YouMed

Van tim: thành phần vô cùng quan trọng của trái tim

Bác sĩ TRẦN HOÀNG NHẬT LINH
Tác giả: Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh
Chuyên khoa: Tim mạch

Tương tự một số bệnh lý tim mạch khác, bệnh van tim có thể không xuất hiện triệu chứng trong thời gian đầu. Tuy vậy, bệnh có thể diễn tiến nặng ở giai đoạn sau. Hệ quả dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và cần các can thiệp xâm lấn. Do đó, bài viết dưới đây của Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh hi vọng cung cấp được các thông tin cần thiết về van tim để bạn hiểu rõ về chúng.

Hệ thống dẫn truyền tim và vòng tuần hoàn trong cơ thể     

Hệ thống dẫn truyền trong tim

Bình thường, máu trong tim sẽ lưu thông từ nhĩ xuống thất. Quá trình dẫn truyền được tự động hóa nhờ nút xoang, nút nhĩ thất, bó His và hệ thống Purkinje.

hệ thống dẫn truyền tim
Hệ thống dẫn truyền tim

Nút xoang đóng vai trò “chủ nhịp”, phát ra xung điện. Các xung động này sẽ được dẫn truyền đến các tâm nhĩ rồi tới tâm thất. Nhờ đó, buồng tim co bóp nhịp nhàng.

Một chu kì trong tim gồm tâm trương và tâm thu. Trong kì tâm thu, tâm thất co tống máu lên động mạch phổi và động mạch chủ. Trong kì tâm trương, máu từ tâm nhĩ sẽ đổ về tâm thất.

Vòng tuần hoàn trong cơ thể

  • Vòng đại tuần hoàn (tuần hoàn hệ thống)

Vai trò mang máu động mạch giàu oxy và các chất dinh dưỡng từ tim trái theo động mạch chủ. Động mạch chủ tiếp tục phân thành những động mạch nhỏ dần đến các cơ quan. Ở tổ chức, các tiểu động mạch tiếp nối với mạng mao mạch, dưỡng chất và khí sẽ trao đổi qua các thành mỏng của mao mạch. Sau đó dưỡng chất được cung cấp cho tổ chức. Tiếp theo, máu nghèo oxy vào các tiểu tĩnh mạch, được mang ra khỏi mô, tập trung vào những tĩnh mạch lớn, về tim phải.

  •  Vòng tiểu tuần hoàn (tuần hoàn phổi)

Vai trò mang máu tĩnh mạch từ tim phải theo động mạch phổi lên phổi. Ở mao mạch phổi, khí cacbonic được thải ra ngoài. Máu nhận oxy trở thành máu đỏ theo tĩnh mạch phổi về tim trái. Sau đó, nó lại bắt đầu một chu trình tương tự qua vòng đại tuần hoàn.

Máu trong cơ thể lưu thông nhịp nhàng như vậy là nhờ một chuỗi phối hợp từ cơ tim, van tim, mạch máu và hệ dẫn truyền.

Sự hình thành các van tim

Tim được hình thành từ trung bì phôi vào khoảng ngày thứ 18 – 19 sau thụ tinh. Các van tim được tạo thành từ khoảng tuần thứ 4 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Do vậy, trong giai đoạn này, bất kỳ yếu tố nào tác động đến phôi thai như nhiễm trùng (sởi/rubella), các thuốc và chất độc,… đều có thể gây ảnh hưởng đến sự hình thành các van tim.

các van tim trong cơ thể
Các van tim trong cơ thể

Có mấy loại van tim

Van hai lá

Gồm 2 lá van cấu tạo từ tổ chức xơ sợi. Lá trước (với các sợi xơ liên tục với vòng van động mạch chủ) và lá sau được cố định bởi vòng van. Các cơ nhú  xuất phát từ thành tự do thất trái, vách liên thất và các dây chằng, đính liên tục với 2 lá van. Bất kỳ biến đổi thành phần nào kể trên đều có thể gây ra hở van hai lá.

Lá sau được chia thành ba phần bởi các rãnh, gọi là P1, P2, P3. Lá trước không có rãnh nên được phân chia thành các phần đối diện với các phần của lá sau lần lượt là A1, A2, A3. Nếu van 2 lá bị hở do sa van thì P2 là thành phần thường hay bị sa nhất.

cấu tạo van hai lá
Cấu tạo van hai lá

Các cơ nhú được chia thành hai nhóm: sau trong và trước ngoài. Nhóm cơ nhú sau trong được cấp máu bởi động mạch nhỏ và rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiếu máu cơ tim. Vì vậy, đứt dây chằng rất dễ gây ra sa lá sau. Nhóm cơ nhú trước ngoài được cấp máu bởi hệ thống hai động mạch lớn nên ít bị ảnh hưởng hơn.

Van động mạch chủ

Van động mạch chủ có ba lá van. Dựa vào vị trí lỗ động mạch vành tương ứng sẽ chia thành lá vành phải, lá vành trái và lá không vành.
Van động mạch chủ có thể hoạt động không hiệu quả khi tăng kích thước vòng van, xoang Valsalva, chỗ nối xoang vành và phần lên của động mạch chủ ngực hoặc tổn thương lá van.
Hệ thống dẫn truyền chạy giữa lá vành phải và lá không vành.

Van ba lá

Có 3 lá van, bao gồm lá vách, lá trước và lá sau. Phần trước và sau của vòng van có xu hướng dễ bị giãn nhất. Nút nhĩ thất nằm ở ngay dưới mép van trước vách.

>> Bệnh van ba lá bạn đã từng nghe qua? Phát hiện sớm để có phương pháp điều trị hiệu quả. 

van ba lá
Van ba lá

Van động mạch phổi

Có ba lá van hình tổ chim, gần tương tự như các van động mạch chủ.

Chức năng van tim

Hướng chảy của máu được xác định bởi sự hiện diện của các van tim. 

hệ thống van tim
Hệ thống van tim

Van nhĩ – thất

Ngăn giữa nhĩ và thất, bên trái có van hai lá, bên phải có van ba lá. Vai trò giúp máu chảy một chiều từ nhĩ xuống thất. Các cơ nhú gắn với van nhĩ – thất bằng các dây chằng. Cơ nhú co rút khi tâm thất co. Khi đó, nó kéo chân van về phía tâm thất, ngăn sự lồi của các lá van về tâm nhĩ trong kì tâm thu. Nếu dây chằng bị đứt hoặc nếu một trong các cơ nhú bị tổn thương, máu có thể trào ngược về tâm nhĩ khi thất co, đôi khi gây nên rối loạn chức năng tim trầm trọng.

Van bán nguyệt

Giữa tâm thất trái và động mạch chủ có van động mạch chủ. Van động mạch phổi ở giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Nó giúp máu chảy một chiều từ tâm thất ra động mạch .

Tất cả các van đóng mở một cách thụ động. Sự đóng mở tùy thuộc vào sự chênh lệch áp suất qua van. Ví dụ, khi áp lực tâm nhĩ vượt quá áp lực tâm thất thì van nhĩ thất mở ra. Và, máu từ nhĩ xuống thất. Ngược lại, khi áp lực tâm thất lớn hơn áp lực tâm nhĩ, van đóng lại. Nhờ vậy, ngăn máu chảy ngược từ thất về nhĩ.

Các bệnh lý van tim

bệnh van tim thường gặp gồm mở không hết (hẹp van) và đóng không kín (hở van)
Bệnh van tim thường gặp gồm mở không hết (hẹp van) và đóng không kín (hở van)

Hở van tim

Trong bệnh hở van tim, các van này vì một lí do nào đó mà không đóng kín được. Hệ quả, dòng máu bị “phụt ngược trở về”. Điều này gây “quá tải” máu cho lần bóp kế tiếp. Do vậy, tạo gánh nặng và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho tim.

Triệu chứng

Hở van tim biểu hiện nhiều triệu chứng tuỳ thuộc vào mức độ hở và diễn tiến, ảnh hưởng lên chức năng của tim. Mức độ nhẹ thường không triệu chứng. Mức độ hở nặng và kéo dài có thể biểu hiện:

  • Hay mệt mỏi, khó thở, đặc biệt là khi tăng cường vận động.
  • Hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh.
  • Rối loạn nhịp.
  • Choáng váng khi thay đổi tư thế.
  • Đau ngực, từ âm ỉ nặng ngực cho tới đau nhói nhiều.
  • Phù, dễ thấy ở chân.
  • Huyết khối ở các cơ quan.
  • Ho ra máu.

Diễn tiến – biến chứng

Theo thời gian, chức năng của tim sẽ giảm dần dẫn đến suy tim mạn, đặc biệt là trên những bệnh nhân có các bệnh tim khác kèm theo như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành…

Trong các trường hợp hở van cấp tính, bệnh nhân có thể có những triệu chứng rất nghiêm trọng như truỵ tim mạch, tụt huyết áp, ngất, thậm chí là tử vong

Hẹp van tim

Trái ngược với hở van, bệnh hẹp van tim xảy ra khi cấu trúc các lá van bị biến dạng. Thay vì thanh mảnh, mềm mại, chúng dày lên, xơ cứng hoặc dính lại với nhau. Do vậy, các lá van không thể mở ra hoàn toàn. Tất cả các van tim đều có thể bị hẹp, nhưng thường gặp nhất là van 2 lá, 3 lá. Với van động mạch chủ, hẹp van thường đi kèm với hở van.

>> Xem thêm về những lí do khiến hẹp van 2 lá gây nguy hiểm. Để tránh khỏi những biến chứng xấu và giảm thiểu rủi ro bạn cần phải làm những gì?

Triệu chứng

Các dấu hiệu hẹp van tim có thể tiềm ẩn trong nhiều năm, giai đoạn đầu người bệnh chỉ có thể phát hiện qua siêu âm hoặc nghe tim bằng ống nghe. Tùy theo mức độ hẹp nhẹ, vừa hay nặng mà người bệnh có thể gặp 1 hay nhiều các triệu chứng sau:

  • Khó thở, mệt mỏi: Phần lớn là do sự giảm đàn hồi của phổi. Thường gặp khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở khi làm việc gắng sức.
  • Ho ra máu, khạc đàm hồng: Do vỡ tĩnh mạch phế quản bị dãn hay vỡ mao mạch phổi vào phế nang.
  • Đau ngực: Khoảng 15% trường hợp có triệu chứng này. Có thể do tăng áp lực tâm thất phải hay kết hợp với bệnh mạch vành.
  • Hồi hộp: Do rối loạn nhịp tim gây ra.
  • Tắc nghẽn mạch máu đột ngột: Do huyết khối được sinh ra do máu ứ động tại tâm nhĩ hay do rối loạn nhịp tim. Đây là nguyên nhân gây đột quỵ, thuyên tắc phổi.
  • Chèn ép các cơ quan lân cận do tim to: Khàn tiếng do chèn ép thanh quản. Nuốt nghẹn do chèn ép thực quản gây nuốt nghẹn.
  • Các triệu chứng của suy tim phải: Thường gặp phù, gan to, báng bụng, tràn dịch màng phổi.
người có bệnh lý van tim thường cảm thấy mệt mỏi
Người có bệnh lý van tim thường cảm thấy mệt mỏi

Biến chứng

Nếu mức độ hẹp nặng, thì dù van nào, người bệnh cũng có dễ gặp biến chứng rung nhĩ, suy tim hay nhồi máu cơ tim, đột quỵ do hình thành cục máu đông.

Cận lâm sàng nào để khảo sát van tim và bệnh van tim

  • Xquang ngực: phát hiện dịch trong phổi, tim to,…
  • Điện tâm đồ: quan sát được hoạt động điện của tim và rối loạn nhịp tim
  • Siêu âm tim: quan sát cấu trúc tim. Là khảo sát quan trọng quyết định bệnh có thể mổ hay không. Cần chuyên gia tim mạch trực tiếp thực hiện
  • Chụp động mạch vành: phát hiện tình trạng động mạch vành có tắc nghẽn hay không

Điều trị bệnh van tim

Hầu hết các vấn đề về van tim có thể được điều trị bằng thuốc, can thiệp hay phẫu thuật sửa chữa, thay thế. Tùy vào nguyên nhân gây hở van, các triệu chứng của bệnh (mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực), mức độ ảnh hưởng của van đến chức năng co bóp của tim, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh cụ thể.

Điều trị nội khoa

Thuốc không thể khiến van tim trở về bình thường nhưng sẽ giúp người bệnh giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Kháng sinh: tránh nhiễm khuẩn
  • Thuốc lợi tiểu: giảm khó thở
  • Thuốc chống đông: phòng đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Điều trị ngoại khoa

Nhưng nếu van tim bị tổn thương nặng có nguy cơ dẫn đến suy tim, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp để ngăn chặn diễn biến của bệnh.

Trong một số trường hợp, khi mức độ tổn thương của van chưa phải quá nhiều, bác sĩ có thể tiến hành sửa van tim để làm giảm tình trạng hẹp hay hở van.

phẫu thuật van tim thường có chi phí lớn
Phẫu thuật van tim thường có chi phí lớn

Trong trường hợp van tim bị tổn thương quá nặng, không còn sửa chữa được thì phải thay thế. Chi phí phẫu thuật/mổ thay van tim bị hẹp khá lớn. Các phương pháp phẫu thuật van tim gồm: Nội soi nong van tim bằng bóng qua da, mổ hở sửa chữa van tim và thay van tim.

Xem thêm: Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn: Bạn cần biết những gì?

Tổn thương van tim là một trong những nguyên nhân thường gặp gây suy tim. Điều quan trọng là tìm hiểu về van tim để giúp ngăn ngừa bệnh lý này. Nếu chú ý đến thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và áp dụng đúng cách điều trị phù hợp với tình trạng bệnh thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được các biến cố, duy trì chất lượng cuộc sống.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. PGS TS BS Phạm Mạnh Hùng (2019), “Lâm sàng tim mạch học”, Nhà xuất bản Y Học TpHCM, tr. 213-215.

  2. D. L. Mann, Douglas Zipes, P. Libby, Robert Bonow (2015), “Braunwald’s Heart Disease: A Textbook of Cardiovascular Medicine”. BMH Medical Journal,  5

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người