U nang hàm là gì? Triệu chứng, Chẩn đoán và Điều trị
Nội dung bài viết
U nang hàm là những rối loạn răng-hàm-mặt hiếm gặp cũng như cũng ít được biết đến. Vậy những khối u nang này là lành tính hay ác tính? Và biểu hiện như thế nào? Làm sao để chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị là gì? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo để biết thêm những thông tin bổ ích nhé.
1. Tổng quan về u nang hàm
Các khối u và nang ở hàm là những khối u hoặc tổn thương tương đối hiếm gặp. Các khối u hay nang này phát triển từ xương hàm hoặc các mô mềm trong miệng và mặt. Những bệnh lý ở hàm có thể rất thay đổi về kích thước cũng như mức độ nghiêm trọng. Những khối u này thường không phải ung thư, là khối u lành tính. Nhưng chúng có thể xâm lấn vào xương và mô xung quanh và có thể làm di lệch răng.
Các lựa chọn điều trị cho khối u nang hàm này rất đa dạng. Tùy thuộc vào loại u hay nang, giai đoạn phát triển và các triệu chứng của bạn. Bác sĩ răng-hàm-mặt có thể điều trị khối u, nang hàm bằng phương thức phẫu thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cần có sự kết hợp điều trị giữa phẫu thuật và nội khoa.
2. Nguyên nhân gây ra u nang hàm
Các khối u và nang ở hàm có nguồn gốc từ các tế bào và mô vùng răng miệng. Các mô này có liên quan đến sự phát triển bình thường của răng. Những khối u khác ảnh hưởng đến hàm có thể không phải là u răng. Có nghĩa là chúng có thể phát triển từ các mô khác trong hàm không liên quan đến răng.
Nói chung, nguyên nhân của các khối u và nang hàm vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số có liên quan đến các hội chứng di truyền.
Những người mắc hội chứng ung thư biểu mô tế bào đáy dạng nevoid, còn được gọi là hội chứng Gorlin-Goltz, thiếu gen ức chế khối u.
Đột biến gen gây ra hội chứng này là do di truyền. Hội chứng này dẫn đến sự phát triển của nhiều tế bào sừng ở hàm, nhiều bệnh ung thư da tế bào đáy và các triệu chứng khác.
3. Các triệu chứng u nang hàm
Khối u răng là biểu hiện của sự bất thường trong quá trình tăng sinh mô. U nang là một cấu trúc có chứa chất lỏng hoặc bán rắn. Dưới đây là những ví dụ thường gặp về u và nang, bao gồm:
U nguyên bào tủy.
- Đây là một khối u tương đối phổ biến, phát triển chậm, thường không phải là ung thư (lành tính).
- Nó phát triển thường xuyên nhất ở gần răng hàm. Và có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh như xương và mô mềm.
- Khối u này có thể tái phát sau khi điều trị. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị phẫu thuật tích cực thường sẽ làm giảm nguy cơ tái phát.
U hạt tế bào khổng lồ trung tâm.
- U hạt tế bào khổng lồ trung tâm là những tổn thương lành tính thường xảy ra ở phần trước của hàm dưới.
- Một số khối u này có thể phát triển nhanh chóng, có thể gây đau và phá hủy xương. Và đặc biệt có xu hướng tái phát sau khi điều trị bằng phẫu thuật.
- Một số khác thì ít hoạt động hơn và có thể không có triệu chứng.
- Hiếm khi, một khối u có thể thu nhỏ hoặc tự biến mất. Nhưng thông thường những khối u này cần điều trị phẫu thuật.
U nang giả.
- U nang này bắt nguồn từ mô bao quanh răng trước khi nó mọc vào miệng.
- Đây là dạng u nang phổ biến nhất ảnh hưởng đến hàm.
- Thông thường, những u nang này sẽ xảy ra xung quanh răng khôn chưa mọc hoàn toàn. Nhưng chúng cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác.
U nguyên bào sừng.
- U có xu hướng tái phát sau khi điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, u nang này thường lành tính và phát triển chậm này.
- Loại u này có thể phá hủy cấu trúc xung quanh. Thông thường u nang phát triển ở hàm dưới gần răng hàm thứ ba.
- Những u nang này cũng có thể được tìm thấy ở những người có tình trạng di truyền được gọi là hội chứng ung thư biểu mô tế bào đáy dạng nevoid.
Odontoma – U răng.
- Khối u lành tính này là khối u gây bệnh phổ biến nhất.
- Thể bệnh này thường không triệu chứng, nhưng có thể cản trở sự phát triển hoặc mọc răng.
- Khối u được hình thành từ mô răng phát triển xung quanh một chiếc răng trong hàm. Chúng có thể giống một chiếc răng có hình dạng kỳ dị hoặc là một khối vôi hóa.
- Những khối u này có thể là một trong những triệu chứng của một số hội chứng di truyền.
>> Tìm hiểu thêm Hướng dẫn khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương
Các loại u nang và khối u khác.
4. Chẩn đoán u nang hàm
Để có đủ thông tin cho việc chẩn đoán khối u hoặc nang hàm, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm trước khi điều trị. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm hình ảnh. Chẳng hạn như X-quang, CT hoặc MRI
- Sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ khối u hoặc nang để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Bác sĩ cần các thông tin này để đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất với bạn và lựa chọn hiệu quả nhất để điều trị khối u hoặc nang.
5. Điều trị
Các lựa chọn điều trị cho khối u và u nang hàm thì rất đa dạng. Tùy thuộc vào loại u, nang, giai đoạn phát triển của tổn thương và các triệu chứng của bạn. Các bác sĩ cũng xem xét mục tiêu điều trị và mong muốn cá nhân của bạn khi đưa ra đề xuất điều trị.
Điều trị các khối u hàm và nang thường cần can thiệp phẫu thuật. Trong một số trường hợp, điều trị có thể là điều trị nội khoa hoặc kết hợp phẫu thuật với điều trị nội khoa.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ khối u hoặc u nang hàm, có thể bao gồm việc loại bỏ răng, mô và xương hàm gần đó. Sau đó sẽ gửi nó đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Bác sĩ giải phẫu bệnh kiểm tra mô được gửi đến và trả kết quả chẩn đoán trong quá trình phẫu thuật để bác sĩ phẫu thuật có thể xử lý thông tin này ngay lập tức.
Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:
- Tái tạo xương hàm hoặc các cấu trúc khác.
- Điều trị nội khoa cho một số loại u và nang hàm.
- Chăm sóc hỗ trợ để giúp duy trì chất lượng cuộc sống của bạn. Bao gồm hỗ trợ về dinh dưỡng, nói và nuốt, và thay thế răng bị mất.
Các cuộc kiểm tra theo dõi suốt đời sau khi điều trị có thể giải quyết sớm bất kỳ sự tái phát nào của khối u và u nang hàm.
Khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng xương hàm mặt, người bệnh cần thăm khám bác sĩ kịp thời để phát hiện sớm khối u hàm mặt. Tránh tình trạng để u nang hàm phát triển gây ra những triệu chứng nặng và gây biến dạng khuôn mặt. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận phía bên dưới. Hoặc liên lạc trực tiếp đến bác sĩ răng hàm mặt để được giải đáp tận tình nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/search/search-results?q=Jaw%20tumors%20and%20cysts