U máu ở trẻ: Những điều phụ huynh cần biết
Nội dung bài viết
U máu hay còn gọi là bướu mạch máu, là một dạng u lành tính (không phải ung thư) của mạch máu. Đây là u thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Chúng cũng thường được gọi là “Bớt trái dâu” (strawberry marks) dựa vào hình dáng của chúng. U ảnh hưởng 5% – 10% trẻ sơ sinh và thường gặp ở bé gái hơn bé trai. Phần lớn u máu ở trẻ không cần can thiệp điều trị bởi vì nó sẽ tự biến mất. Chỉ có khoảng 10-15% u máu cần can thiệp điều trị khi có hiện diện biến chứng ảnh hưởng đến các chức năng sống của trẻ.
1. Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng u máu
1.1 Phân loại và diễn tiến của u
Có 3 loại u máu được phân loại dựa vào hình dạng bên ngoài và đặc tính của u:
- U máu bề mặt (bớt trái dâu): thường gặp nhất, màu đỏ tươi, có thể khu trú (ở 1 chỗ) hoặc lan tỏa ra 1 vùng lớn hơn
- U máu sâu: có hình dạng giống vết bầm hoặc có màu xanh. Chẩn đoán khi khối u sưng lên rõ ràng, thường khi trẻ ở độ tuổi từ 2-4 tháng.
- Khối u máu hỗn hợp: tổn thương ở sâu dưới da và có nhuộm màu bề mặt.
Khối u xuất hiện vài ngày đến vài tuần đầu sau sinh, thường gặp nhất trong khoảng 3 tuần đầu. Trong vòng từ 2-6 tháng tiếp theo, u phát triển nhanh (giai đoạn tăng sinh), sau đó bắt đầu mờ dần và teo đi rất chậm (giai đoạn thoái triển). Đa số u sẽ biến mất khi trẻ đạt độ tuổi từ 3-5 tuổi.
1.2 Dấu hiệu và triệu chứng u máu
U có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở da. Trong đó mặt, da đầu, ngực và lưng là các vị trí bị ảnh hường nhiều nhất. Ngoài ra u còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác như:
- Gan
- Các cơ quan khác của hệ tiêu hóa (Dạ dày, ruột già….)
- Não
- Hệ hô hấp (Phổi….)
Đa số trẻ chỉ có 1 u máu. Tuy nhiên, một số ít trẻ có nhiều hơn 1 vị trí bị ảnh hưởng (gọi là u máu đa ổ). Nếu có trên 5 vị trí thì trẻ sẽ tăng nguy cơ có u máu ở các cơ quan nội tạng.
Ban đầu u xuất hiện dưới dạng vết bớt đỏ bề mặt phẳng, sau đó sẽ phát triển dần thành bướu xốp, giống cao su, màu đỏ tươi nhô ra khỏi bề mặt da. Đa số trẻ sẽ không có triệu chứng gì. Tùy vào kích thước, vị trí một số u có thể bị hở dẫn đến chảy máu, loét và các triệu chứng liên quan đến cơ quan bị ảnh hưởng. Ví dụ: U máu ở ống tiêu hóa hoặc gan có thể gây ra các triệu chứng như:
2. Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi cho u máu
U máu hình thành do nhiều mạch máu tập trung lại với nhau tạo thành đám lớn. Nguyên nhân các mạch máu tập trung thành đám như vậy đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được biết rõ. Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra các yếu tố thuận lợi có thể đưa đến hình thành u :
- Các tổn thương ở bánh nhau trong quá trình mang thai
- Tăng huyết áp ở mẹ lúc mang thai
- Đa thai hoặc mang thai khi mẹ lớn tuổi (thường trên 40 tuổi)
- Trẻ sinh non, nhẹ cân, da trắng và giới tính nữ
3. U máu được chẩn đoán như thế nào?
Trong đa số các trường hợp, u được chẩn đoán đơn thuần chỉ dựa trên việc quan sát tổn thương trong quá trình thăm khám và hỏi bệnh sử của trẻ. Trong một số ít trường hợp phức tạp hơn, u máu ở nội tạng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như:
- Siêu âm: xét nghiệm hình ảnh dùng sóng siêu âm để đánh giá kích thước và lưu lượng máu chảy qua khối u.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): cắt lớp độ phân giải cao cho thấy độ lớn của u và các cấu trúc nằm quanh khối u như cơ, thần kinh, xương và các mạch máu khác.
- Sinh thiết: thủ thuật ngoại khoa lấy 1 mẫu mô nhỏ từ khối u để xem các tế bào và cấu trúc mô bằng kính hiển vi.
4. Các phương án điều trị u máu
Phần lớn các u máu (khoảng 80%) sẽ biến mất khi trẻ ở độ tuổi từ 3-5 tuổi nên không cần can thiệp điều trị. Việc chỉ định điều trị được bác sĩ đặt ra nếu khối u:
- Ảnh hưởng đến chức năng sống của trẻ. Ví dụ: khối u ở hệ hô hấp gây cản trở đường thở hoặc u ở vị trí xung quanh mắt gây ảnh thưởng thị giác.
- Loét, nhiễm trùng hoặc bắt đầu chảy máu
- Làm biến dạng khuôn mặt trẻ hoặc các bộ phận khác của cơ thể
- Liên quan đến các tình trạng khác có thể có hại cho trẻ
Điều trị được khởi đầu bằng thuốc làm chậm sự phát triển của u hoặc thậm chí làm teo khối u. Phẫu thuật và liệu pháp laser có thể được chỉ định trong từng trường hợp cụ thể.
>> Laser có thể được chỉ định để chữa u máu, đọc ngay bài viết của bác sĩ về Laser trong thẩm mỹ: Có an toàn tuyệt đối?
4.1 Propanolol
Propanolol là liệu pháp điều trị hàng đầu dành cho u máu ở trẻ em. Nhiều chuyên gia y tế đã đồng ý về hiệu quả của nó trong điều trị bước đầu.
Propanolol, thuốc dùng đường uống, thuộc nhóm thuốc ức chế beta thường được sử dụng điều trị các tình trạng tim mạch như tăng huyết áp. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị u máu, Propanolol ngăn chặn và hạn chế sự phát triển của các mạch máu trong u và làm giảm các yếu tố gây tăng trưởng khối u.
Lưu ý: một số chống chỉ định không được sử dụng thuốc Propanolol: thuốc không được kê đơn cho trẻ em bị hen suyễn. Một số tác dụng phụ của thuốc cũng được ghi nhận như ngủ không ngon và hay gặp ác mộng.
4.2 Các thuốc khác
Bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc khác kết hợp với Propanolol hoặc thay thế nó. Bao gồm:
- Thuốc ức chế beta chọn lọc: ít tác dụng phụ hơn và hiện tại đang được nghiên cứu
- Thuốc ức chế beta dùng tại chỗ (Timolol): được dùng cho các khối u có kích thước nhỏ hơn.
- Liệu pháp kết hợp: trẻ em với các tổn thương phức tạp được khuyến cáo sử dụng 2 thuốc. Ví dụ: kết hợp giữa Propanolol với thuốc corticoid hoặc Timolol.
4.3 Phẫu thuật u máu ở trẻ
Ngày nay phẫu thuật ít được đặt ra do sự phát triển của các loại thuốc làm teo khối u. Trẻ có thể được chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp sau:
- U tác động đến các cơ quan có chức năng sinh tồn của trẻ. Vì vậy, phẫu thuật thì cần thiết để loại bỏ u
- Trẻ em có u máu bị loét
- U đã thoái triển (teo) nhưng còn để lại hậu quả. Ví dụ: các thay đổi ở da ảnh hưởng đến thẩm mỹ cần can thiệp phẫu thuật.
4.4 Liệu pháp laser
Liệu pháp laser chỉ định khi:
- U teo đi nhưng để lại tình trạng giãn mạch (laser giúp cải thiện làn da)
- Giảm đau ở bệnh nhân có tổn thương loét.
5. Chăm sóc trẻ có u máu tại nhà như thế nào?
Các bạn có thể thực hiện 1 số bước sau đây để chăm sóc tại nhà.
Da sẽ bị căng trong giai đoạn tăng sinh của u. Vì vậy, u ở 1 số vị trí như môi, đường tiết niệu sinh dục… có thể bị loét và chảy máu.
Các bước thực hiện:
- Giữ vùng da xung quanh u máu ẩm bằng các loại thuốc mỡ (pomat, ointment) bôi ở da không có hương liệu như là Aquaphor.
- Nhẹ nhàng rửa sạch các tổn thương bị chảy máu bằng nước và xà phòng
- Sử dụng thuốc kháng sinh bôi tại chỗ để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Gọi ngay cho bác sĩ nếu có bất kì dấu hiệu của khối u bị loét
Tóm lại, u máu là một dạng u lành tính, thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. U máu có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là da (mặt, da đầu, ngực và lưng là các vị trí thường gặp). Trong đa số các trường hợp, u máu không gây ra triệu chứng gì và không đòi hỏi điều trị. Phần lớn các vị phụ huynh thường đưa trẻ đến khám và điều trị vì vấn đề thẩm mỹ nhiều hơn là vấn đề sức khỏe. Bên cạnh đó cũng có 1 số hướng dẫn giúp phụ huynh chăm sóc trẻ có u máu tại nhà. Khi có bất kì lo lắng, thắc mắc gì về u máu và phương án điều trị cho bé, phụ huynh đừng ngần ngại bàn bạc với các y bác sĩ của mình nhé.
Bác sĩ Đặng Hoàng Thiên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
April Kahn, “Hemangioma”, 26/09/2019, https://www.healthline.com
Mayo clinic staff, “Hemangioma”, 15/05/2019, https://www.mayoclinic.org
Vascular Anomalies Center, “Hemangioma”, http://www.childrenshospital.org
Dr Jesus Cardenas, “Hémangiome de bébé: ce qu’il faut savoir”, 13/02/2018, https://www.doctissimo.fr
Yves Cambrai, “Hémangiome”, 07/2016, https://www.passeportsante.net