YouMed

Tuyến giáp: Cấu trúc, chức năng và các bệnh lý thường gặp

Bác sĩ TRẦN HOÀNG NHẬT LINH
Tác giả: Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh
Chuyên khoa: Tim mạch

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể với chức năng chính là bài tiết các hormone T3 và T4. Các hormon này ảnh hưởng hoạt động của rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Quá nhiều hormone sẽ gây cường giáp, ngược lại, quá ít hormone sẽ gây nhược giáp. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh tìm hiểu rõ hơn về tuyến giáp nhé.

Hình thể tuyến giáp

  • Là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể.
  • Nằm ở phần trước của cổ, ở trước các vòng sụn khí quản trên và hai bên thanh quản, ngang mức các đốt sống C5-D1.
  • Là tuyến có nhiều mạch máu, có màu nâu đỏ, nặng khoảng 20 – 30g.
  • Kích thước thay đổi tuỳ từng người, nó tỷ lệ với cân nặng và tăng nhẹ theo tuổi. Kích thước trung bình:
    •    Cao: 40 – 60 mm
    •    Ngang: 10 – 20 mm
    •    Dày: 20 mm
    •    Thể tích: 10 ± 4 ml
  • Ở phụ nữ, tuyến giáp thường to hơn nam giới. Nó cũng thường to lên trong thời kì kinh nguyệt và thai nghén.
  • Tuyến giáp có 2 thuỳ bên nối với nhau bởi eo giữa. Các thuỳ thường không hoàn toàn cân đối nhau, thường bên phải to hơn bên trái.
  • Tuyến giáp di chuyển theo thanh quản khi nuốt. Đây là đặc điểm phân biệt bướu giáp với các bướu khác ở cổ.
 
vị trí tuyến giáp
Vị trí tuyến giáp.

Mạch máu và thần kinh chi phối tuyến giáp

Động mạch

Tuyến nội tiết này được cấp máu rất phong phú. Mỗi phút có từ 80 – 120 ml máu vào tuyến. Vì tuyến dễ di động nên khi tới tuyến các động mạch này chạy ngoằn nghèo. Chủ yếu có 2 động mạch cấp máu:

  • Động mạch giáp trên.
  • Động mạch giáp dưới.

Xem thêm:Bạn đã biết gì về Hormone tuyến giáp chưa?

Tĩnh mạch

Các tĩnh mạch tạo nên một đám rối ở mặt trước ngoài mỗi thuỳ bên:

  • Tĩnh mạch giáp trên và giữa.
  • Tĩnh mạch giáp dưới.
  • Nếu có tĩnh mạch giáp dưới cùng thì thường đổ vào tĩnh mạch cánh tay đầu trái.

Thần kinh

Tách từ các hạch giao cổ và dây X (dây thanh quản trên và dây thanh quản dưới).

Chức năng tuyến giáp

  • Tuyến giáp tiết 2 hormon chính: thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3).
  • Cả 2 hormon này làm tăng chuyển hóa chất của cơ thể. Thiếu hụt hoàn toàn hormon T3, T4 thường làm cho chuyển hóa cơ sở giảm 40 – 50% dưới mức bình thường. Bài tiết T3, T4 quá mức có thể tăng chuyển hóa cơ sở tới 60%-100% trên mức bình thường.
  • Bài tiết hormone tuyến giáp được kiểm soát chủ yếu bởi thyroid- stimulating hormone (TSH) – được tiết bởi tuyến yên.
  • Tuyến này cũng tiết calcitonin, một hormon liên quan đến chuyển hóa calci do tế bào cạnh nang giáp tiết (tế bào C).

Ảnh hưởng của hormon tuyến giáp lên sự phát triển

  • Hormone tuyến giáp có cả tác động chung và riêng lên sự phát triển.
  • Ở những trẻ bị cường giáp, phát triển cơ thể sẽ chậm lại. Ở những trẻ bị suy giáp thường xảy ra phát triển xương quá mức, làm cho trẻ có chiều cao hơn so với tuổi. Tuy nhiên, do trưởng thành nhanh hơn và cốt hóa sớm hơn, bé dậy thì sớm hơn và có chiều cao của người trưởng thành sớm hơn.
  • Ảnh hưởng quan trọng của hormone tuyến giáp là thúc đẩy trưởng thành và phát triển của não trong thời kỳ bào thai và những năm đầu sau sinh. Nếu lượng hormone T3, T4 không được bài tiết đủ trong thời kỳ bào thai thì sự phát triển và trưởng thành của não trước và sau sinh sẽ chậm lại, não sẽ nhỏ hơn bình thường. Nếu không được điều trị bằng liệu pháp hormon thích hợp, trẻ sẽ có thể phải sống trong tình trạng thiểu năng trí tuệ suốt cuộc đời.

Xem thêm: Giải đáp những thắc mắc thường gặp về bệnh cường giáp.

Ảnh hưởng lên chuyển hóa các chất

Tác dụng lên chuyển hóa carbohydrate

  • Hormone giáp kích thích tất cả các yếu tố liên quan chuyển hóa đường bao gồm:    
    • Tăng khả năng thu nhận glucose tế bào.
    • Phân giải glycogen nhiều hơn.
    • Tăng tạo đường mới.
    • Tăng hấp thu vào ống tiêu hóa.
  • Chính sự tăng này kéo theo tăng bài tiết insulin để làm giảm glucose máu.

Tác dụng lên chuyển hóa chất béo

  • Chất béo được huy động nhanh chóng từ các mô mỡ, làm giảm chất béo dự trữ trong cơ thể.
  • Tác dụng lên mỡ trong máu và trong gan:
    • Tăng hormon giáp làm giảm nồng độ cholesterol, phospholipids, và triglycerides trong huyết tương, mặc dù nó làm tăng acid béo tự do.
    • Ngược lại giảm tiết hormon giáp nhiều làm tăng nồng độ cholesterol, phosholipid và triglycerid trong huyết tương và lắng động quá mức chất béo trong gan. Tăng nồng độ cholesterol máu kéo dài do suy chức năng giáp thường liên quan với xơ vữa động mạch nặng.

Tăng nhu cầu vitamin

  • Do hormon tuyến giáp làm tăng rất nhiều enzyme của cơ thể và các enzyme cần vitamin, nên hormon giáp làm tăng nhu cầu các vitamin.

Ảnh hưởng đến các vấn đề khác

Giảm trọng lượng cơ thể

  • Tăng một lượng lớn hormone giáp hầu hết luôn làm giảm trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, tác dụng này không luôn luôn xảy ra bởi hormone giáp cũng làm tăng sự ngon miệng, có thể cân bằng với mức độ chuyển hóa. Giảm một lượng lớn hormone giáp cũng có thể tăng hoặc giảm trọng lượng cơ thể.

Tăng dòng máu và lưu lượng tim

  • Tăng chuyển hóa ở mô làm cho mức sử dụng oxy nhiều hơn bình thường. Vì vậy làm tăng tuần hoàn máu. Nhu cầu thải nhiệt từ cơ thể tăng lên làm tỉ lệ dòng máu ở da đặc biệt cũng tăng.

Tăng nhịp tim

  • Hormone giáp có tác dụng tăng nhịp tim rõ hơn là tăng lưu lượng tim. Nhịp tim là 1 dấu hiệu hay dùng để đánh giá sự bài tiết hormone giáp là quá mức hay giảm đi.

Tăng sức co bóp của tim

  • Tác dụng này tương tự như tăng sức co bóp của tim khi sốt nhẹ và khi tập luyện. Tuy nhiên khi hormone giáp tăng lên rõ rệt, sức co bóp cơ tim giảm đi và có thể dẫn đến suy tim về sau.

Tăng huyết áp tâm thu

  • Huyết áp trung bình nhìn chung vẫn bình thường. Áp lực tâm thu tăng lên 10 – 15 mmHg trong cường giáp và áp lực tâm trương giảm tương ứng.

Tăng hô hấp

  • Tăng mức chuyển hóa, tăng sử dụng oxy. Những tác dụng này kích thích làm tăng tần số và cường độ hô hấp.

Tăng nhu động đường tiêu hóa

  • Tăng sự ngon miệng. Đồng thời, tăng tiết dịch tiêu hóa, tăng nhu động đường tiêu hóa. Vì vậy cường giáp thường dẫn đến tiêu chảy. Trong khi đó, thiếu hụt hormone giáp có thể gây táo bón.

Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương

  • Hormone giáp làm quá trình hoạt động của não tăng: rất dễ kích thích và có khuynh hướng rối loạn thần kinh chức năng, như là lo lắng quá mức, hoang tưởng. Ngược lại, thiếu hụt hormone giáp làm não hoạt động trì trệ.

Ảnh hưởng lên chức năng cơ

  • Tăng nhẹ hormone giáp thường làm cơ tăng phản ứng. Nhưng khi lượng hormon được bài tiết quá nhiều, cơ trở nên yếu vì tăng thoái hóa protein của cơ.
  • Mặt khác nếu thiếu hormon giáp cơ trở nên chậm chạp, giãn ra chậm sau khi co.

Run cơ

  • Một trong những dấu hiệu đặc trưng của ưu năng tuyến giáp là run cơ (biên độ nhỏ, tần số nhanh 10 – 15 lần /giây – khác trong bệnh Parkinson biên độ lớn, tần số chậm).

Ảnh hưởng đến giấc ngủ

  • Bởi tác dụng của hormon giáp lên hệ thống cơ và hệ thần kinh trung ương, một người cường giáp thường có cảm giác mệt mỏi liên tục, kích thích, khó ngủ. Ngược lại, trạng thái ngủ gà là đặc trưng của nhược giáp. Có khi người suy giáp ngủ 12 – 14 tiếng/1 ngày.
(12) Tác dụng lên các tuyến nội tiết khác
  • Tăng hormone giáp làm tăng mức độ bài tiết của một vài tuyến nội tiết khác, mà còn tăng nhu cầu hormon của mô. Ví dụ:
    • Tăng mức độ chuyển hóa glucose ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể và vì thế gây ra tăng bài tiết insulin tương ứng bởi tụy.
    • Hormone giáp làm tăng nhiều hoạt động chuyển hóa liên quan đến hình thành xương và hệ quả là tăng hormon cận giáp.
    • Hormone  giáp cũng tăng glucocorticoids của tuyến thượng thận.
(13) Tác dụng của hormon giáp lên chức năng sinh dục

Để chức năng sinh dục bình thường, bài tiết của tuyến giáp cần trong khoảng bình thường. 

  • Ở nam giới: thiếu hormone giáp có thể mất dục tính, bài tiết quá nhiều hormon thỉnh thoảng gây ra bất lực.
  • Ở phụ nữ: thiếu hormone giáp thường gây ra cường kinh, rong kinh, đôi khi có thể kinh nguyệt không đều và thậm chí là vô kinh. Cường giáp: thường gặp kinh thưa và đôi khi xảy ra vô kinh.
  • Suy giáp dẫn đến giảm mạnh ham muốn tình dục cả nam và nữ.

Các bệnh lý tuyến giáp

Hai bệnh lý chính thường gặp liên quan tới tuyến giáp là cường giáp và suy giáp, có liên quan tới mức độ hoạt động của tuyến nội tiết này.

4.1. Các bệnh lý gây cường giáp

4.1.1. Cường giáp do tăng sự kích thích
  • Bệnh Basedow (bệnh Graves).
  • Thai trứng hoặc choriocarcinoma (carcinoma đệm nuôi). U quái giáp buồng trứng (struma ovarii).
  • Ung thư tuyến giáp.
  • Adenom thùy trước tuyến yên tiết quá nhiều TSH.

Ngoại trừ adenom thùy trước tuyến yên, tất cả các trường hợp còn lại đều có nồng độ TSH thấp do bị ức chế bởi lượng hormon tuyến giáp quá nhiều lưu hành trong máu.

Bệnh cường giáp Basedow
Bệnh cường giáp Basedow.
4.1.2. Cường giáp tự chủ

Một phần mô chủ tuyến giáp tự tăng sinh và trở nên cường chức năng. Hậu quả là sự kiểm soát từ tuyến yên bị ức chế, mô chủ giáp ở ngoài vùng tổn thương cũng bị ức chế theo.

  • Bướu tuyến giáp đơn nhân hoặc đa nhân có cường giáp.
  • Viêm tuyến giáp. Bao gồm viêm bán cấp, viêm tuyến giáp có đau, viêm tuyến giáp thầm lặng, viêm tuyến giáp sau sinh.
  • Hiện tượng iod-Basedow.
  • Do dùng thuốc (amiodaron), hormon tuyến giáp.

Xem thêm: Bạn biết gì về căn bệnh Basedow?

4.2. Các bệnh lý gây suy giáp

4.2.1. Suy giáp tiên phát có tuyến giáp to

Suy giáp mắc phải

  • Viêm tuyến giáp Hashimoto (viêm tuyến giáp tự miễn type 2A).
  • Thiếu hụt iod (bướu cổ địa phương).
  • Do dùng một số thuốc có tác dụng ức chế tổng hợp hoặc giải phóng thyroxin. Ví dụ: lithium, ethionamid, sulfamid, iod.
  • Yếu tố sinh u trong thực phẩm hoặc do ô nhiễm môi trường.
  • Các cytokin (interferon α, interleukin 2).
  • Tuyến giáp thâm nhiễm (amyloidosis, sarcoidosis, cyetinosis, cleroderma).

Suy giáp bẩm sinh

  • Khiếm khuyết vận chuyển và huy động iod.
  • Thiếu hụt bẩm sinh enzym tham gia tổng hợp hormon tuyến giáp.
  • Thiếu hụt hoặc rối loạn chức năng thyroglobulin.
  • Khiếm khuyết tổng hợp hoặc huy động thyroglobulin.
4.2.2. Suy giáp không có tuyến giáp to

Suy giáp mắc phải

  • Bệnh tuyến giáp Hashimoto (viêm tuyến giáp tự miễn type 2B).
  • Sau điều trị bằng phóng xạ, phẫu thuật tuyến giáp hoặc xạ trị bệnh ác tính ngoài tuyến giáp.

Suy giáp bẩm sinh

  • Thiểu sản hoặc loạn sản tuyến giáp.
  • Khiếm khuyết thụ thể của TSH.
  • Bất thường protein Gs của tuyến giáp (giả suy cận giáp typ 1a).
  • TSH không đáp ứng không rõ nguyên nhân.
các xét nghiệm tuyến giáp thường làm khi có biểu hiện suy giáp hoặc cường giáp
Các xét nghiệm tuyến giáp thường làm khi có biểu hiện suy giáp hoặc cường giáp.
4.2.3. Suy giáp thoáng qua sau viêm tuyến giáp

Gặp ở người bệnh sau viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp có đau hoặc viêm giáp sau sinh.

4.2.4. Suy giáp mắc phải do tuyến giáp bị phá hủy

Cấu trúc hormon tuyến giáp bị phá hủy do u.

4.2.5. Suy giáp nguồn gốc trung ương

Suy giáp mắc phải

  • Do tổn thương tuyến yên (thứ phát).
  • Bệnh lý vùng dưới đồi.

Suy giáp bẩm sinh

  • Thiếu hụt hoặc bất thường cấu trúc của TSH.
  • Khiếm khuyết thụ thể tiếp nhận TSH.
4.2.6. Suy giáp do đề kháng hormon tuyến giáp
  • Kháng hormon giáp nói chung.
  • Kháng hormon giáp ưu thế tại tuyến yên.

Tuyến giáp đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của các cơ quan trong cơ thể như tim mạch, thần kinh, hệ tiêu hóa. Bạn nên định kỳ khám sức khỏe tổng quát (bao gồm khám tuyến giáp) để phát hiện tình trạng bệnh lý tuyến giáp và khắc phục kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Mai Thế Trạch Nguyễn Thy Khuê (2007), "Nội tiết học đại cương", Nhà Xuất Bản Y Học Hồ Chí Minh, pp. 152.

  2. Bộ Y Tế (2015), "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết - chuyển hóa", Nhà Xuất Bản Y Học Hà Nội, pp. 275.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người