YouMed

Viêm giáp Hashimoto và những điều bạn cần biết

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng

Viêm giáp Hashimoto còn được gọi là viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính hay bệnh Hashimoto. Đây là tình trạng trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công chính tuyến giáp của bạn. Viêm giáp Hashimoto là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy giáp. Hãy cũng tìm hiểu rõ hơn về viêm giáp Hashimoto trong bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nhé!

Viêm giáp Hashimoto là gì?

Bạn biết không, tuyến giáp là một trong những cơ quan quan trọng của hệ thống nội tiết trong cơ thể chúng ta. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ ở phía trước cổ. Nó sản xuất hormone T3 và T4 có vai trò trong điều chỉnh chuyển hóa năng lượng, nhiệt độ, sức mạnh cơ và nhiều chức năng khác của cơ thể.

Bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch
Bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch

Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào của tuyến giáp. Hậu quả là tuyến giáp hoạt động kém hoặc suy giáp.

Theo thống kế cho thấy, viêm giáp Hashimoto chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ tuổi trung niên. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào.

Xem thêm: Tuyến giáp: Cấu trúc, chức năng và các bệnh lý thường gặp

Triệu chứng của viêm giáp Hashimoto

Ban đầu, bạn có thể không nhận thấy các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh Hashimoto. Hoặc bạn có thể nhận thấy sưng ở phía trước cổ họng. Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto thường tiến triển chậm trong nhiều năm và gây tổn thương tuyến giáp mãn tính, dẫn đến giảm nồng độ hormone tuyến giáp trong máu của bạn. Vì vậy, các dấu hiệu và triệu chứng chủ yếu là của tình trạng suy giáp. Bao gồm:

  • Mệt mỏi và uể oải.
  • Sợ lạnh.
  • Táo bón.
  • Da khô, nhợt nhạt.
  • Phù mặt.
  • Móng tay dễ gãy.
  • Rụng tóc.
  • Phì đại lưỡi.
  • Tăng cân không giải thích được.
  • Đau nhức cơ.
  • Đau và cứng khớp.
  • Yếu cơ.
  • Chảy máu kinh nguyệt quá nhiều hoặc kéo dài.
  • Trầm cảm.

Xem thêm: Tăng cân bất thường: Coi chừng bị bệnh suy giáp!

Minh họa người bình thường (bên trái) với người bị suy giáp (bên phải), với các triệu chứng gồm lồi mắt, bướu cổ, phì đai tuyến giáp
Minh họa người bình thường (bên trái) với người bị suy giáp (bên phải), với các triệu chứng gồm lồi mắt, bướu cổ, phì đai tuyến giáp

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Đi khám bác sĩ nếu bạn phát triển các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi không có lý do rõ ràng.
  • Da khô.
  • Mặt nhợt nhạt, sưng húp.
  • Táo bón.

Bạn cũng sẽ cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra chức năng tuyến giáp định kỳ nếu:

  • Bạn đã phẫu thuật tuyến giáp.
  • Bạn đã điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp.
  • Bạn đã xạ trị ở đầu, cổ hoặc phần ngực trên.

Nếu bạn có nồng độ cholesterol trong máu cao, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc liệu suy giáp có thể là một nguyên nhân.

Và nếu bạn đang điều trị bằng liệu pháp hormone để điều trị suy giáp do bệnh Hashimoto. Hãy lên lịch tái khám thường xuyên theo khuyến nghị của bác sĩ. Để đảm bảo rằng bạn đang nhận đúng liều lượng thuốc. Bởi vì, theo thời gian, liều lượng bạn cần để thay thế đầy đủ chức năng tuyến giáp có thể thay đổi.

Xem thêm: Suy giáp có nên mang thai hay không?

Đi khám bác sĩ nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ bệnh Hashimoto
Đi khám bác sĩ nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ bệnh Hashimoto

Nguyên nhân của viêm tuyến giáp Hashimoto

Bệnh viêm giáp Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch. Khi đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể làm tổn thương các tế bào tuyến giáp của bạn.

Hiện nay, các bác sĩ không biết nguyên nhân nào khiến hệ thống miễn dịch lại tấn công tuyến giáp của bạn. Song, một số nhà khoa học cho rằng vi rút hoặc vi khuẩn có thể kích hoạt phản ứng này. Trong khi những người khác cho rằng có thể liên quan đến một lỗ hổng di truyền.

Sự kết hợp của các yếu tố – bao gồm di truyền, giới tính và tuổi tác – có thể xác định khả năng bạn mắc chứng rối loạn này.

Ai dễ mắc bệnh Hashimoto?

Như đã nói, nguyên nhân của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto chưa được biết. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ đã được xác định đối với căn bệnh này. Bao gồm:

1. Giới tính

Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh viêm giáp Hashimoto hơn đàn ông. Theo thống kê, nguy cơ xảy ra ở phụ nữ cao hơn gấp 7 lần so với nam giới, đặc biệt là phụ nữ đã mang thai.

2. Tuổi

Bệnh viêm giáp Hashimoto có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở tuổi trung niên.

3. Di truyền

Bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm giáp Hashimoto cao hơn nếu những người khác trong gia đình bạn mắc bệnh tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn dịch khác.

4. Bệnh tự miễn khác

Khi bạn mắc một bệnh tự miễn khác – chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường loại 1 hoặc lupus – làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Hashimoto.

5. Tiếp xúc với bức xạ

Những người tiếp xúc với bức xạ môi trường quá mức dễ mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.

Biến chứng của bệnh viêm giáp Hashimoto

Nếu không được điều trị, suy giáp do bệnh Hashimoto gây ra có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như:

Bướu cổ

Việc kích thích liên tục tuyến giáp của bạn để giải phóng nhiều hormone hơn có thể làm cho tuyến này to ra, được gọi là bướu cổ. Suy giáp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bướu cổ. Bướu cổ lớn có thể ảnh hưởng đến ngoại hình của bạn và có thể cản trở việc nuốt hoặc thở.

Vấn đề tim mạch

Bệnh Hashimoto cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Chủ yếu là do mức cholesterol “xấu” (lipoprotein tỷ trọng thấp – LDL) cao – có thể xảy ra ở những người có tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp). Nếu không được điều trị, suy giáp có thể dẫn đến tim phì đại và có thể dẫn đến suy tim.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần

Bệnh trầm cảm có thể xuất hiện sớm trong bệnh Hashimoto và có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Bệnh Hashimoto cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ và có thể dẫn đến hoạt động trí óc bị trì trê.

Myxedema (miks-uh-DEE-muh)

Tình trạng hiếm gặp, đe dọa đến tính mạng này có thể phát triển do chứng suy giáp nặng kéo dài do bệnh Hashimoto không được điều trị. Các dấu hiệu và triệu chứng của nó bao gồm buồn ngủ, sau đó là hôn mê sâu và mất ý thức.

Hôn mê myxedema có thể được kích hoạt do tiếp xúc với lạnh, thuốc an thần, nhiễm trùng hoặc căng thẳng khác trên cơ thể bạn. Myxedema cần được điều trị y tế khẩn cấp ngay lập tức.

Dị tật bẩm sinh

Trẻ sinh ra từ những phụ nữ bị suy giáp không được điều trị do bệnh Hashimoto có thể có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn so với trẻ sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh. Các bác sĩ từ lâu đã biết rằng những đứa trẻ này dễ gặp các vấn đề về trí tuệ và phát triển. Có thể có mối liên hệ giữa việc mang thai bị suy giáp và dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như hở hàm ếch.

Một mối liên hệ cũng tồn tại giữa thai kỳ suy giáp và các vấn đề về tim, não và thận ở trẻ sơ sinh. Nếu bạn dự định có thai hoặc nếu bạn đang trong thời kỳ đầu mang thai, hãy nhớ kiểm tra tuyến giáp của bạn.

Chẩn đoán viêm giáp Hashimoto

Chẩn đoán bệnh Hashimoto thường dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của bạn và kết quả xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể nghi ngờ tình trạng này nếu bạn có các triệu chứng của suy giáp. Xét nghiệm máu đo nồng độ hormone tuyến giáp và hormone kích thích tuyến giáp (TSH) được sản xuất trong tuyến yên.

Xét nghiệm hormone

Xét nghiệm máu có thể xác định lượng hormone do tuyến giáp và tuyến yên sản xuất. Nếu tuyến giáp của bạn kém hoạt động, nồng độ hormone tuyến giáp thấp. Đồng thời, mức TSH tăng cao do tuyến yên của bạn cố gắng kích thích tuyến giáp của bạn sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn.

Xét nghiệm máu đo nồng độ hormone tuyến giáp và hormone kích thích tuyến giáp (TSH)
Xét nghiệm máu đo nồng độ hormone tuyến giáp và hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

Xét nghiệm kháng thể

Vì bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch, nguyên nhân liên quan đến việc sản xuất các kháng thể bất thường. Xét nghiệm máu có thể xác nhận sự hiện diện của các kháng thể chống lại peroxidase tuyến giáp (kháng thể TPO). Là một loại enzym thường được tìm thấy trong tuyến giáp, có vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone tuyến giáp.

Lưu ý rằng, xét nghiệm kháng thể TPO không dương tính ở tất cả mọi người bị viêm tuyến giáp Hashimoto. Đồng thời, nhiều người có kháng thể TPO nhưng không bị bướu cổ, suy giáp hoặc các vấn đề khác.

Trước đây, các bác sĩ không thể phát hiện ra suy giáp (dấu hiệu chính của bệnh Hashimoto) cho đến khi các triệu chứng khá nặng. Nhưng bằng cách sử dụng xét nghiệm TSH nhạy, các bác sĩ có thể chẩn đoán rối loạn tuyến giáp sớm hơn nhiều. Thường là trước khi bạn gặp các triệu chứng.

Bởi vì xét nghiệm TSH là xét nghiệm sàng lọc tốt nhất, bác sĩ của bạn có thể sẽ kiểm tra TSH trước. Và sau đó là xét nghiệm hormone tuyến giáp nếu cần. Các xét nghiệm TSH cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý chứng suy giáp. Các xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ xác định liều lượng thuốc phù hợp trong quá trình điều trị bệnh.

Điều trị viêm giáp Hashimoto

Điều trị bệnh Hashimoto có thể bao gồm theo dõi và sử dụng thuốc. Nếu không có sự thiếu hụt hormone và tuyến giáp của bạn hoạt động bình thường, điều trị có thể là theo dõi và tái khám. Nếu bạn cần điều trị bằng thuốc, rất có thể bạn sẽ cần nó trong suốt quãng đời còn lại.

Hormone tổng hợp

Nếu bệnh Hashimoto gây thiếu hụt hormone tuyến giáp, bạn có thể cần điều trị bằng hormone tuyến giáp thay thế. Có nghĩa là sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp levothyroxine hàng ngày.

Levothyroxine tổng hợp giống với thyroxine – là hormone do tuyến giáp của bạn tạo ra. Thuốc giúp phục hồi lượng hormone đầy đủ và đảo ngược tất cả các triệu chứng của suy giáp.

Theo dõi liều lượng

Để xác định đúng liều lượng levothyroxine ban đầu, bác sĩ thường kiểm tra nồng độ TSH của bạn sau 6-8 tuần điều trị và một lần nữa sau khi thay đổi liều lượng. Khi liều lượng được xác định, bác sĩ có khả năng sẽ kiểm tra mức TSH của bạn khoảng 12 tháng một lần. Lượng hormone tuyến giáp quá cao có thể đẩy nhanh quá trình mất xương. Điều này có thể làm cho bệnh loãng xương trở nên tồi tệ hơn hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Điều trị quá mức với levothyroxine cũng có thể gây rối loạn nhịp tim.

Nếu bạn bị bệnh mạch vành hoặc suy giáp nặng. Bác sĩ có thể bắt đầu điều trị với lượng thuốc ít hơn và tăng dần liều lượng. Sự thay thế hormone dần dần cho phép tim của bạn điều chỉnh để tăng cường trao đổi chất.

Levothyroxine hầu như không gây ra tác dụng phụ khi được sử dụng với liều lượng thích hợp và giá thành tương đối rẻ. Ngoài ra, không bỏ qua liều hoặc ngừng dùng thuốc. Nếu bạn làm vậy, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ dần trở lại.

Ảnh hưởng của các chất khác

Một số loại thuốc, chất bổ sung và một số loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ levothyroxine của bạn. Tuy nhiên, dùng levothyroxine 4 giờ trước hoặc sau khi dùng các loại thuốc khác có thể khắc phục được vấn đề. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn ăn một lượng lớn các sản phẩm đậu nành hoặc chế độ ăn nhiều chất xơ. Hoặc nếu bạn dùng bất kỳ chất nào sau đây:

  • Thuốc bổ sung sắt, bao gồm vitamin tổng hợp có chứa sắt.
  • Cholestyramine (prevalite), một loại thuốc được sử dụng để giảm mức cholesterol trong máu.
  • Nhôm hydroxit, được tìm thấy trong một số thuốc kháng axit.
  • Sucralfate, một loại thuốc trị loét.
  • Bổ sung canxi.

Tóm lại, viêm giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn, gây nên những triệu chứng của tình trạng suy giáp. Nếu có các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ bệnh Hashimoto, bạn cần được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, để tránh những biến chứng trầm trọng của bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hashimoto's diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hashimotos-disease/diagnosis-treatment/drc-20351860

    Ngày tham khảo: 26/10/2020

  2. Hashimoto’s Thyroiditishttps://www.healthline.com/health/chronic-thyroiditis-hashimotos-disease

    Ngày tham khảo: 26/10/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người