Viêm amidan mạn tính: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm amidan vốn là bệnh lý không còn xa lạ đối với chúng ta. Trong đó, tình trạng viêm amidan mạn tính cũng thường xảy ra ở nhiều đối tượng. Vậy nguyên nhân của bệnh do đâu? Cách điều trị và phòng ngừa như thế nào? Bài viết của Thạc sĩ Bác sĩ Tai Mũi Họng Đinh Thế Huy sẽ mang đến những thông tin về bệnh lý này.
Tổng quan về viêm amidan mạn
Vòng bạch huyết Waldeyer bao gồm 4 nhóm amidan: amidan khẩu cái, V.A, amidan vòi và amidan lưỡi có thành phần chủ yếu là mô lympho và là một chốt chặn quan trọng bảo vệ sức khoẻ của con người, chúng có chức năng miễn dịch ban đầu chống lại các tác nhân gây bệnh được nuốt hoặc hít vào. Trong đó, amidan khẩu cái (hay gọi tắt là amidan) là 2 khối mô lympho nằm ở khoang miệng, cũng là amidan thường được nhắc đến đến nhất trong 4 nhóm bạch huyết trong vòng Waldeyer vì tần suất các bệnh liên quan cao nhất.1 2
Chính vì có chức năng miễn dịch và thường xuyên tiếp xúc, chống lại các tác nhân gây bệnh, các thành phần trong vòng bạch huyết Waldeyer là những vị trí dễ bị viêm nhiễm. Amidan là một trong những vị trí thường bị viêm nhiễm nhất dẫn đến các ảnh hưởng sức khoẻ, gây triệu chứng phiền toái cho người bệnh và giảm chất lượng cuộc sống của mọi người.
Viêm amidan là bệnh lý thường gặp, chiếm khoảng 1,3% bệnh nhân đến khám ngoại trú tại các phòng khám và bệnh viện. Viêm amidan có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ viêm amidan phổ biến hơn ở trẻ em do sự thiếu hụt miễn dịch sinh lý ở lứa tuổi này.1
Hầu hết các trường hợp viêm amidan là hậu quả của nhiễm trùng, có thể do cả tác nhân siêu vi lẫn vi khuẩn. Viêm amidan còn có thể chia thành viêm amidan cấp và amidan mạn, tùy theo thời gian diễn tiến của bệnh. Đối với viêm amidan mạn, tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn, đặc biệt là nhóm liên cầu beta tiêu huyết nhóm A (GABHS).
3 thể bệnh của viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn thường biểu hiện thông qua 3 thể bệnh:
Viêm amidan mạn kéo dài biểu hiện bằng các triệu chứng của quá trình viêm không thuyên giảm hoặc không hết hoàn toàn sau 4 tuần.1
Ngoài ra, còn có viêm amidan tái phát nhiều lần, là những đợt viêm amidan cấp tính nhưng tái phát nhiều lần trong năm, giữa các đợt bệnh thì người bệnh hoàn toàn không có các triệu chứng của viêm amidan. Tuy nhiên, việc tái phát nhiều lần gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nên viêm amidan tái phát nhiều lần cũng là một chỉ định của phương pháp điều trị phẫu thuật cắt amidan.
Bên cạnh đó, sỏi amidan là một dạng đặc biệt của viêm amidan mạn cũng gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh, đặc biệt là vấn đề hơi thở có mùi. Tuy không gây triệu chứng nguy hiểm đến sức khoẻ tuy nhiên làm giảm chất lượng cuộc sống và có chỉ định điều trị.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin được đề cập tập trung vào 3 thể bệnh của viêm amidan mạn:
- Viêm amidan mạn kéo dài.
- Viêm amidan tái phát nhiều lần.
- Sỏi amidan.
Nguyên nhân viêm amidan mạn tính
Hầu hết viêm amidan mạn là do tác nhân nhiễm trùng, bao gồm cả tác nhân siêu vi lẫn tác nhân vi khuẩn. Trong đó, viêm amidan mạn chủ yếu do tác nhân vi khuẩn gây ra, xếp hàng đầu là liên cầu beta tiêu huyết nhóm A. Một số tác nhân gây bệnh được liệt kê dưới đây:1 2 3 4
Tác nhân siêu vi (virus)
Các tác nhân siêu vi gây viêm amidan cũng tương tự như các tác nhân gây ra bệnh cảm lạnh thông thường, bao gồm các tác nhân thường gặp như:
- Rhinovirus.
- Virus hợp bào hô hấp (RSV).
- Adenovirus.
- Virus cúm.
- Coronavirus.
Một số tác nhân đặc biệt khác cũng có thể gây viêm amidan có thể kể đến như:
- Virus EBV (Epstein-Barr virus).
- Cytomegalovirus.
- Rubella.
Tác nhân vi khuẩn
Viêm amidan do tác nhân vi khuẩn thường gặp hơn so với tác nhân siêu vi ở các thể viêm amidan mạn, có thể kể đến các tác nhân như:
- Liên cầu beta tiêu huyết nhóm A (GABHS).
- Hemophilius influenza.
- Tụ cầu (Staphylococcus aureus).
- Phế cầu (Streptococcus pneumoniae).
- Bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae).
- Các chủng yếm khí và hiếu khí.
Ngoài ra, còn có một số tác nhân đặc biệt gây ra viêm amidan mạn như giang mai, lậu,…
Yếu tố nguy cơ gây viêm amidan mạn tính
Các yếu tố thuận lợi gây viêm amidan mạn hoặc các đợt cấp tính tái phát nhiều lần:3
- Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh kém.
- Thay đổi thời tiết, khí hậu lạnh, ẩm, đặc biệt khi thời tiết thay đổi đột ngột dễ khiến các đợt bệnh bùng phát.
- Một số cơ địa có thể dẫn đến viêm amidan tái phát nhiều lần, viêm amidan mạn như: sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng.
- Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng như: sâu răng, viêm nướu, viêm V.A, viêm xoang và do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là cư trú, ẩn náu và phát triển của vi khuẩn.
Riêng đối với sỏi amidan, một số nguyên nhân hoặc yếu tố thuận lợi góp phần hình thành sỏi amidan bao gồm:5 6
- Vệ sinh răng miệng kém làm thức ăn thừa còn lại bám vào các hốc sẵn có trên bề mặt amidan, hòa cùng với các chất khoáng như canxi hình thành nên sỏi amidan
- Amidan lớn, nhiều hốc
- Amidan viêm mạn tính kéo dài hoặc tái đi tái lại khiến amidan có xu hướng lớn dần lên (amidan quá phát) hình thành nhiều hốc, tạo điều kiện để các bã thức ăn đọng lại, lâu dần hình thành sỏi amidan nếu người bệnh không vệ sinh răng miệng thường xuyên và đầy đủ.
Triệu chứng của viêm amidan mạn
Viêm amidan mạn kéo dài
Là hiện tượng viêm amidan tái đi tái lại. Quá trình viêm có thể làm cho amidan to ra, gọi là thể quá phát hoặc ngược lại, ở người lớn tuổi hơn, viêm amidan tái đi tái lại làm cho amidan xơ teo, trở thành nơi chứa đựng vi khuẩn, gây ra các triệu chứng và biến chứng cho người bệnh.
Các triệu chứng chính của viêm amidan mạn có thể kể đến là:
- Đau họng dai dẳng, nhất là khi thời tiết thay đổi, sau khi tiếp xúc với gió lạnh, nước đá.
- Hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amidan.
- Cảm giác vướng họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ do xuất tiết.
- Nếu amidan viêm mạn tính quá phát có thể gây khò khè, ngủ ngáy và nặng hơn là ngưng thở khi ngủ.
Viêm amidan tái phát nhiều lần
Viêm amidan mạn có thể biểu hiện bằng những đợt viêm Amidan cấp tái hồi thường là 4-5 đợt/ năm, giữa các đợt hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng.
Các triệu chứng có thể gặp của những đợt viêm amidan cấp tính tái phát bao gồm:1 2 3 4
- Sốt (38 – 39 độ C).
- Mệt mỏi, bứt rứt, chán ăn.
- Đau họng.
- Nuốt đau, nuốt khó.
- Hơi thở hôi.
- Sưng đau hạch cổ.
- Thở khò khè, ngáy to.
- Amidan sưng to, đỏ, có thể kèm với các mảng trắng hoặc mủ.
- Ở bệnh nhân có viêm xoang mạn hoặc viêm tai giữa mạn, trong những đợt viêm amidan tái hồi bệnh viêm xoang mạn hoặc viêm tai giữa có chiều hướng nặng lên.
Sỏi amidan
Sỏi amidan là thể viêm amidan mạn đặc biệt.5 6 7
Sỏi amidan thường có màu vàng nhạt, hình oval, được hình thành do ứ đọng từ các chất bã, mảng bám (có thể có nguồn gốc từ thức ăn, tế bào chết, chất nhầy, nước bọt,…) bị mắc kẹt trong các hốc sẵn có trên bề mặt amidan, vi khuẩn hoặc vi nấm có thể đến bám vào các mảng đó, cùng các chất khoáng kết dính lại sau một thời gian kết tinh thành tinh thể, hay thường được gọi là sỏi amidan. Tuỳ vào cơ địa mà mỗi người có thể hình thành nhiều sỏi nhỏ rải rác hoặc cục sỏi lớn.6
Nhìn chung, sỏi amidan có thể không có triệu chứng, không gây đau và không gây hại cho tình trạng sức khoẻ, tuy nhiên lại là nguyên nhân gây hơi thở hôi, do các chất bã của thức ăn lâu ngày tạo mùi hôi khó chịu cho người bệnh và mọi người xung quanh, gây giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.5 6
Triệu chứng thường gặp là:
- Cảm giác khó thở trong họng, cảm giác vướng ở họng kéo dài.
- Ho do kích thích.
- Thỉnh thoảng đau tại chỗ và đau lan lên tai.
- Hơi thở hôi: Triệu chứng thường gặp nhất và cũng là than phiền chính của người bệnh, những viên sỏi nhỏ thường không gây đau nhưng sẽ làm hơi thở của bạn có mùi hôi do các chất ứ đọng hình thành nên sỏi, khiến bản thân và mọi người xung quanh khó chịu. Đây cũng là một trong các chỉ định phẫu thuật cắt amidan để điều trị vấn đề sỏi amidan.
- Thỉnh thoảng là yếu tố nguy cơ gây ra những đợt viêm amidan cấp hoặc những đợt viêm amidan tái đi tái lại, gây nhiều khó chịu cho người bệnh khi phải thường xuyên đến thăm khám tại các cơ sở y tế
Điều trị viêm amidan tại nhà có được không?
Đối với thể viêm amidan mạn kéo dài, thông thường các triệu chứng đã kéo dài và đa số không đáp ứng hoàn toàn với các điều trị thông thường, cho nên các thuốc điều trị tại nhà chỉ làm giảm triệu chứng và không làm hết bệnh hoàn toàn. Người bệnh mắc viêm amidan mạn kéo dài cần có sự chăm sóc y tế từ các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng và được điều trị phù hợp tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế.
Những biện pháp làm giảm triệu chứng
Đối với thể viêm amidan tái phát nhiều lần, trong các đợt tái phát cấp tính, có thể thực hiện các biện pháp sau đây để làm giảm triệu chứng cho người bệnh:2 3
- Nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức trong thời gian bệnh.
- Ăn thức ăn mềm, lạnh (như thạch và kem).
- Uống nhiều nước, chia thành các lượng nhỏ đều đặn trong ngày.
- Súc miệng bằng nước muối ấm để giảm đau họng. Đối với người lớn, có thể súc họng bằng dung dịch paracetamol hoặc aspirin.
- Có thể sử dụng các loại nước súc họng/thuốc xịt họng sát khuẩn.
- Đối với người lớn, có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt trong trường hợp sốt trên 38,5ºC và cần có sự hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ gia đình.
Điều trị sỏi amidan
Đối với sỏi amidan, một số phương pháp có thể giúp người bệnh giảm các triệu chứng và có thể giúp sỏi rơi ra, bao gồm:6
Súc họng với nước muối
Nước muối ấm có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu ở họng như giảm đau họng, làm dịu niêm mạc nhờ tác dụng kháng viêm. Ngoài ra, súc họng với nước muối có thể khiến viên sỏi lỏng ra và rơi ra ngoài.
Ho
Một số người chỉ tình cờ phát hiện bản thân mình có sỏi amidan khi ho. Ho có hiệu quả làm lỏng các viên sỏi và giúp chúng rơi ra
Tự lấy sỏi tại nhà có được không?
Sỏi amidan đôi khi có thể quan sát được khi người bệnh há miệng đủ lớn và có nguồn sáng. Không nên lấy sỏi bằng bàn chải đánh răng vì có thể gây tổn thương nhu mô amidan dẫn đến chảy máu hoặc nhiễm trùng. Que bông gòn là một lựa chọn hợp lí để lấy sỏi amidan, tuy nhiên phương pháp này không được khuyến cáo, vì người bệnh với các động tác thô bạo có thể gây ra các biến chứng nặng nề hơn (như chảy máu hoặc nhiễm trùng).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đối với viêm amidan mạn, các triệu chứng thường không rầm rộ, nhưng kéo dài gây phiền toái trong cuộc sống của người bệnh. Bạn cần đến gặp bác sĩ trong các trường hợp:1 2 3 4
- Có nhiều đợt tái phát cấp tính trong năm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, học tập và làm việc.
- Hơi thở hôi dai dẳng.
- Đau họng dai dẳng.
- Hạch cổ viêm đau dai dẳng.
- Amidan quá phát gây nuốt vướng, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ,…
- Amidan quá phát kết hợp với: bệnh tim phổi, chậm tăng trưởng,…
- Sỏi amidan dai dẳng, gây hơi thở hôi hoặc gây các biến chứng như viêm amidan cấp tính.
Chẩn đoán viêm amidan mạn
Các bác sĩ chẩn đoán viêm amidan mạn chủ yếu dựa trên triệu chứng và diễn tiến của bệnh.1 3
Viêm amidan mạn có thể biểu hiện bằng những đợt viêm Amidan cấp tái phát thường là 4-5 đợt/ năm, giữa các đợt hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng hoặc có thể biểu hiện bằng tình trạng viêm mạn kéo dài liên tục nhiều tuần (> 4 tuần) ). Các triệu chứng của viêm amidan mạn đã đề cập ở trên bao gồm: đau họng dai dẳng, nuốt vướng, cảm giác khó thở, ngủ ngáy do amidan quá phát, hơi thở hôi, cảm giác khó chịu trong họng
Amidan to lên do viêm kéo dài hoặc viêm tái phát nhiều lần gây tăng sản nhu mô hoặc do thoái hóa và tắc các hốc amidan, gây nên sỏi amidan.
Thăm khám các trường hợp mắc amidan mạn thường ghi nhận các hình ảnh:7
- Amidan thể quá phát: amidan to, vượt qua 2 trụ amidan, đôi khi chạm vào nhau ở đường giữa. Niêm mạc họng đỏ nhẹ, trong các hốc có ít mủ trắng như bã đậu.
- Amidan thể xơ teo: amidan nhỏ, bề mặt gồ ghề, lỗ chỗ, chằng chịt xơ trắng. Đôi khi bề mặt có những chấm mủ nhỏ, ấn vào amidan có thể có bã đậu hoặc sỏi amidan phòi ra từ các hốc.
- Niêm mạc bề mặt trụ trước dày lên, xung huyết đỏ, đậm màu hơn niêm mạc ở phía ngoài. Trong trường hợp các hốc bị bịt kín bằng lớp màng phủ lên bề mặt amidan, sẽ thấy những nang nhỏ bằng hạt gạo hay hạt đậu xanh, kén bã đậu hoặc chứa nhầy mủ, hoặc sẽ thấy các sỏi amidan màu trắng đục hoặc vàng, hình oval, trong các hốc trên bề mặt amidan.
- Hạch cổ sưng đau hoặc không đau cũng là dấu hiệu thường gặp trong các trường hợp viêm amidan mạn.
Một số chẩn đoán phân biệt với viêm amidan mạn7
- Lao Amidan thứ phát sau lao phổi: có thể lao Amidan nguyên phát do vi khuẩn lao. Loét và mô hạt ở trên Amidan. Cần làm các xét nghiệm về lao.
- Lupus ban đỏ hệ thống: loét nông ở amidan và họng, liền sẹo và tái phát. Đây là bệnh hệ thống, có biểu hiện Lupus trên mặt và biểu hiện toàn thân.
- Gôm giang mai biểu hiện bằng những khối sưng không đau, tiếp theo là loét và sẹo. Cuối cùng để lại các lỗ thủng ở trụ Amidan hoặc màn hầu.
- Phong: biểu hiện bằng những nốt hoặc loét mất chất.
- Sừng hóa amidan: phát triển những nốt xơ trắng bám trên bề mặt amidan và niêm mạc họng. Bệnh thường thường gặp xảy ra ở người lớn, và nhất là ở người bị tiểu đường.
- Ung thư amidan: Amidan to một bên, thâm nhiễm cứng, loét, sùi và dễ chảy máu hoặc amidan to một bên, mềm, không loét (ở gian đoạn đầu), tiến triển chậm và có hạch cổ.
- Bạch hầu: sưng to amidan hai bên, hạch và lách to, tăng bạch cầu dong lympho trong máu.
- Dài mỏm trâm: Do mỏm trâm dài quá mức (chiều dài bình thường của mỏm trâm < 3cm) kích thích cơ học thần kinh và huyết quản, tùy theo mức độ dài mà có thể kích thích dây thần kinh và gây nên các triệu chứng như đau họng, đau thần kinh vùng họng, đau nhiều vùng amidan và vùng góc hàm, đau có thể tăng lên khi nuốt, khi quay cổ hoặc sờ ấn trong amidan.
Điều trị viêm amidan mạn tính
Việc điều trị tùy thuộc vào loại viêm amidan mạn bạn đang mắc phải:3
- Viêm amidan mạn tái phát thường xuyên: đợt viêm cấp amidan tái hồi điều trị như viêm amidan mạn cấp tính nhưng nếu vẫn tái phát 4 – 5 lần/năm thì nên xem xét chỉ định cắt amidan.
- Viêm amidan mạn kéo dài: điều trị nội khoa tích cực bằng kháng sinh trong nhiều tuần (4-6 tuần) với các kháng sinh nhóm beta-lactam hoặc macrolide, clindamycin… kết hợp với các phương pháp làm sạch tại chỗ mà không có kết quả thì xem xét chỉ định cắt amidan.
- Sỏi amidan dai dẳng, to, gây đau có thể lấy bằng thìa qua gây tê. Nếu lấy sỏi khó khăn hoặc sỏi gây hôi miệng kéo dài thì có chỉ định phẫu thuật cắt amidan.
Với kỹ thuật tiên tiến hiện nay, để cắt amidan mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh như giảm chảy máu, giảm đau và nhanh hồi phục, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp cho người bệnh như phẫu thuật khi người bệnh được gây mê có đặt nội khí quản bằng cách sử dụng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt amidan bằng dao laser, dao siêu âm hay coblator, dao plasma,…3
Những thông tin về cắt amidan
Phẫu thuật cắt amidan có đau và gây nguy hiểm không?
Tương tự như các loại phẫu thuật khác, sau khi cắt amidan, người bệnh sẽ có cảm giác đau vào những ngày đầu. Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc giảm đau để giảm bớt tình trạng này.
Bác sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, thể trạng,… để chỉ định cắt amidan. Do đó, đây được xem là phẫu thuật an toàn. .
Cắt amidan có ảnh hưởng gì không?
Phẫu thuật cắt amdian được xem là an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.
Cắt amidan gây mê hay gây tê?
Hiện nay, hầu hết các phẫu thuật cắt amidan đều được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Mục đích là để bộc lộ phẫu trường tốt và kiểm soát chảy máu tốt nhất có thể.
Chăm sóc tại nhà người bị viêm amidan mạn
Trong quá trình điều trị, bất kể người bệnh mắc viêm amidan mạn tính hay cấp tính, cũng cần được chăm sóc để giảm nhẹ triệu chứng và hồi phục nhanh hơn. Sau đây là những cách chăm sóc người mắc viêm amidan mạn:8
Dành nhiều thời gian để ngơi
Nên để người bệnh nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và tránh làm việc quá sức.
Uống đủ nước
Người bệnh nên uống nhiều nước để giữ ẩm cho cổ họng và ngăn ngừa tình trạng mất nước cho cả cơ thể.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Hạn chế các loại thức ăn cứng, khó nuốt. Đồng thời, người bệnh nên uống nước ấm để làm dịu cơn đau họng.
Súc miệng với nước muối thường xuyên
Súc miệng bằng nước muối từ 1/2 thìa cà phê (2,5 ml) muối ăn đến 8 ounce (237 ml) nước ấm có thể giúp làm dịu cơn đau họng.
Vệ sinh không gian sống
Giữ môi trường sống sạch sẽ, làm ẩm không khí và tránh khói thuốc lá, các sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh,… là những cách hỗ trợ người bệnh viêm amidan mạn.
Cách phòng ngừa viêm amidan mạn
Hiện tại vẫn chưa có vắc xin để phòng ngừa viêm amidan mạn. Do đó, ta nên thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa viêm amidan mạn:5 6 7
- Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ hằng ngày.
- Rửa tay thường xuyên.
- Trách tiếp xúc gần với người mắc viêm amidan.
- Vệ sinh răng miệng đầy đủ.
- Tránh khói thuốc lá, ngưng hút thuốc.
- Súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch súc họng thường xuyên.
- Uống đủ nước.
Bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin về viêm amidan mạn tính. Bệnh có thể được điều trị. Cho nên, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường. Bạn nên đi khám ngay để được phát hiện bệnh và được điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tonsillitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544342/
Ngày tham khảo: 19/09/2022
-
Tonsillitishttps://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/tonsillitis
Ngày tham khảo: 19/09/2022
- Lâm Huyền Trân, Lý Xuân Quang (2021). Bài giảng Tai Mũi Họng. NXB Y học.
-
Tonsillitishttps://www.nhs.uk/conditions/tonsillitis/
Ngày tham khảo: 19/09/2022
-
Tonsil Stoneshttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21505-tonsil-stones
Ngày tham khảo: 19/09/2022
-
Tonsil Stones: What They Are and How to Get Rid of Themhttps://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/tonsil-stones#causes
Ngày tham khảo: 19/09/2022
- Nguyễn Hữu Khôi (2006). Viêm họng - amidan và VA. Nhà xuất bản Y học.
- Tonsillitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tonsillitis/diagnosis-treatment/drc-20378483