YouMed

Ung thư đại tràng giai đoạn 1: Triệu chứng và cách điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lương Huy - Chuyên khoa Ung bướu
Tác giả: ThS.BS.CKI Phan Lương Huy
Chuyên khoa: Ung bướu

Theo tỉ lệ ước tính trong năm 2023, ung thư đại tràng là loại ung thư phổ biến thứ 4 trên thế giới, chỉ sau ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi. Giai đoạn 1 của ung thư đại tràng có những dấu hiệu gì? Khả năng chữa khỏi và tiên lượng sống như thế nào? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phan Lương Huy tìm hiểu về ung thư đại tràng giai đoạn 1 qua bài viết sau nhé. 

Ung thư đại tràng giai đoạn 1 là gì?

Ung thư đại tràng giai đoạn 1 là ung thư đã phát triển xuyên qua niêm mạc và xâm lấn lớp cơ của đại tràng, nhưng chưa lan vào các mô hoặc các hạch bạch huyết lân cận.

Hệ thống TNM là một công cụ dùng để xác định giai đoạn của ung thư dựa trên các tiêu chí:1

  • Đặc điểm của khối u (T – Tumour): Kích thước của khối u và mức độ xâm lấn của nó.
  • Hạch bạch huyết lân cận (N – Nodes): Khối u đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay chưa?
  • Di căn xa (M – Metastasis): Tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác của cơ thể hay chưa?

Theo hệ thống TNM, giai đoạn 1 của ung thư đại tràng được xác định như sau:1

  • T1 hoặc T2: Khối u đã phát triển đến lớp dưới niêm mạc (T1) hoặc đã xâm lấn đến lớp cơ dày (T2).
  • N0: Tế bào khối u chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
  • M0: Ung thư chưa di căn xa.
Giai đoạn 1 của ung thư đại tràng (T1 hoặc T2, N0, M0)
Giai đoạn 1 của ung thư đại tràng (T1 hoặc T2, N0, M0)

Triệu chứng ung thư đại tràng giai đoạn đầu

Các dấu hiệu của ung thư giai đoạn đầu có thể không xuất hiện hoặc xuất hiện không rõ ràng. Các triệu chứng của ung thư đại tràng cũng không đặc trưng. Có thể nhầm lẫn căn bệnh với một số tình trạng phổ biến khác không phải ung thư như bệnh trĩ hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS).1

Bệnh nhân có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh đã trở nặng. Do đó, người bệnh cần cảnh giác và gặp bác sĩ khi có những dấu hiệu nghi ngờ. Ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng sau đây có thể xuất hiện, bao gồm:

  • Thay đổi thói quen đại tiện, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Thay đổi màu sắc hoặc hình dạng của phân.
  • Đi ngoài ra máu.
  • Chảy máu trực tràng.
  • Đầy hơi.
  • Đau bụng.
Thay đổi thói quen đại tiện là một trong những dấu hiệu của ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Thay đổi thói quen đại tiện là một trong những dấu hiệu của ung thư đại tràng giai đoạn đầu

Ung thư đại tràng giai đoạn 1 có chữa được không?

Cũng như các loại bệnh ung thư khác, ung thư đại tràng nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu và điều trị kịp thời thường có kết quả điều trị tốt nhất và tiên lượng sống sau 5 năm cao nhất. Ở giai đoạn 1, khối u chỉ khu trú ở đại tràng và chưa ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể. Do đó, có thể loại bỏ hoàn toàn khối u nếu phát hiện sớm.

Chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn 1

Có nhiều xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán ung thư đại tràng. Bác sĩ có thể xem xét các yếu tố sau đây khi lựa chọn xét nghiệm dùng trong chẩn đoán:

  • Loại ung thư nghi ngờ.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng.
  • Tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
  • Tiền sử bệnh và tiền sử gia đình.
  • Kết quả kiểm tra trước đó.

Các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư đại tràng:1

1. Nội soi đại tràng

Phương pháp này sử dụng một ống nội soi có gắn một camera nhỏ đưa vào đại tràng qua đường hậu môn. Từ đó cho phép bác sĩ có thể quan sát được các tổn thương bên trong đại tràng qua hình ảnh thu được.

2. Sinh thiết

Sinh thiết là lấy một lượng mô nhỏ ở vị trí nghi ngờ để kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp chẩn đoán xác định có ung thư đại tràng hay không trong khi các xét nghiệm khác chỉ giúp gợi ý rằng có ung thư. Sinh thiết thường được thực hiện trong quá trình nội soi đại tràng.

3. Xét nghiệm dấu ấn sinh học khối u

Tiến hành các xét nghiệm trên mẫu khối u để xác định các gen, protein cụ thể và các yếu tố khác chỉ có ở khối u. Kết quả xét nghiệm có thể giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị.

4. Xét nghiệm máu

Bệnh nhân ung thư đại tràng có thể bị thiếu máu do khối u gây xuất huyết dài ngày. Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) có thể cho biết được người bệnh có đang bị thiếu máu hay không.

5. Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT)

Có thể được sử dụng để đo kích thước khối u hoặc kiểm tra sự di căn của khối u đến gan, phổi hoặc các cơ quan khác. Chụp CT thường được thực hiện trước khi phẫu thuật.

6. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp xét nghiệm hình ảnh tốt nhất để tìm ra vị trí khối u phát triển và có thể được dùng để đo kích thước khối u.

7. Siêu âm

Dùng để đánh giá mức độ xâm lấn của khối u. Tuy nhiên, xét nghiệm này không thể phát hiện được chính xác liệu khối u đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay chưa.

8. Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Phương pháp này ít được sử dụng để chẩn đoán ung thư đại tràng. Nó chỉ được bác sĩ chỉ định thực hiện trong một số trường hợp cụ thể. Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ được sử dụng phổ biến hơn.

Xem thêm: Những cách tầm soát ung thư đại tràng bạn có thể chưa biết

Cách điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu

Việc đưa ra kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân cần phải xem xét các yếu tố sau đây:

  • Các tình trạng bệnh lý khác của bệnh nhân.
  • Sức khỏe tổng thể của người bệnh.
  • Tác dụng không mong muốn tiềm ẩn của kế hoạch điều trị.
  • Các loại thuốc khác người bệnh đang sử dụng.
  • Tình trạng dinh dưỡng của người bệnh.

Ở giai đoạn 1, ung thư đã phát triển đến lớp cơ của thành đại tràng. Khối u vẫn chưa xuyên qua thành đại tràng và lan ra các khu vực lân cận.

Polyp đại tràng là khối mô nhỏ phát triển từ lớp niêm mạc của đại tràng. Đa số polyp là vô hại nhưng một số có thể phát triển thành ung thư đại tràng. Nếu phát hiện bệnh nhân có polyp và đã được cắt bỏ hoàn toàn trong quá trình nội soi, không có các tế bào khối u ở cạnh phần ở cắt bỏ thì không cần điều trị gì thêm.

Nếu polyp đại tràng có nguy cơ cao phát triển thành ung thư hoặc có tế bào ung thư ở rìa polyp thì bệnh nhân cần được phẫu thuật. Ngoài ra, nếu polyp không thể cắt bỏ hoàn toàn trong quá trình nội soi và khó phát hiện có tế bào ung thư ở cạnh thì bệnh nhân vẫn cần được phẫu thuật.

Đối với bệnh nhân ung thư đại tràng không có polyp, cắt bỏ một phần đại tràng chứa khối u và các hạch bạch huyết lân cận là phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Người bệnh không cần phải điều trị bổ trợ ở giai đoạn này. Việc phẫu thuật cắt đại tràng có thể thực hiện bằng nội soi hoặc mổ hở.2

Xem thêm: Bệnh nhân mắc ung thư đại tràng có chữa được không?

Phẫu thuật là phương pháp điều trị tiêu chuẩn của ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Phẫu thuật là phương pháp điều trị tiêu chuẩn của ung thư đại tràng giai đoạn đầu

Tiên lượng sống ung thư đại tràng giai đoạn 1

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư đại tràng ở Hoa Kỳ là 65%.1 Tỷ lệ sống sót của căn bệnh ung thư đại tràng thay đổi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh và hiệu quả điều trị.

Đối với giai đoạn 1 của ung thư đại tràng, khối u vẫn còn khu trú bên trong đại tràng. Do đó tiên lượng sống sau 5 năm của giai đoạn này là cao nhất – khoảng 91%.1 Vì vậy, nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, cơ hội sống sót của bệnh nhân là rất cao.

Ung thư đại tràng giai đoạn 1 có tái phát lại không?

Ung thư đại tràng giai đoạn đầu nếu điều trị kịp thời đều có tiên lượng sống cao và có nguy cơ tái phát thấp. Phát hiện và điều trị bệnh càng sớm thì khả năng tái phát ung thư càng thấp. Theo một nghiên cứu ở trên 434 bệnh nhân trải qua phẫu thuật để điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 1, chỉ có 20 bệnh nhân tái phát (chiếm tỷ lệ 4,6%).3

Mặc dù nguy cơ tái phát sau phẫu thuật là không cao. Nhưng người bệnh vẫn cần theo dõi định kỳ để phát hiện sớm đề phòng trường hợp tái phát. Bác sĩ nên khuyến khích người bệnh thay đổi thói quen sinh hoạt để giảm nguy cơ tái phát. Chẳng hạn như ngừng hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống lành mạnh,…

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về ung thư đại tràng giai đoạn 1. Ở giai đoạn này, người bệnh có tiên lượng sống sau 5 năm là cao nhất. Tuy vậy, phần lớn căn bệnh được phát hiện khi đã tiến triển nặng. Do đó, tầm soát ung thư đại tràng là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt ở người từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ trung bình.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Colorectal Cancerhttps://www.cancer.net/cancer-types/colorectal-cancer

    Ngày tham khảo: 13/09/2023

  2. Treatment of Colon Cancer, by Stagehttps://www.cancer.org/cancer/types/colon-rectal-cancer/treating/by-stage-colon.html

    Ngày tham khảo: 13/09/2023

  3. Clinicopathologic Factors Affecting Recurrence after Curative Surgery for Stage I Colorectal Cancerhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3296942/

    Ngày tham khảo: 13/09/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người