YouMed

Viêm khớp tự phát thiếu niên: Bẩm sinh hay di truyền?

thạc sĩ bác sĩ lê chí hiếu
Tác giả: ThS.BS Lê Chí Hiếu
Chuyên khoa: Nhi khoa

Viêm khớp tự phát thiếu niên, trước đây được gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là dạng viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em dưới 16 tuổi.  Bệnh có thể gây đau, sưng và cứng khớp dai dẳng. Một số trẻ chỉ có triệu chứng trong vòng vài tháng. Trong khi số khác lại có triệu chứng suốt đời. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu để biết cách nhận diện và điều trị bệnh viêm khớp tự phát ở thiếu niên.

Triệu chứng của viêm khớp tự phát thiếu niên

Các triệu chứng phổ biến nhất là:

  • Đau. Trẻ có thể không than phiền về việc đau khớp, nhưng bạn có thể để ý rằng trẻ đi cà nhắc. Đặc biệt vào lúc mới ngủ dậy hoặc sau khi nghỉ ngơi.
  • Sưng. Sưng khớp khá phổ biến nhưng thường được chú ý đầu tiên ở những khớp lớn như khớp gối.
  • Cứng khớp. Trẻ có vẻ vụng về hơn bình thường, đặc biệt vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi.
  • Sốt, hạch to và phát ban. Trong một số trường hợp, có thể có sốt cao, hạch to hoặc phát ban ở thân mình. Thường nặng hơn vào buổi tối.

Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể ở một hoặc nhiều khớp. Có một số dạng viêm khớp tự phát thiếu niên khác nhau nhưng thường gặp nhất là viêm hệ thống, viêm ít khớp và viêm đa khớp. Mỗi dạng sẽ có triệu chứng, số lượng khớp bị tổn thương khác nhau và tùy thuộc sốt với phát ban có nổi bật hay không.

Giống như những dạng viêm khớp khác, viêm khớp tự phát thiếu niên đặc trưng về thời gian triệu chứng bùng lên và thời gian triệu chứng biến mất.

Triệu chứng đau, sưng của viêm khớp tự phát thiếu niên
Triệu chứng đau, sưng của viêm khớp tự phát thiếu niên

Nguyên nhân gây ra viêm khớp tự phát thiếu niên

Viêm khớp tự phát thiếu niên xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của chính cơ thể đó. Nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ, nhưng cả yếu tố di truyền và môi trường đều góp phần. Đột biến gen có thể khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như vi-rút. Từ đó gây nên bệnh.

Yếu tố nguy cơ: Một vài dạng viêm khớp tự phát thiếu niên gặp nhiều hơn ở nữ.

Viêm khớp tự phát thiếu niên gây ra biến chứng gì?

Trông nom trẻ cẩn thận và tìm kiếm những dấu hiệu của bệnh sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng sau:

  • Vấn đề về mắt. Một vài dạng viêm khớp có thể gây viêm màng bồ đào. Nếu biến chứng này không được điều trị, nó có thể gây đục thủy tinh thể, glaucoma và mù. Viêm màng bồ đào thường không có triệu chứng. Vì vậy cần đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên.
  • Vấn đề về tăng trưởng. Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển xương của trẻ. Một số thuốc điều trị, như corticosteroid, cũng có thể ức chế tăng trưởng.

Chẩn đoán viêm khớp tự phát thiếu niên

Chẩn đoán viêm khớp tự phát thiếu niên có thể khó khăn vì triệu chứng đau khớp có thể do nhiều bệnh gây ra. Không có xét nghiệm riêng lẻ nào có thể chẩn đoán xác định bệnh, nhưng xét nghiệm giúp loại trừ các bệnh lý khác gây ra triệu chứng tương tự.

Xét nghiệm máu

Một số xét nghiệm máu thường dùng là:

  • Tốc độ lắng máu (ESR). Là tốc độ hồng cầu lắng xuống đáy ống nghiệm. Tốc độ lắng máu tăng biểu thị tình trạng viêm. Đo ESR là phương pháp chủ yếu để xác định mức độ viêm.
  • Protein C phản ứng (CRP). Đo mức độ viêm trên một thang đo khác với ESR.
  • Kháng thể kháng nhân (ANA). Kháng thể kháng nhân là protein do hệ miễn dịch sản xuất ra trong các bệnh lý tự miễn, bao gồm cả viêm khớp. Là những chỉ dấu cho tăng nguy cơ viêm màng bồ đào.
  • Yếu tố thấp (RF). Kháng thể này thỉnh thoảng được tìm thấy trong máu của trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên.
  • Peptide vòng citrullin hóa (CCP). Tương tự như yếu tố thấp, CCP là một kháng thể khác được tìm thấy trong máu của trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên.

Nhiều trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên không có bất thường đáng kể nào trong xét nghiệm máu.

Hình ảnh học

X-quang hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể được dùng để loại trừ các bệnh lý khác. Chẳng hạn như gãy xương, u, nhiễm trùng hoặc dị tật bẩm sinh. Hình ảnh học cũng có thể được dùng nhiều lần sau chẩn đoán để đánh giá sự phát triển xương và phát hiện tổn thương khớp.

Các xét nghiệm hình ảnh học có thể được chỉ định để xác định bệnh
Các xét nghiệm hình ảnh học có thể được chỉ định để xác định bệnh

Điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên

Điều trị tập trung vào việc giúp trẻ duy trì mức độ hoạt động thể chất và xã hội bình thường. Để đạt được điều này, bác sĩ có thể phối hợp nhiều chiến lược giảm đau và sưng, duy trì tối đa khả năng vận động và sức mạnh. Đồng thời ngăn ngừa biến chứng.

Thuốc

Thuốc điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên được dùng để giảm đau, cải thiện chức năng và giảm thiểu tối đa tổn thương khớp.

Các thuốc thường dùng bao gồm:

Thuốc kháng viêm nonsteroid (NSAIDs)

Ví dụ như ibuprofen (Advil, Motrin IB) và naproxen sodium (Aleve), giúp giảm sưng đau. Tác dụng phụ bao gồm đau dạ dày và các vấn đề về gan.

Thuốc chữa thấp khớp (DMARDs)

Được dùng khi NSAIDs không thể làm giảm triệu chứng sưng đau khớp hoặc khi có nguy cơ cao tổn thương khớp sau này.

DMARDs có thể kết hợp với NSAIDs và giúp làm chậm quá trình viêm khớp. Thuốc DMARDs cho trẻ em được dùng phổ biến nhất là methotrexate (Trexall). Tác dụng phụ của methotrexate bao gồm buồn nôn và các vấn đề về gan.

Tác nhân sinh học

Còn gọi là thuốc ổn định phản ứng sinh học. Loại thuốc mới này bao gồm chất ức chế yếu tố hoại tử u (TNF), như etanercept (Enbrel) và adalimumab (Humira). Những thuốc này giúp giảm đáp ứng viêm hệ thống và ngăn ngừa tổn thương khớp.

Các tác nhân khác hoạt động để lấn át hệ miễn dịch. Bao gồm abatacept (Orencia), rituximab (Rituxan), anakinra (Kineret) và tocilizumab (Actemra).

Corticosteroids

Các thuốc như prednisone giúp kiểm soát triệu chứng cho đến khi các thuốc khác có tác dụng. Điều trị viêm ngoài khớp, chẳng hạn như viêm màng ngoài tim.

Các thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng. Vì vậy, nên được dùng trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Liệu pháp

Bác sĩ có thể đề nghị tập vật lý trị liệu để cho các khớp linh hoạt hơn và duy trì biên độ vận động và trương lực cơ.

Nhà vật lý trị liệu sẽ đề nghị các bài tập và các thiết bị bảo hộ tốt nhất cho trẻ.

Nhà trị liệu cũng sẽ hướng dẫn trẻ tận dụng nẹp hoặc thiết bị hỗ trợ khớp để bảo vệ khớp và giữ khớp ở vị trí chức năng phù hợp.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp nặng, cần phải phẫu thuật để cải thiện vị trí khớp.

Lối sống

Người chăm sóc trẻ có thể giúp trẻ học các kỹ năng giúp hạn chế ảnh hưởng của khớp viêm. Bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục rất quan trọng vì nó thúc đẩy cả sức mạnh của cơ và độ linh hoạt của khớp. Bơi lội là một lựa chọn tốt vì khớp không phải chịu nhiều áp lực.
  • Chườm lạnh hoặc chườm nóng. Cứng khớp do viêm khớp tự phát thiếu niên thường xảy ra vào buổi sáng. Mặc dù một số trẻ đáp ứng tốt với chườm lạnh, hầu hết các trẻ thích chườm nóng hoặc tắm nước nóng hơn.
  • Ăn uống lành mạnh. Một số trẻ bị viêm khớp thường ăn uống kém. Một số khác có thể thừa cân do thuốc hoặc không hoạt động. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp duy trì cân nặng phù hợp. Lượng can-xi vừa đủ trong khẩu phần ăn rất quan trọng vì trẻ bị viêm khớp tự phát có nguy cơ loãng xương do bệnh, do thuốc corticoid và giảm hoạt động thể chất và tăng cân.

Đối phó và hỗ trợ

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ đương đầu với bệnh. Cha mẹ nên:

  • Đối xử với con cái bình đẳng
  • Giải thích với trẻ rằng bệnh không phải do trẻ gây ra
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất. Luôn ghi nhớ những khuyến cáo của bác sĩ và nhà trị liệu
  • Thảo luận với thầy cô ở trường về bệnh của trẻ

Viêm khớp tự phát thiếu niên là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp. Một số dạng viêm khớp tự phát thiếu niên có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như chậm tăng trưởng và viêm màng bồ đào. Điều trị bệnh tập trung vào kiểm soát triệu chứng, cải thiện chức năng và phòng ngừa tổn thương khớp. Nếu con bạn có các triệu chứng sưng, đau khớp hoặc cứng khớp trên 1 tuần, đặc biệt nếu trẻ có sốt, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Juvenile idiopathic arthritishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/juvenile-idiopathic-arthritis/symptoms-causes/syc-20374082

    Ngày tham khảo: 06/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người