Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu nguyên nhân do đâu?
Nội dung bài viết
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu thường vào buổi tối và trong lúc ngủ. Đây là biểu hiện bình thường ở trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đổ quá nhiều mồ hôi đầu trong lúc ngủ, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho vấn đề sức khỏe nào đó của trẻ. Đổ mồ hôi đầu là hiện tượng rất phố biến ở 2 – 3% dân số thế giới. Do đó, trẻ sơ sinh cũng không ngoại lệ. Vậy việc trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu có thật sự đáng lo ngại? Trong bài viết này, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ đề cập đến những nguyên nhân có thể làm trẻ bị đổ mồ hôi đầu. Đồng thời chia sẻ các biện pháp khắc phục, và trường hợp nào cần đưa trẻ đi khám.
Những nguyên nhân nào làm cho trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu?
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu nhiều có thể là dấu hiệu cho biết trẻ đang nóng, hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lí nào đó.1 2
Hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện
Hệ thần kinh có vai trò kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh, hệ thần kinh chưa thực hiện vai trò của nó cách ổn định. Bởi chúng chưa được phát triển toàn vẹn. Không chỉ hệ thần kinh mà các cơ quan và hệ thống cũng chưa hoàn thiện ở cơ thể trẻ sơ sinh.
Do đó, trẻ sơ sinh chưa có khả năng điều chỉnh thân nhiệt như người lớn. Một số trẻ sơ sinh ra mồ hôi nhiều hơn những trẻ khác. Thậm chí lượng mồ hôi có thể nhiều giống như ở người lớn.3
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu do quấy khóc
Khi khóc, trẻ tốn rất nhiều năng lượng. Vì thế những lúc trẻ khóc lớn, hoặc khóc trong thời gian dài có thể làm cho trẻ mệt, đổ mồ hôi và đỏ mặt. Trong trường hợp này, đổ mồ hôi có thể được giải quyết khi mẹ dỗ dành bé.
Mặc, quấn quá nhiều lớp áo, khăn khiến cơ thể bị nóng
Nhiều bậc cha mẹ luôn luôn lo sợ rằng trẻ sơ sinh dễ bị lạnh và phải cần thật nhiều lớp áo. Đây không phải là một suy nghĩ xấu. Tuy nhiên, nếu cơ thể trẻ bị bao bọc nhiều lớp quá mức, trẻ có thể bị nóng, đổ mồ hôi và làn da của trẻ không thể “thở” được. Khi bọc quá nhiều lớp, trẻ không chỉ đổ mồ hôi ở đầu mà còn ở toàn bộ cả cơ thể.
Trẻ vào giai đoạn ngủ sâu
Khi trẻ mới sinh ra, trẻ sẽ dành hấu hết thời gian cả ngày lẫn đêm để ngủ. Tuy nhiên, thường trẻ chỉ ngủ một khoảng thời gian ngắn, thường từ 3 – 4 tiếng một lần ngủ. Trong chu kỳ ngủ, sẽ có 2 giai đoạn, ngủ nông và ngủ sâu. Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu thường ở giai đoạn ngủ sâu. Biểu hiện này thường khá phổ biến. Vì thế đây không phải là vấn đề khiến cho mẹ cần lo lắng.
Trẻ đổ mồ hôi trong giấc ngủ sâu là do trẻ không thể tự mình chuyển tư thế như người lớn. Với một tư thế chỉ nằm một chỗ, khi cơ thể nhiệt độ tăng lên, sẽ gây ra đổ mồ hôi đầu.
Do tuyến mồ hôi
Các tuyến mồ hôi ở những vị trí khác nhau trên cơ thể. Nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng đầu mặt. Ở trẻ sơ sinh, có thể các tuyến mồ hôi khác chưa hoạt động mà chỉ có tuyến mồ hôi ở đầu hoạt động. Mẹ có thể nhận thấy điều này khi trẻ không đổ mồ hôi ở các vùng khác trên cơ thể mà chỉ đổ mồ hôi đầu. Do đó, vị trí tuyến mồ hôi có thể nguyên nhân trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu.
Bị cảm cúm, sốt, hoặc viêm nhiễm
Khi bỗng nhiên trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu nhiều nhưng từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Đây có thể là biểu hiện báo hiệu rằng trẻ đang bị cảm hoặc đang bị viêm ở một cơ quan nào đó.
Sốt sẽ là một dấu hiệu quan trọng báo hiệu rằng trẻ đang có tình trạng nhiễm trùng. Để chắc chắn, mẹ nên đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ. Trường hợp trẻ có sốt và dưới 3 tháng tuổi, trẻ nên được đến trung tâm y tế để hạ sốt dự phòng co giật và kiểm tra tìm nguyên nhân.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là khi trẻ ngừng thở hơn 20 giây giữa những cơn thở trong lúc ngủ. Tình trạng này rất hiểm ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ mới chỉ vài tháng tuổi.
Nếu như mẹ nghĩ đến trẻ có hội chứng ngưng thở khi ngủ, mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sỹ càng sớm càng tốt. Các dấu hiệu nghi ngờ tình trạng này, bao gồm:
- Trẻ ngáy khi ngủ.
- Đột ngột thở hỗn hễn khi đang ngủ.
- Mở miệng khi đang ngủ.
Trên thực tế, hội chứng ngưng thở khi ngủ không phải là yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Tuy nhiên, nếu như mẹ vẫn còn lo lắng, bất an, mẹ có thể dẫn bé đến khám bác sĩ để được tư vấn kỹ càng.
Xem thêm: Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh tim bẩm sinh
Ở những trẻ có bệnh tim bẩm sinh sẽ thường hay bị đổ mồ hôi bất kỳ lúc nào. Điều này là do tim và phổi phải tuần hoàn và làm việc nhiều hơn để bơm máu đầy đủ đến các cơ quan. Vì thế trẻ bị mất nhiều năng lượng hơn và dễ đổ mồ hôi. Theo thống kê, ước tính có khoảng 1% trẻ sinh ra có bệnh tim bẩm sinh và trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu.
Ở những trẻ có bệnh tim bẩm sinh thường đổ mồ hôi khi bú sữa mẹ. Những biểu hiện khác của bệnh tim bấm sinh bao gồm trẻ có máu da xanh tím, thở nhanh nông.
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi khi bú
Khi cho con bú, đa số các bà mẹ đều thích cho trẻ ở tư thế nằm nôi. Điều này đòi hỏi mẹ phải giữ đầu trẻ liên tục ở cùng một vị trí. Lòng bàn tay của người mẹ tạo hơi ấm cho phần đầu non nớt của trẻ. Điều này có thể khiến đầu trẻ đổ mồ hôi khi bú. Nếu bạn vẫn cảm thấy đầu trẻ đổ nhiều mồ hôi liên tục, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác.
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu, làm cách nào để khắc phục?
Khi mẹ nhận thấy rằng đứa trẻ của mình đang bị đổ mồ hôi đầu. Điều đầu tiên mẹ cần làm đó chính là nhìn xem môi trường xung quanh, quần áo trẻ đang mặc có làm cho trẻ khó chịu hay không? Một số điều mà mẹ có thể làm chính là:1 2 3
Tìm nguyên nhân khiến trẻ khóc
Trong trường hợp trẻ khóc lớn và lâu, khiến cho trẻ mệt và đỏ mồ hôi. Mẹ cần tìm nguyên nhân xem trẻ khóc là do đâu? Một số nguyên nhân thường khiến cho trẻ sơ sinh khóc là kho trẻ đói, hoặc cần thay tả mới hoặc đôi khi trẻ muốn được ẵm bế.
Điều chỉnh nhiệt độ phòng và mặc quần áo thoáng mát
Hãy đảm bảo rằng nhiệt độ trong phòng không quá cao và khiến cho trẻ dễ đổ mồ hôi. Thông thường, nhiệt độ phòng làm cho trẻ thoải mái là 26-27°C. Đồng thời, quan sát xung quanh buồng nôi của trẻ, quá nhiều khăn đắp xung quanh cũng khiến cho trẻ nóng và khó chịu.
Mẹ nên cho bé mặc quần áo thoải mái khi ngủ. Khi thời tiết ấm áp, hãy mặc cho bé những bộ đồ ngủ hoặc áo lót nhẹ thoải mái. Ngược lại trong thời tiết lạnh, sử dụng chăn để giữ ấm cho bé. Tuy nhiên, hạn chế sử dụng các loại chăn dày, mền hoặc chăn bông vì có thể làm trẻ bị bí.
Tránh để trẻ quá nóng
Nếu nhiệt độ trong nhà cao, trẻ đổ mồ hôi là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Giữ nhiệt độ trong nhà bạn đủ thoải mái là cách khắc phục đổ mồ hôi ở trẻ sơ sinh. Các chuyên gia khuyến nghị nhiệt độ trong phòng từ nên từ 20 – 22°C là phù hợp.
Ngoài ra nhiệt độ quá cao có liên quan đến hội chứng SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Vì nó có thể khiến trẻ rơi vào giai đoạn ngủ sâu hơn khiến trẻ khó thức dậy.
Giữ cho trẻ không bị mất nước
Vì đôi khi dù đã áp dụng những biện pháp làm cho trẻ dễ chịu hơn, nhưng trẻ vẫn co khả năng đổ mồ hôi đầu. Điều này là do một số nguyên nhân chưa thay đổi được như vị trí tuyến mồ hôi của trẻ ở gần đầu, hoặc trẻ sơ sinh chưa thể trở mình khi ngủ. Vì thế phòng ngừa trẻ mất nước do chảy mồ hôi nhiều, mẹ nên cho trẻ bú trước khi ru trẻ ngủ. Sữa sẽ cung cấp nước đầy đủ cho trẻ.
Cẩn thận với sốt và có kèm theo các biểu hiện khác
Nếu như mẹ đã làm các bước như điều chỉnh nhiệt độ phòng, và cởi bỏ những lớp áo thừa ở trẻ nhưng vẫn chảy nhiều mồ hôi đầu. Đây có thể là dấu hiệu trẻ đang bị sốt. Lúc này mẹ nên cần kiểm tra nhiệt độ cho trẻ.
Mẹ cần đưa trẻ sơ sinh (những trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi) đến trung tâm y tế khi có nhiệt độ đo ở hậu môn trên 38 độ. Nếu trường hợp nhiệt kế đo ở nách, sốt là khi nhiệt độ ở nách trẻ trên 37,5 độ.
Bổ sung vitamin D
Vitamin D là chất dinh dưỡng thiết yếu trong quá trình hình thành “bộ xương vững chắc” của trẻ. Nó còn giúp trẻ tránh được bệnh còi xương.Nguồn vitamin D rẻ tiền và hiệu quả chính là ánh nắng mặt trời. Cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng trước 10 giờ để bổ sung vitamin D. Thời gian tắm nắng nên tăng dần từ 10 – 30 phút. Cần chú ý không cho mắt trẻ tiếp xúc thẳng với ánh nắng mặt trời khi tắm nắng.
Xem thêm: Vitamin D và những vấn đề liên quan đến sức khỏe của bé
Đưa trẻ đi khám bác sĩ
Nếu trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu quá nhiều, thường xuyên, hoặc kèm theo dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để chữa trị kịp thời. Dấu hiệu bất thường chẳng hạn như:
- Trẻ vừa ra mồ hôi trẻ vừa mệt mỏi.
- Tóc thưa, chậm mọc răng.
- Thóp đầu chậm liền.
- Chậm biết bò, chậm biết đi…
- Trẻ nhẹ cân, biếng ăn.
Kết luận về trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu
Bệnh đổ mồ hôi đầu ở trẻ sơ sinh là khá phổ biến. Trong hầu hết trường hợp, mẹ sẽ có thể khắc phục điều này khi điều chỉnh một số điều đơn gian như: hạ nhiệt độ phòng khi nóng, mặc một lớp quần áo thoáng mát cho trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ vào buồng nôi ngủ, quan sát mà bỏ bớt những lớp khăn xung quanh không cần thiết. Khi trẻ sơ sinh lớn hơn lên thì khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bé cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, khi mẹ quan sát thấy có những bất thường khác hơn là chuyện chỉ đổ mồ hôi đầu. Hãy tin vào bản năng của mẹ, vì không ai có thể hiểu rõ và cảm nhận đứa trẻ tốt hơn bằng người mẹ. Hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ khi mẹ thấy có điều gì bất ổn ở trẻ. Hy vọng qua bài viết trên cha mẹ đã hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầu. Đa số các trường hợp là bình thường. Nếu trẻ đổ mồ hôi kèm dấu hiệu bất thường khác, phụ huynh mong chóng đưa con đi khám bác sĩ để được tư vấn và chữa trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What does it mean when a baby sweats?https://www.medicalnewstoday.com/articles/baby-sweating
Ngày tham khảo: 06/06/2020
-
Why Is My Baby Sweating?https://www.healthline.com/health/baby/sweaty-baby
Ngày tham khảo: 06/06/2020
-
Is it normal that my child sweats a lot at night?https://www.babycenter.com/child/sleep/is-it-normal-for-my-preschooler-to-wake-up-drenched-in-sweat_3652519
Ngày tham khảo: 06/06/2020