Ung thư âm hộ: Cách nhận biết triệu chứng và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Âm hộ là vùng da phủ quanh lỗ tiểu và âm đạo, bao gồm âm vật, môi lớn và môi bé. Ung thư âm hộ thường biểu hiện nốt sùi hoặc vết loét ở vùng này và gây triệu chứng như ngứa hay đau rát. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh thường được chẩn đoán ở phụ nữ sau mãn kinh. Vậy bệnh có triệu chứng gì và có thể phòng ngừa không? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Triệu chứng của bệnh là gì?
Các triệu chứng của ung thư âm hộ thường không đặc trưng và dễ dàng nhầm lẫn với các bệnh khác. Các dấu hiệu đó có thể là:
- Ngứa vùng âm hộ dai dẳng.
- Đau, rát vùng âm hộ.
- Chảy máu không liên quan chu kỳ kinh nguyệt.
- Thay đổi màu sắc da vùng âm hộ hoặc có một vùng da dày lên.
- Sùi, một khối cứng hoặc vết loét vùng âm hộ.
Hãy đặt lịch khám với bác sĩ sản phụ khoa khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào hay các bất thường kéo dài khiến bạn lo lắng.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Thông thường, ung thư được biết là khối tế bào phát triển bất thường quá mức do đột biến gen tạo nên các khối u. Những tế bào tăng sinh này có thể hình thành khối ung thư, xâm lấn các mô lân cận và nặng nề hơn là di căn đến các cơ quan khác của cơ thể.
3. Các dạng của ung thư âm hộ
Dựa vào kết quả giải phẫu bệnh – kết quả phân tích mô và tế bào khối u, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị hiệu quả nhất. Những dạng thường gặp là:
- Ung thư tế bào vảy. Loại ung thư này bắt nguồn từ lớp tế bào vảy, một lớp tế bào mỏng nằm ở bề mặt âm hộ. Nó chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại ung thư âm hộ.
- Ung thư tế bào sắc tố. Loại ung thư này xuất phát từ tế bào sản xuất các đốm sắc tố tìm thấy ở vùng da âm hộ.
4. Yếu tố nào làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ?
4.1. Tuổi cao
Nguy cơ ung thư vùng âm hộ tăng theo tuổi, mặc dù nó có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Tuổi trung bình khi chẩn đoán bệnh là khoảng 65 tuổi. Cần đặc biệt chú ý các triệu chứng bất thường của vùng sinh dục ở phụ nữ từ độ tuổi tiền mãn kinh.
4.2. Nhiễm HPV (human papillomavirus)
HPV là tác nhân lây truyền qua đường tình dục phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Nhiễm HPV làm tăng nguy cơ của nhiều bệnh ung thư, như ung thư âm hộ và ung thư cổ tử cung. Trong độ tuổi hoạt động tình dục, chị em phụ nữ có thể phơi nhiễm với HPV và có khả năng tự thanh thải virus. Nhưng nếu virus tồn tại lâu, nó sẽ gây ra biến đổi tế bào và gây ra các tổn thương tiền ung thư hay ung thư.
>> Tìm hiểu thêm về bệnh lây truyền qua đường tình dục và nâng cao ý thức bảo vệ bản thân.
4.3. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, hút thuốc lá dù chủ động hay thụ động cũng làm tăng nguy cơ của nhiều loại ung thư khác như ung thư phổi, ung thư dạ dày…
4.4. Hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm miễn dịch
Dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch, những người ghép tạng, người nhiễm HIV hoặc các tình trạng suy giảm miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
4.5. Có tiền sử tiền ung thư hoặc loạn sản âm hộ
Các biến đổi tế bào biểu mô dạng tăng sinh là tình trạng tiền ung thư có thể diễn tiến thành ung thư. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ vùng mô bất thường. Sau đó, bệnh nhân tái khám định kỳ và theo dõi sự tiến triển của bệnh cũng như phát hiện sớm nếu chẳng may tiến triển thành ung thư.
4.6. Tình trạng bệnh lý ở da
Bệnh da lichen phẳng cũng có thể làm mỏng và ngứa da vùng âm hộ, tăng nguy cơ ung thư.
5. Phòng ngừa bằng cách nào?
5.1. Giảm nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư phụ khoa trong đó có vùng âm hộ, hãy giảm tối thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có HPV.
- Giảm số lượng bạn tình. Quan hệ tình dục với càng nhiều người càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV.
- Sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục. Bao cao su giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV nhưng không bảo vệ bạn hoàn toàn.
5.2. Tiêm vaccine chống HPV
Trẻ em và người lớn, bất kể giới tính đều nên cân nhắc tiêm vaccine HPV. Vaccine giúp bảo vệ bạn khỏi những chủng virus thường gây u nhú ở người, như ở vùng âm hộ, cổ tử cung và ung thư hậu môn (đối với nam giới).
5.3. Khám phụ khoa định kỳ
Các tổn thương ung thư phụ khoa khi được phát hiện sớm thì có tỷ lệ điều trị thành công càng cao. Do đó, các chị em nên khám phụ khoa định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần ngay cả khi không có triệu chứng. Khám phụ khoa sẽ quan sát được các vùng bất thường ở cơ quan sinh dục. Bác sĩ sẽ đề nghị thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư sớm nếu cần.
Ung thư âm hộ là một trong bệnh lý ung thư thường gặp ở phụ nữ, nhất là phụ nữ lớn tuổi. Tuy chưa biết nguyên nhân rõ ràng, nhưng có những yếu tố làm tăng nguy cơ đã biết và có thể thay đổi như hút thuốc lá hay nhiễm HPV. Để phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư âm hộ, chị em hãy tiêm ngừa vaccine HPV và thường xuyên khám phụ khoa định kỳ .
>> Ung thư âm đạo là một dạng ung thư phụ khoa hiếm gặp. Tuy vậy, nếu chẩn đoán ở giai đoạn trễ, bệnh có thể di căn và xâm lấn gây khó khăn trong điều trị. Vậy làm sao để nhận biết các triệu chứng của bệnh? Có yếu tố nào gây bệnh và phòng ngừa ra sao? Cùng YouMed tìm hiểu trong bài viết: Lưu ý của bác sĩ về những dấu hiệu ung thư âm đạo
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.