Ung thư vòm họng giai đoạn 2: dấu hiệu, tỷ lệ chữa khỏi, cách điều trị
Nội dung bài viết
Tại Việt Nam, ung thư vòm họng được xem là một trong các loại ung thư thường gặp. Bạn đang quan tâm Ung thư vòm họng giai đoạn 2 là gì, nguyên nhân từ đâu, có những dấu hiệu nhận biết nào hay không; cũng như những phương pháp điều trị và khả năng chữa khỏi của Ung thư vòm họng giai đoạn 2 như thế nào. Hãy cùng Bác sĩ Đặng Thị Liễu Trinh giải đáp mối quan tâm này qua bài viết sau.
Ung thư vòm họng giai đoạn 2 là gì?
Ung thư vòm họng xuất phát từ niêm mạc vòm hầu, là lớp lót lên đường thở sau mũi. Tại Việt Nam, theo Globocan năm 2020, ung thư vòm họng đứng hàng thứ 9 về số mới mắc trong các ung thư thường gặp.1
Ung thư vòm họng được chia làm 4 giai đoạn:
- Ung thư vòm họng giai đoạn 1.
- Ung thư vòm họng giai đoạn 2.
- Ung thư vòm họng giai đoạn 3.
- Ung thư vòm họng giai đoạn cuối.
Ung thư vòm họng giai đoạn II được xem là giai đoạn trung gian và được xác định nếu thuộc 3 trường hợp sau:2
- Có hoặc không có khối u khu trú trong vòm hầu hoặc lan xuống dưới khẩu hầu hoặc lên trên hốc mũi kèm theo di căn đến các hạch ở một bên cổ hoặc hạch sau họng ở một hoặc cả hai bên (các hạch có chiều ngang không quá 6cm). Tương đương với T0 hoặc T1, N1, M0 theo hệ thống phân loại TNM (hệ thống phân loại các bác sĩ ung thư thường dùng nhất).
- Một khối u đã vượt ra ngoài vòm hầu đến các cơ xung quanh có hoặc không di căn đến các hạch ở một bên cổ hoặc hạch sau họng ở một hoặc cả hai bên (các hạch có chiều ngang không quá 6cm). Tương đương với T2, N0 hoặc N1, M0 theo hệ thống phân loại TNM.
Nguyên nhân gây bệnh là gì và ai có khả năng mắc bệnh cao?
Sự hình thành và phát triển ung thư vòm họng giai đoạn II là do sự tương tác của một số yếu tố: nhiễm vi rút Epstein-Barr (EBV), các yếu tố từ môi trường (như ăn nhiều thực phẩm bảo quản và hút thuốc) và các yếu tố di truyền. Tại các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao, số người trẻ tuổi mắc bệnh ngày càng tăng cho thấy rằng việc tiếp xúc với một tác nhân từ sớm là một yếu tố quan trọng.
1. Vi rút Epstein-Barr (EBV)3
Có nhiều bằng chứng cho thấy EBV là nguyên nhân chính trong cơ chế bệnh sinh của ung thư vòm họng. EBV lây truyền chủ yếu qua nước bọt (hôn, dùng chung bàn chải đánh răng, cốc uống nước,…).
Phương pháp phát hiện Vi rút Epstein-Barr (EBV)
Việc chẩn đoán nhiễm vi rút EBV thường gặp khó khăn vì các triệu chứng tương tự nhiều bệnh khác và chỉ chẩn đoán xác định khi xét nghiệm máu phát hiện kháng thể của EBV. Khi tình trạng nhiễm EBV cấp tính được kiểm soát, tình trạng nhiễm EBV tiềm ẩn mãn tính vẫn tồn tại trong tế bào bạch cầu của người bệnh trong suốt cuộc đời và có thể tái hoạt hóa trong những điều kiện cụ thể.
Người ta đã phát hiện các vật chất di truyền của vi rút trong các tổn thương tiền ung thư và ung thư. Bệnh nhân bị ung thư vòm họng sẽ được xét nghiệm máu để phát hiện nhiễm EBV. Mối liên quan của ung thư vòm họng với nhiễm EBV đã được khai thác để phát triển các xét nghiệm chẩn đoán ung thư vòm họng mà không cần sinh thiết khối u.
Tỷ lệ mắc Vi rút Epstein-Barr (EBV)
Có tới hơn 90% người trưởng thành trên thế giới đã từng bị nhiễm và có kháng thể vi rút EBV. Tuy nhiên tần suất mắc ung thư vòm họng trên thế giới nhìn chung lại hiếm và chỉ tập trung tại các quốc gia Đông Á, đặc biệt Đông Nam Á có tần suất mắc bệnh cao gấp nhiều lần khu vực khác. Một số nghiên cứu dịch tễ cho thấy ngoài các yếu tố về gen và môi trường thì thời gian nhiễm EBV sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Trong vùng có tần suất mắc ung thư vòm họng cao, ví dụ như Trung Quốc, trẻ thường nhiễm EBV rất sớm, khoảng 50% trẻ dưới 3 tuổi, 90% ở trẻ sau 8 tuổi đã nhiễm EBV.4
Trong khi đó, độ tuổi nhiễm EBV ở các khu vực khác trễ hơn. Trẻ em khi nhiễm EBV thường không gây triệu chứng hoặc không thể phân biệt được với các bệnh nhẹ khác. Trong khi nhiễm EBV ở tuổi vị thành niên, 35-50% bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn với biểu hiện đau họng, hạch to, lách to…Một số nghiên cứu cho thấy người có tiền căn bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn có tần suất mắc ung thư vòm họng thấp hơn.4
2. Hút thuốc
Hút thuốc cũng có liên quan đến ung thư vòm họng và tham gia vào cơ chế bệnh sinh của ung thư biểu mô vòm hầu bằng cách gây tái hoạt hóa vi rút EBV.
3. Vi rút gây u nhú ở người (HPV)
Vai trò của vi rút gây u nhú ở người (HPV) là một tác nhân gây bệnh ung thư vòm họng ít được xác định rõ như EBV.
Trong một nghiên cứu trên 1328 bệnh nhân bị ung thư vòm họng (loại tế bào không biệt hóa) từ Hồng Kông và Đông Nam Trung Quốc, EBV được phát hiện trong 91,5% trường hợp, trong khi HPV có mặt trong 7,7%.2
Nghiên cứu cũng cho thấy, tiên lượng cho những bệnh nhân ung thư vòm họng liên quan đến HPV tốt hơn những bệnh nhân có nhiễm EBV.5
4. Chế độ ăn uống
Một số chế độ ăn uống ở các quốc gia có bệnh lưu hành góp phần làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vòm họng:
- Việc nấu chín thức ăn được ướp muối sẽ giải phóng nitrosamine (một chất gây ung thư), chất này dễ bay hơi và được hơi nước mang theo, phân bố trên niêm mạc mũi họng.
- Trẻ em tiếp xúc với cá muối, món ăn truyền thống được sử dụng để ăn dặm.
- Tiêu thụ nhiều thực phẩm bảo quản hoặc lên men (bao gồm thịt, trứng, trái cây và rau), có chứa nhiều nitrosamine, các chất gây độc cho gen trực tiếp và các chất kích hoạt EBV.
- Người dân Maghribia từ Tunisia, Algeria và Maroc tiêu thụ bơ ôi thiu và mỡ cừu, chứa axit butyric, một chất kích hoạt EBV tiềm ẩn và các tác nhân gây ung thư vòm họng.
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ cá muối mặn làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Vậy, chế độ ăn nhiều thịt, cá muối có thể gây ung thư vòm họng như thế nào? Bạn đọc hãy cùng tìm qua bài viết Ung thư vòm họng: Thói quen ăn cá muối mặn của YouMed nhé!
5. Di truyền
Các yếu tố di truyền có thể làm tăng khả năng ung thư biểu mô vòm hầu. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng một người có người thân trực hệ (cha mẹ ruột, anh chị em ruột, con cái) bị ung thư vòm họng thì người đó sẽ tăng nguy cơ lên gấp bảy lần so với những người không có người thân mắc bệnh và những người này nên được tầm soát ung thư vòm họng.3 6
Xem thêm: Ung thư vòm họng có di truyền không?
Dấu hiệu nhận biết ung thư vòm họng giai đoạn 2
Ung thư vòm họng giai đoạn II được đánh giá là giai đoạn sớm thường bắt nguồn từ hố Rosenmüller. Vì đây là một vị trí không quan sát được, bệnh nhân có thể không có triệu chứng trong một thời gian dài.7
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn II là phát hiện một khối ở cổ do di căn hạch cổ. Ung thư vòm họng giai đoạn II có xu hướng di căn sớm. Di căn hạch xuất hiện khi được chẩn đoán trong 75 đến 90% trường hợp.7
Ngoài ra người bệnh còn có những triệu chứng ở tai bao gồm:7
- Đau tai.
- Viêm tai giữa.
- Ù tai.
- Ở mũi thường là nghẹt mũi, chảy máu mũi.
Viêm tai giữa ở người lớn lần đầu tiên trong đời (chưa từng mắc viêm tai giữa trước đó), chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn II là một chẩn đoán cần được xem xét, đặc biệt là bệnh nhân nằm trong vùng có tỷ lệ mắc ung thư vòm họng cao.
Từ định nghĩa đã nêu bên trên, ung thư vòm họng giai đoạn II không có di căn xa hiện diện.
Chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn 2 như thế nào?
Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử một cách kỹ lưỡng về thời gian cũng như diễn tiến các triệu chứng. Khai thác thêm tiền căn hút thuốc lá và tiền căn gia đình mắc ung thư vòm họng.
Nội soi tai mũi họng trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm phát hiện bướu nguyên phát tại vòm hầu. Bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết những sang thương nghi ngờ ở vòm hầu để có chẩn đoán giải phẫu bệnh.
Các phương tiện hình ảnh bao gồm chụp X quang ngực và chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) đầu cổ. Siêu âm đầu cổ nhằm đánh giá tình trạng di căn hạch. Tiến hành chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) nếu phát hiện hạch cổ nghi ngờ trên siêu âm.
Xét nghiệm máu định lượng DNA của vi rút Epstein-Barr (EBV) trong huyết tương là một phần của quá trình chẩn đoán và phân giai đoạn. Theo phiên bản mới nhất của hệ thống phân loại khối u, hạch, di căn (TNM) của Ủy ban về ung thư Hoa Kỳ (AJCC), nồng độ DNA EBV trong huyết tương có thể tiên lượng khả năng sống thêm và theo dõi sau điều trị.
Khi số lượng DNA EBV ≥ 4000 bản sao/mL (nguy cơ cao di căn xa), một phương tiện hình ảnh chuyên sâu hơn (chụp PET) được đề nghị do có khả năng phát hiện di căn hạch và xương.
Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 2 như thế nào?
Sau đây là các phương pháp điều trị ung thư vòm họng giai đoạn II. Bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị dựa trên các khuyến cáo mới nhất của các hiệp hội Ung thư lớn trên thế giới kết hợp với mong muốn của chính bạn để đưa ra một kế hoạch điều trị phù hợp.
Đối với ung thư vòm họng giai đoạn II, hóa xạ trị đồng thời được khuyến cáo hơn là xạ trị đơn thuần vì cách tiếp cận này đã được chứng minh là tăng khả năng sống và giảm nguy cơ bệnh di căn xa trong một thử nghiệm lâm sàng trên 230 bệnh nhân có ung thư vòm họng giai đoạn II.8 9
Với thời gian theo dõi trung bình là 10 năm, có đến 95% bệnh nhân sống thêm được 5 năm nếu tuân theo phác đồ hóa xạ trị đồng thời, và tỉ lệ này là 84% nếu hoàn thành phác đồ xạ trị đơn thuần.
1. Hóa xạ trị đồng thời9
Hóa xạ trị đồng thời là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư vòm họng giai đoạn II. Trong phương pháp này, hóa trị được thực hiện trong cùng khoảng thời gian với xạ trị để tăng tác dụng của tia xạ lên khối u.
Liệu pháp hóa xạ trị trong ung thư vòm họng giai đoạn II sử dụng hóa chất cisplatin mỗi tuần đồng thời với xạ trị.
Việc sử dụng hóa chất cisplatin hàng tuần sẽ có một số tác dụng phụ: giảm bạch cầu nặng (độ 3 hoặc 4), buồn nôn/nôn và viêm niêm mạc so với xạ trị đơn thuần.
2. Xạ trị đơn thuần9
Bạn cũng có thể được xạ trị nếu bạn không thể chịu đựng được các tác dụng phụ của của hóa trị. Các tia xạ từ bên ngoài được chiếu vào vị trí của khối u và các hạch bạch huyết ở cổ (hạch cổ).
Trong ung thư vòm họng giai đoạn II, xạ trị điều biến cường độ (IMRT) thường được sử dụng để giảm tác dụng phụ lên các cơ quan lành xung quanh khối u.
3. Hóa trị9
Hóa trị với cisplatin và 5-fluorouracil (Adrucil, 5-FU) thường được sử dụng sau khi xạ trị hoặc hóa xạ trị để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
4. Phẫu thuật9
Phẫu thuật không phải là điều trị đầu tay do vị trí giải phẫu của vòm hầu nằm sâu và gần các cấu trúc thần kinh, mạch máu quan trọng. Tuy nhiên, có thể phẫu thuật cắt rộng hạch cổ tồn lưu sau xạ trị hoặc tái phát hạch cổ đơn độc. Phẫu thuật cũng có thể là lựa chọn đối với bướu tái phát tại chỗ đơn độc kích thước nhỏ còn khu trú.
5. Theo dõi sau điều trị
Đánh giá đáp ứng điều trị
Khoảng ba tháng sau khi kết thúc điều trị, bác sĩ sẽ đặt hẹn để khám lâm sàng, nội soi mũi họng và thực hiện các phương tiện hình ảnh để đánh giá đáp ứng điều trị của người bệnh. Cộng hưởng từ (MRI) đầu cổ và chụp PET toàn thân là các phương tiện được sử dụng trong trường hợp này.
Phát hiện bệnh tái phát
Theo dõi sau điều trị là quan trọng để phát hiện sớm các sang thương tái phát tại chỗ hoặc di căn. Bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân ba tháng một lần trong vòng 2 năm đầu, bốn đến sáu tháng một lần trong các năm thứ 3 đến năm thứ 5, và hàng năm sau đó. Việc theo dõi bao gồm khám vòm hầu và hạch cổ, đánh giá chức năng thần kinh sọ và đánh giá các than phiền toàn thân của người bệnh. Nội soi sẽ được thực hiện định kỳ mỗi lần tái khám.
Nhìn chung, ung thư vòm họng giai đoạn II là bệnh giai đoạn trung gian, nếu được phát hiện và điều trị đúng phác đồ khả năng khỏi bệnh lên đến 95%. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, hãy đến gặp bác sĩ của bạn để thăm khám.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Viet Nam Source: Globocan 2020https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Number stages of nasopharyngeal cancerhttps://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/nasopharyngeal-cancer/stages/number
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
The Evolving Epidemiology of Nasopharyngeal Carcinomahttps://aacrjournals.org/cebp/article/30/6/1035/670828/The-Evolving-Epidemiology-of-Nasopharyngeal
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Epstein-Barr Virus (EBV) Infection in Chinese Children: A Retrospective Study of Age-Specific Prevalencehttps://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0099857
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Human papillomavirus and World Health Organization type III nasopharyngeal carcinoma: Multicenter study from an endemic area in Southern Chinahttps://acsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/cncr.31031
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Familial and sporadic cases of nasopharyngeal carcinoma in Taiwanhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10216473/
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Nasopharyngeal Carcinomahttps://entokey.com/nasopharyngeal-carcinoma/
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Nasopharyngeal carcinoma in Taiwan. Clinical manifestations and results of therapyhttps://acsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/1097-0142(19830715)52:2%3C362::AID-CNCR2820520230%3E3.0.CO;2-V
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Treatment of early and locoregionally advanced nasopharyngeal carcinomahttps://www.uptodate.com/contents/treatment-of-early-and-locoregionally-advanced-nasopharyngeal-carcinoma#H1
Ngày tham khảo: 02/09/2022