra vào buổi chiều tối. Ngoài cơn khóc thì trẻ vẫn ăn ngủ bình thường. Những cơn khóc dạ đề sẽ giảm dần khi trẻ được 6 tháng tuổi trở đi.

Trẻ khóc nhiều về đêm nhưng không giống với khóc dạ đề. Tình trạng ấy có thể là dấu hiệu của một trong những bệnh lý sau đây:

  • Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D. Có thể do thiếu ánh sáng mặt trời (sống trong phòng kín).
  • Chế độ ăn uống thiếu canxi.
  • Trẻ bị hạ đường huyết.
  • Trẻ bị mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như: viêm phổi, viêm họng, viêm tiểu phế quản, phế quản phế viêm…
  • Bé bị táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Rối loạn tiêu hóa gây đau bụng cũng có thể làm cho trẻ khó chịu và khóc.

Một số triệu chứng kèm theo của tình trạng khóc do bệnh lý bao gồm:

  • Trẻ khò khè, khó thở, tím tái.
  • Sốt, có thể kèm theo rét run.
  • Lừ đừ, bú kém hoặc bỏ bú ngay cả khi ở ngoài cơn khóc.
  • Chảy nước mũi đục.
  • Tiêu chảy, phân có thể lẫn máu.
  • Co cứng, co giật.
  • Nôn ói nhiều.
  • Xuất huyết da niêm.

Xem thêm: Thấu hiểu con qua tiếng khóc của bé

Phụ huynh cần phân biệt giữa khóc dạ đề và khóc do bệnh lý
Phụ huynh cần phân biệt giữa khóc dạ đề và khóc do bệnh lý

Xử trí trẻ khóc dạ đề như thế nào?

Mặc dù các nhà chuyên gia vẫn chưa đưa ra được cách làm dịu cơn khóc dạ đề, các bậc phụ huynh vẫn có thể tự xử trí tại nhà. Một nguyên tắc mà bố mẹ cần lưu ý là luôn kiên trì và giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.

Bạn có thể giúp cho bé giảm bớt cảm giác khó chịu. Không nên để trẻ đói, cũng không nên cho trẻ bú quá no. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng bé không nuốt quá nhiều hơi trong lúc bú. Bố mẹ nên bế trẻ thẳng người trong khoảng 15 đến 20 phút sau khi ăn.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên để ánh sáng dịu nhẹ, không quá chói mắt tại nơi trẻ ngủ. Sử dụng những loại đèn ngủ có ánh sáng không quá chói. Chọn những loại tã vừa vặn với trẻ, không quá chật và cũng không quá rộng. Thay tã thường xuyên mỗi khi trẻ đi tiểu hoặc đi tiêu trong tã.

Nếu trẻ khóc thét dữ dội, bố mẹ hãy xoa dịu trẻ bằng những cách sau:

  • Vỗ về trẻ.
  • Ôm bé vào lòng.
  • Hát ru cho bé ngủ.
  • Đưa trẻ đi dạo một vòng để làm dịu cơn khóc của trẻ.
  • Cho trẻ chơi đồ chơi để quên đi cơn khóc.
  • Mát-xa bụng cho bé.
Vỗ về bé cho bé bớt khóc
Vỗ về bé cho bé bớt khóc

Những vấn đề bố mẹ cần lưu ý đối với tình trạng trẻ khóc dạ đề

Thông qua những nội dung trên, chắc hẳn bố mẹ đã hiểu trẻ khóc dạ đề là một hiện tượng rất thường gặp. Nó không là dấu hiệu của một bệnh lý cấp tính nào.

Chính vì vậy, đối với tình trạng trẻ khóc dạ đề, bố mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Ôm bé vào lòng, âu yếm bé. Đồng thời, hãy nhẹ nhàng để trẻ cảm nhận được hơi ấm từ bố mẹ truyền sang.
  • Hát ru cho bé ngủ hoặc cho bé nghe những bài nhạc êm dịu.
  • Tắt bớt những âm thanh gây ồn ào khiến bé giật mình. Cho bé vào không gian yên tĩnh, chẳng hạn như phòng ngủ.
  • Không nên ép trẻ bú. Nguyên nhân là vì nếu bú quá no sẽ khiến trẻ khó chịu và quấy khóc. Sau khi cho bé bú, cần vỗ lưng cho bé ợ hết hơi ra ngoài.
  • Bố mẹ tuyệt đối không nên tự ý cho bé uống bất cứ loại thuốc hoặc thảo dược nào nếu chưa có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Hát ru là một trong những cách giúp làm dịu cơn khóc dạ đề
Hát ru là một trong những cách giúp làm dịu cơn khóc dạ đề

Làm gì để hạn chế tình trạng khóc dạ đề ở trẻ?

Theo nhiều nghiên cứu, vấn đề tâm lý của người mẹ khi mang thai có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng trẻ khóc dạ đề. Vì vậy, để bé hạn chế khóc dạ đề, các bạn nên:

  • Ăn uống đầy đủ chất trong quá trình mang thai.
  • Khi mang thai, mẹ bầu nên giữ tâm lý thoải mái.
  • Nên lạc quan, vui vẻ, cười nhiều hơn trong suốt thai kỳ.
  • Mẹ bầu không nên lo âu, căng thẳng, bận tâm về một vấn đề nào đó.
  • Không sử dụng chất kích thích, chẳng hạn như rượu bia, cà phê trong lúc mang thai.
  • Ngủ đủ giấc, ít nhất 6 đến 8 giờ mỗi ngày, không thức khuya thường xuyên.
  • Nghe nhạc thư giãn tinh thần khi mang thai.
Nghe nhạc khi mang thai
Nghe nhạc khi mang thai

Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, các bậc phụ huynh sẽ hiểu rõ hơn về hiện tượng trẻ khóc dạ đề. Từ đó, các bạn sẽ biết cách xử trí cho thật phù hợp, đồng thời nhận biết được những tình trạng khóc bệnh lý để đưa trẻ đi khám kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh khóc dạ đề?https://suckhoedoisong.vn/can-lam-gi-khi-tre-so-sinh-khoc-da-de-n164624.html

    Ngày tham khảo: 13/12/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người