YouMed

Ung thư buồng trứng có chữa khỏi không? Điều trị như thế nào?

Sinh viên NGUYỄN HOÀNG YẾN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến
Chuyên khoa: Đa khoa

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ. Đặc biệt là phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Vậy ung thư buồng trứng có chữa khỏi không? Câu trả lời sẽ được Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến giải đáp qua bài viết sau đây. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Ung thư buồng trứng có chữa khỏi không?

Buồng trứng là một trong các cơ quan sinh sản ở phụ nữ. Buồng trứng phóng trứng (noãn) một lần mỗi tháng. Trứng đi từ buồng trứng qua các ống dẫn trứng vào tử cung, nơi trứng đã thụ tinh sẽ cư trú và phát triển thành thai nhi. Buồng trứng cũng là cơ quan cung cấp nội tiết tố nữ – estrogenprogesterone.1

Ung thư buồng trứng xảy ra khi các tế bào trong buồng trứng phát triển bất thường và ngoài tầm kiểm soát. Về phân loại, ung thư buồng trứng có đến hơn 30 loại. Tuy nhiên, có ba loại ung thư buồng trứng chính, đó là ung thư biểu mô, ung thư tế bào mầm và ung thư tế bào mô đệm.

Các tế bào ung thư phát triển ngoài tầm kiểm soát gây bệnh ung thư buồng trứng
Các tế bào ung thư phát triển ngoài tầm kiểm soát gây bệnh ung thư buồng trứng

Vậy ung thư buồng trứng có chữa khỏi không? Theo nghiên cứu, cứ 10 phụ nữ thì có khoảng 2 người bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối được chữa khỏi một cách hiệu quả và sống sót ít nhất 12 năm sau khi điều trị. Tuy nhiên, điều này còn ảnh hưởng bởi phản ứng của người bệnh với liệu pháp điều trị ung thư. Và cơ hội chữa khỏi bệnh còn phụ thuộc vào loại ung thư cùng với giai đoạn ung thư buồng trứng tại thời điểm chẩn đoán.2

Loại hay thường gặp nhất là ung thư biểu mô buồng trứng. Loại ung thư này thường xuất hiện ở phụ nữ hậu mãn kinh và có tiên lượng xấu. Hầu hết các ca tử vong vì ung thư buồng trứng là do ung thư buồng trứng biểu mô.2

Trong khi đó, ung thư tế bào mầm và mô đệm có tiên lượng tốt hơn nhiều so với loại ung thư biểu mô và thường có thể được chữa khỏi. Vì chúng có nhiều khả năng được phát hiện ở giai đoạn đầu và rất nhạy cảm với điều trị hoá chất.2 Ung thư tế bào mầm thường gặp ở đại đa số phụ nữ trẻ (từ dưới 20 – 30 tuổi).

Phác đồ điều trị ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng có chữa khỏi không còn tùy thuộc vào sự tuân thủ phác đồ điều trị. Và việc điều trị ung thư buồng trứng là sự phối hợp đa điều trị. Thông thường nhất là phẫu thuật và hóa trị liệu.

Phẫu thuật3

Ung thư buồng trứng được chẩn đoán (và xác định giai đoạn) thông qua phẫu thuật thăm dò. Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ loại bỏ tất cả các khối ung thư có thể nhìn thấy được. Trong hầu hết các trường hợp, có thể cần cắt bỏ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.

Phẫu thuật triệt để nhằm đảm bảo rằng càng nhiều ung thư được loại bỏ thì càng tốt. Đồng thời, ngăn ngừa ung thư lan rộng ra. Đối với những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn đầu và mức độ thấp, phẫu thuật thường đem lại hiệu quả và không cần điều trị thêm.

Xem thêm: Nên hỏi gì trước khi phẫu thuật/thủ thuật?

Phương pháp phẫu thuật có thể mang lại nhiều hiệu quả khả quan trong điều trị ung thư buồng trứng
Phương pháp phẫu thuật có thể mang lại nhiều hiệu quả khả quan trong điều trị ung thư buồng trứng

Hóa trị liệu3 4

Hóa trị là sử dụng thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Hóa trị nhắm vào các tế bào đang phát triển, can thiệp vào khả năng phân chia hoặc nhân lên của tế bào bất thường. Và vì hầu hết các tế bào bình thường không phát triển tích cực. Do đó, chúng không bị ảnh hưởng bởi hóa trị liệu như các tế bào ung thư.

Hầu hết phụ nữ bị ung thư buồng trứng được điều trị bằng hóa trị liệu. Sau khi ung thư được loại bỏ bằng phẫu thuật ở mức độ có thể. Vẫn có nguy cơ các tế bào ung thư vẫn còn và có thể quay trở lại hoặc di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy, hóa trị được thực hiện sau và đôi khi trước khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào này.

Hóa trị liệu giúp ngăn cơ hội để ung thư tái phát và giảm nguy cơ tử vong vì ung thư buồng trứng.

Xạ trị5

Đối với ung thư biểu mô buồng trứng: Xạ trị ít được áp dụng trong ung thư buồng trứng. Thông thường, xạ trị dùng để hậu phẫu các bệnh nhân giai đoạn đầu, không đáp ứng với hoá chất, hoặc điều trị vớt vát.

Đối với ung thư tế bào mầm buồng trứng: Xạ trị được cân nhắc trong vài tình huống đặc biệt khi bệnh nhân không có nhu cầu sinh con và không thể hóa trị được.

Với u tế bào mô đệm: Xạ trị có thể được dùng cho các trường hợp còn u sau phẫu thuật hoặc điều trị giảm nhẹ.

Người mắc bệnh ung thư buồng trứng cần chú ý gì?

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, ung thư buồng trứng có chữa khỏi không còn phụ thuộc vào dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Bởi chúng có thể tác động đến cơ hội thuyên giảm bệnh ung thư buồng trứng và nâng cao chất lượng sống.6

Chọn thức ăn nhẹ nhàng

Trong quá trình điều trị ung thư buồng trứng, hóa trị liệu sẽ gây ra tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Vì vậy, nhằm đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt giúp cơ thể chống lại ung thư khi thực hiện phương pháp điều trị này, bạn hãy lưu ý:

  • Thay vì ăn 2 – 3 bữa lớn bạn nên chia ra thành 5 – 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày.
  • Chọn thực phẩm không có mùi nặng.
  • Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo.
  • Uống nước trái cây, sữa tách béo giữa các bữa ăn.
  • Nằm đầu cao trong 30 phút sau khi ăn.
  • Uống thuốc trị buồn nôn theo quy định của bác sĩ.

Tập luyện đều đặn

Tập thể dục có liên quan đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư. Bao gồm: giảm đau, tăng sức mạnh, cũng như tăng chất lượng cuộc sống.

Để việc tập thể dục có hiệu quả hơn, bạn hãy:

  • Trở lại các hoạt động bình thường hàng ngày càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán và điều trị.
  • Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.
  • Bắt đầu vận động từ từ và tăng cường lượng hoạt động thể chất theo thời gian.
  • Duy trì ít nhất 150 phút hoạt động ở cường độ trung bình (đi bộ nhanh, đạp xe đạp, bơi) hoặc 75 phút mỗi tuần.
  • Chia ra thành các thời gian nhỏ để tập trong ngày, mỗi ngày 30 phút. Hoặc chia nhỏ ra 3 lần/ngày, mỗi lần 10 phút.
Hoạt động thể chất nhẹ nhàng và đều đặn sẽ giúp hỗ trợ quá trình điều trị ung thư buồng trứng
Hoạt động thể chất nhẹ nhàng và đều đặn sẽ giúp hỗ trợ quá trình điều trị ung thư buồng trứng

Quản lý các tác dụng phụ liên quan đến thời kỳ mãn kinh

Nếu phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, bệnh nhân sẽ đối diện với giai đoạn mãn kinh. Mãn kinh làm xuất hiện các triệu chứng như bốc hỏa, khô âm đạo, trầm cảm, đau khi quan hệ tình dục và giảm ham muốn tình dục.

Để giảm bớt những khó chịu trên, bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ về các phương pháp sau:

  • Liệu pháp thay thế hormone: Bổ sung hormone nữ dưới dạng miếng dán, viên nén hoặc gel estrogen.
  • Estrogen âm đạo: Thuốc này được đưa vào âm đạo của bạn dưới dạng kem, viên nén hoặc vòng. Thuốc sẽ giúp giảm bớt tình trạng khô âm đạo và cảm giác khó chịu khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, thuốc không giúp làm giảm các triệu chứng khác.
  • Thuốc chống trầm cảm như: citalopram, paroxetine và venlafaxine, giúp giảm cơn bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi.

Xem thêm: Liệu pháp nội tiết tố nữ thay thế: Những điều cần nên biết

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc ung thư buồng trứng có chữa khỏi không. Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, loại, mức độ ung thư và nhiều yếu tố khác. Do mỗi đối tượng là một tình huống bệnh khác nhau. Vì vậy, để biết rõ tình trạng của cơ thể, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What Is Ovarian Cancer?https://www.cancer.org/cancer/ovarian-cancer/about/what-is-ovarian-cancer.html#:~:text=What%20are%20the,of%20the%20uterus.

    Ngày tham khảo: 17/05/2022

  2. Can You Be Fully Cured of Ovarian Cancer?https://www.medicinenet.com/can_you_be_fully_cured_of_ovarian_cancer/article.htm

    Ngày tham khảo: 17/05/2022

  3. What Are the Treatments for Ovarian Cancer?https://www.webmd.com/ovarian-cancer/guide/understanding-ovarian-cancer-treatment

    Ngày tham khảo: 17/05/2022

  4. Chemotherapy for Ovarian Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/ovarian-cancer/treating/chemotherapy.html

    Ngày tham khảo: 17/05/2022

  5. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướuhttp://file.medinet.gov.vn/%2Fdata%2Fsoytehcm%5Csoytehcm%5Cattachments%2F2020_5%2Fhuong_dan_chan_doan_va_dieu_tri_mot_so_benh_ung_buou_295202011.pdf

    Ngày tham khảo: 17/05/2022

  6. How to Take Care of Yourself With Ovarian Cancerhttps://www.webmd.com/ovarian-cancer/ovarian-cancer-self-care

    Ngày tham khảo: 17/05/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người