YouMed

Phụ nữ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung khi đang mang thai có nguy hiểm không?

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Viêm lộ tuyến cổ tử cung được coi là bệnh lý tương đối phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các mẹ bầu thường lo lắng nếu gặp phải vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ. Vậy, viêm lộ tuyến cổ tử cung khi đang mang thai có nguy hiểm không? Cách chẩn đoán và điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung nhé!

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một tình trạng lành tính được tìm thấy ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong tình trạng này, các tế bào tuyến (biểu mô trụ) lót mặt trong cổ tử cung xuất hiện trên bề mặt cổ tử cung, dẫn đến sự tiếp xúc của các tế bào trụ với môi trường âm đạo. Nó còn được gọi là lạc chỗ cổ tử cung hoặc lộn ngược cổ tử cung. Bên cạnh đó, bệnh còn được gọi là xói mòn cổ tử cung, tuy nhiên, cách gọi này chưa thật sự chính xác.1

Trong trường hợp mang thai, lộ tuyến cổ tử cung không phải là một tình trạng có hại và thường không dẫn đến bất kỳ biến chứng y khoa nào.Tình trạng này thường tự khỏi mà không cần điều trị và nhiều người thậm chí có thể không biết mình mắc bệnh. Nếu các triệu chứng trở nên đau đớn hoặc khó chịu, đốt thường là một phương pháp điều trị hiệu quả.

Cổ tử cung bình thường và cổ tử cung viêm lộ tuyến
Cổ tử cung bình thường và cổ tử cung viêm lộ tuyến

Dấu hiệu viêm lộ tuyến cổ tử cung khi đang mang thai

Lộ tuyến cổ tử cung thường không có triệu chứng. Nhưng bệnh lý vẫn có thể xuất hiện với các dấu hiệu sau đây:1

  • Phụ nữ bị lộ tuyến cổ tử cung thường tiết dịch âm đạo nhiều hơn bình thường.
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Các mạch máu nhỏ trong biểu mô rất dễ bị rách khi quan hệ tình dục, dẫn đến chảy máu sau giao hợp. Lộ tuyến cổ tử cung trong mang thai là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu âm đạo trong ba tháng cuối của thai kỳ.
  • Đau khi quan hệ.
  • Đau vùng xương chậu.
  • Viêm cổ tử cung tái phát.
  • Đau lưng.
  • Rối loạn tiểu tiện.
Đau lưng, đau xương chậu,… là những dấu hiệu phụ nữ mang thai có lộ tuyến cổ tử cung
Đau lưng, đau xương chậu,… là những dấu hiệu phụ nữ mang thai có lộ tuyến cổ tử cung

Nguyên nhân dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai

Lộ tuyến cổ tử cung rất phổ biến trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng do thay đổi nội tiết tố và mức độ cao của estrogen trong cơ thể của họ.2

Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như:

  • Do quan hệ tình dục không an toàn khi mang thai.
  • Không đảm bảo vệ sinh vùng kín khi mang thai, để vùng kín quá ẩm ướt hoặc quá khô.
  • Ở những bà mẹ từng bị sảy thai, tiền sử nạo phá thai, sinh non nhưng sau đó không được chăm sóc cẩn thận sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung cao hơn những trường hợp khác.
  • Trước khi mang thai, chị em có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa chưa được điều trị triệt để.
  • Lạm dụng chất tẩy rửa hay dung dịch vệ sinh dẫn đến mất cân bằng độ pH trong âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập.
  • Do mặc quần áo quá chật.

Mẹ bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung có nguy hiểm không?

Nếu bạn đang mang thai và được chẩn đoán là “cổ tử cung bị lộ tuyến” thì rất có thể sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân. Mẹ bầu có thể yên tâm, vì vấn đề này thường không ảnh hưởng đến thai kỳ và thai nhi. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ triệu chứng dịch tiết hoặc chảy máu bất thường nào thì mẹ bầu vẫn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra vì có thể còn có nguyên nhân khác.2

Sau khi được chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung, các mẹ bầu sẽ được kiểm tra nguyên nhân gây ra tình trạng này có phải do các bệnh nhiễm trùng (chlamidia, lậu, viêm âm đạo do vi khuẩn và giang mai,…) hay không. Vì một số bệnh trên có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai và chuyển dạ. Do đó, bác sĩ cần xác định đúng nguyên nhân để phòng ngừa các nguy cơ không mong muốn.

Chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai bằng cách nào?

Lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai có thể được phát hiện khi khám vùng chậu định kỳ và xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap. Tình trạng này thực sự có thể nhìn thấy khi khám phụ khoa vì cổ tử cung của bạn sẽ có màu đỏ tươi và thô ráp hơn bình thường. Nó có thể chảy máu một chút trong kỳ thi.

Các xét nghiệm chẩn đoán phổ biến nhất cho viêm lộ tuyến cổ tử cung bao gồm:

1. Khám vùng chậu

Khi khám vùng chậu, bác sĩ sẽ nhìn vào cổ tử cung để xem cổ tử cung có bị đỏ hoặc chứa các tế bào dư thừa hay không.

2. Phết tế bào cổ tử cung

Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung là một phần thông thường trong quá trình chăm sóc trước khi sinh và không gây rủi ro cho thai nhi. Nếu bạn có Pap bất thường trong khi mang thai, bác sĩ sẽ thảo luận về các phương pháp điều trị an toàn trong thai kỳ hoặc tùy thuộc vào chẩn đoán mà việc điều trị có thể trì hoãn cho đến sau khi sinh con.

3. Soi cổ tử cung

Mẹ bầu có thể soi cổ tử cung khi đang mang thai. Phương pháp này an toàn với thai kỳ và bác sĩ có thể xem các tế bào trên cổ tử cung của thai phụ đã thay đổi như thế nào. Khi thực hiện, bác sĩ sử dụng máy soi cổ tử cung (một dụng cụ phóng đại đặc biệt) để kiểm tra bề mặt của cổ tử cung nhằm tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào của chứng lộ tuyến cổ tử cung hoặc các bất thường khác. Thủ tục này có thể được thực hiện tại phàm khám của bác sĩ.

4. Sinh thiết

Sinh thiết là một thủ thuật bao gồm lấy một mẫu mô từ cổ tử cung để kiểm tra các dấu hiệu của tế bào bất thường hoặc bệnh tật. Sinh thiết có thể được thực hiện cùng lúc với soi cổ tử cung. Thai phụ chỉ được chỉ định sinh thiết khi có tổn thương nặng hoặc nghi ngờ tổn thương nặng. Các trường hợp còn lại phải trì hoãn đến khi thai kỳ kết thúc vì sinh thiết gây chảy máu rất nhiều.

Khám phụ khoa sẽ phát hiện tình trạng lộ tuyến cổ tử cung nếu có
Khám phụ khoa sẽ phát hiện tình trạng lộ tuyến cổ tử cung nếu có

Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cho bà bầu như thế nào?

Hầu hết phụ nữ không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào đối với chứng lộ tuyến cổ tử cung. Nếu bạn có các triệu chứng bắt đầu trong khi mang thai, chúng sẽ biến mất từ 3 đến 6 tháng sau khi bạn sinh con.3

Nếu có triệu chứng nặng lên bạn cần phải đến bệnh viện để được thăm khám. Mục tiêu điều trị đối với bệnh lộ tuyến cổ tử cung có triệu chứng là phá hủy biểu mô trụ tuyến dẫn đến giải quyết tình trạng ngứa âm hộ, kích ứng, tiết dịch màu vàng và đau khi giao hợp.

Hầu hết, viêm lộ tuyến cổ tử cung được điều trị bằng phương pháp đốt điện hay áp lạnh. Tuy nhiên, thai nhi có thể chịu ảnh hưởng bới những phương pháp này. Do đó, chỉ điều trị bằng đốt điện và áp lạnh sau sinh 6 tuần nếu triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung nặng và kéo dài.

Thông thường, mẹ bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc uống hay thuốc đặt. Cần đi khám khi thấy có những triệu chứng bất thường ở vùng kín để có thể được chẩn đoán sớm, có hướng điều trị phù hợp tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Các phương pháp phòng ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung cho mẹ bầu

Mặc dù viêm lộ tuyến cổ tử cung là vấn đề lành tính, tuy nhiên, nó vẫn có thể gây ra biến chứng nếu việc điều trị không được thực hiện hiệu quả ở mẹ bầu. Một số việc làm sau đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung cho các mẹ bầu:

  • Thực hiện khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Khám phụ khoa đúng lịch sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý phụ khoa trước khi mang thai.
  • Lựa chọn và sử dụng sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp.
  • Không thụt rửa quá sâu trong âm đạo.
  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ đầy đủ, an toàn khi quan hệ tình dục.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho vùng kín, đặc biệt là trước và sau khi “làm chuyện ấy”.
  • Không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc thực hiện các cách chữa bệnh truyền miệng chưa được kiểm chứng.
  • Ngoài ra, thai phụ cần thực hiện khám thai định kỳ hoặc liên hệ thăm khám khi có dấu hiệu bất thường ở vùng kín.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm nhiều thông tin cho bạn đọc về viêm lộ tuyến cổ tử cung khi đang mang thai. Đây là vấn đề phụ khoa lành tính. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu nhận thấy các dấu hiệu nghiêm trọng thì nên liên hệ bác sĩ chuyên môn để được điều trị hợp lý nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cervical Ectropionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560709/

    Ngày tham khảo: 06/04/2023

  2. Cervical Ectopy (Cervical Erosion)https://mft.nhs.uk/app/uploads/sites/4/2018/04/18-28-Cervical-Ectopy-June-2018.pdf

    Ngày tham khảo: 06/04/2023

  3. What Is Cervical Ectropion?https://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/cervical-ectropion

    Ngày tham khảo: 06/04/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người