Ung thư Kaposi: Chứng ung thư hiếm gặp bạn cần lưu ý
Nội dung bài viết
Ung thư Kaposi là loại ung thư hiếm gặp thường xuất hiện ở nhiều vị trí trên da và xung quanh 1 trong các vùng sau như mũi, miệng, cơ quan sinh dục và hậu môn. Ngoài ra ung thư cũng có thể phát triển ở các cơ quan nội tạng. Nguyên nhân của ung thư do nhiễm vi-rút Herpes 8 ở người (Human herpesvirus 8 – HHV8). Ung thư Kaposi chia làm vài loại khác nhau. Loại thường gặp nhất có liên quan đến nhiễm HIV giai đoạn tiến triển.
1. Ung thư Kaposi là gì?
Ung thư Kaposi là 1 loại ung thư hiếm gặp nằm trong nhóm sarcoma mô mềm. Ung thư hình thành ở lớp lót của mạch máu và mạch bạch huyết. Tổn thương thường xuất hiện dưới dạng các đốm màu tím không đau trên da vùng mặt, chân, và bàn chân. Trong ung thư thể nặng, tổn thương có thể phát triển ở ống tiêu hóa và phổi.
Nguyên nhân gây nên ung thư Kaposi là do nhiễm vi-rút HHV8. Ở người khỏe mạnh, nhiễm HHV8 thường không có triệu chứng do hệ miễn dịch đã kiểm soát được nó. Tuy nhiên, đối với người suy giảm chức năng hệ miễn dịch, HHV8 có khả năng gây ra ung thư.
2. Ung thư Kaposi có những loại nào?
2.1. Liên quan đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải
Đây là loại ung thư Kaposi thường gặp nhất. Người bị nhiễm vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người (Human immunodeficiency virus -HIV), gây nên AIDS, có nguy cơ bị ung thư cao nhất. Hệ miễn dịch bị tổn thương do HIV làm cho các tế bào nhiễm HHV8 tăng sinh. Qua cơ chế chưa được xác định rõ, tổn thương điển hình của ung thư được hình thành. Kiểm soát nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi-rút có tác động lớn đến sự phát triển của ung thư Kaposi.
2.2. Cổ điển
Đa số gặp ở người lớn tuổi vùng phía nam Địa Trung Hải và phía tây Châu Âu. Nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Tổn thương xuất hiện đầu tiên ở chân và bàn chân. Ít gặp hơn, nó có thể ảnh hưởng ở lớp lót bên trong miệng và ống tiêu hóa. Ung thư tiến triển chậm qua nhiều năm và thường không phải là nguyên nhân gây tử vong.
2.3. Thể da Châu Phi
Loại ung thư này gặp ở người sống tại vùng Hạ Sahara (sub-Saharan African). Điều này có thể do vùng dịch tễ của HHV8 tại đó.
2.4. Liên quan đến thuốc ức chế miễn dịch
Loại ung thư này gặp ở người ghép thận hoặc ghép các cơ quan nội tạng khác. Nó liên quan đến thuốc ức chế miễn dịch để giúp cơ thể chấp nhận cơ quan mới. Nó cũng có thể liên quan đến HHV8. Ung thư Kaposi ở những người này thường nhẹ và dễ kiểm soát hơn ở người nhiễm HIV.
3. Triệu chứng ung thư Kaposi
3.1. Tổng quát
Người bị loại ung thư này không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Tuy nhiên, ở nhiều người, tổn thương ở da thường là chỉ điểm của ung thư. Tổn thương thường hiện diện như 1 vết bớt trên da với các đặc điểm sau:
- Chấm hoặc vết màu nâu, tím, hồng, hoặc đỏ
- Có xu hướng tụ lại thành mảng hoặc nốt có màu từ xanh tím đến đen
- Thỉnh thoảng sưng phù và phát triển ra ngoài hoặc vào trong mô mềm hoặc xương
Các tổn thương này sẽ có màu xanh hoặc tím nếu là tổn thương lớp lót. Đây là tổn thương của niêm mạc mô, như là khối u ở miệng hoặc cổ họng. Ung thư Kaposi ở đường tiêu hóa có thể gây đi tiêu ra máu. Những tổn thương này thường không có triệu chứng. Hiếm gặp hơn, nó có thể gây đau, tiêu chảy, hoặc tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Nếu ung thư ảnh hưởng trên lớp lót của phổi, nó có thể gây khó thở. Tổn thương chảy máu ở phổi có thể làm bạn ho ra máu.
3.2. Biểu hiện bệnh lý
- Ung thư Kaposi liên quan đến AIDS: Diễn tiến nặng hơn có loại khác và có nhiều tổn thương, thường ở mặt và thân mình. Người bị thể ung thư này thường có khối u ở nội tạng.
- Ung thư Kaposi cổ điển: Thường có ít tổn thương, thường ở da vùng chi dưới (đặc biệt mắt cá và lòng bàn chân). Tổn thương phát triển chậm hơn nhiều so với các loại khác. Người bị thể ung thư này hiếm khi có tổn thương nội tạng.
- Ung thư Kaposi thể da Châu Phi: Vài dạng trong loại này giống như loại cổ điển. Một số loại khác ảnh hưởng hệ bạch huyết và cơ quan nội tạng.
- Ung thư Kaposi liên quan đến thuốc ức chế miễn dịch: Loại này có thể xuất hiện đột ngột và tổn thương nằm trên da.
4. Cách chẩn đoán ung thư Kaposi
Nếu nghi ngờ tổn thương da của bạn là ung thư Kaposi, bác sĩ sẽ làm thủ thuật sinh thiết. Đây là thủ thuật lấy ra 1 mẫu mô nhỏ để quan sát dưới kính hiển vi.
Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư Kaposi nội tạng bao gồm:
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Cho phép phát hiện máu ẩn trong phân, dấu hiệu có thể là ung thư ở đường tiêu hóa.
- X quang ngực: Kĩ thuật này có thể phát hiện các bất thường hướng tới ung thư Kaposi ở phổi.
- Nội soi phế quản: Trong kĩ thuật này, ống nội soi nhỏ được đưa qua mũi hoặc miệng đi vào phổi. Mục đích để kiểm tra lớp lót của phổi và lấy 1 mẫu mô của vùng nghi ngờ ung thư.
- Nội soi đường tiêu hóa trên: Kĩ thuật này dùng ống nội soi nhỏ đưa qua miệng để kiểm tra thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non. Một mẫu mô của vùng bị tổn thương nghi ngờ ung thư sẽ được lấy ra để xét nghiệm.
- Nội soi đường tiêu hóa dưới: Bác sĩ dùng ống nội soi nhỏ đưa vào hậu môn để kiểm tra trực tràng và ruột già. Các bất thường nghi ngờ ung thư cũng sẽ được lấy ra để xét nghiệm.
Nếu bạn không có vấn đề hô hấp và X quang ngực bình thường, nội soi phế quản là không cần thiết. Tương tự, nếu bạn không có máu trong phân, bạn không cần nội soi đường tiêu hóa trên và dưới.
5. Cách điều trị ung thư Kaposi
5.1. Các phương pháp điều trị
- Xạ trị
- Hóa trị liệu
- Liệu pháp miễn dịch
- Thuốc kháng virus
- Liệu pháp tại chỗ, bao gồm phẫu thuật
5.2. Yếu tố tác động đến sự lựa chọn phương pháp điều trị
- Loại ung thư: Ung thư Kaposi liên quan đến AIDS thường diễn tiến nặng hơn các loại khác. Nhờ vào sự kết hợp các loại thuốc kháng vi-rút và những biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng liên quan đến AIDS, ung thư Kaposi ngày càng ít phổ biến và ít diễn tiến nặng hơn ở người bị AIDS.
- Số lượng và vị trí tổn thương: Các tổn thương da lan rộng và tổn thương nội tạng đòi hỏi điều trị khác với tổn thương khu trú.
- Ảnh hưởng của tổn thương: Tổn thương ở miệng và cổ họng gây khó nhai và khó nuốt. Các tổn thương ở phổi gây khó thở. Những tổn thương kích thước lớn, đăc biệt ở chân, gây sưng đau và khó di chuyển.
- Tình trạng sức khỏe tổng quát: Suy giảm hệ miễn dịch làm bạn dễ bị ung thư. Đồng thời, nó cũng tăng nguy cơ rủi ro khi điều trị bằng hóa trị liệu mạnh. Điều này cũng đúng nếu bạn có các bệnh lí mạn tính nghiêm trọng khác.
Đối với ung thư Kaposi liên quan đến AIDS, bước đầu tiên của điều trị là uống thuốc kháng vi-rút. Thuốc này giúp giảm số lượng vi-rút HIV và tăng số lượng tế bào miễn dịch của cơ thể. Có đôi khi đây là phương pháp điều trị duy nhất.
Đối với người ghép tạng dùng thuốc ức chế miễn dịch, bác sĩ có thể sẽ cho bạn ngưng thuốc. Điều này cho phép hệ miễn dịch loại bỏ ung thư trong 1 số trường hợp. Hoặc thay thế bằng 1 loại thuốc ức chế miễn dịch khác cũng có thể giúp cải thiện.
5.3. Đối với các tổn thương da nhỏ
Phương pháp điều trị đối với các tổn thương da nhỏ bao gồm:
- Tiểu phẫu (cắt bỏ)
- Đốt điện (electrodesiccation) hoặc áp lạnh (cryotherapy)
- Xạ trị liều thấp, cũng có tác dụng đối với tổn thương ở miệng
- Tiêm thuốc hóa trị Vinblastin trực tiếp vào tổn thương
- Sử dụng thuốc giống vitamin A (retinoid)
Những tổn thương điều trị bằng 1 trong những cách này đều có thể tái phát sau vài năm. Khi điều này xảy ra, điều trị thường được lặp lại như lúc đầu.
Xạ trị thường được chọn lựa cho tổn thương da nhiều vị trí. Loại xạ trị và vị trí cần điều trị khác nhau giữa người này với người khác. Khi có trên 25 tổn thương, hoá trị liệu thường sẽ hữu ích. Hóa trị cũng được lựa chọn để điều trị ung thư Kaposi ở hạch bạch huyết và đường tiêu hóa.
Ung thư Kaposi là 1 loại ung thư hiếm gặp nằm trong nhóm sarcoma mô mềm. Ung thư hình thành ở lớp lót của mạch máu và mạch bạch huyết. Ung thư Kaposi chia làm vài loại khác nhau. Triệu chứng tùy thuộc vào vị trí tổn thương, nhưng thường gặp nhất là tổn thương trên da. Có nhiều phương pháp điều trị và việc lựa chọn phụ thuộc nhiều yếu tố. Bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn nếu bạn còn nhiều lo lắng thắc mắc về ung thư Kaposi nhé.
Bác sĩ Đặng Hoàng Thiên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Markus MacGill, “What is Kaposi sarcoma”, 23/08/2019, https://www.medicalnewstoday.com
Elea Carey, “Kaposi Sarcoma”, 04/03/2016, https://www.healthline.com
Mayo Clinic Staffs, Soft tissue sarcoma – Kaposi sarcoma, 26/05/2018, https://www.mayoclinic.org