YouMed

Cùng bác sĩ tìm hiểu về bệnh ung thư hạch bạch huyết

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Ung thư hạch bạch huyết (u hạch / u lympho) là bệnh lý huyết học ác tính. Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2018, trên thế giới có gần 510.000 người mắc mới (chiếm gần 6%) và gần 250.000 người tử vong (chiếm gần 2,6%). Tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 3.500 trường hợp mới mắc (chiếm gần 2,3%) và hơn 2.100 trường hợp tử vong, đứng hàng thứ 14 trong các loại ung thư. Đây quả là một con số giật mình về số người tử vong do ung thư hạch. “Biết sớm một chút, cứu sống một đời.” Hãy cùng nhau tìm hiểu về ung thư hạch bạch huyết ngay hôm nay! 

Ung thư hạch bạch huyết là gì?

Hệ thống bạch huyết là một chuỗi các hạch và mạch bạch huyết dẫn lưu chất lỏng khắp cơ thể. Dịch bạch huyết chứa các tế bào bạch cầu chống sự nhiễm trùng. Các hạch bạch huyết hoạt động như một bộ lọc, bắt giữ và tiêu diệt vi khuẩn và vi rút để ngăn sự nhiễm trùng lây lan.

Trong khi hệ thống bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể của bạn, các tế bào bạch huyết cũng có thể trở thành ung thư. Tên của các bệnh ung thư xảy ra trong hệ thống bạch huyết là u lympho (hay ung thư hạch bạch huyết).

Các bác sĩ đã phân lập hơn 70 loại ung thư là u lympho. Các u lympho có thể ảnh hưởng đến bất kỳ thành phần nào của hệ thống bạch huyết, bao gồm:

  • Tủy xương
  • Tuyến ức
  • Lách
  • Amidan
  • Hạch bạch huyết
ung thư hạch bạch huyết
Hệ thống và chức năng hạch bạch huyết

Các loại ung thư hạch bạch huyết

Các bác sĩ thường chia u hạch thành hai loại chính là ung thư hạch Hodgkin và ung thư hạch không Hodgkin (NHL). Một nhà nghiên cứu bệnh học vào những năm 1800 tên là Tiến sĩ Thomas Hodgkin đã xác định được loại tế bào trong bệnh cảnh mà ngày nay được gọi là ung thư hạch Hodgkin, vì vậy nó được mang tên ông.

Những người bị ung thư hạch Hodgkin có các tế bào ung thư lớn được gọi là tế bào Reed-Sternberg (RS). Những người bị NHL thì không có những tế bào này.

Nguyên nhân ung thư hạch bạch huyết

Các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân nào gây ra ung thư hạch bạch huyết. Nhưng chúng ta được biết nó bắt đầu khi một loại tế bào bạch cầu chống sự nhiễm trùng (hay còn được gọi là tế bào lympho) phát triển một đột biến di truyền. Đột biến này khiến tế bào nhân lên nhanh chóng. Đồng thời chúng sản sinh ra nhiều tế bào lympho đột biến khác, cứ thế chúng tiếp tục nhân lên.

Vòng đời của một tế bào là có hạn và tế bào sẽ chết. Đột biến cũng cho phép các tế bào lympho này tiếp tục sống trong khi các tế bào bình thường khác đều chết đi. Điều này gây ra việc quá nhiều tế bào lympho bị bệnh. Không những thế, chúng còn hoạt động kém hiệu quả. Khi tế bào lympho ung thư có mặt với mật độ dày đặc trong mạng bạch huyết của bạn, điều này làm cho các hạch bạch huyết, lá lách và gan của bạn có thể sưng lên.

Dấu hiệu của ung thư hạch bạch huyết

1. Các vị trí dễ phát hiện u hạch:

Không phải lúc nào ung thư hạch bạch huyết cũng biểu hiện bằng các triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh. Thay vào đó, bác sĩ có thể phát hiện ra các hạch bạch huyết tăng sinh qua một cuộc kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. Chúng có thể tạo  cảm giác giống như những nốt sần nhỏ, mềm dưới da. Một người có thể cảm thấy các hạch có vẻ lớn hơn ở các vị trí:

  • Cổ
  • Phần trên của ngực
  • Nách
  • Bụng
  • Bẹn
ung thư hạch bạch huyết
Hạch nổi ở cổ

2. Các triệu chứng sớm của u hạch:

Nhiều triệu chứng của ung thư hạch giai đoạn đầu là không đặc hiệu. Điều đó khiến chúng dễ bị bỏ qua. Các triệu chứng sớm phổ biến của ung thư hạch bạch huyết bao gồm:

  • Đau trong xương
  • Ho
  • Mệt mỏi
  • Lá lách to
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Đau khi sử dụng rượu
  • Phát ban ở các nếp gấp da
  • Khó thở
  • Ngứa
  • Đau bụng
  • Sụt cân không giải thích được

Bởi vì các triệu chứng của ung thư hạch bạch huyết thường dễ bị bỏ qua, khó phát hiện và vì thế khó chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu. Điều quan trọng là cần biết các triệu chứng có thể bắt đầu thay đổi như thế nào khi bệnh ung thư trở nên trầm trọng hơn.

Các phương pháp điều trị

1. Những yếu tố tác động đến việc điều trị:

Cần có một đội ngũ gồm nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực y tế khác nhau để hợp tác điều trị ung thư hạch bạch huyết. Bác sĩ chuyên khoa huyết học là những bác sĩ chuyên về máu, tủy xương và các rối loạn của tế bào miễn dịch. Bác sĩ chuyên khoa ung bướu chuyên điều trị các khối u ung thư. Các bác sĩ chuyên về giải phẫu bệnh học có thể làm việc với các bác sĩ trên để hỗ trợ lập kế hoạch điều trị và giúp xác định xem liệu một phương pháp điều trị cụ thể nào đó có khả năng đem lại hiệu quả hay không.

Phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn ung thư. Các bác sĩ sẽ “phân giai đoạn” một khối u để biểu thị mức độ lan rộng của các tế bào ung thư. Khối u giai đoạn 1 chỉ giới hạn ở một vài hạch bạch huyết, trong khi khối u ở giai đoạn 4 đã di căn đến các cơ quan khác, chẳng hạn như phổi hoặc tủy xương.

Các bác sĩ cũng “phân loại” các khối u hạch không Hodgkin (NHL) theo tốc độ phát triển của chúng. Các điều kiện phân loại này bao gồm:

  • cấp độ thấp hoặc lành tính
  • cấp độ trung bình hoặc ác tính
  • cấp độ cao hoặc rất ác tính

2. Những phương pháp điều trị u hạch:

Điều trị ung thư hạch Hodgkin bao gồm xạ trị để thu nhỏ và tiêu diệt các tế bào ung thư. Đồng thời, các bác sĩ cũng có thể kê thêm thuốc hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Hóa trị và xạ trị cũng được sử dụng để điều trị ung thư không Hodgkin (NHL). Các liệu pháp sinh học nhắm vào các tế bào B bị ung thư cũng có thể đem lại hiệu quả. Một ví dụ về loại thuốc này có thể kể đến là rituximab.

Trong một số trường hợp, cấy ghép tủy xương hoặc tế bào gốc được sử dụng để hình thành nên hệ thống tế bào miễn dịch khỏe mạnh. Các bác sĩ có thể thu lấy các tế bào hoặc mô này trước khi bắt đầu điều trị hóa trị và xạ trị. Người thân là đối tượng có thể hiến tặng tủy xương.

Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu?

Dự đoán khả năng lành bệnh và phục hồi của một cá nhân sau khi được chẩn đoán ung thư hạch phụ thuộc vào giai đoạn và loại ung thư hạch. Nhiều loại ung thư hạch có thể điều trị được và khả năng chữa khỏi cao. Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy.

Một số loại ung thư hạch cũng phát triển chậm, hoặc không phát triển. Trong trường hợp này, các bác sĩ có thể chọn không điều trị. Bởi vì dự đoán trong tương lai, với những ca ung thư hạch này, tổng thể vẫn tốt về lâu dài.

Tỷ lệ sống sót sau năm năm đối với ung thư hạch Hodgkin giai đoạn 1 là 90 phần trăm; Cho giai đoạn 4, là 65 phần trăm. Đối với ung thư hạch không Hodgkin (NHL), tỷ lệ sống sót sau năm năm là 70 phần trăm; Tỷ lệ sống sót sau 10 năm là 60 phần trăm.

Ung thư hạch bạch huyết (hay còn gọi là u hạch/ u lympho/ lymphoma) là một loại ung thư với tỉ lệ mắc cao. U hạch có nhiều dạng bệnh khác nhau, biểu hiện ở nhiều cơ quan. Đồng thời, bệnh có khả năng phát hiện sớm thấp, dễ nhầm lẫn với các loại ung thư khác vì triệu chứng mơ hồ. Ung thư hạch rất nguy hiểm vì chúng tàn phá hệ miễn dịch cũng như có khả năng di căn đến bất kỳ cơ quan, vị trí nào khác trên cơ thể một cách nhanh chóng. Hãy cùng tìm hiểu và đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy có bất thường nghi ngờ ung thư hạch để không bỏ lỡ thời gian điều trị vàng, bạn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/lymphoma#symptoms
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lymphoma/symptoms-causes/syc-20352638
  3. https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/con-so-giat-minh-ve-nguoi-tu-vong-do-ung-thu-hach

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người