Viêm đường hô hấp trên ở trẻ: Lời khuyên của bác sĩ dành cho bố mẹ
Nội dung bài viết
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là vô cùng thường gặp. Trẻ bị hắt hơi, sổ mũi là điều mà bậc cha mẹ nào cũng sẽ phải đối mặt. Trang bị thêm những thông tin về chứng bệnh này sẽ giúp cha mẹ vững tâm hơn khi chăm sóc con cái. Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa Nhi Phạm Thị Mỹ Anh cung cấp cho bạn những câu hỏi thường gặp và lời khuyên của bác sĩ về bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ.
Viêm đường hô hấp trên là gì?
Viêm đường hô hấp trên còn gọi là cảm lạnh thông thường. Bệnh này tác động lên tai, mũi, họng và các xoang của trẻ. Phần lớn trẻ em sẽ phải chịu khoảng 5 đến 8 đợt cảm lạnh trong một năm. Đặc biệt trẻ dễ bị cảm lạnh hơn vào mùa đông.
Viêm đường hô hấp là một tình trạng viêm nhiễm rất phổ biến ở trẻ em và làm cho quá trình hô hấp trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể được phòng ngừa và điều trị khi mắc phải.
Nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ thường là do virus. Có rất nhiều loại virus cảm lạnh khác nhau và chúng đều có tính lây lan. Đường lây truyền từ người này qua người khác có thể gặp khi ho, hắt hơi, hay tiếp xúc tay chân trực tiếp.
Những đồ vật thường ngày cũng có thể ẩn chứa rất nhiều virus như: tay nắm cửa, giường chiếu, bàn ghế hay đồ chơi. Trẻ em thường có xu hướng đưa các đồ vật lạ lên miệng, vì vậy dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra trẻ cũng dễ bị lây nhiễm khi chạm vào các vật dụng có chứa virus rồi sau đó lại lấy tai quệt mũi hay dụi mắt.
Biểu hiện viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Triệu chứng ở trẻ thường biểu hiện nặng nhất trong 3 đến 5 ngày đầu. Các dấu hiệu cảm lạnh ở trẻ bao gồm:
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Hắt hơi và ho.
- Đau họng, khàn tiếng.
- Mắt đỏ, đau mắt.
- Mệt mỏi, cáu kỉnh.
- Sốt thường trong khoảng 1-3 ngày.
- Đau đầu, đau nhức cơ.
Điều trị viêm đường hô hấp trên ở trẻ như thế nào?
Cảm lạnh thông thường do virus gây nên, mà virus thì không chịu tác động của kháng sinh. Do đó, thuốc kháng sinh là không cần thiết trong các trường hợp cảm lạnh thông thường.
Phần lớn các đợt cảm lạnh sẽ tự hết trong 1 đến 2 tuần. Các loại thuốc được sử dụng thường nhắm đến việc giảm nhẹ đi các triệu chứng của trẻ.
Các loại si-rô ho có thể được dùng để làm dịu bớt đi các cơn ho dai dẳng. Nếu trẻ đau và sốt, thuốc giảm đau và hạ sốt có thể đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc này có thể có một số tác dụng phụ lên gan và dạ dày.
Bố mẹ có thể làm gì để kiểm soát các triệu chứng bệnh?
- Cho trẻ nằm nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi có thể giúp cơ thể trẻ tự phục hồi tốt hơn
- Cung cấp đủ nước cho trẻ. Nước làm lỏng và loãng các chất tiết, giúp trẻ ho ra dễ dàng hơn. Uống nước còn giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu nước. Các loại chất lỏng giúp bổ sung nước cho trẻ bao gồm: nước lọc, nước trái cây, và các loại nước súp. Không cho trẻ uống các loại nước có chứa caffein. Caffein làm tăng nguy cơ mất nước ở trẻ em. Có thể hỏi thêm bác sĩ về lượng nước cần thiết để cung cấp cho trẻ mỗi ngày.
- Làm sạch dịch tiết ở mũi của trẻ. Trên thị trường hiện nay có bán các dụng cụ hút mũi có thể được dùng để loại bỏ chất tiết ở mũi.
- Làm dịu cổ họng trẻ. Ở các trẻ lớn, có thể hướng dẫn trẻ súc họng bằng nước muối. Pha nước muối bằng cách cho 1/4 muỗng muối vào 1 ly nước ấm.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm. Các loại máy này đưa thêm độ ẩm vào không khí và giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
- Giúp trẻ tránh xa khói thuốc lá. Không hút thuốc lá gần khu vực có trẻ em. Những chất độc trong khói thuốc lá có thể khiến các triệu chứng của trẻ nặng nề hơn. Chúng còn có thể gây nên các nhiễm trùng khác như viêm phế quản, viêm phổi.
Làm gì để phòng ngừa lây lan viêm đường hô hấp trên?
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người khác trong 3 – 5 ngày của đợt cảm lạnh. Virus dễ lây lan nhanh nhất trong giai đoạn này
- Rửa tay của bạn và của trẻ thường xuyên. Dạy trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho hay xì mũi. Dạy trẻ cách ho và hắt xì vào mặt trong khuỷu tay thay vì bàn tay.
- Không để trẻ dùng chung đồ chơi, núm vú giả hay khăn tắm với người khác khi đang bị bệnh.
- Không để trẻ dùng chung đồ ăn, thức uống với người khác khi đang bị bệnh.
Khi nào tôi cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức?
- Khi thấy trẻ sốt quá cao.
- Trẻ khó thở hay thở nhanh hơn bình thường.
- Quan sát thấy môi, móng tay trẻ tím tái.
- Trẻ không đi tiểu hoặc ít tiểu hơn bình thường.
- Khi trẻ đau đầu nặng hoặc cứng cổ.
- Trẻ quá mệt, không thể ăn uống được.
- Xuất hiện những chấm đỏ, xuất huyết trên da.
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ thường gây khá nhiều phiền toái cho trẻ cũng như các bậc cha mẹ. Qua các thông tin trên, hi vọng bạn đã bớt đi sự lo lắng khi có trẻ trong nhà bị cảm, sổ mũi. Các kiến thức trên giúp bạn đồng hành với trẻ vượt qua các đợt cảm lạnh trong năm và biết lúc nào nên tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ.