YouMed

Những điều cần biết về vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản

BS Tô Hồng Phương Thanh
Tác giả: Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu. Bệnh nằm trong nhóm bệnh chung là viêm não do virus, cụ thể với viêm não Nhật Bản cũng do virus cùng tên gây ra. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng. Tuy nhiên hiện nay đã có vắc-xin để phòng ngừa. Mời bạn cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu về viêm não Nhật Bản cũng như lịch tiêm viêm não Nhật Bản trong bài viết dưới đây.

Tổng quan về bệnh viêm não Nhật Bản

Trước khi đề cập đến chủ đề tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản, chúng ta cần hiểu tổng quan về căn bệnh này.

Viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis – JE) là tình trạng viêm của nhu mô não với bằng chứng lâm sàng hoặc cận lâm sàng có rối loạn chức năng thần kinh, do virus gây viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis virus – JEV) gây ra.

1. Virus viêm não Nhật Bản (JEV)

JEV là 1 loại arbovirus nhóm B, họ Togaviridae, giống Flavivirus. Giống Flavivirus còn có một số virus khác như virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue, sốt vàng da và siêu vi trùng West Nile. Một số động vật cũng có thể nhiễm JEV là khỉ, chuột bạch và một số loài chuột đồng, một số loại muỗi và nhiều loài chim.1

2. Đường lây truyền

JEV lây truyền qua trung gian là muỗi Culex. Những loại chim hoang dã là ký chủ tự nhiên của JEV và muỗi chỉ là trung gian truyền bệnh. Trung gian truyền bệnh này không gây ra bệnh, còn gọi vectơ truyền bệnh. Ở Việt Nam, muỗi Culex sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7).

Muỗi Culex nguồn lâu truyền virus viêm não Nhật Bản
Muỗi Culex nguồn lâu truyền virus viêm não Nhật Bản

3. Dịch tễ học

Đối với các virus gây viêm não, người ta chia làm 2 nhóm lớn: các virus lưu hành ở quy mô toàn cầu và các virus gây bệnh phụ thuộc vùng địa lý. Virus gây viêm não phụ thuộc vùng địa lý hầu hết là các Arbovirus. Trong đó, JEV là tác nhân gây bệnh viêm não chủ yếu ở khu vực Châu Á.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng thường xảy ra ở nhóm trẻ em dưới 10 tuổi. Ở người lớn, tỷ lệ có kháng thể cao nên tỷ lệ mắc bệnh ít hơn. Viêm não Nhật Bản xảy ra ở vùng Đồng bằng cao hơn vùng rừng núi, ở nông thôn cao hơn thành phố.1 2

Tại Việt Nam, JEV là 1 trong 3 tác nhân hàng đầu gây viêm não ở trẻ em. Thứ tự thường gặp là:1

  • Virus viêm não Nhật Bản.
  • Enterovirus.
  • Herpes simplex.

4. Triệu chứng viêm não Nhật Bản1

Thời kỳ ủ bệnh (thời gian từ lúc nhiễm virus đến khi có triệu chứng đầu tiên) kéo dài từ 5 – 14 ngày, trung bình là 1 tuần.

Thời kỳ khởi phát

Bệnh khởi phát rất đột ngột với triệu chứng sốt cao 39°C – 40°C. Bệnh nhân có thể có đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã có thể xuất hiện những triệu chứng lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, có thể thấy triệu chứng tiêu phân lỏng, đau bụng, nôn giống như nhiễm khuẩn – nhiễm độc tiêu hóa.

Thời kỳ toàn phát

Từ ngày thứ 3-4 đến ngày thứ 6-7 của bệnh. Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các triệu chứng tổn thương não nói chung và các tổn thương thần kinh khu trú.

Ngày 3 – 4: các triệu chứng tăng lên. Bệnh nhân có thể có mê sảng kích thích, u ám và dần dần có thể hôn mê. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên: vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở, mạch nhanh, huyết áp tăng.

Các triệu chứng thần kinh khu trú như liệt chân, tay, liệt các dây thần kinh sọ não bị tổn thương.

Thời kỳ lui bệnh

Biểu hiện chủ yếu là các biến chứng và di chứng. Di chứng sớm như phế viêm, viêm bể thậnbàng quang, loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá, rối loạn tâm thần. Những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm, thậm chí hàng chục năm là động kinh, bệnh Parkinson.

5. Tiên lượng bệnh1

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao và để lại các di chứng thần kinh – tâm thần. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu, khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng như viêm phổi, suy kiệt. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng suốt đời, tuy nhiên cũng có những trường hợp hồi phục hoàn toàn.

6. Phòng bệnh

Hiện tại đã có thuốc chủng ngừa hiệu quả đối với viêm não do virus viêm não Nhật Bản. Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm não Nhật Bản là tiêm vắc-xin trước khi cần đi đến những khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhưng dù đã tiêm viêm não Nhật Bản, bạn cũng nên có những cách phòng bệnh để giảm nguy cơ bị muỗi đốt. Cụ thể về vắc-xin viêm não Nhật Bản sẽ được đề cập trong phần dưới đây.

Bài viết Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đã trình bày chi tiết về bệnh viêm não Nhật Bản. Độc giả có thể tham khảo thêm để rõ hơn về bệnh lý này.

Tại sao phải tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản?

Hiện không có cách điều trị hoặc chữa khỏi bệnh viêm não Nhật Bản. Khi một người mắc bệnh, việc điều trị chỉ có thể làm giảm các triệu chứng. Phòng ngừa là hình thức điều trị tốt nhất đối với bệnh viêm não Nhật Bản. Và cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là tiêm vắc-xin và chống côn trùng đốt.

Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân viêm não Nhật Bản vào khoảng 20% – 30%. Một số trường hợp có thể cải thiện sau 6 đến 12 tháng. Một số khác cũng có thể sống sót nhưng sẽ để lại di chứng thần kinh và tâm thần đáng kể (30 – 50% trường hợp).3 Các di chứng và biến chứng đã đề cập ở phần tổng quan.

Nghiên cứu cho thấy, nếu tiêm đủ 2 liều vắc-xin viêm não Nhật Bản sống giảm độc lực, cách nhau 1 năm, có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh quan trọng về mặt lâm sàng.4 Nhưng 1 mũi vắc-xin JE cũng có thể mang lại sự bảo vệ đầy đủ trong ít nhất 6 năm.5

Các loại vắc-xin viêm não Nhật Bản (JE-VC) hiện nay

Hiện nay có 4 nhóm vắc-xin viêm não Nhật Bản trên toàn thế giới, gồm:6

  • JE-VC bất hoạt có nguồn gốc từ não chuột.
  • JE-VC bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào Vero.
  • JE-VC sống giảm độc lực.
  • JE-VC sống tái tổ hợp (chimeric).

Hiện nay, tại Việt Nam lưu hành 2 loại vắc-xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản là Imojev (Thái Lan) và Jevax (Việt Nam).

Vắc-xin Jevax

Vắc-xin viêm não Nhật Bản Jevax được sản xuất tại Vabiotech – Việt Nam. Đây là loại vắc-xin bất hoạt, được chỉ định để dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho mọi đối tượng người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.

Vắc-xin được đóng gói dưới dạng lọ 1ml có chứa thành phần:

  • JE virus đã được bất hoạt, tinh khiết với hàm lượng vừa đủ 1 liều.
  • Thimerosal hàm lượng không quá 0,012 % (w/v).
  • Dung dịch TCM-199 không có phenol đỏ vừa đủ 1ml dạng dung dịch trong, không màu.
Vắc-xin Jevax được sản xuất tại Việt Nam
Vắc-xin Jevax được sản xuất tại Việt Nam

Vắc-xin Imojev

Đây là vắc-xin tái tổ hợp sống, giảm độc lực dạng bào chế đông khô và dung môi được hoàn nguyên khi sử dụng. Vắc-xin có màu trắng hoặc trắng ngà. Thời hạn sử dụng là 36 tháng kể từ ngày sản xuất. JE-VC Imojev có thể được tiêm sớm ngay từ khi trẻ 9 tháng tuổi giúp bảo vệ sớm hơn vắc-xin Jevax (được tiêm lúc trẻ 12 tháng tuổi).

Dưới đây là bảng tóm tắt về 2 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản lưu hành ở Việt Nam hiện nay.

Tên vắc-xin Jevax Imojev
Nước sản xuất Việt Nam Thái Lan
Bản chất Vắc-xin bất hoạt Vắc-xin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp
Đối tượng chỉ định Trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn Trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn
Imojev là vắc-xin dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn
Imojev là vắc-xin dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn

Quá trình tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản

Trước khi tiêm:

  • Người được tiêm sẽ được khám sàng lọc nhằm phát hiện các bất thường, các bệnh lý nếu có để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe khi tiêm vắc-xin và hạn chế tối đa các phản ứng sau khi tiêm.
  • Phụ nữ mang thai cần được tư vấn kỹ lưỡng trước khi tiêm. Vì trên lý thuyết, tiêm vắc-xin có nguy cơ đối ảnh hưởng tới thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai đi đến khu vực có nguy cơ mắc JE cao nên được tiêm phòng nếu bác sĩ cân nhắc lợi ích của việc tiêm phòng cho người mẹ lớn hơn nguy cơ rủi ro khi tiêm vắc-xin.6

Sau khi tiêm:

  • Người được tiêm sau khi đã tiêm cần ngồi chờ theo dõi trong 30 phút theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Vệ sinh sạch sẽ khu vực tiêm để tránh nhiễm trùng.
  • Không đắp hoặc bôi bất kể thứ gì lên chỗ tiêm để tránh gây nhiễm khuẩn.
  • Theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên bằng nhiệt kế tại nhà để phát hiện sớm các tác dụng phụ sau tiêm, nhất là tác dụng phụ sốt.

Lịch tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản

Tên vắc-xin Jevax Imojev
Lịch tiêm cơ bản Lịch tiêm 3 mũi:

  • Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: 1-2 tuần sau mũi 1
  • Mũi 3: 1 năm sau mũi 2
Trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi:

  • Mũi 1: Mũi tiêm lần đầu tiên.
  • Mũi 2: 1 năm sau mũi 1

Người từ 18 tuổi trở lên:

  • Tiêm 1 mũi duy nhất.
Tiêm nhắc lại 1 mũi sau mỗi 3 năm. Không cần tiêm nhắc lại.

Các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm phòng viêm não Nhật Bản

Tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không là câu hỏi nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, người tiêm có thể gặp những phản ứng nhẹ, không kéo dài và không cần điều trị đặc hiệu. Vì đó là sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Cụ thể, một số tác dụng phụ như sau:

  • Tại chỗ tiêm: đau, sưng, đỏ.
  • Toàn thân: mệt mỏi, đau đầu, sốt.

Để hiểu rõ hơn về các phản ứng sau tiêm viêm não Nhật Bản, đặc biệt là triệu chứng sốt, bạn đọc có thể theo dõi bài viết Tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không? Những phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản.

Sau khi tiêm viêm não Nhật Bản có thể bị sốt, mệt mỏi, đau đầu,...
Sau khi tiêm viêm não Nhật Bản có thể bị sốt, mệt mỏi, đau đầu,…

Những lưu ý sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản

Nếu bạn bị đau hoặc khó chịu, hãy tham khảo với nhân viên y tế về việc dùng thuốc không kê đơn để hạ sốt. Hoặc có thể hạ sốt bằng cách uống nhiều nước, mặc quần áo nhẹ, thoáng mát.

Sau khi tiêm vắc-xin trẻ cần được ở lại chờ khoảng 30 – 60 phút để theo dõi. Khi đưa trẻ về nhà, cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ để tránh nhiễm trùng. Không nên tự ý bôi hoặc đắp thứ gì vào vị trí tiêm của bé.

Việc theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ đặc biệt quan trọng sau khi tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản. Cha mẹ cần bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm vệ sinh, an toàn và đủ dinh dưỡng để trẻ khỏe mạnh. Phụ huynh cũng cần lựa chọn tiêm chủng cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng, bệnh viện uy tín, để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản ở đâu? Tiêm viêm não Nhật Bản bao nhiêu tiền?

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, trẻ em từ 1 – 5 tuổi được tiêm miễn phí vắc-xin viêm não Nhật Bản tại các trạm y tế xã phường với lịch tiêm 3 mũi.

Đối với người lớn hoặc trẻ em sau khi đã tiêm đầy đủ 3 mũi theo lịch tiêm chủng mở rộng muốn tiêm nhắc lại thì có thể đến các trung tâm y tế hoặc các trung tâm, bệnh viện có dịch vụ tiêm chủng vắc-xin.

Hiện nay, bạn đọc và gia đình có thể thực hiện tiêm ngừa viêm não Nhật Bản tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc. Tuy nhiên, nên lựa chọn những đơn vị uy tín, có đội ngũ kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm, cùng với dịch vụ tốt,… để đảm bảo quá trình tiêm diễn ra an toàn và hiệu quả.

Bạn có thể tham khảo bài viết Tham khảo giá vắc xin viêm não Nhật Bản tại một số cơ sở hiện nay để nắm thêm thông tin về các đơn vị tiêm và giá của vắc-xin viêm não Nhật Bản.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho độc giả thông tin hữu ích về tiêm viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh rất dễ để lại di chứng nặng nề về thần kinh và vận động suốt đời dù may mắn được cứu sống. Đừng để trẻ em và người lớn bỏ lỡ cơ hội tiêm viêm não Nhật Bản, nhất là trong thời điểm cao điểm dịch bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bài giảng Bệnh học Truyền nhiễm. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (2016).

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  2. What's to know about Japanese encephalitis?https://www.medicalnewstoday.com/articles/181418

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  3. Japanese Encephalitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470423/

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  4. Effectiveness of live-attenuated Japanese encephalitis vaccine (SA14-14-2): a case-control studyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8667866/

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  5. Effectiveness of a single dose of Japanese encephalitis vaccine among adults, Assam, India, 2012-2018https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34325931/

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

  6. Japanese Encephalitis Vaccine: Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practiceshttps://www.cdc.gov/mmwr/volumes/68/rr/rr6802a1.htm

    Ngày tham khảo: 06/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người