Tủ thuốc gia đình: Những loại thuốc thiết yếu nên có sẵn tại nhà?
Nội dung bài viết
Như vậy, tình hình diễn tiến của dịch đang càng ngày càng căng thẳng. Và điều tốt nhất mà bản thân mỗi công dân Việt Nam chúng ta nên làm chính là “Hãy ở yên khi tổ quốc cần”. Như vậy, trong giai đoạn phòng dịch, có thể cơ thể sẽ phát sinh những trường hợp không mong muốn. Vậy chúng ta cần những thuốc nào có sẵn tại nhà? Hãy cùng YouMed theo dõi bài viết dưới đây nhé!
1. Sốt – Vậy thì hạ sốt với Paracetamol thì thế nào?
1.1. Tại sao lại chọn Paracetamol
Theo hiểu biết thông thường của một người bệnh, khi bị sốt sẽ tìm đến ngay thuốc hạ sốt và paracetamol có vai trò này.
- Paracetamol được dùng hạ sốt và có thể điều trị các cơn đau có mức độ từ nhẹ đến vừa.
- Mặc dù thuốc không phải là thuốc giảm đau hiệu quả nhất, nhưng do nguy cơ tác dụng phụ thấp điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ an toàn hơn khi sử dụng. Nên paracetamol là thuốc được lựa chọn đầu tiên cho một số bệnh ở nhiều đối tượng đặc biệt như viêm khớp, đau và sốt ở trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hoá, bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu và bệnh nhân mắc bệnh thận.
- Như mọi thuốc khác, paracetamol cũng có tác dụng phụ và có thể gây hại nếu dùng không đúng.
1.2. Ngoài Paracetamol, có thể để sẵn thuốc khác không?
Câu trả lời là CÓ.
Các nhóm thuốc
- Nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid còn được gọi là NSAID. Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc kê đơn ngoại trừ ibuprofen.
- Các thuốc phối hợp (nhiều hơn 2 hoạt chất trong một thuốc) như Panadol, Efferalgan,.. cũng giúp trị cảm-ho, viêm xoang thông thường nhưng có thể chứa paracetamol nên cần phải tính hàm lượng dùng paracetamol mỗi ngày.
Lưu ý đối với nhóm thuốc NSAID, đặc biệt là ibuprofen vì bạn có thể mua tại nhà thuốc mà không cần có đơn của bác sĩ.
- Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục việc sử dụng ibuprofen gây hại trong trường hợp bệnh Covid-19.
- So với sử dụng paracetamol, một số trường hợp như đau bụng kinh, đau nửa đầu, viêm khớp thì sử dụng ibuprofen lại cho hiệu quả tốt hơn.
- Có thể trữ ibuprofen này cũng có thể được trữ, với những lưu ý về cách dùng như bấy lâu: uống với đồ ăn để hạn chế nguy cơ khó chịu dạ dày; dùng với liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.
1.3. Trường hợp có con nhỏ ở nhà, tôi nên làm thế nào?
Nếu bạn có trẻ nhỏ ở nhà, trường hợp nếu bé uống được thuốc viên bạn có thể cho bé dùng để hạ sốt. Hoặc bé khó nuốt có thể nghiền thuốc và pha với 1 ít nước rồi cho bé uống.
Tuy nhiên, với những trẻ khó nuốt viên và trường hợp bé nhè do thuốc đắng có thể chuyển sang dạng dùng thuốc bột như Hapacol thuốc có hương thơm và một ít tá dược làm ngọt để giúp trẻ có thể dễ dàng dùng thuốc hơn. Lưu ý rằng, những tá dược này không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc khi dùng.
1.4. Những lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc hạ sốt
- Dù được xem là một thuốc khá an toàn, paracetamol CÓ NGUY CƠ CAO gây độc gan cấp tính nếu quá liều.
- Nếu đối tượng là một người lớn trưởng thành và hoàn toàn không có bệnh lý về gan thì tối đa tổng liều dùng/ ngày là ≤
- 4000 mg/ngày.
- Đối với trẻ em, người bị bệnh gan nên hỏi bác sĩ/dược sĩ về liều dùng của thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Có thể tham khảo thêm bài viết: 9 điều cần lưu ý khi sử dụng paracetamol
2. Nếu tôi bị tiêu chảy thì sao – Yên tâm đã có Loperamid ngay bên cạnh bạn
2.1. Các triệu chứng khi gặp phải tình trạng tiêu chảy cần dùng thuốc
Chỉ dùng thuốc nếu người bệnh chỉ bị tiêu chảy trong thời gian ngắn và không có các dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng dữ dội, sốt, tiêu ra máu/ nhầy hay đi tiêu >6 lần/ngày.
Nếu đi tiêu hơn 3 ngày hay có các dấu hiệu nghiêm trọng kể trên, cần đi khám. Một lưu ý nữa là cần bù nước và chất điện giải (vd uống Oresol – Việt Nam hay Gastrolyte/Pedialyte ở Bắc Mỹ) khi bị tiêu chảy, nhất là trẻ em, người lớn tuổi.
2.2. Các biệt dược khác có chứa loperamid
- Abydium; Amemodium; Amufast; Axolop;
- Diarlomid – F; Dodapril; Exitop Soft; Fuyuan Loperamid;
- Idium; Imoboston; Imodium;
- Kaperamid; Lodium; Lomedium; Lomekan; Lopegoric; Lopytix; Lormide;
- Meyergoric; NDC – Loperamid;
- Panewic; Parecom; Parepemic; Parogic; Phacoparecaps;…
2.3. Các thuốc cần dùng khi bị tiêu chảy cấp
2.3.1. Thuốc chống nôn ói
- Vì có thể xuất hiện tình trạng tiêu chảy kèm theo nôn ói (ngộ độc thức ăn) có thể sử dụng Metochlopramide, domperidon, anti-histamine, dexamethasone.
- Lưu ý thuốc không còn được khuyến cáo trong điều trị nôn do tiêu chảy cấp ở trẻ em vì các hệ lụy trên tim mạch, thần kinh và các hệ cơ quan khác.
2.3.2. Oresol (ORS)
- Là dung dịch điện giải dùng trong bù nước bằng đường uống, tuy nhiên ORS không phải là tốt trong mọi trường hợp.
- Ở những trẻ tiêu chảy ít, ở trẻ nhỏ, sử dụng ORS nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ vì ORS có thể là khó uống ở một số trẻ, dễ làm trẻ nôn, hoặc có thể làm trẻ giảm bú sữa.
2.3.3. Men vi sinh probiotics
Probiotics là các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột bằng cách kìm hãm sự tăng sinh của các loại vi sinh vật xấu.
Xem thêm bài viết: Một số thuốc dùng trong tiêu chảy cấp
2.4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc cần lưu ý
- Bệnh nhân có thể bị táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn.
- Chóng mặt, nhức đầu.
- Cảm giác toàn thân mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu.
- Ngoài ra, có thể bị trướng bụng, khô miệng.
2.5. Lưu ý không dùng thuốc nếu
- Người bệnh dị ứng với loperamid hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Đang bị viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng giả mạc (có thể gây đại tràng to nhiễm độc) do dùng kháng sinh.
- Những đối tượng đang bị bụng trướng.
- Tình trạng đau bụng không phải do tiêu chảy.
- Một lưu ý nữa đó là tránh dùng đầu tiên ở bệnh nhân lỵ cấp, viêm loét đại tràng chảy máu giai đoạn cấp, viêm đại tràng giả mạc, viêm ruột do nhiễm khuẩn.
- Không dùng cho trẻ <2 tuổi.
3. Thuốc trị dị ứng dạng uống hay xịt mũi nếu bản thân bị dị ứng mùa (viêm mũi dị ứng)
3.1. Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng
Hầu hết người mắc viêm mũi dị ứng sẽ có các biểu hiện như
- Hắt hơi liên tục;
- Sổ mũi, ngứa mũi, mắt, cổ họng, da hoặc các vùng khác trên cơ thể;
- Ho; nghẹt mũi; viêm hoặc ngứa họng;
- Chảy nước mắt;
- Xuất hiện quầng thâm dưới bọng mắt;
- Đau đầu thường xuyên; phát ban; mệt mỏi.
Trường hợp có tiền sử hen suyễn, chàm, viêm da dị ứng, nổi mày đay hay khám nội soi mũi thấy niêm mạc mũi nhợt màu, phù nề, nước mũi trong cũng là những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.
3.2. Các thuốc có thể điều trị viêm mũi dị ứng
Tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để kê đơn thuốc làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Điều trị bằng thuốc chủ yếu thường là điều trị triệu chứng hoặc ngừa bệnh xảy ra nên chỉ có thể khống chế bệnh hoặc giảm các triệu chứng trong một khoảng thời gian trong và sau khi dùng thuốc một thời gian ngắn.
- Thuốc steroids: Dạng thuốc xịt chủ yếu tác dụng tại chỗ, ít tác dụng phụ, có thể điều trị trong thời gian dài. Các loại corticoid tại chỗ hiện được sử dụng trong điều trị hiện nay là beclomethason, budesonid, fluticason, propionat, memothason.
>> Xem thêm bài viết về Thuốc xịt mũi Avamys trong viêm mũi dị ứng và những điều cần lưu ý
- Thuốc kháng histamin: Có tác dụng tốt với triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi và sổ mũi; ít có tác dụng làm giảm nghẹt mũi và thường gây buồn ngủ hoặc cảm giác ngây ngất. Các thuốc kháng histamin thế hệ 2 ít gây buồn ngủ hơn như loratadin, certirizin, fexonadin.
- Kháng cholinergic: Chủ yếu có tác dụng giảm tiết dịch, giảm chảy nước mũi
- Thuốc co mạch: Khi nhỏ mũi có tác dụng làm thông thoáng mũi, giúp hết ngạt mũi mau chóng. Tuy nhiên, thuốc co mạch không nên dùng kéo dài quá 1 tuần vì có thể gây viêm mũi do thuốc.
Naphazoline là thuốc co mạch chống chỉ định ở trẻ em.
3.3. Ngoài thuốc, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt phù hợp
- Hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc và hít phải chất gây dị ứng bằng cách bản thân có chế độ sinh hoạt phù hợp
- Hoặc cẩn thận khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp; chú ý giữ vệ sinh mũi, dùng nước muối sinh lí để rửa mũi.
- Hạn chế ngoáy mũi bằng tay nhằm tránh tổn thương niêm mạc mũi.
- Ăn uống tránh đồ sống, lạnh, tanh, tránh uống rượu, tránh khói thuốc lá.
- Tránh stress, các chất kích thích và giảm sử dụng thuốc aspirin.
- Kiên trì tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì.
- Lưu ý điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng.
3.4. Lời khuyên khi dùng các thuốc điều trị viêm mũi dị ứng
Đối với trẻ em, nên dùng thuốc dạng lỏng, cần đong theo cân nặng và chỉ dùng nếu cần.
Với người lớn, chú ý có loại thuốc dị ứng có thể gây buồn ngủ và loại không gây buồn ngủ chẳng hạn như kháng histamin; cần lựa chọn cho đúng để phù hợp với sinh hoạt hàng ngày.
Người lớn tuổi có thể bị chóng mặt, ngà ngật nếu dùng thuốc dị ứng gây buồn ngủ, từ đó dễ bị té ngã; nên chọn loại không buồn ngủ và chỉ dùng nếu cần.
4. Thuốc trị ho có dextromethorphan
4.1. Dextromethorphan giúp giảm ho bằng cách nào?
Dextromethorphan giúp giảm ho nhưng không giúp giảm đau
- Do có tác dụng lên trung tâm ho ở hành não dẫn đến có thể giúp giảm ho.
- Mặc dù cấu trúc hóa học có liên quan đến morphin, nhưng thuốc không có tác dụng giảm đau và nói chung rất ít tác dụng an thần.
Hiệu lực của dextromethorphan tương đương với hiệu lực của codein trong điều trị ho mạn tính.
So với codein, thuốc tuy có tác dụng giảm ho kích ứng tương tự như codein, nhưng lại an toàn ở đường tiêu hóa hơn vì ít gây ra các tác dụng phụ.
4.2. Thuốc giúp giảm ho keo dài trong bao lâu
Ở liều điều trị, tác dụng chống ho của dextromethorphan có thể kéo dài được một khoảng thời gian từ 5 – 6 giờ.
4.3. Một vài tác dụng phụ khi dùng thuốc
- Thuốc có thể gây mệt mỏi, chóng mặt.
- Không những vậy có thể xuất hiện tình trạng nhịp tim đập bất thường (nhịp tim nhanh).
- Buồn nôn.
- Đỏ bừng da, có thể bị nổi mày đay.
- Thỉnh thoảng có thể bị rối loạn tiêu hóa hoặc buồn ngủ nhẹ nhưng triệu chứng này rất hiếm gặp khi dùng thuốc.
4.4. Nên lưu ý gì khi dùng
Thận trọng khi dùng ở những người bệnh bị ho nhưng có quá nhiều đờm và trường hợp ho mạn tính ở đối tượng hút thuốc, bị hen hoặc bị giãn phế nang.
Những trường hợp có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp cũng nên thật thận trọng.
Ngoài ra, thuốc cũng có liên quan đến sự giải phóng histamin bên trong. Do đó, nên thật thận trọng đối với trẻ em bị dị ứng.
Một điều quan trọng nữa đó là KHÔNG ĐƯỢC LẠM DỤNG THUỐC. Vì có thể xảy ra tình trạng lạm dụng và phụ thuộc dextromethorphan do dùng liều cao kéo dài (tuy hiếm khi xảy ra). Nhưng thật thận trọng vì độc tính của thuốc thấp, nhưng với liều rất cao có thể gây ức chế hệ TKTW.
KHÔNG DÙNG CHO TRẺ <2 TUỔI.
4.5. Các thuốc siro ho khác có thể dùng cho trẻ
Siro chữa ho HoAstex cho bé sơ sinh
Siro Muhi Nhật Bản – trị ho cho trẻ
Prospan – Siro trị ho cho trẻ sơ sinh
Siro Children’s Cold & Flu của Mỹ
Siro Zarbee’s Baby Cough
Siro ho Paburon S Nhật Bản
Siro trị ho – cảm Ích Nhi cho trẻ sơ sinh
5. Giảm đau dạ dày với thuốc kháng acid như Phosphalugel, Maalox
- Dùng như tờ hướng dẫn sử dụng.
- Trường hợp nếu phải sử dụng nhiều lần trong một ngày và nhiều ngày trong một tuần để có thể kiểm soát được triệu chứng thì đây là dấu hiệu cần phải đi khám.
- Lạm dụng Phosphalugel hay các thuốc giảm acid có thể khiến tình trạng dư acid bùng lên khi ngưng thuốc, khiến đau bao tử nhiều hơn.
- Ngoài ra, đây là các thuốc có thể làm giảm hấp thu các thuốc khác khi dùng cùng lúc. Tốt nhất là nên dùng cách nhau 2 giờ để có thể hạn chế được tình trạng này.
Bạn có thể xem thêm bài viết về Phosphalugel tại ĐÂY
6. Khi bị trầy xước hoặc trẻ bị muỗi đốt hoặc côn trùng cắn thì sao?
6.1. Làm sao để phân biệt vết cắn hay vết đốt?
Vết cắn là gì?
- Các loài không có chứa nọc độc như muỗi, bọ chét, chấy, rận, ghẻ, bọ ve… cắn và tiêm nước bọt chống đông máu vào cơ thể con người rồi hút máu để sống.
- Triệu chứng trên ngứa ngáy, khó chịu tại vết cắn và vùng da xung quanh; hoặc một sẩn phù nhỏ ngứa có thể phát triển trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn, tồn tại trong nhiều ngày rồi mờ dần đi.
Vết đốt là gì?
- Các loài có nọc độc như ong bắp cày, ong vàng, kiến lửa… tấn công bằng cách chích, truyền nọc độc vào cơ thể con người thông qua ngòi.
- Vết đốt thường tấy đỏ, sưng, gây ra các cảm giác rát, đau dữ dội ngay sau khi bị tấn công và thường sẽ giảm dần đi sau vài giờ.
- Nếu dị ứng với nọc độc côn trùng có thể phải đối mặt với những phản ứng nguy hiểm như chóng mặt, ngất xỉu. Nặng hơn có thể bị sốc phản vệ với các biểu hiện: không bắt được mạch, huyết áp tụt gây trụy tim mạch, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không sơ, cấp cứu kịp thời.
6.2. Điều trị thế nào?
Hạn chế thậm chí là tránh gãi để giảm sự lan rộng của độc tố. Nếu cào gãi mạnh, vết cắn sẵn có sẽ nặng hơn vì nhiễm trùng do tay bẩn và da sẽ bị trầy xước, để lại sẹo.
Lấy ngòi độc và làm sạch vết thương: nhẹ nhàng lấy ngòi độc ra (nếu có) rồi làm sạch vết thương (nước muối sinh lý, xà phòng hoặc các chất sát trùng). Có thể chườm đá để giảm đau và sưng đỏ.
Thoa thuốc mỡ hoặc kem điều trị sử dụng các loại thuốc thoa tại chỗ với thành phần kháng viêm và giảm ngứa, giúp vết cắn, đốt mau chóng hồi phục, chứa các thành phần như Prednisolone Valerate Acetate, Crotamiton, Allantoin….
6.3. Những điều cần lưu ý khi dùng
Với kem trị ngứa hay các tình trạng viêm da quá mẫn có thể chứa corticoid.
Lưu ý, chỉ thoa 1 lớp mỏng trong mỗi lần dùng, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào vùng da thoa kem (vì corticoid làm da mỏng khi tiếp xúc với nằng dễ bị bỏng).
Ngưng ngay khi thấy cải thiện vết cắn đốt của côn trùng.
Trên đây là những thuốc YouMed chúng tôi tổng hợp để bạn có thể để sẵn tại nhà để sử dụng trong những tình huống có thể xảy ra như đề cập ở trên như sốt, ho, tiêu chảy,.. Tuy nhiên, mỗi một thuốc chúng tôi đều có lưu ý nhất định khi sử dụng dù thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn.
Do đó, tốt nhất khi mua bạn nên hỏi dược sĩ thật kĩ, thậm chí có thể note lại bằng giấy để khi dùng sẽ tránh được những hoang mang và hạn chế tối đa các tác dụng phụ do thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng vẫn không tốt lên hoặc các tác dụng phụ có xu hướng tệ đi hãy đến trạm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ và xử trí!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược thư quốc gia Việt Nam
-
Paracetamolhttps://www.medicines.org.uk/emc/files/pil.1958.pdf
Ngày tham khảo: 02/04/2020
-
Loperamidhttps://www.medicines.org.uk/emc/files/pil.1207.pdf
Ngày tham khảo: 02/04/2020