Viêm dạ dày ở trẻ em: Những điều bố mẹ cần quan tâm
Nội dung bài viết
Ngày nay, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày ngày càng tăng lên do chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Vậy viêm dạ dày ở trẻ em là gì và nguyên nhân gây ra tình trạng này do đâu? Hãy theo dõi bài viết bên dưới của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh để tìm kiểu kĩ hơn về bệnh viêm dạ dày ở trẻ em.
Viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày là cụm từ dùng để mô tả các vấn đề liên quan đến viêm ở lớp niêm mạc dạ dày. Tình trạng này là kết quả của sự nhiễm vi khuẩn gây ra các ổ loét ở dạ dày. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên hoặc uống quá nhiều rượu bia sẽ góp phần gia tăng tình trạng này.
Viêm dạ dày ở trẻ em là tình trạng niêm mạc dạ dày của trẻ bị viêm hoặc kích ứng.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ
Trẻ bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị viêm dạ dày đó chính là trẻ bị nhiễm khuẩn HP. Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) có khả năng tồn tại trong niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn HP khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra nhiều tình trạng bênh lý cho hệ tiêu hóa, trong đó có viêm dạ dày tá tràng.
Sử dụng thuốc sai chỉ định
Sử dụng thuốc để điều trị bệnh nhưng sai chỉ định có thể dẫn đến vấn đề tiêu hóa. Ví dụ như bệnh viêm loét dạ dày ở cả người lớn và trẻ em do bị kích ứng.
Chế độ ăn uống không hợp lý
Dạ dày của trẻ em yếu hơn người lớn. Niêm mạc dạ dày của trẻ cũng dễ bị kích ứng hơn. Vì vậy, khi trẻ ăn các thực phẩm có tính chua, cay hoặc có ga trong thời gian dài, vùng niêm mạc dạ dày của bé sẽ dễ bị viêm. Từ đó sẽ gây nên bệnh viêm dạ dày ở trẻ.
Căng thẳng, stress kéo dài
Stress, căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Đối với trẻ em, stress, căng thẳng do áp lực học tập thi cử khiến cho trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, thậm chí trầm cảm. Từ đó sẽ gây ra viêm dạ dày ở trẻ.
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày
Trẻ biếng ăn, chán ăn
Khi trẻ mắc bệnh viêm dạ dày, cơ thể trẻ sẽ chậm tăng cân vì biếng ăn, chán ăn. Đặc biệt là trẻ thường xuyên nôn ói. Nhiều bậc phụ huynh lại nghĩ rằng con giả vờ nôn ói để không phải ăn và càng thúc ăn nhiều hơn khiến bệnh dạ dày của con dần nặng hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cơ thể, mà còn làm tổn thương tinh thần của trẻ.
Trẻ thường xuyên đau bụng
Nhiều quý phụ huynh sẽ nhầm lẫn những cơn đau bụng thường do giun với những cơn đau dạ dày. Từ đó nhiều bậc phụ huynh sẽ chủ quan không đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân của bệnh. Theo số liệu thống kê, trong 60% trẻ nhập viện do viêm dạ dày thì gần một nửa trẻ đau bụng kéo dài trên 3 tháng mà không được điều trị. Tiến triển bệnh viêm dạ dày của các bé này thường rất nặng. Thậm chí có thể đã dẫn đến nhiều biến chứng xấu như viêm loét dạ dày, thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày,…
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần thường xuyên lưu ý khi trẻ đau bụng bất thường, lặp lại nhiều lần và thường là trước hoặc sau khi ăn. Đối với trẻ em, vị trí đau dạ dày sẽ khác biệt so với người lớn. Các bé thường đau ở trên rốn hoặc quanh rốn. Cơn đau bụng thường diễn ra về đêm, khiến trẻ không ngủ được, âm ỉ kéo dài hay dữ dội từ vài chục phút đến hàng giờ liền.
Trẻ thường xuyên ợ chua, khó tiêu, đầy hơi
Đầy hơi và ợ chua là những dấu hiệu triệu chứng viêm dạ dày phổ biến ở trẻ. Tuy nhiên các bé sẽ gặp khó khăn khi miêu tả triệu chứng này, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi. Bên cạnh đó, dịch acid trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản. Điều này dẫn đến họng của bé hay bị ho, ợ hơi, ợ chua. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bé có thể bị viêm loét dạ dày nặng, thậm chí có thể dẫn đến nhiều biến chứng xấu.
Trẻ thường xuyên nôn ói, có thể ói ra máu
Theo thống kê số liệu có hơn 50% số ca trẻ em nhập viện do viêm dạ dày bị tình trạng đi cầu phân đen hoặc phân lẫn máu tươi. Tuy nhiên do thói quen chủ quan của nhiều phụ huynh Việt Nam nên không hay quan sát phân của trẻ. Vì vậy khó có thể lưu ý tình trạng bệnh dạ dày của trẻ từ sớm.
Trẻ xanh xao, thường xuyên chóng mặt
Một số trường hợp trẻ mắc bệnh viêm loét dạ dày và xuất huyết kéo dài trong nhiều ngày mà không được điều trị, dẫn đến tổn thương mạch máu. Thậm chí những trẻ này sẽ có triệu chứng tệ hơn của thiếu máu mạn tính.
Một số biểu hiện khác phụ huynh cần chú ý khi trẻ bị viêm dạ dày:
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt
- Lòng bàn tay bàn chân trắng nhợt
- Mệt mỏi, thường xuyên bị chóng mặt
- Trẻ thiếu tập trung học
Điều trị viêm dạ dày ở trẻ em
Các triệu chứng viêm dạ dày của trẻ em có thể biến mất mà không cần điều trị. Điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây ra viêm dạ dày của trẻ.
Nếu nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ bởi một vật độc hại như pin, cúc áo thì cần được điều trị ngay lập tức.
Thuốc có thể được sử dụng để giúp điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Ngoài ra, thuốc còn có thể giúp giảm lượng axit trong dạ dày.
Viêm dạ dày có gây ra biến chứng gì ở trẻ không?
Bệnh viêm dạ dày ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ví dụ như:
- Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu dạ dày) với ói máu hay tiêu phân đen.
- Hẹp môn vị với ói tái diễn (ăn chậm tiêu, chướng bụng, buồn nôn, nôn, đôi khi ói máu hoặc thủng dạ dày).
- Xuất huyết tiêu hóa có thể gây thiếu máu.
- Có thể biểu hiện suy dinh dưỡng,
- Ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Cách phòng bệnh viêm dạ dày ở trẻ em
Để vật độc hại như pin và các vật tương tự ở xa tầm tay của trẻ
Pin, cúc áo rất dễ nuốt. Vì vậy hãy cất tất cả pin và các vật liệu độc hại ở những nơi trẻ em không thể lấy được.
Không cho trẻ ăn những thức ăn dễ gây kích ứng
Thực phẩm như cam và các loại sốt cay có thể gây viêm dạ dày. Thay vào đó, hãy cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn lành mạnh. Ví dụ như trái cây (không phải cam quýt), rau, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu, bánh mì, thịt nạc và cá. Bên cạnh đó, khuyến khích cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ và uống nước trong bữa ăn. Không để trẻ ăn ít nhất 3 giờ trước khi trẻ đi ngủ.
Không hút thuốc ở môi trường xung quanh trẻ
Nicotine và các hóa chất khác trong thuốc lá và xì gà có thể làm cho các triệu chứng viêm dạ dày của trẻ em tồi tệ hơn. Thậm chí các hóa chất độc hại này có thể gây tổn thương phổi. Thuốc lá điện tử hay thuốc lá không khói vẫn chứa nicotine.
Giúp trẻ thư giãn và giảm căng thẳng
Căng thẳng có thể làm tăng lượng axit trong dạ dày. Từ đó sẽ khiến tình trạng viêm dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, nên cho trẻ tham gia các hoạt động như yoga, thiền, hoạt động trí óc, nghe nhạc để giúp trẻ thư giãn.
Các quý phụ huynh nên lập kế hoạch chăm sóc cho con mình. Tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của con và phương hướng điều trị. Thảo luận về các lựa chọn điều trị với bác sĩ để quyết định xem bạn muốn chăm sóc gì cho con mình. Thông tin ở phía trên chỉ là một sự trợ giúp giáo dục. Nó không nhằm mục đích tư vấn y tế cho các tình trạng hoặc phương pháp điều trị cá nhân. Hãy nói chuyện với bác sĩ và dược sĩ trước khi thực hiện bất kỳ chế độ y tế nào để xem liệu nó có an toàn và hiệu quả cho con bạn hay không.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gastritis in Childrenhttps://www.drugs.com/cg/gastritis-in-children.html
Ngày tham khảo: 02/07/2021