Viêm đa cơ: Bệnh tự miễn bạn cần lưu ý!
Nội dung bài viết
Viêm đa cơ (polymyositis) là một bệnh tự miễn tương đối hiếm gặp. Tỷ lệ mắc bệnh ở Hoa Kỳ dao động từ 0.5 – 8.4 trường hợp trên 1 triệu dân. Bệnh phổ biến ở người da đen hơn da trắng và phụ nữ gấp đôi nam giới. Nó thường xảy ra ở những người trên 20 tuổi, đặc biệt là từ 45 – 60 tuổi.
Tuy hiếm gặp nhưng hậu quả mà bệnh mang lại tương đối nặng nề. Bạn cần nhận biết sớm những triệu chứng nhằm ngăn ngừa biến chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Hãy cùng theo chân Youmed tìm hiểu về bệnh lý này nhé.
1. Tổng quan về bệnh viêm đa cơ
Viêm đa cơ là một bệnh tự miễn gây yếu cơ đối xứng hai bên cơ thể. Nó có thể gây khó khăn khi leo cầu thang, ngồi dậy, nâng đồ vật hoặc đưa tay qua đầu. Các triệu chứng thường tiến triển từ từ, trong vài tháng. Bệnh có thể kèm theo các tổn thương da thì gọi là bệnh Viêm da – cơ hay viêm bì cơ.
Hiện không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm đa cơ. Tuy nhiên, thuốc và vật lý trị liệu có thể cải thiện sức mạnh và chức năng của cơ bắp.
2. Triệu chứng của bệnh viêm đa cơ
Các triệu chứng viêm đa cơ tiến triển từ từ trong khoảng thời gian 3-6 tháng, bao gồm:
2.1. Cơ bắp
Tình trạng suy yếu các nhóm cơ gần với trục cơ thể như ở hông, đùi, vai, cánh tay và cổ. Các cơ bị ảnh hưởng đối xứng 2 bên cơ thể và có xu hướng nặng lên từ từ khiến bạn khó quỳ, leo trèo, giơ tay, nâng đồ vật, chải tóc hay ngồi bật dậy. Yếu cơ vùng cổ nên khó giữ tư thế đầu thẳng.
Đau cơ cũng có thể xảy ra, nhưng tỉ lệ dưới 30%.
2.2. Toàn thân
Viêm đa cơ là một bệnh toàn thân. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Giảm cân;
- Viêm khớp;
- Mệt mỏi;
- Chán ăn;
- Sốt (liên quan đến kháng thể kháng Jo-1);
- Cứng khớp buổi sáng.
2.3. Phổi
Tình trạng suy yếu các cơ vùng hầu họng có thể dẫn đến các triệu chứng của viêm phổi hít, bao gồm: thở khò khè, ho sặc, tím tái, tụt huyết áp…
Khó thở khi gắng sức cũng xảy ra do yếu các cơ thành ngực và cơ hoành.
2.4. Hệ tiêu hóa
- Táo bón.
- Bụng đầy hơi.
- Chứng khó nuốt.
- Trào ngược thức ăn lên mũi.
- Viêm thực quản do trào ngược.
2.5. Tim
Các triệu chứng gồm hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, đau thắt ngực… Là những biểu hiện của rối loạn nhịp tim, suy tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim… Một khi đã xuất hiện các triệu chứng tại tim thì tiên lượng bệnh trở nên xấu đi.
2.6. Tiết niệu
Sự tiêu cơ vân nặng có thể gây tiểu myoglobin, có thể dẫn đến hoại tử ống thận cấp. Biểu hiện nước tiểu có màu nâu đỏ, tiểu ít.
2.7. Da
Không giống như viêm da cơ địa, phát ban thì không xuất hiện ở bệnh viêm đa cơ. Tuy nhiên, các dày sừng ở mặt lòng và cạnh ngoài ngón tay đã được báo cáo.
Hội chứng Raynaud xảy ra khi ngón tay, ngón chân, má, mũi và tai tiếp xúc với lạnh. Da các vùng này sẽ thay đổi màu sắc từ hồng sang trắng hoặc xanh tím, tê, dị cảm.
3. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được biết một cách rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh có liên quan tới các rối loạn tự miễn. Trong đó, hệ thống miễn dịch đã tấn công nhầm vào chính các mô bình thường của cơ thể.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các tế bào lympho T gây độc tấn công vào các kháng nguyên trên cơ. Do đó, các sợi cơ sẽ bị tổn thương, viêm và suy yếu. Bệnh có thể xảy ra tự phát hoặc liên quan đến nhiễm virus, ung thư, rối loạn mô liên kết. Các virus có liên quan đến căn nguyên của bệnh gồm HIV, coxsakievirus B, retrovirus…
4. Yếu tố nguy cơ bệnh viêm đa cơ
Nguy cơ cao hơn nếu bị lupus, viêm đa khớp dạng thấp, xơ cứng bì hoặc hội chứng Sjogren.
Bên cạnh đó còn có các yếu tố môi trường, đặc biệt là các tác nhân truyền nhiễm làm tăng nguy cơ gây bệnh, bao gồm:
- Coxsackievirus B1;
- HIV;
- Virus lymphotrophic tế bào T gây bệnh ở người type 1 (HTLV-1);
- Virus viêm gan B;
- Cúm;
- Echovirus;
- Adenovirus.
Các loại thuốc như D-penicillamine, hydralazine, Procainamide, phenytoin và thuốc ức chế men chuyển angiotensin có liên quan đến bệnh viêm đa cơ. Statin đôi khi cũng gây viêm cơ nghiêm trọng và ly giải cơ vân.
5. Cách chẩn đoán bệnh
Sau khi hỏi bệnh và khám phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ viêm đa cơ. Bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm để loại trừ hay xác định chẩn đoán, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Nồng độ enzyme của cơ tăng cao như CK, GOT, GPT là dấu hiệu của tổn thương cơ. Các tự kháng thể chuyên biệt liên quan đến viêm đa cơ giúp lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.
- Điện cơ: Bác sĩ sẽ đặt một điện cực kim mỏng qua da vào trong cơ. Hoạt động điện được đo lúc nghỉ và vận động cơ bắp. Sự thay đổi trong mô hình hoạt động điện có thể xác định được bệnh lý ở cơ.
- Sinh thiết cơ: Một mảnh mô cơ nhỏ sẽ được lấy ra để phân tích trong phòng thí nghiệm. Sinh thiết có thể thấy được những bất thường như viêm, tổn thương, khiếm khuyết protein hay enzyme nhất định.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Khác với sinh thiết cơ, MRI có thể đánh giá tình trạng viêm trên một vùng cơ lớn.
Bên cạnh đó, bạn cần biết cách chẩn đoán phân biệt. Các triệu chứng của viêm đa cơ dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác như:
- Hạ kali máu, hạ phosphat máu, suy giáp.
- Bệnh nhược cơ, Loạn dưỡng cơ, bệnh cơ chuyển hóa.
- Viêm cơ bạch cầu ái toan, viêm cơ khu trú, viêm cơ tế bào khổng lồ.
- Bệnh đa rễ thần kinh trên bệnh nhân đái tháo đường.
- Các bệnh mô liên kết: lupus, viêm đa khớp dạng thấp, xơ cứng bì, hội chứng Sjogren.
- Bệnh cơ do thuốc: Zidovudine, D-penicillamine, Statins, Ketoconazole…
6. Biến chứng của viêm đa cơ
- Suy dinh dưỡng: Nếu các cơ trong thực quản bị ảnh hưởng, có thể gặp vấn đề về nuốt. Do đó có thể gây giảm cân và suy dinh dưỡng.
- Viêm phổi hít: Khó nuốt có thể khiến hít phải thức ăn, chất lỏng, nước bọt vào phổi có thể gây viêm phổi.
- Bệnh phổi kẽ: Bệnh phổi kẽ có thể xảy ra với những người bị viêm đa cơ. Tình trạng này gây ra xơ hóa mô phổi, làm cho phổi cứng và không co giãn. Các triệu chứng bao gồm ho khan và khó thở.
- Hội chứng Raynaud: Là tình trạng ngón tay, ngón chân, má, mũi và tai trở nên nhợt nhạt khi tiếp xúc với lạnh.
- Bệnh tim mạch.
Bệnh viêm đa cơ có thể khiến viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Trong một số ít trường hợp, suy tim sung huyết và rối loạn nhịp tim có thể tiến triển.
- Ung thư: Ung thư phổi, vú, bàng quang và bệnh lymphoma không Hodgkin có thể tăng lên ở những bệnh nhân viêm đa cơ, đặc biệt là trong năm đầu tiên sau khi chẩn đoán.
- Biến chứng của điều trị corticoid kéo dài: Chân tay teo lại, da mỏng; tăng huyết áp, đái tháo đường, hạ kali trong máu, loét dạ dày tá tràng; loãng xương…
7. Cách điều trị viêm đa cơ
Hiện không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm đa cơ. Tuy nhiên, thuốc và vật lý trị liệu có thể cải thiện sức mạnh và chức năng của cơ bắp. Việc điều trị sớm sẽ có hiệu quả và ít dẫn đến biến chứng hơn.
Không có phương pháp điều trị cố định nào cho bệnh viêm đa cơ. Chiến lược điều trị sẽ được điều chỉnh dựa trên triệu chứng và mức độ đáp ứng với trị liệu.
7.1. Thuốc
Các loại thuốc thường được sử dụng nhất để điều trị viêm đa cơ bao gồm:
- Corticosteroid
Các loại thuốc như prednison rất hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng viêm đa cơ. Nhưng việc sử dụng kéo dài các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó bác sĩ thường giảm dần liều thuốc xuống mức thấp hơn trong quá trình điều trị.
- Thuốc hỗ trợ cho corticosteroid:
Khi kết hợp với corticosteroid, những thuốc này có thể làm giảm liều và tác dụng phụ của corticosteroid. Hai loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng cho bệnh viêm đa cơ là azathioprine và methotrexate. Các loại thuốc khác cũng được kê toa bao gồm mycophenolate mofetil, cyclosporine và tacrolimus.
- Rituximab
Được sử dụng phổ biến hơn để điều trị viêm khớp dạng thấp. Rituximab sẽ được chọn nếu liệu pháp ban đầu không kiểm soát được các triệu chứng của viêm đa cơ.
7.2. Các liệu pháp
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị:
- Vật lý trị liệu: Các bài tập giúp cải thiện, duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bắp. Bác sĩ sẽ hướng dẫn mức độ luyện tập thích hợp tùy theo tình trạng bệnh.
- Ngôn ngữ trị liệu: Nhóm cơ hầu họng suy yếu, liệu pháp này giúp bù lại cho những khiếm khuyết trong lời nói.
- Đánh giá chế độ ăn uống: Khi bị viêm đa cơ, việc nhai và nuốt có thể trở nên khó khăn hơn. Một chuyên gia dinh dưỡng sẽ hướng dẫn cách chế biến các món ăn dễ ăn và bổ dưỡng.
7.3. Tiêm IVIG
Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) là sản phẩm máu tinh khiết có chứa các kháng thể lành mạnh. Những kháng thể này sẽ ngăn chặn các kháng thể gây hại tấn công cơ bắp trong viêm đa cơ.
8. Tiên lượng bệnh viêm đa cơ
Hầu hết các trường hợp, viêm đa cơ đáp ứng tốt với điều trị. Mặc dù, tình trạng yếu cơ vẫn còn xảy ra ở khoảng 30% bệnh nhân. Loãng xương, một biến chứng phổ biến của liệu pháp corticosteroid dài hạn.
Các yếu tố tiên lượng kém bao gồm:
- Tuổi cao;
- Giới tính nữ;
- Chủng tộc người Mỹ gốc Phi;
- Bệnh phổi kẽ;
- Sự hiện diện của kháng thể kháng Jo-1 và kháng thể kháng SRP;
- Mắc các bệnh lý ác tính;
- Điều trị chậm trễ hoặc không đầy đủ;
- Chứng khó đọc, khó nuốt;
- Mắc các bệnh tim và phổi kèm theo.
Hiện nay chưa có bất kỳ biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh viêm đa cơ. Người bệnh khi có biểu hiện cần đi khám bệnh sớm để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.
Tỷ lệ sống còn sau 5 năm trong bệnh viêm đa cơ ước tính là hơn 80%. Tử vong thường liên quan nhiều nhất đến bệnh lý ác tính hoặc biến chứng tại phổi. Tuy nhiên, bệnh nhân cao tuổi có bệnh tim hoặc khó nuốt cũng có tỷ lệ tử vong cao.
Viêm đa cơ là một bệnh tự miễn hiếm gặp. Tuy nhiên, hậu quả mà chúng gây ra là rất nhiều có thể dẫn đến từ vong. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ của viêm đa cơ nên đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Tuy chưa có cách điều trị khỏi bệnh này nhưng điều trị kịp thời sẽ mang lại những tín hiệu tích cực. Bài viết hy vọng đem đến cho người đọc những kiến thức hữu ích về bệnh lý này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Polymyositishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/polymyositis/diagnosis-treatment/drc-20353212
Ngày tham khảo: 08/05/2020
-
Polymyositishttps://emedicine.medscape.com/article/335925-overview#a5
Ngày tham khảo: 08/05/2020