Ung thư đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị
Nội dung bài viết
Ung thư đại tràng là căn bệnh phổ biến đứng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú (theo WHO 2018). Tỉ lệ mắc trung bình là 13,4/100000 dân, với tỷ lệ tử vong ngày càng gia tăng. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi, tuy nhiên gần đây theo ghi nhận của bệnh viện K đã xuất hiện các trường hợp mắc ung thư đại tràng ở lứa tuổi 20. Vậy, ung thư đại tràng là gì? Có thể chữa khỏi được không? Hãy để ThS.BS Trần Quốc Phong giúp bạn giải đáp thắc mắc ngay sau đây!
Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng là bệnh ung thư xuất hiện ở đại tràng (ruột già). Đại tràng là đoạn ruột nằm ở phần dưới của ống tiêu hóa, giữ vai trò hấp thu nước và cô đặc bã thức ăn để tạo phân trước khi thải ra ngoài cơ thể qua trực tràng và hậu môn.
Có nhiều phương pháp phân tích mà các bác sĩ sử dụng để phân giai đoạn ung thư đại tràng. Từ đó, họ sẽ cho bạn biết mức độ nặng nhẹ, tiên lượng sống sau 5 năm và phần trăm khả năng điều trị thành công căn bệnh này.
Các giai đoạn của ung thư đại tràng
- Giai đoạn 0: còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Trong giai đoạn này các tế bào bất thường chỉ nằm tại lớp niêm mạc trong cùng của đại tràng.
- Giai đoạn 1: ung thư đã xâm nhập xuyên qua lớp niêm mạc xuống các lớp bên dưới. Có thể khối u đã phát triển đến lớp cơ, nhưng không lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
- Giai đoạn 2: ung thư đã lan đến thành đại tràng hoặc xuyên qua thành để đến các mô lân cận. Nhưng không ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3: ung thư đã di chuyển đến hạch bạch huyết. Nhưng không di chuyển đến các phần khác của cơ thể.
- Giai đoạn 4: ung thư đã lan đến các cơ quan xa khác. Thường gặp ở gan hoặc phổi.
Nguyên nhân ung thư đại tràng
Khối u có thể hình thành do nhiều nguyên nhân:
Polyp đại tràng
Đây là nguyên nhân thường gặp. Theo một nghiên cứu, có đến 50% các trường hợp khối u đại tràng hình thành trên nền polyp sẵn có. Số lượng polyp càng nhiều, tỉ lệ ung thư hóa càng cao.
Các bệnh đại tràng mãn tính
Ung thư đại tràng có thể được hình thành trên nền một số bệnh như lỵ, amip, lao, giang mai, thương hàn và bệnh lý khác như viêm loét đại tràng mãn tính.
Chế độ ăn uống ít chất xơ, nhiều đạm và mỡ động vật
Chế độ ăn kém khoa học này làm biến đổi các vi khuẩn yếm khí tại đại tràng. Biến acid mật và cholesterol thành những chất gây ung thư. Đồng thời, chế độ ăn ít chất bã sẽ gây táo bón, lượng chất độc gây ung thư sẽ bị ứ đọng lại, cô đặc và tiếp xúc với niêm mạc ruột lâu hơn. Chế độ ăn giàu đạm kích thích một số chất phân hủy đạm hoạt động như indol, seatol, piridin. Đây là những chất gây ung thư trên thực nghiệm.
Yếu tố di truyền
Ung thư đại tràng có thể hình thành do đột biến gene trong gia đình. Những đột biến này không đảm bảo bạn sẽ phát triển một khối u đại tràng, nhưng nó làm tăng nguy cơ mắc của bạn!
Triệu chứng ung thư đại tràng
Bệnh có thể xuất hiện mà không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Nếu có, các triệu chứng có thể là:
Đau bụng
Xuất hiện sớm nhất và hiện diện ở 70-80% bệnh nhân.
Hoàn cảnh khởi phát cơn đau không theo một chu kỳ hay quy luật nào. Đau ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn, vị trí thường tại nơi có khối u. Thời gian cơn đau kéo dài thay đổi, có thể dài hoặc ngắn. Mức độ đau ngày càng tăng dần.
Triệu chứng đau điển hình hơn khi khối u lớn dần gây hội chứng bán tắc ruột: đau bụng từng cơn có thể kèm sôi bụng, trung tiện được thì hết đau. Khi tắc ruột hoàn toàn, các dấu hiệu đau sẽ rõ ràng hơn: đau bụng từng cơn với số cơn ngày càng dày; bí trung – đại tiện, bụng chướng dần (căng to, cứng chắc).
Táo bón
Thường gặp nhiều hơn tiêu chảy, đôi khi là táo bón xen kẽ tiêu chảy. Triệu chứng này kéo dài làm người bệnh khó chịu, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi. Người bệnh có thể có đáp ứng hiệu quả với thuốc nhuận tràng, nhưng nếu ngưng thì vẫn táo bón trở lại.
Tiêu chảy
Nguyên nhân gây tiêu chảy thường do táo bón làm khối phân ứ lại trong lòng đại tràng, làm tăng quá trình lên men, sinh hơi, thối rữa và tăng bài tiết chất nhầy. Những chất nhầy này sẽ gây tiêu lỏng, phân lẫn nhầy, đôi khi có máu theo phân.
Thay đổi màu phân (đen, có máu)
Phân thường có máu do chảy máu tại vị trí khối u. Tiêu máu xuất hiện do khối u nằm bên phải nhiều hơn bên trái. Phân có máu thường kèm theo chất nhầy tiết ra từ niêm mạc ruột.
Màu sắc của máu cũng khác nhau tùy theo vị trí khối u. Khối u nằm ở đại tràng phải máu đỏ sẫm, đại tràng trái máu đỏ tươi. Xuất huyết rỉ rả nên lúc đầu chưa làm ảnh hưởng sức khỏe người bệnh, nhưng lâu ngày sẽ gây thiếu máu.
Thay đổi hình dạng phân
Phân dẹt hơn nếu khối u cũng xuất hiện ở vùng trực tràng.
Các triệu chứng ở giai đoạn muộn (3 hoặc 4)
- Mệt mỏi quá mức.
- Giảm cân không chủ ý: có thể sụt cân từ từ hoặc sụt cân nhanh do khối u lấy chất dinh dưỡng. Kèm theo chán ăn, mệt mỏi.
- Những thay đổi tính chất phân kéo dài trên một tháng.
- Cảm giác đầy bụng.
- Nôn mửa.
Nếu ung thư đại tràng di căn đến các phần khác của cơ thể, người bệnh cũng có thể gặp:
- Vàng da, vàng mắt.
- Sưng ở bàn tay hoặc bàn chân.
- Khó thở.
- Đau đầu kinh niên.
- Mờ mắt.
- Gãy xương.
Chẩn đoán ung thư đại tràng
Bệnh được chẩn đoán càng sớm, khả năng chữa khỏi bệnh càng cao. Theo tạp chí Y khoa Anh (BMJ), khuyến nghị khám sàng lọc cho những người từ 50 đến 79 tuổi.
Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân được khuyến cáo thực hiện 1 đến 2 năm một lần. Mục đích xét nghiệm phân là tìm máu ẩn trong phân. Có hai loại chính là xét nghiệm máu ẩn trong phân dựa trên guaiac (gFOBT) và xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân (FIT).
Xét nghiệm máu
Các bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng của người bệnh. Các xét nghiệm chức năng gan và công thức máu hoàn chỉnh hỗ trợ phát hiện hoặc loại trừ các bệnh và rối loạn khác.
Xét nghiệm các dấu ấn ung thư
Xét nghiệm nồng độ CEA và CA 19.9 thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại tràng.
Nội soi đại tràng sigma
Cho phép bác sĩ kiểm tra phần cuối cùng của đại tràng, gọi là đại tràng sigma. Thủ thuật “nội soi đại tràng sigma linh hoạt” dùng một ống mềm có đèn chiếu vào.
Nội soi đại tràng
Nội soi sử dụng một ống dài có gắn camera nhỏ. Quá trình này giúp bác sĩ quan sát toàn bộ ruột già và trực tràng để phát hiện các bất thường. Kỹ thuật này thường được thực hiện sau khi phát hiện bạn có nguy cơ mắc ung thư đại tràng bằng các xét nghiệm ít xâm lấn hơn.
Trong quá trình nội soi, các bác sĩ có thể cắt một mẩu mô đại tràng để gửi đến phòng thí nghiệm phân tích.
Trong số các phương pháp hiện có, nội soi đại tràng sigma và nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện nhanh các khối u lành tính và khối ung thư đại – trực tràng.
Chụp X-quang
Bác sĩ đưa chất lỏng chứa Bari vào đại tràng của người bệnh. Khi đến đúng vị trí, lớp dung dịch thuốc Bari này sẽ phủ lên niêm mạc đại tràng. Từ đó cải thiện đáng kể hình ảnh x-quang.
Chụp CT
Chụp CT cung cấp cho bác sĩ hình ảnh chi tiết về đại tràng của người bệnh. Chụp CT được sử dụng để chẩn đoán ung thư đại tràng còn được gọi là “nội soi đại tràng ảo”.
Ung thư đại tràng có chữa được không?
Nếu phát hiện sớm, bệnh có tỷ lệ được chữa khỏi khá cao. Quá trình điều trị phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: tình trạng sức khỏe tổng thể và giai đoạn ung thư.
Phẫu thuật
Trong giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, các bác sĩ có thể loại bỏ polyp thông qua phẫu thuật. Nếu polyp không dính sát vào thành ruột thì tiên lượng rất tốt.
Nếu khối u đã xâm lấn vào thành ruột, các bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ một phần ruột chứa khối u và các hạch lân cận. Sau đó nối các đoạn ruột lành lại với nhau.
Khi ở giai đoạn muộn, có thể bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng và mở hậu môn nhân tạo ra thành bụng. Lỗ mở thông này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Hóa trị liệu
Liên quan đến việc sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được tiến hành sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn tồn tại. Đồng thời kiểm soát sự phát triển của các khối u. Tuy nhiên, hóa trị thường đi kèm tác dụng phụ và cần được kiểm soát bằng các thuốc kết hợp bổ sung.
Xạ trị
Sử dụng một chùm năng lượng mạnh, ví dụ như tia X để nhắm vào mục tiêu và tiêu diệt tế bào ung thư trước và sau khi phẫu thuật. Xạ trị thường được thực hiện cùng lúc với hóa trị.
Các loại thuốc khác
Các liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch cũng có thể được khuyến nghị. Thuốc có thể điều trị ung thư đại tràng di căn hoặc giai đoạn cuối mà không đáp ứng với các loại điều trị khác.
Bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống sau 5 năm cho tất cả các giai đoạn của ung thư đại tràng ước tính trung bình là 63% dựa trên theo dữ liệu từ 2009 đến 2015. Tỷ lệ này có thể nâng cao hơn nhờ phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ điều trị.
Tiên lượng sống sau 5 năm theo từng giai đoạn ung thư là:
- Giai đoạn I: 90%
- Giai đoạn II: 80 – 83%
- Giai đoạn III: 60%
- Giai đoạn IV: 11%
Theo một nghiên cứu đến từ Đại học Texas, thời gian sống trung bình ở bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn IV là 30 tháng.
Tầm soát ung thư đại tràng
Đây là căn bệnh phổ biến với tỷ lệ tử vong cao. Tầm soát ung thư từ sớm không chỉ giúp ích cho bản thân người bệnh trong quá trình điều trị mà còn giúp cho gia đình và xã hội giảm nhẹ nhiều gánh nặng.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khuyến khích nên tầm soát định kỳ ở bệnh nhân trên 30 tuổi ở cả nam và nữ. Đặc biệt là những người trong gia đình có người thân mắc ung thư đại tràng. Khoảng cách tầm soát nội soi đại tràng khuyến cáo là 5 năm/lần. Cần cắt bỏ polyp nếu phát hiện để phòng ngừa ung thư.
Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân nên được thực hiện định kỳ hằng năm. Nếu xét nghiệm dương tính cần tiến hành nội soi đại tràng ngay.
Ung thư đại tràng là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm, đã và đang ngày càng lan rộng do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Dù tỷ lệ mắc và tử vong cao, nhưng khả năng chữa khỏi cũng không ít nếu phát hiện sớm. Tầm soát ung thư đại tràng là việc làm vô cùng cần thiết, đặc biệt với người trên 50 tuổi.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Colorectal (Colon) Cancerhttps://www.healthline.com/health/colon-cancer
Ngày tham khảo: 01/05/2021